Bài viết của Thiện Duyên, đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-10-2023] Chồng tôi và tôi cả hai đều là học viên Pháp Luân Đại Pháp, chúng tôi mở một cửa hàng nhỏ bán vật phẩm tiêu dùng. Hôm nào chúng tôi cũng gặp nhiều người với đủ loại tính cách và chạm mặt với đủ mọi tình huống. Nhìn thì có vẻ như chúng chỉ là những điều nhỏ nhặt, nhưng lại có thể quấy động nhân tâm. Tôi muốn chia sẻ với mọi người về sự việc xảy ra gần đây.

Nhà tôi bán gì cũng rẻ nên lợi nhuận thấp. Một số khách hàng đến mua đồ với trị giá hai nhân dân tệ, vốn có thể dễ dàng bỏ vào túi quần áo của họ để mang đi, nhưng họ lại xin túi đựng, có người còn muốn túi to. Trong lòng tôi cảm thấy khó chịu: “Sao lại có người như thế chứ? Với hai tệ thì tôi có thể kiếm được mấy đồng mà anh còn muốn túi to? Một cái túi cũng giá vài xu rồi. Nếu khách nào cũng như thế thì tôi lấy đâu ra lãi.” Tôi chỉ lẩm bẩm trong tâm, còn bề ngoài vẫn cư xử như không có gì.

Mỗi khi gặp chuyện lớn, tôi có thể tự nhắc nhở bản thân là người tu luyện, không tranh đoạt với người thường, nhưng với việc nhỏ tôi lại không để ý. Tôi không xem trọng chúng và cũng không nghĩ rằng mình sai.

Có lần, tôi đi siêu thị gần nhà mua rau. Chỗ ấy ngay gần nhà tôi nên tôi không bảo họ đưa túi. Tôi cầm rau đi ra thì chợt nhớ rằng mình quên mua thịt nên bèn ghé vào cửa hàng thịt bên cạnh. Khi tôi vừa bước vào cửa, chủ cửa hàng thấy tôi cầm rau liền vội bảo con trai của cô ấy: “Con lấy cái túi to cho cô ấy đựng rau.” Tôi rất xúc động và cảm thấy ấm lòng, sao cô ấy lại tốt đến vậy. Trên đường về, mãi mà tôi không tĩnh lại được. Việc cô ấy cho tôi một cái túi khiến tôi cảm động và sưởi ấm lòng tôi. Qua cử chỉ nhỏ này tôi thấy được lòng tốt của chủ cửa hàng, và ấn tượng của tôi về cô ấy đột nhiên trở nên tốt đẹp hơn. Từ đó trở đi, tôi luôn đi mua thịt ở cửa hàng cô ấy. Mỗi khi đi ngang qua cửa hàng của cô ấy tôi đều nhớ đến chiếc túi mà cô ấy cho tôi.

Qua sự việc này, Sư phụ cho tôi thể hội được rằng một cử chỉ lương thiện bé nhỏ có thể cảm động trái tim người khác. Điều đó giúp tôi học được cách suy nghĩ vấn đề từ góc độ của người khác và nhận ra tầm quan trọng của từng lời nói và cử chỉ. Tôi cũng nhận ra lòng tốt không phải là cố ý đi làm, mà được thể hiện qua từng lời nói và hành vi vô thức của cá nhân đó. Đó mới là tốt thực sự.

Sư phụ giảng:

“Mọi người còn nhớ, tôi thường nói câu này với chư vị, rằng đệ tử Đại Pháp làm gì cũng trước hết phải nghĩ đến người khác. Mỗi khi phát sinh một sự việc nào đó, khi xuất hiện một tình huống nào đó, cũng không e dè việc nhỏ nhặt, thì niệm thứ nhất của tôi là nghĩ về người khác trước, bởi vì đã thành quen như thế rồi, tôi bao giờ cũng nghĩ đến người khác trước.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Boston năm 2002,Giảng Pháp tại các nơi II)

Tôi biết thái độ của bản thân là không đúng. Tôi chỉ suy xét đến được và mất của chính mình và không nghĩ đến nhu cầu của người khác. Tôi đo lường người khác bằng tiêu chuẩn của bản thân và cho rằng họ đều sai, nên tôi mới cằn nhằn, chỉ trích và cố chịu đựng.

Sau khi tôi có được những nhận thức này, tôi đã nỗ lực cải thiện bản thân. Tôi cố gắng nhìn sự việc từ góc độ của người khác. Tôi cũng cố gắng chú ý đến lời nói và hành vi của bản thân, thậm chí đến cả ánh mắt và biểu cảm khuôn mặt.

Nếu tôi cảm thấy không hài lòng với khách hàng, tôi ngay lập tức chỉnh đốn bản thân. Khi khách hàng vào cửa hàng với món đồ khác, tôi chủ động đưa túi cho họ. Khi khách hàng không hài lòng với đồ mà họ đã mua, tôi cố gắng giải quyết vấn đề và giúp họ đổi trả. Trong tình huống đó, tôi phục vụ họ chu đáo hơn cả khi họ đến mua hàng. Bởi khách hàng đến đổi hàng hóa thường có băn khoăn, sự thiện lương của tôi sẽ xoa dịu nỗi bực bội trong họ. Khi tôi giới thiệu sản phẩm, tôi cân nhắc đến những gì khách thực sự cần. Có lần, một cô gái trẻ vui vẻ nói với tôi: “Cô ơi, mỗi ngày cô đều làm việc tốt.”

Tôi không ngừng tu chỉnh bản thân, đo lường chính mình theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, và thực sự nghĩ cho khách hàng từ trong tâm. Phản hồi rất tích cực, mọi người nói rằng họ cảm thấy rất thoải mái khi đến cửa hàng của tôi, thái độ của tôi tốt, chất lượng hàng hóa của chúng tôi cũng tốt, nên mọi người sẵn lòng đến mua hàng ở đây. Doanh số bán hàng của chúng tôi ngày một tăng lên.

Pháp lý của Sư phụ đã giúp tôi chuyển từ cố tỏ ra vui vẻ đến chân thành suy nghĩ cho khách hàng. Sự từ bi của Đại Pháp đã dung luyện tôi. Hàng ngày, tôi vui tươi hạnh phúc phục vụ khách hàng. Tôi không còn bận tâm đến lời nói hoặc hành vi của họ làm tổn thương tôi, mà đều có thể bao dung đối với họ. Thậm chí cả khi tôi thấy khách hàng làm hỏng hàng hóa rồi lặng lẽ đặt lại kệ, hoặc từ camera an ninh tôi thấy có người có vẻ đã ăn trộm đồ, tôi cũng không còn thấy oán hận nữa. Ngược lại, tôi cảm thấy trong thời kỳ đạo đức con người toàn thế giới đang trượt dốc này, thật may mắn biết bao khi tôi được học Đại Pháp, và cũng thật đáng tiếc cho những ai không có cơ hội được thụ ích từ Đại Pháp, hoặc những ai bị đầu độc bởi sự dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong thế giới đầy thực dụng và coi trọng vật chất ngày nay, vợ chồng tôi dùng sự chân thành và thiện lương để biến cửa hàng của chúng tôi trở thành một nơi thực sự an toàn và yên tâm cho mọi người. Chính Sư phụ và Đại Pháp đã cải biến tôi từ vị tư ích kỉ, tư tưởng hẹp hòi, nặng tâm oán hận thành một sinh mệnh vị tha, độ lượng với đạo đức được đề cao. Con xin cảm tạ Sư tôn.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/26/467429.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/23/213439.html

Đăng ngày 01-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share