Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hàn Quốc

[MINH HUỆ 19-12-2023] Là Chủ tịch của một Viện Nghiên cứu Thư pháp tại Daegu, Hàn Quốc, ông Kim Yu-han, 65 tuổi, viết thư pháp rất đẹp. Nhưng ông đã đi một chặng đường dài – từ một nhà khoa học đến một nhà thư pháp và giờ đây, ông đang viết một chương mới của cuộc đời mình khi là một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

30f5b200c20f5536a244e6c14f989343.jpg

Nhà thư pháp Kim Yu-han bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2009.

Từ một nhà khoa học đến một nhà thư pháp

Là một nhà khoa học, ông Kim đã dành hầu hết thời gian trong phòng thí nghiệm và đôi khi còn làm thêm giờ. Ông có thói quen uống rượu và hút thuốc sau giờ làm việc để giải tỏa căng thẳng. Nhưng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết ở tuổi 34, ông đã phải suy nghĩ lại về lối sống của mình. Ông cũng phải từ bỏ công việc nghiên cứu khoa học và chịu đựng quá trình điều trị ung thư đầy gian nan.

Sau khi các tế bào ung thư ở cuối đường tiêu hóa của ông được loại bỏ, ông được lắp hậu môn nhân tạo và phải phẫu thuật phục hồi. Tuy nhiên, sau khi trải qua hai lần phẫu thuật, ông Kim quyết định dừng lại vì ông lo sợ rằng các ca phẫu thuật tiếp theo sẽ không thể chữa khỏi cho ông mà còn làm sức khỏe của ông yếu đi. Nhìn lại lối sống phóng túng của bản thân, ông hiểu rằng chỉ có cân bằng tốt giữa tâm và thân thì mới có thể phục hồi sức khỏe.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Kim tiếp tục viết thư pháp – điều mà ông đã ngừng làm sau khi nhập ngũ nhiều năm trước đó. Ông rất thích viết thư pháp vì cha ông luôn làm việc này. Ông đã kết thúc liệu trình điều trị ung thư và quyết định dành phần đời còn lại để tu tâm dưỡng tính thông qua thư pháp.

Bởi vì việc tự học rất khó tiến bộ, nên ông đã đến núi Palgong để học thư pháp và cơ thể ông dần dần được hồi phục. Để nâng cao hơn nữa sức khỏe và tu dưỡng tính cách của mình, ông đã thành lập một Học viện thư pháp. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm nhà thư pháp hàng đầu cho Triển lãm Thư pháp Daegu và Triển lãm Thư pháp Yeongnam do Hiệp hội Thư pháp Hàn Quốc tổ chức.

Tuy nhiên, sau khi thích nghi với cuộc sống mới này, ông Kim lại nhận ra rằng mình thiếu sự chỉ dẫn về mặt tinh thần. Vì vậy ông đã tìm hiểu về nhiều pháp môn khác nhau, nhưng vẫn luôn cảm thấy thiếu gì đó.

Ông đã đọc Đạo Đức Kinh và rất cảm động, vì vậy ông đã quyết định tự tay chép lại cuốn kinh thư. Nhưng trong tâm ông vẫn hy vọng tìm được một vị Sư phụ chân chính có thể chỉ đạo ông tu luyện.

Năng lượng tích cực

Vào một ngày năm 2009, ông Kim tình cờ gặp lại hai người bạn cùng lớp trung học phổ thông và đây là một bước ngoặt trong cuộc đời ông.

Một người bạn cùng lớp là giáo viên đã cho ông xem một cuốn sách – cuốn Pháp Luân Công. Theo lời giới thiệu của người bạn này, ông Kim đã tham gia lớp học chín ngày và xem video các bài giảng Pháp của nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp.

Ông Kim nhớ lại: “Tôi đã rất phấn khích khi xem các video đó. Tôi có thể cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực – cũng như lòng biết ơn – như sóng biển cuộn dâng trong lòng tôi. Cuối cùng tôi đã tìm thấy điều tôi luôn tìm kiếm trong suốt cuộc đời mình”.

Khi tham gia khóa giảng chín ngày, ông Kim đã học năm bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp. Ông vô cùng xúc động với môn tu luyện cả tâm lẫn thân này và đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Một cuộc sống tốt đẹp hơn

Ông Kim và một học viên khác đã cùng nhau thức dậy lúc 5 giờ 30 mỗi sáng để luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp. Ông Kim nói rằng ông có thêm nhiều năng lượng hơn mặc dù mỗi ngày ông chỉ ngủ ít hai hoặc chưa đến ba tiếng đồng hồ. Ba tháng sau khi bắt đầu tu luyện, đôi vai tê cứng của ông đã hồi phục và ông dễ dàng đi lên cầu thang ba tầng. Ông không còn cần chợp mắt vào buổi trưa và chứng viêm miệng làm phiền ông từ nhỏ cũng biến mất hoàn toàn. Ông nói tất cả những điều này thật đáng kinh ngạc.

4ea2e1c3cc043908dbd934ec82ce1fee.jpg

Ông Kim luyện bài công pháp thứ năm, bài tọa thiền, của Pháp Luân Đại Pháp.

Mặc dù thư pháp đã giúp ông hồi phục sau ung thư, nhưng nỗi lo lắng về sức khỏe thường khiến ông bị kích động. Ông cho biết phải đến khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Pháp ông mới có thể thư giãn và tìm thấy sự bình yên trong tâm. Cùng với việc sức khỏe được phục hồi, ông Kim cho hay tâm trạng và tính cách của ông cũng được cải thiện theo. Con gái ông nói rằng: “Gia đình chúng tôi thật may mắn, bởi vì từ khi bố tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, ông đã không còn nổi giận nữa”.

Ông Kim cho biết: “Tôi thường hay tức giận bất cứ khi nào tôi cảm thấy thất vọng và tôi cố gắng thuyết phục mọi người rằng tôi đúng. Thậm chí tôi còn mất bình tĩnh nếu người khác không chịu lắng nghe tôi”. Ông giải thích thêm: “Các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp yêu cầu tôi hướng nội. Vì vậy khi có mâu thuẫn, trước tiên tôi sẽ nhìn lại bản thân và xem liệu mình có chấp trước nào khiến vấn đề xuất hiện không. Tôi cũng nhận ra việc tức giận sẽ không thể giúp ích hay cải biến được tình hình”.

Điều này đã giúp giải quyết mâu thuẫn giữa ông với vợ mình. Khi có vấn đề xảy ra, ông Kim ít nói hơn hoặc sẽ im lặng. Giờ đây hai vợ chồng ông rất ít khi to tiếng.

Thấy những thay đổi tích cực của ông, các con và bạn bè của ông Kim cũng dần quan tâm đến Pháp Luân Đại Pháp, và họ đã tham gia khóa học chín ngày. Một nhà thư pháp 90 tuổi khác cũng tham gia cùng ông và luyện các bài công pháp vào cuối tuần. Vợ ông cũng bắt đầu tu luyện.

Một chương mới của cuộc đời

Sau khi trở thành một nhà thư pháp chuyên nghiệp, ông Kim đặt câu hỏi: Ông nên theo trào lưu và theo đuổi cái gọi là thư pháp hiện đại hay nên duy trì phong cách truyền thống? Tình thế tiến thoái lưỡng nan này khiến ông bối rối trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu đọc các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp, ông Kim biết mình nên làm gì. Mặc dù một số người cảm thấy thư pháp truyền thống đã lỗi thời, nhưng nó rất quý giá. Ông cố gắng bảo tồn các giá trị truyền thống trong khi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật thư pháp. Ông biết đây không phải là một hành trình dễ dàng, nhưng rất quan trọng.

5f9a1f70fefa339e747cff79ae1dc898.jpg

Ông Kim đang viết thư pháp.

Ông Kim luyện các bài công pháp Pháp Luân Đại Pháp vào mỗi buổi sáng, sau đó, ông dạy học sinh vào ban ngày và sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật. Ngoài việc về thăm cha mẹ ở quê vào cuối tuần, ông còn giới thiệu với công chúng về Pháp Luân Đại Pháp. Gần đây, ông bắt đầu tình nguyện giới thiệu môn tu luyện này với mọi người trong các khóa giảng chín ngày.

Ông Kim biết ơn vì Pháp Luân Đại Pháp đã cho ông sự bình yên nội tại. “Điều này giúp tôi, gia đình tôi và công việc của tôi – mọi thứ bây giờ rất đỗi tự nhiên”, ông nói.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/19/469448.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/20/213398.html

Đăng ngày 06-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share