Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở ngoài Trung Quốc
[MINH HUỆ 03-10-2023] Trong những bài giảng của mình, Sư phụ thường nhấn mạnh rằng đệ tử Pháp Luân Đại Pháp phải học Pháp thật tốt, và chỉ qua việc học Pháp chúng ta mới có thể hoàn thành sứ mệnh của mình. Sư phụ cũng chỉ ra rằng một số vấn đề mà người tu luyện chúng ta gặp phải là vì chúng ta không học Pháp tốt.
Sư phụ giảng:
“Những nơi nào đang thực thi thật tốt cứu độ chúng sinh và chứng thực Pháp, và có biến đổi lớn, nhất định là vì mọi người học Pháp tốt. Những đệ tử Đại Pháp nào có đề cao cá nhân nhanh chóng nhất định là vì coi trọng học Pháp.” (Gửi Pháp hội Úc [2006], Tinh Tấn Yếu Chỉ III)
Trong suốt 20 năm tu luyện của mình, tôi cảm thấy không dễ để làm tốt việc học Pháp, vì có quá nhiều thứ can nhiễu.
Chấp trước vào làm các việc
Tôi nhận ra chấp trước vào làm các việc là vấn đề chính gây mất tập trung khi chúng ta học Pháp.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, tôi là một trong những học viên đầu tiên bước ra giảng chân tướng cho mọi người trong vùng của chúng tôi. Nhiều học viên nghĩ rằng tôi tu luyện rất tốt, và tôi cũng khá hài lòng với bản thân. Tôi không nhìn ra tâm oán giận, tức giận và những tâm lý tiêu cực mà tôi có đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một học viên đã chỉ ra rằng tôi chỉ tập trung làm việc chứ không tu bản thân, vì tôi luôn tranh cãi gay gắt với mẹ mình, một người không tu luyện. Tôi nghĩ điều đó quan trọng và tôi cũng không hiểu rằng nó là một phần của việc tu tâm tính. Điều tệ hại nhất đó là khi tôi nổi giận, tôi không thể bình tĩnh lại được và học Pháp rất ít chứ chưa nói đến luyện công.
Mẹ tôi cũng nói rằng tôi không phải người tu luyện mà chỉ tham gia chính trị vì bà chẳng thấy tôi luyện công bao giờ cả. Mẹ tôi không chỉ là người duy nhất mà tôi hay tranh cãi cùng. Tôi tranh cãi với tất cả những ai không đồng tình với tôi. Tôi dễ bị kích động, hay bực bội và luôn tranh đấu.
Suốt nhiều năm qua, tôi luôn bị thúc đẩy bởi một mong muốn mạnh mẽ được làm các việc. Gần đây tôi có gửi một số bài chia sẻ cho trang Minh Huệ. Trong quá trình viết bài, tâm chấp trước làm các việc trở nên càng ngày càng mạnh và tôi muốn viết được nhiều hơn và nhanh hơn. Tôi không thể tĩnh lại ngay cả khi học Pháp hay luyện công. Đầu óc tôi luôn hoạt động, hết ý này đến ý khác xuất hiện và tôi không thể ngừng viết.
Đôi khi tôi ngồi viết cả ngày. Tôi không học Pháp cũng chẳng luyện công. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng cảm xúc của con người đã kiểm soát tôi và tôi sẽ làm bất cứ điều gì mình thích thay vì sắp xếp thời gian một cách cẩn thận.
Khi viết một bài chia sẻ dài, cái tôi của tôi lại lớn thêm. Nhưng khi nhận thấy bài viết của mình hiếm khi được đăng, tôi cảm thấy bối rối vì nghĩ rằng các bài viết của mình chẳng có gì sai cả.
Sau này tôi đã nhận ra các vấn đề của mình. Trên bề mặt, tôi đang viết các bài chia sẻ để chứng thực Pháp nhưng khi tôi bỏ bê việc học Pháp và luyện công, tôi đã đi chệch hướng. Nếu tôi không thể chính lại bản thân mình, hậu quả sẽ rất thảm khốc. Có bài viết được đăng không có nghĩa là tôi đã đề cao trong tu luyện. Tôi phải làm tốt cả ba việc. Học Pháp tốt là điều quan trọng nhất vì đây là nền tảng cho mọi thứ.
Tôi cũng nhận ra rằng đằng sau chấp trước được làm các việc của mình là một chấp rất mạnh vào cái tình của con người, chẳng hạn như cảm giác đạt được thành tựu: Tôi cảm thấy mình đã đóng góp và thành tựu điều gì đó. Đằng sau điều này là cái tôi của tôi, lòng tham đạt được công đức và mong muốn đi đường tắt.
Can nhiễu từ nghiệp tư tưởng
Tôi nhận thấy mình dễ dàng dành cả một hay hai giờ đồng hồ để đọc các bài chia sẻ của các học viên nhưng luôn có vấn đề trong việc tìm thời gian để học Pháp. Thậm chí khi tôi không bận, tôi cũng chỉ dành thời gian để làm thứ gì đó thay vì học Pháp.
Vài học viên nói rằng khi học Pháp, họ thấy bản thân hoàn toàn tập trung và có cảm giác hòa tan trong Pháp. Tôi cảm thấy ghen tỵ với họ vì chẳng mấy khi tôi có cảm giác này.
Bây giờ tôi hiểu được rằng học Pháp có thể trực tiếp loại bỏ được các vật chất xấu trong tư tưởng của chúng ta, vì các chấp trước và tư tưởng xấu luôn cố gắng hết sức để ngăn chúng ta học Pháp. Chúng ta phải loại bỏ những can nhiễu này. Mặc dù đọc các bài chia sẻ cũng có thể giúp chúng ta ngộ ra vài điều mà chúng ta chưa biết, nhưng nó không bao giờ có thể thay thế được việc học Pháp, vốn là yêu cầu cơ bản nhất cho tất cả các học viên Pháp Luân Đại Pháp.
Tôi từng nghĩ chỉ cần bản thân có thể đề cao thể ngộ về Pháp nhờ đọc các bài chia sẻ là đủ. Sau này tôi mới nhận ra rằng nếu không học Pháp tốt và loại bỏ các vật chất xấu trong tư tưởng của bản thân, và nếu tôi không đề cao tâm tính, thì công của tôi cũng không đề cao và tôi sẽ không tu luyện được.
Dĩ nhiên, việc đọc các bài viết chia sẻ là quan trọng, nhưng chúng ta không được sang cực đoan hoặc xem chúng là ưu tiên.
Can nhiễu từ chủ nghĩa vô thần
Một yếu tố khác cũng đang ngăn cản việc tôi học Pháp đó là tư tưởng vô thần của tôi. Tôi chú ý nhiều hơn đến các thứ hữu hình và những thành tựu mà bỏ qua những “thành tựu” vô hình mà tôi đạt được khi học Pháp. Ngoài ra còn có vấn đề thiếu niềm tin vào Đại Pháp và Sư phụ.
Bây giờ tôi mới nhận ra rằng chỉ qua việc học Pháp tốt chúng ta mới có thể có được thay đổi căn bản, loại bỏ ma tính, cải biến nhân tính thành Phật tính. Chúng ta không bao giờ có thể đạt được tiêu chuẩn của Pháp nếu chúng ta làm mọi việc bằng chấp trước của con người. Ngược lại, chúng ta sẽ đi theo sự an bài của cựu thế lực hoặc đi sang phía phản diện vì tự đề cao bản thân.
Dấu hiệu của việc học Pháp không tốt
Tôi nghĩ những dấu hiệu cho thấy một người học Pháp không tốt có thể bao gồm việc học Pháp không đủ, không thể tập trung khi học Pháp, coi việc học Pháp như một nhiệm vụ, không có niềm tin tuyệt đối vào Pháp, không dùng các Pháp lý để chỉ đạo tu luyện, hoặc không áp dụng các Pháp lý trong hành xử của mình.
Ví dụ như mới gần đây khi đọc sách Chuyển Pháp Luân, tôi nhận ra mình đã từng không hiểu đúng điều Sư phụ giảng trong câu sau:
“Còn có rất nhiều Pháp lớn của Phật gia đang lưu truyền tại dân gian, đơn truyền qua các thời đại.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Tôi đã cảm thấy từ “đơn truyền” nghe giống như trong chuyện cổ tích thần thoại. Tôi có cảm giác tương tự khi đọc một dòng trong cuốn Chuyển Pháp Luân:
“Chúng tôi đã phải qua biết bao nhiêu thế hệ, trải qua từ niên đại cực kỳ xa xưa, con số ấy mà giảng ra sẽ khiến người ta phải giật mình sửng sốt; điều được hình thành từ hằng xa xưa như thế, chư vị chỉ bỏ ra mấy chục đồng để mua Pháp Luân là sao?” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)
Bây giờ tôi nhận ra để có thể tu luyện vững chắc chúng ta phải có niềm tin tuyệt đối vào Pháp.
Cách đây vài năm, mặc dù tôi cố gắng dành thời gian để học Pháp và luyện công, nhưng vẫn chưa thực sự thành tâm. Ngay khi đặt cuốn sách xuống, tôi đã trở thành một người thường.
Gần đây tôi tập trung hơn khi học Pháp và bắt đầu nhìn thấy các Pháp lý. Tôi có thể cảm nhận được tâm tính của mình đề cao lên từng chút từng chút một.
Tôi để ý thấy những học viên làm tốt việc học Pháp luôn tín Sư tín Pháp, đối xử khiêm tốn với người khác, và tin rằng Sư phụ luôn chăm sóc cho họ. Họ có thể xem xét các vấn đề dựa trên Pháp một cách bình tĩnh và lý trí.
Ngược lại, những người chưa học Pháp tốt có xu hướng nhấn mạnh cách làm việc và khả năng của người thường và dùng tâm lý con người để nhìn nhận sự việc và con người.
Bài học từ việc không học Pháp tốt
Có một học viên bảo với tôi rằng cô ấy không ngộ được gì mới khi cô ấy học Pháp vì cô ấy đã biết nội dung rồi. Kết quả là, cô ấy rất dễ nổi giận và thường xuyên mắng mỏ chồng con. Tuy nhiên, cô ấy rất tích cực trong các hoạt động giảng chân tướng. Cách đây vài năm cô ấy đã đột ngột qua đời.
Một học viên lớn tuổi thường hay tranh cãi với người khác. Bà ấy nói rằng mình có tâm sắc dục rất mạnh và luôn muốn ra ngoài để làm các việc. Bất cứ khi nào bà ngồi xuống để học Pháp, bà đều cảm thấy bất an. Bà đã qua đời vì nghiệp bệnh.
Một học viên lớn tuổi khác, người này chú ý đến việc học Pháp và luôn đảm bảo bản thân phải học ba bài giảng mỗi ngày. Bà cũng rất tích cực trong việc giảng chân tướng. Tuy nhiên, bà không biết cách hướng nội và xem việc học Pháp như một nhiệm vụ. Kết quả là, bà thường không giữ được tâm tính của mình. Bà cũng đã qua đời.
Tôi nhận ra rằng chúng ta không nên xem việc học Pháp như một nhiệm vụ và thái độ của chúng ta trong việc học Pháp là rất quan trọng.
Tôi đã gặp rất nhiều vấn đề trong hành trình tu luyện của mình, chủ yếu là do không học Pháp tốt và có quá nhiều chấp trước người thường.
Đã nhiều năm trôi qua nhưng tôi không thể ngộ được các Pháp lý khi học Pháp. Khi ai đó làm phiền tôi, tôi không kiểm soát được cơn giận của mình mặc dù tôi hiểu rằng họ thực sự đang cấp vật chất đức cho tôi. Cuối cùng tôi nhận ra rằng chỉ qua việc học Pháp thật tốt thì chúng ta mới có thể thấy uy lực của Pháp.
Mặc dù khi gặp phải các vấn đề tôi đều nghĩ đến các Pháp lý, nhưng tôi vẫn không thể hành động phù hợp vì những chấp trước người thường của mình và can nhiễu của cựu thế lực.
Suốt 20 năm qua tôi không thể kiểm soát được tính khí của mình. Bất kể ai làm phiền tôi, cho dù họ là người thân trong gia đình, đồng nghiệp hay học viên tôi đều cảm thấy tức giận. Những cuộc tranh cãi với những thành viên trong gia đình thường kéo dài hàng giờ, và sau đó nhiều ngày tôi vẫn cảm thấy khó chịu.
Tôi cũng có tâm tranh đấu rất mạnh trong các hạng mục mà chúng tôi đang thực hiện và tôi đã phán xét mọi người. Vì tôi đã sử dụng hạng mục để chứng thực bản thân nên tâm tính của tôi cứ mãi trượt dài thay vì đề cao.
Chỉ gần đây tôi mới có thể kiềm chế được tính khí nóng nảy của mình. Tôi đã mất rất lâu để thay đổi chỉ vì không học Pháp tốt. Dù không dễ nổi nóng như trước nhưng tôi vẫn dễ bị xúc động. Ví dụ như, tôi có xu hướng suy nghĩ cực đoan và nuôi dưỡng những suy nghĩ tiêu cực.
Khi xảy ra xung đột về tâm tính, tôi vẫn thích giải quyết chúng thông qua việc đọc các bài chia sẻ, chia sẻ với người khác hoặc suy nghĩ kỹ hơn thay vì chú ý đến việc học Pháp.
Gần đây ban biên tập Minh Huệ có đăng bài Kinh văn mới có thể phát trong người thường không?, trong đó có đoạn: “Về vấn đề phát kinh văn của Sư phụ, các đồng tu ở Trung Quốc đại lục chúng ta không chỉ phải thuận theo an bài của Sư phụ, mà còn cần phải trong quá trình đề cao tâm tính và ngộ tính (chứ không phải phỏng đoán hay nhận định bừa), có được trí huệ và khải thị từ Pháp, tĩnh tâm xuống mà tìm trong Pháp, thì mới có thể ngộ đạo từng chút từng chút một.”
Đối diện với các vấn đề và khổ nạn, chúng ta nên “bình tĩnh và tìm ra câu trả lời từ Pháp.” Đây là điều quan trọng nhất. Mỗi ngày tôi phải học Pháp với tâm thành kính, ngộ ra các Pháp lý để chính lại bản thân sao cho phù hợp. Nếu không thì việc tu luyện của tôi sẽ chỉ là lời nói suông.
Chấp trước vào tình
Tôi nhận ra rằng nếu chúng ta không học Pháp tốt, chúng ta sẽ bị cái tình chi phối và nhìn mọi thứ bằng tâm người thường. Chỉ qua việc học Pháp thật tốt, chúng ta mới có thể buông bỏ được cái tình và biến “cái tình” này thành từ bi. Tất cả những chấp trước của chúng ta đều bị thao túng bởi cái tình của con người.
Khi không thể nhìn thấy các Pháp lý, tôi đã bị những cảm xúc mạnh mẽ này dẫn động, chẳng hạn như giận dữ, nóng nảy, yêu và ghét. Sau này khi cải thiện việc học Pháp, tôi đã có thể nhìn thấy được nhiều Pháp lý. Những cảm xúc người thường của tôi cũng dần dần giảm bớt, nhưng tôi vẫn bị các nhân tố tình can nhiễu.
Ví dụ như, vẫn có những thứ tôi cảm thấy thích và không thích làm; thiếu sự nhất quán, tính kỷ luật và thiếu kiên nhẫn. Tôi nhận ra mình phải học Pháp nhiều hơn nữa để biến cảm xúc thành lý trí và từ bi.
Lợi ích của việc học Pháp với tâm tĩnh lặng
Tôi từng cảm thấy khá bất an khi học Pháp và không thể nhìn ra nội hàm của các Pháp lý. Tuy nhiên tôi không lo lắng và nghĩ rằng hãy để mọi việc diễn ra theo tự nhiên.
Tôi đang sử dụng tư duy con người để nhìn nhận các Pháp lý, nghĩ rằng một số nội dung là về các không gian khác, và do đó, chẳng liên quan gì tới việc đề cao tâm tính của chúng ta. Tôi đã không hiểu được uy lực kỳ diệu phi thường của Pháp.
Tôi đã đạt được rất nhiều sau khi học Pháp với tâm tĩnh lặng và muốn chia sẻ một vài ví dụ ở đây.
Có lần khi con trai tôi và tôi đang học Pháp, tôi bắt đầu nóng giận vì cháu không chú tâm khi đang học Pháp. Con trai tôi đã tức giận đáp lại tôi. Tôi nhớ đến bài giảng của Sư phụ về điều một học viên nên làm khi đối diện với mâu thuẫn, và cơn tức giận của tôi liền lập tức biến mất. Tôi đã chia sẻ nguyên lý này với con trai mình và cháu đã rất ngạc nhiên trước uy lực của Đại Pháp.
Tôi từng không thích một học viên khác và cảm thấy khó chịu với mọi điều mà anh ấy nói, như thể anh ấy đang nhắm vào tôi. Tôi thường hay tranh cãi với anh ấy.
Khi tôi đang đọc sách Chuyển Pháp Luân, có một câu trong Bài giảng thứ sáu khiến tôi chú ý. Sư phụ giảng:
“Thời gian phổ cập khí công ngoài xã hội còn rất ngắn, có rất nhiều người còn ôm giữ quan điểm cố chấp, mãi vẫn không thừa nhận nó, [mà] phỉ báng nó, bài xích nó; cũng không hiểu nổi trạng thái tâm lý của họ là gì nữa, họ chán ghét khí công nhường ấy, cứ như [khí công] có liên quan gì đến họ vậy; hễ nói đến khí công [họ] liền bảo là duy tâm. Khí công là khoa học, là khoa học cao hơn. Chỉ có điều loại người này quan niệm quá cố chấp, tri thức quá hạn hẹp tạo thành như vậy.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)
Tôi nhận ra mình không thể chịu được vị học viên kia vì tôi có quan niệm cố chấp và tri thức hạn hẹp. Kết quả là tôi luôn đánh giá người khác bằng tư duy hạn hẹp của mình. Khi nhận ra các vấn đề của mình, tôi đã buông bỏ suy nghĩ tiêu cực về vị học viên đó và cảm thấy tâm thật nhẹ nhõm.
Tôi nhận ra rằng khi học Pháp với tâm tĩnh lặng, Pháp thực sự sẽ chỉ cho tôi những Pháp lý cụ thể mà tôi cần ngộ ra, chỉ dẫn tôi vượt qua khảo nghiệm mà tôi đang phải đối mặt và giúp tôi đề cao tâm tính.
Tôi ngộ ra rằng tầng tầng lớp lớp Phật, Đạo, Thần đều có ở phía sau mỗi chữ và Pháp luôn chỉ dẫn chúng ta bằng trí huệ. Nếu tôi cảm thấy mình đang đọc đi đọc lại cùng một nội dung, có nghĩa là tôi đang không học Pháp với tâm tĩnh lặng và không thể hiện sự tôn trọng và chân thành, nên tất nhiên, tôi không thể nhìn thấy nội hàm của Pháp.
Có học viên nói: “Bất cứ khi nào gặp tình huống khó khăn, tôi đều tự nhủ rằng bản thân không thể tự vượt qua được nhưng Pháp có thể đưa tôi vượt qua và Sư phụ sẽ giúp tôi. Tôi tiếp tục học Pháp, ngay cả khi không còn thấy hy vọng. Tôi luôn ôm giữ Pháp và không bao giờ buông bỏ.”
Lời kết
Sư phụ giảng:
“Có những người cho đến nay vẫn không thể chuyên tâm đọc sách; đặc biệt là những vị làm công tác Đại Pháp, chư vị không được dùng bất kể cớ gì để che đậy rằng chư vị không đọc sách học Pháp; chính vì chư vị làm việc vì tôi—Sư phụ—nên phải hàng ngày tĩnh tâm học Pháp, phải tu một cách thực chất.” (Tiến đến viên mãn, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Chúng ta không được quên lời nhắc nhở của Sư phụ và chúng ta phải thực sự học Pháp thật tốt.
Đây chỉ là vài thể ngộ của tôi. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không có trong Pháp.
Bản quyền ©2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/3/466441.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/28/212662.html
Đăng ngày 07-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.