Bài viết của một học viên trẻ Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-11-2023] Một hôm, sau khi học Pháp xong, em trai của tôi, cũng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, hỏi tôi: “Chị học Pháp thế nào? Chị chỉ cứ đọc Pháp mà không suy nghĩ gì nhiều, hay chị cố gắng để hiểu các Pháp lý của Sư phụ?”

Tôi trả lời, “Có lúc chị vừa đọc vừa hiểu nội hàm của Pháp.” Sau đó, cậu ấy lại hỏi liệu tôi có bao giờ chú ý đến các đề mục không. Tôi sững lại và nhận ra rằng, mặc dù tôi học Pháp đã lâu như vậy, nhưng quả thực tôi chưa bao giờ chú ý đến các tiêu đề trong Chuyển Pháp Luân. Tôi bèn lắc đầu.

Em tôi bảo rằng việc tập trung trong quá trình học Pháp là một thử thách đối với cậu ấy. Trong khi học Pháp nhóm, cậu ấy thường bị lơ đễnh và thậm chí ngủ gật khi chưa đến lượt mình. Hôm qua học đến bài giảng thứ ba, cậu ấy nghĩ: “Nếu đây là lần đầu tiên mình học Pháp, mình sẽ làm gì nhỉ? Đầu tiên mình sẽ mở phần mục lục và đọc một cách cẩn thận. “Vì vậy cậu ấy đã mở sách ra và đọc phần mục lục. Mắt cậu ấy chạm ngay đề mục “Sư phụ cấp gì cho học viên”. Đột nhiên cậu ấy cảm thấy muốn đọc xem Sư phụ sẽ ban cho chúng ta những gì vì, vậy là cậu ấy bắt đầu học Pháp như thể cậu ấy vừa tìm được kho báu vậy.

Sau khi nghe những lời chia sẻ của cậu ấy, tôi đột nhiên như thức tỉnh và bắt đầu nghĩ đến việc học Pháp thường ngày của mình. Cậu ấy tiếp tục nói, “Tối nay, khi học Pháp, em sẽ bắt đầu bằng cách đọc tiêu đề rồi sau đó sẽ học một cách tập trung.” Tôi nhận ra rằng mình đã không thật sự ghi nhớ những Pháp lý của Sư phụ. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đề cao tâm tính là như thế nào. Tôi chỉ nghĩ rằng tu luyện tâm tính là bảo trì một tâm thái tốt. Tuy nhiên, khi tôi đọc tiêu đề “Đề cao tâm tính” và đọc đến đoạn một học viên đã không yêu cầu được bồi thường khi bị xe hơi đâm, tôi nhận ra rằng việc tu luyện tâm tính khác xa với tâm thái tốt của người thường. Nó bao hàm tầng ý nghĩa rộng lớn và thâm sâu hơn nhiều.

Sư phụ giảng:

“Pháp có thể chỉ đạo cho chư vị đề cao ở các tầng thứ khác nhau. Cuốn “Chuyển Pháp Luân” là cuốn sách có thể cho phép chư vị tu luyện một cách có hệ thống, do đó nó là trọng yếu nhất.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Úc [1999])

Sư phụ cũng giảng:

“Điều tu luyện mà tôi cấp cho mọi người chính là «Chuyển Pháp Luân», cuốn sách này là Pháp có hệ thống. Những điều khác mà tôi giảng chỉ là giải thích «Chuyển Pháp Luân», đều là bổ trợ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])

Rất nhiều đồng tu khi mới tu luyện tinh tấn học Pháp, thậm chí họ thức trắng đêm để đọc hết cuốn Chuyển Pháp Luân. Tại sao bây giờ chúng ta, những học viên lâu năm, lại giải đãi như vậy? Tôi cũng nhận thấy rằng rất nhiều học viên đối mặt với can nhiễu khi học Pháp. Một số người ngủ gật, một số người lơ đễnh, trong khi một số người khác đọc như thể để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng có nhiều người học Pháp thường hằng không buông lơi, nhưng khi gặp khó khăn lại căn bản không nhớ đến Pháp của Sư phụ. Bị hãm trong tình, với người thường thì có thể cư xử tường hòa, nhưng với người nhà là đồng tu thì thường lại không coi mình là người tu luyện. Các học viên lớn tuổi phàn nàn về việc các học viên trẻ thiếu sự kính trọng đối với mình, trong khi các học viên trẻ lại cảm thấy thiếu sự cảm thông từ các học viên lớn tuổi. Khi mở sách ra thì chúng ta cung kính, nhưng sau khi gấp sách lại, chúng ta lại rơi vào cái bẫy ấy. Đây không phải là điều mà Sư phụ muốn thấy.

Khi học Pháp chúng ta phải dụng tâm để học. Đối mặt với các vấn đề, chúng ta cần hướng nội tìm, dĩ Pháp vi Sư, đo lường mọi thứ chiểu theo Pháp thì chúng ta mới có thể thực sự đề cao bản thân.

Những gì em trai tôi nói hôm nay chính là lời nhắc nhở của Sư phụ đối với nhóm học Pháp của chúng tôi, cần phải tinh tấn học Pháp! Sau mỗi câu hay các đề mục trong Pháp của Sư tôn đều chứa đựng nội hàm vô hạn. Sau khi chia sẻ về nhận thức này, từ hôm nay trở đi, chúng tôi cần phải coi trọng chú ý đến từng câu Pháp của Sư phụ và dĩ Pháp vi Sư.

Sự bảo hộ từ bi của Sư phụ

Khi còn nhỏ, tôi luôn thích đọc các bài chia sẻ của các học viên về những tháng ngày họ theo Sư phụ hồng truyền Đại Pháp ra công chúng. Một trong những bài chia sẻ đã đề cập rằng khi Sư phụ giúp hai chị em tiêu nghiệp, Sư phụ đã hỏi từng người rằng, “chư vị ổn hơn chưa?”

Và thực tế là, người em tự tin khẳng định rằng cô ấy rất ổn liền lập tức có thể đi lại dễ dàng. Trong khi người chị lúc đầu không thực sự tin rằng Sư phụ đã chữa bệnh cho mình phải mất nhiều thời gian hơn mới hoàn toàn bình phục.

Ví dụ này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tuổi thơ của tôi. Tôi hiểu ra rằng khi chúng ta gặp trở ngại thì niệm đầu của chúng ta là rất quan trọng.

Một ngày, khi tôi ra ngoài với anh chị em của mình để giảng chân tướng về Đại Pháp, chúng tôi đã gặp rất nhiều cảnh sát ở một ngã tư. Chúng tôi đã rất sợ hãi. Sau đó, chị tôi, cũng là một học viên Đại Pháp, thì thầm phía sau tôi, “Mọi thứ sẽ ổn thôi, chúng ta hãy phát chính niệm.”

Một viên cảnh sát tiến lại gần và nhắc chúng tôi hãy chú ý đến an toàn rồi rời đi. Khi về nhà, chúng tôi đã kể chuyện này cho mọi người trong nhà, tôi nhớ rằng khi ấy tâm trí chúng tôi đều thanh tỉnh và chúng tôi chỉ tập trung vào việc phát chính niệm.

Mấy năm gần đây, nhiều hội nhóm đã được lập ra để chỉ trích về sự suy thoái kinh tế và các cuộc đàn áp khác nhau của chính phủ. Một số học viên cũng tham gia, và còn bày tỏ sự thất vọng về nhiều vấn đề khác nữa. Gia đình tôi điều hành một doanh nghiệp và mẹ tôi thường bày tỏ mối quan ngại về sự suy thoái kinh tế.

Sư phụ giảng:

“Mọi người đều biết rằng, trong những người tu Đại Pháp chúng ta, [có người] làm kinh doanh, làm kinh doanh lớn cũng có, họ là người tu luyện, trong hoàn cảnh công tác của mình, họ đều là người tốt, không nói dối, không lừa đảo người khác, nhưng việc kinh doanh của họ làm rất tốt. Họ cũng không lao tâm như người thường – đến độ mà ăn không ngon, ngủ không yên – nhưng việc kinh doanh của tất cả họ đều rất tốt. Đặc biệt trong thời kỳ kinh tế suy thoái này lại càng hiển lộ rõ sự khác biệt của người tu luyện. [Khi một người] có thể đạt đến tiêu chuẩn tu luyện, những loại hiện tượng siêu thường như vậy sẽ xuất hiện.”(Giảng Pháp tại Pháp hội Úc [1999])

Chúng ta không nên động tâm theo những biến động trong cuộc sống thường ngày giống như người thường. Khi đối mặt với những khó khăn như vậy, niệm đầu tiên của một học viên cần truy xét lại trạng thái tu luyện của mình – liệu đây có phải lúc để đề cao và có chấp trước nào cần phải buông bỏ hay không.

Tôi đã chia sẻ thể ngộ này với mọi người trong gia đình và chỉ ra rằng mẹ tôi không nên liên tục phàn nàn như vậy. Khi chúng tôi cùng hướng nội và chỉ tập trung tu luyện, công việc kinh doanh của chúng tôi cũng thuận lợi hơn. Đúng như lời Sư phụ giảng:

“Chúng ta giảng rằng, tốt xấu xuất tự một niệm của người ta, sai biệt ở một niệm ấy đưa đến hậu quả khác nhau.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Chúng con vô cùng biết ơn sự bảo hộ của Sư phụ.

Tu luyện như thuở đầu

Còn có một sự việc khác, bố mẹ của một học viên mới không cho phép cô ấy tu luyện Đại Pháp. Vậy nên, mỗi lần đến thăm dì của mình, cũng là một học viên, cô đều tận dụng mọi thời gian để học Pháp. Cô ấy có một mong muốn mạnh mẽ được gặp các học viên khác ở trường, vì vậy dì của cô ấy khuyên cô nên cầu xin Sư phụ trợ giúp.

Tình cờ qua một học viên mà chúng tôi đều quen, tôi và cô ấy đã liên lạc với nhau và chúng tôi thực sự học chung một trường. Việc được gặp đồng tu đã mang lại cho chúng tôi niềm vui to lớn. Chúng tôi rất hợp nhau và chia sẻ với nhau những trải nghiệm trong tu luyện. Mối liên hệ thâm sâu giữa chúng tôi quả là không thể diễn tả bằng lời, chúng tôi chỉ biết bày tỏ lòng cảm ân sâu sắc đối với Sư phụ.

Tôi vô cùng cảm động khi chứng kiến sự tận tâm và trân quý của học viên này đối với Đại Pháp. Ngẫm lại sự tu luyện của mình, tôi cảm thấy mình thật may mắn biết bao. Cả gia đình tôi đều tu luyện Đại Pháp, và ngay từ khi tôi vừa biết nói, bố mẹ tôi đã dạy tôi đọc các bài thơ trong Hồng Ngâm của Sư phụ. Bà tôi, cũng là một học viên, thường hay đưa tôi đến thăm các đồng tu khác. Những ngày tháng đó thật thiêng liêng và ý nghĩa. Tuy nhiên, khi chúng tôi lớn lên và bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi xã hội, chúng tôi đã dần buông lơi. Đôi khi chúng tôi đắn đo khi học Pháp, ngay cả khi được cha mẹ nhắc nhở và khích lệ.

Khi tôi chăm chú nhìn người học viên mới trước mặt, mỗi khi nhắc đến Đại Pháp, đôi mắt cô ấy lại sáng long lanh. Tôi cảm thấy như sự phản chiếu hình ảnh của bản thân mình ngày trước – được đắm mình trong Pháp hồi tôi còn nhỏ. Dù phải trông các em, tôi vẫn chăm chỉ học thuộc Pháp quanh năm ngày tháng. Khi bị các bạn bắt nạt ở lớp mẫu giáo, về nhà tôi sẽ kể lại cho bố mẹ và tự tin bảo rằng, “Các bạn mắng con thì các bạn sẽ mất đức, còn con không ngốc mà nói lại các bạn.”

Ngẫm lại điều này, tôi thấy cảm giác đó vừa lạ lẫm nhưng cũng rất thân thuộc, và thật tốt nếu ai cũng có thể tu luyện như thuở đầu.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/5/465292.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/25/213478.html

Đăng ngày 10-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share