Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-01-2024] Giữa tháng 1 năm 2024, một học viên ở huyện Khánh Thành, tỉnh Cam Túc bị bỏ tù sau khi ông kháng cáo bất thành trước án tù 6 năm oan sai chỉ vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị ĐCSTQ bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Ông Diêu Lực Thư, 44 tuổi, bị bắt vào khoảng cuối năm 2021. Ông Diêu bị nhắm đến sau khi một học viên Pháp Luân Công khác ở địa phương là bà Trương Bình 61 tuổi, một cựu nhân viên bưu điện, bị bắt vào ngày 22 tháng 11 năm 2021 vì phát tặng tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở huyện Trấn Nguyên gần đó. Cảnh sát bắt ông Diêu sau khi biết ông cung cấp tài liệu cho bà Trương. Hiện vẫn chưa xác định rõ ngày ông bị bắt giữ.
Ông Diêu và bà Trương bị Tòa án Huyện Trấn Nguyên đưa ra xét xử trực tuyến vào tháng 5 năm 2023. Cũng trong tháng này, cả hai ông bà đều bị kết án 6 năm. Kháng cáo của ông Diêu bị bác bỏ, tuy nhiên không rõ chính xác thời điểm. Sau đó, ông bị bỏ tù phi pháp. Chưa biết ông bị giam giữ ở nhà tù nào.
Bức hại trong quá khứ
Đây không phải lần đầu ông Diêu bị nhắm đến chỉ vì đức tin của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở thành giáo viên trung học. Ngày 11 tháng 7 năm 2008, hơn mười người từ Cục Công an Thành phố Khánh Dương, Đội An ninh Nội địa Thành phố Khánh Dương và Cục Công an Huyện Khánh Thành bắt giữ ông ở ký túc xá trường. Họ tịch thu của ông các Kinh sách Pháp Luân Công, máy nghe nhạc MP3, máy tính xách tay và hai bản Tuần Báo Minh Huệ. Sau đó, ông bị đưa vào Trại tạm giam Huyện Hoàn. Tại đó, ông bị đánh đập tàn bạo.
Cả huyện Hoàn, huyện Khánh Thành và huyện Trấn Nguyên đều trực thuộc thành phố Khánh Dương.
Viện Kiểm sát Huyện Khánh Thành truy tố ông Diêu và cuối tháng 3 năm 2009, Tòa án Huyện Khánh Thành đưa ông ra xét xử. Bằng chứng truy tố là các bài viết của ông đăng lên mạng phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công. Sau đó, vào ngày 9 tháng 4 năm 2009, ông bị kết án bốn năm tù và bị đưa vào Nhà tù Thiên Thủy.
Vài tháng đầu trong tù, ông Diêu bị đưa vào “Nhóm Tân binh”. Ông bị ép xem các chương trình truyền hình phỉ báng Pháp Luân Công, bắt học thuộc nội quy nhà tù, tham gia tập thể dục hoặc lao động cưỡng bức không công. Cai ngục cũng lệnh cho ông viết “báo cáo tư tưởng” mỗi tháng. Một tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát mọi hành động của ông. Ông không được phép luyện các bài công pháp Pháp Luân Công hay nói chuyện với các tù nhân khác.
Lưu Giang Đào, Phó đội trưởng “Đội chống tà giáo” trong tù, đích thân “làm việc” với ông Diêu, nỗ lực khiến ông từ bỏ Pháp Luân Công. Trong nhiều ngày liên tục, ông Lưu bắt ông Diêu ngồi trên một chiếc ghế băng nhỏ từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm hàng ngày, cùng lúc lính canh còn sốc điện, đánh đập và lăng mạ ông.
Vài tháng sau, Ông Diêu bị chuyển tới Nhóm 1 của Đội 1. Ông bị ép lao động cưỡng bức không công trong một phân xưởng. Ông phải đẩy những chiếc xe chất đầy kim loại nặng, vận chuyển than, đập các loại đá, kiểm tra chất lượng quần áo do các tù nhân khác làm ra và phải dọn dẹp nhà tù.
Sau khi ông Diêu được thả, ông biết được nhà trường nơi ông giảng dạy đã ngừng trả lương cho ông từ tháng 1 năm 2010. Họ từ chối cho ông làm việc trở lại và yêu cầu ông tới phòng hành chính nhân sự thuộc Sở giáo dục địa phương để hỏi rõ nguyên nhân. Những người ở đó cho hay, bất kỳ cá nhân nào từng có tiền án đều không thể phục hồi công việc.
Trước khi bị bắt vào năm 2008, mức lương hàng tháng của ông Diêu là 2.000 Nhân dân tệ. Nếu không tính tới mức tăng lương hàng năm, tổn thất tài chính do ông bị sa thải phi pháp ít nhất lên tới 322.000 Nhân dân tệ (2.000 Nhân dân tệ một tháng cho 161 tháng tính từ tháng 1 năm 2010 tới tháng 3 năm 2023).
Báo cáo liên quan:
Hơn 30 học viên bị giam giữ tại nhà tù Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/19/471129.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/23/214422.html
Đăng ngày 27-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.