Bài viết do một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục kể lại, đồng tu biên tập
[MINH HUỆ 05-11-2023] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996, năm nay đã hơn 70 tuổi. Trong hơn 20 năm tu luyện, tôi nhận thức sâu sắc rằng dù trong bất kỳ tình huống nào cũng phải kiên định chính tín như bàn thạch đối với Sư tôn và Đại Pháp, đây là yếu tố quan trọng nhất để đệ tử Đại Pháp vượt qua khổ nạn. Chúng ta muốn có chính tín, chính niệm thì chỉ có thực sự chân tu, thực tu, thực sự đề cao tâm tính.
Nhân dịp Pháp hội Trung Quốc trên Minh Huệ lần thứ 20, con xin báo cáo tâm đắc tu luyện của mình lên Sư phụ.
1. Kiên trì thực tu, duy hộ Đại Pháp trong hoàn cảnh ác liệt
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ác đảng Trung Cộng phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện để nói lời công đạo cho Đại Pháp. Ở Bắc Kinh, tôi đã trải qua nhiều lần nguy hiểm nhưng dưới sự bảo hộ của Sư tôn, tôi đều trốn thoát thành công. Tôi ngộ ra rằng để có thêm nhiều đồng tu hơn nữa đi thỉnh nguyện, tôi nên quay về và giao lưu với các đồng tu, hy vọng họ sẽ bước ra. Sau đó, tôi bị buộc tội oan và bị kết án phi pháp hai năm.
Trại lao động nơi tôi bị giam giữ phi pháp là một hang ổ tà ác khét tiếng, ở đó tử vong là chuyện cơm bữa. Khi đến trại lao động, tôi bị giam vào cùng phòng giam với hai đồng tu khác. Chiều hôm đó, một đồng tu đề nghị chúng tôi duy hộ Đại Pháp thông qua phương thức luyện công chung và tôi đã đồng ý. Vì vừa trải qua bức hại nghiêm trọng ở trại tạm giam nên tôi vẫn còn sự ám ảnh trong tâm. Đến giờ hẹn, tôi nói với đồng tu: “Mọi người luyện trước đi, tôi luyện sau.” Hai đồng tu không vì tôi mà bị ảnh hưởng, lập tức bắt đầu luyện công. Họ nhanh chóng bị cảnh sát còng tay và đưa đi.
Sau khi đồng tu bị đưa đi, tôi càng nghĩ càng thấy không đúng: Hai đồng tu này không phải là Sư phụ an bài đến giúp tôi sao? Tại sao đến thời khắc then chốt, tôi lại do dự chứ? Chẳng phải do do tâm sợ hãi tạo thành sao? Chẳng phải tâm sợ hãi cũng là một chấp trước sao? Tôi nghĩ đến lời Sư phụ giảng:
“Toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Tôi hạ quyết tâm, nhất định phải trừ bỏ tâm sợ hãi. Nếu không, làm sao có thể duy hộ Đại Pháp, chứng thực Đại Pháp được? Nhưng trong hoàn cảnh tà ác khủng bố như vậy, muốn bỏ tâm sợ hãi, nói dễ vậy sao? Tôi lấy can đảm hết lần này đến lần khác nhưng lại bỏ cuộc hết lần này đến lần khác. Hơn chục ngày sau, cuối cùng tôi quyết định luyện công vào buổi tối. Nhưng tôi phát hiện người trực đêm phòng giam tối hôm đó là tiểu tổ trưởng đánh người vô cùng hung ác, tôi lại bỏ cuộc.
Hơn chục ngày sau, tôi lại quyết định luyện công vào buổi tối. Nhưng tôi phát hiện, mặc dù người trực trong phòng giam không phải là người tiểu tổ trưởng hung hãn kia, nhưng người đại đội trưởng trực ở bên ngoài lại càng tàn nhẫn hơn. Tôi thầm nghĩ, nếu rơi vào tay anh ta, không biết mình sẽ bị đánh kiểu gì. Một lần nữa, tôi lại bỏ cuộc. Sau đó, tôi cảm thấy rất hối hận, tự trách mình, chán nản, kiểu dằn vặt muốn đột phá mà không đột phá được, khỏi nói khó chịu đến mức nào. Tôi nhớ đến lời Sư phụ giảng: “Tố đáo thị tu” (Thực tu, Hồng Ngâm), tôi hạ quyết tâm, nhất định phải làm được.
Lại trải qua thêm nửa tháng dày vò, tâm sợ hãi cùng chính niệm cứ giằng co liên tục, cuối cùng chính niệm đã chiếm thế thượng phong. Tôi quyết định dứt khoát rằng dù phải chịu đựng bức hại thế nào, thậm chí bị đánh đến chết cũng nhất định phải luyện công. Tôi quyết định tối hôm đó luyện tĩnh công.
Tối hôm đó, tôi ngồi dậy khỏi giường và phát hiện người tiểu tổ trưởng hung hãn đang ngủ say. Tôi đả thủ ấn, tim đập thình thịch, run hết cả người. Sau khi đả thủ ấn, cái tâm thấp thỏm bất an của tôi đã dần dần bình tĩnh xuống. Những người đi lại bên ngoài hành lang nhìn thấy tôi luyện công mà như không nhìn thấy. Tôi lặng lẽ luyện tĩnh công khoảng một tiếng đồng hồ, cuối cùng bị tiểu tổ trưởng phát hiện. Anh ta vừa chửi rủa tôi, vừa nhấc cái ghế gỗ ném vào tôi. Sau đó, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm, tôi rất vui vì cuối cùng tôi đã xung phá được xiềng xích của tâm sợ hãi. Trải nghiệm loại bỏ tâm sợ hãi này đã tạo cơ sở vững chắc cho tôi phản bức hại, chứng thực Pháp. Từ đó về sau, tôi quyết định: Hễ muốn làm gì để chứng thực Pháp, làm việc nghĩa là không được thối chí chùn bước, nói làm là làm. Tôi không không còn cảm thấy bồn chồn thấp thỏm, lần lữa dây dưa như trước nữa.
Sau ba tháng ở đội chỉnh huấn, tôi được phân công làm nhân viên vệ sinh. Vị trí này nhẹ nhàng, không phải làm nhiệm vụ sản xuất, lại được phạm nhân tôn trọng, nhiều người phải bỏ tiền ra tìm mối quan hệ cũng khó có được. Tôi nghĩ: Nếu mình thoải mái trải qua hai năm lao động phi pháp ở đây chẳng phải là lãng phí thời gian sao? Mình là người tu luyện, dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể quên tu luyện và chứng thực Pháp. Tôi định xóa nội dung của tấm áp phích phỉ báng Đại Pháp. Khi tôi đến chỗ tấm áp phích và chuẩn bị hành động thì phát hiện họ đã thay đổi nội dung. Tôi quyết định tìm một cách khác để chứng thực Pháp. Lần trước, tôi luyện công là luyện ở trong phòng vào buổi tối, lần này tôi muốn luyện công công khai vào ban ngày.
Một ngày kia, đúng hôm chủ nhật, cả đại đội mấy trăm phạm nhân đều không đi làm. Tôi leo lên một bục cao và bắt đầu luyện công. Tôi vừa bắt đầu luyện, liền nghe thấy có người gọi: “Có người luyện Pháp Luân Công!” Lập tức có người hoảng sợ hô lên: “Nhanh đi báo quản giáo!” Mấy trăm phạm nhân nhìn tôi luyện công, tôi không chút sợ hãi. Tôi nhắm khẽ mắt, bắt đầu luyện từ bài công pháp thứ nhất mà không hề bị phân tâm. Khi tôi luyện đến bài công pháp thứ ba, một cảnh sát nhẹ nhàng kéo tay tôi nói: “Tôi thấy anh luyện một lúc như vậy, cảm giác Pháp Luân Công không có gì xấu cả!” Sau khi người cảnh sát nói xong, anh ta chỉ còng tay tôi chứ không đánh tôi.
Mặc dù tôi vì công khai luyện công mà mất đi vị trí nhân viên vệ sinh nhưng tôi không hề hối hận. Đệ tử Đại Pháp chứng thực Pháp là điều đương nhiên, tôi không phải đến đây để cầu an dật, để hưởng thụ.
Không lâu sau, thấy đồng tu bị cảnh sát đánh đập, tôi hét lên để ngăn lại. Người cảnh sát thẹn quá hóa giận bèn biệt giam tôi 15 ngày. Môi trường trong phòng biệt giam vô cùng khắc nghiệt, lúc đó là mùa đông, trời rất lạnh. Cái gọi là giường trong phòng biệt giam là một bệ xi-măng rộng khoảng một mét. Hai ngày đầu, tôi chỉ được ăn hai bữa một ngày, khẩu phần lại rất ít, mỗi bữa chỉ khoảng hai lạng. Để khiến tôi đóng băng, cảnh sát bắt tôi mặc quần áo rất mỏng. Hai ngày đầu, tôi không được cấp chăn, đến ngày thứ ba họ mới ném cho tôi một chiếc chăn rất mỏng, có đắp cũng như không.
Tôi nghĩ đến điều Sư phụ giảng:
“Tu luyện cần phải tu luyện trong ma nạn” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân).
Tôi nghĩ: “Đây chẳng phải là cơ hội tốt để tu luyện đề cao sao? Mình trước đây bận rộn đi làm, nào có nhiều thời gian như vậy, nào có hoàn cảnh thanh tĩnh như vậy?” Tôi quyết định tận dụng tốt khoảng thời gian này để tu luyện đề cao một cách thiết thực. Mỗi ngày tôi đều tận dụng thời gian luyện công, nhẩm thuộc Pháp. Nhẩm thuộc Pháp một lúc, rồi lại luyện công một lúc, cứ luân phiên như vậy, một ngày trôi qua lúc nào không biết. Mặc dù tôi ngủ rất ít nhưng vẫn cảm thấy thời gian không đủ dùng. Tôi học thuộc Pháp không nhiều nên chỉ nhẩm đi nhẩm lại nội dung nhớ được trong “Hồng Ngâm”, “Tinh Tấn Yếu Chỉ” và “Chuyển Pháp Luân”.
Trước đây, khi luyện môn khí công khác, tôi ngồi song bàn rất nhẹ nhàng, không bị đau chân, chân cũng rất linh hoạt. Không ngờ từ khi tu luyện Đại Pháp, chân tôi đột nhiên cứng ngắc lại. Chưa nói đến song bàn, ngay cả đơn bàn cũng rất khó khăn, không chỉ vô cùng đau đớn mà còn là đau khủng khiếp. Tôi ngộ rằng công pháp khác là tu phó nguyên thần, Pháp Luân Đại Pháp là tu luyện chủ nguyên thần, nên phải chịu khổ một cách rõ ràng. Nghiệp lực của tôi lớn cũng là một nguyên nhân, vì có nghiệp lực lớn nên tôi phải tiêu nghiệp, phải có khả năng chịu khổ.
Tôi luôn muốn đột phá việc song bàn, giờ có thời gian dư dả thế này chẳng phải là cơ hội tốt sao? Tôi thực hiện từng bước một và kéo dài thời gian từng chút một. Vì không thể nhìn được thời gian nên tôi nhẩm đọc một đoạn Pháp hoặc một bài “Hồng Ngâm” một mạch chục lần mỗi lượt. Tôi đặt ra mục tiêu cho mình: Dù đau đớn đến đâu mà chưa đến thời gian thì quyết không tháo chân ra. Tôi kiên trì đến hết thời gian định sẵn, nhưng chưa hài lòng nên tôi thường tự thưởng cho mình một “phần thưởng” – lại kiên trì thêm 10 hoặc 20 phút nữa. Vì đau đớn dữ dội nên mồ hôi túa ra liên tục, đầu tiên là áo ướt, sau đó quần cũng ướt, ướt rồi khô, khô rồi ướt. Người khác lạnh không chịu được nhưng tôi không thấy lạnh. Rất nhanh, tôi đã đột phá đến chỗ có thể ngồi song bàn hơn một tiếng đồng hồ.
Sau vài ngày, tôi quyết định không tính thời gian nữa mà ngồi song bàn từ lúc ăn sáng xong cho đến lúc ăn trưa mới tháo thả chân xuống, khoảng 4 tiếng giữa các bữa ăn. Mới bắt chéo lên được một lúc thì chân tôi bắt đầu đau, dần dần càng lúc càng đau, rồi phát triển đến mức toàn thân chỗ nào cũng đều đau nhức, đau đến mức không cách nào hình dung được. Tôi nghĩ đến lời giảng của Sư phụ:
“Nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân).
Tôi vẫn kiên trì, mặc kệ đau đến đâu tôi cũng không tháo chân ra. Sau đó, tôi đau đến mức bật khóc, muốn khóc thật to nhưng không thể. Nước mắt và mồ hôi hòa vào nhau chảy xuống, thời gian kéo dài từng giây trong nỗi đau tột cùng. Cuối cùng, chịu đựng đến giờ bắt đầu ăn trưa tôi mới tháo chân ra. Tôi lăn từ trên giường xuống đất một cách gian nan, rồi đau đớn bò đến trước cửa, run rẩy đưa bát ra lấy cơm. Sau đó, tôi nằm trên nền xi măng lạnh lẽo hơn một tiếng đồng hồ rồi mới hồi phục và bắt đầu ăn, lúc này này cơm canh đã nguội từ lâu.
Mặc dù tôi phải chịu khổ rất nhiều, nhưng mọi nỗ lực đều không hề phí công. Tôi từ chỗ ngồi đơn bàn đã rất vất vả, lập tức đột phá đến có thể bắt chéo chân nhiều giờ. Đồng thời, tôi cảm thấy bản thể ở không gian khác thăng hoa rất nhanh. Vài ngày sau, khi đang luyện bài “Phật triển thiên thủ pháp”, tôi vừa niệm xong khẩu quyết
“Thân thần hợp nhất. Động tĩnh tùy cơ.” (Đồ hình và giải thích động tác, Đại Viên Mãn Pháp)
Tôi lập tức cảm giác được “Thân” và “Thần” thực sự dung hợp cùng nhau, hiểu được nội hàm của thân thần hợp nhất ở cảnh giới sở tại của tôi. Cảm giác đó vô cùng mỹ diệu, không thể diễn tả thành lời.
Thân thể tôi cũng thay đổi rất nhiều, sắc mặt hồng hào, tinh thần sung mãn, hoàn toàn không giống người bị biệt giam chút nào. Những người bị giam cùng lúc với tôi mặc nhiều quần áo hơn tôi và đắp chăn dày hơn tôi, khi hết hạn giam giữ, người họ xanh xao vàng vọt, ánh mắt đờ đẫn, tinh thần hoảng hốt. Sau trải nghiệm này, sức chịu đựng của tôi trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Trói dây thừng là thủ đoạn tra tấn tàn nhẫn và khủng khiếp nhất trong các nhà tù và trại lao động. Phạm nhân vừa nhắc tới trói dây thừng thì mặt liền biến sắc. Phương pháp là dùng một sợi dây thừng quấn quanh cánh tay từ vai xuống đến cổ tay, sau đó thắt chặt dây. Sợi dây xiết chặt vào thịt khiến máu không lưu thông được trên toàn bộ cánh tay, sau đó hai tay bị trói quặt ra sau lưng. Nếu không kiểm soát được lực độ và thời gian thì rất dễ khiến cả hai tay bị tàn phế.
Khi buộc dây thì đau đến tê tim liệt phổi, lúc cởi dây thì càng đau đến không thể nào tưởng tượng được. Tại sao lại dùng dây thừng mà không dùng dây nylon hay dây đay. Bởi vì dây thừng cực kỳ thô ráp, có xơ, nếu siết chặt dây thì có thể làm rách da thịt. Đồng thời xơ dây sẽ giống như những mũi kim đâm, có thể gây đau đớn tột cùng cho người ta.
Để ép tôi từ bỏ tu luyện, trại lao động lệnh cho hai cảnh sát đè tôi xuống đất, dùng dây thừng trói tay tôi. Mỗi bên một cảnh sát đồng thời giẫm hai chân lên mỗi bên tay tôi và siết chặt sợi dây. Tay tôi nhanh chóng sưng phồng lên, phần thịt sưng phù lên bao lấy hoàn toàn sợi dây, bàn tay thâm tím lại. Dù đau đến thấu tâm can nhưng tôi vẫn không thốt ra một tiếng, không có chút ý muốn thỏa hiệp nào.
Hai viên cảnh sát trói tay tôi quặt ra sau lưng, vòng sợi dây qua cổ xuống ngực thì bắt chéo nhau, rồi thắt một nút sau lưng tôi. Sau đó, họ luồn sợi dây qua một ống thép rồi xoắn thật mạnh. Như vậy khiến tôi vốn đã đau đớn khôn xiết lại càng thống khổ tột cùng. Cảnh sát hung hãn hỏi: “Còn muốn luyện Pháp Luân Công nữa không?” Mặc dù đau đớn đến gần như bất tỉnh nhưng tôi rất kiên định mà bình hòa nói: “Tôi có thể xả thân vì Pháp Luân Công.” Tôi nói xong, cảnh sát đều ngây người ra. Một lúc sau, viên cảnh sát mới nói: “Hãy canh thời gian.” Thời gian mặc dù chỉ có vài phút, nhưng tôi cảm giác như dài đằng đẵng.
Khi hết thời gian, họ cởi dây thừng. Sau khi sợi dây được tháo ra, tôi cảm giác như bị điện giật mạnh, rồi lại như bị hàng nghìn mũi kim châm cùng lúc. Sợi dây dính đầy da thịt bị cứa, khắp cánh tay tôi đầy những vết lằn do sợi dây mắc vào thịt để lại, máu thịt bê bết, trầy da rách thịt.
Nửa tháng sau, cánh tay tôi bắt đầu đóng vảy, vừa đóng vảy vừa chảy dịch vàng, phải mất 10 năm thì những vết sẹo này mới hoàn toàn biến mất. Hơn nửa tháng sau khi bị trói bằng dây thừng, hai tay tôi đều mất cảm giác, ăn cơm cầm đũa không được, chỉ có thể đưa miệng vào bát.
Không lâu sau, tôi cùng mấy đồng tu bị giam vào đội nghiêm quản. Đội nghiêm quản được gọi là ngục trong ngục, trường kỳ bị bỏ đói, ngày nào cũng bị bắt chạy bộ, và chịu những hình phạt về thể xác. Thức ăn trong trại lao động vốn đã rất nghèo nàn, thức ăn trong đội nghiêm quản còn tệ hơn, khẩu phần ăn cũng rất ít. Hầu hết các loại rau chúng tôi ăn đều là rau mà nông dân bỏ đi, đến heo còn không muốn ăn. Lá rau đều úa vàng, cuống rất dài, cắt thành từng khúc từng khúc không nhai không nuốt được, tù nhân gọi là “vỏ đạn”. Trong canh có rất ít dầu ăn, thậm chí còn có sâu nổi lềnh bềnh. Đã vậy, khẩu phần còn rất ít. Bữa sáng thì bánh bao nhỏ xíu như quân mạt chược, cháo thì lõng bõng nước, đến đáy bát mới có vài hạt gạo.
Dù hoàn cảnh ác liệt đến đâu chúng tôi cũng không bao giờ quên trách nhiệm của đệ tử Đại Pháp. Bất cứ khi nào đội nghiêm quản tổ chức họp, chỉ cần cảnh sát nói lời phỉ báng Đại Pháp thì mười mấy đồng tu chúng tôi liền hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân Thiện Nhẫn hảo!” Cảnh sát sai các tù nhân trong trại lao động bịt miệng chúng tôi lại nhưng các tù nhân chỉ giả vờ làm một chút cho có mà thôi. Có khi họ còn giúp chúng tôi cùng hô lên, giọng của họ có khi còn to hơn giọng chúng tôi.
Tôi có một khuyết điểm: Tính tình như khúc gỗ, ít nói kiệm lời. Nhất là lúc nói trước đám đông thì dễ bị hồi hộp và khó diễn đạt. Từng có lần, tôi được yêu cầu phát biểu tại một cuộc họp trong thị trấn, tôi đã chuẩn bị kỹ càng nhưng khi lên bục để nói thì mặt đỏ bừng, tôi nín thở mấy phút rồi ngớ ra không nói được lời nào. Cuối cùng, tôi phải ngượng ngùng bước xuống bục trong tiếng cười ồ bên dưới.
Tôi nghĩ: Sư phụ tốt như thế, Pháp Luân Đại Pháp tốt như thế, nếu mình vẫn vụng về như thế, không giỏi ăn nói như thế thì làm sao có thể giũ sạch những lời bôi nhọ mà tà đảng biên tạo về Sư phụ và Đại Pháp để mọi người nhận ra vẻ đẹp của Đại Pháp? Tôi quyết định khắc phục khuyết điểm này khi còn ở trong trại lao động, tương lai sau này ra tù có thể chứng thực Đại Pháp, giảng chân tướng và trợ Sư chính Pháp tốt hơn. Tôi lấy việc phản ánh trại lao động cắt xén lương thực, ngược đãi người bị giam làm điểm đột phá, điều này không chỉ mài giũa khả năng diễn đạt trong thực tiễn mà đồng thời cũng là phản bức hại.
Hàng ngày, hễ có cơ hội, tôi đều suy xét rất kỹ về bảng chi tiêu lương thực do đội nghiêm quản công bố và ước tính chênh lệch giữa số liệu công bố và số liệu thực tế. Tôi phát hiện ra trại lao động đã làm giả số liệu rất ghê gớm, họ đã khấu trừ và biển thủ một số tiền lớn. Một buổi sáng, tôi thấy một tù nhân khuân một đống rau củ đã ôi vào cổng. Tôi chạy tới, chộp lấy đồ ăn anh ta chọn rồi gọi cho trưởng phòng phụ trách đồ ăn, muốn trưởng phòng xem anh ta mua cho chúng tôi loại đồ ăn hư thối gì rồi tính toán từng khoản một. Nhưng lúc trưởng phòng đến, đầu óc tôi lại trống rỗng, không nói ra được điều mình định nói. Trưởng phòng mắng tôi là điên và đánh tôi. Tôi không nản lòng, sẵn sàng nắm bắt cơ hội và cải thiện bước đột phá của mình một lần nữa.
Không lâu sau, cơ hội mà tôi mong chờ cuối cùng cũng đến. Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Liên đoàn Phụ nữ tổ chức các nhóm đến thăm các trại lao động cải tạo. Sáng hôm đó, tôi để nguyên mấy chiếc bánh bao hấp, nhét vào túi, định dùng làm vật chứng để phơi bày cho đoàn thăm viếng về sự ngược đãi tù nhân và tình trạng biển thủ chi phí thực phẩm trong trại lao động. Khi tất cả khách đến thăm đã vào đội nghiêm quản, tôi nói với viên cảnh sát: “Tôi muốn phản ánh tình hình”. Tôi không quan tâm viên cảnh sát có đồng ý hay không, nói xong liền tiến thẳng về phía đám đông khách đến thăm. Viên cảnh sát hoảng sợ, và để ngăn tôi vạch trần tội ác của trại lao động trước đoàn khách đến thăm, anh ta hô lớn: “Có tù nhân muốn gây rối trong tù, có kẻ muốn bạo động.” Đoàn khách đến thăm hoảng sợ bỏ chạy ra ngoài, thậm chí có người còn hoảng sợ ngã xuống. Sau này, tôi mới nhận ra rằng lẽ ra tôi không nên báo trước với viên cảnh sát, mà cứ trực tiếp tới chỗ đoàn thăm viếng để vạch trần những hành động tà ác trong trại lao động.
Chuyến thăm này là một sự kiện được trại lao động hết sức coi trọng, không ngờ tôi lại gây ra sự việc lớn như vậy, không chỉ ảnh hưởng đến việc đánh giá các trại lao động tiên tiến của đất nước, mà vào thời điểm đó, các quan chức cấp cao từ “Phòng 610” từ Bắc Kinh cũng đóng tại trại lao động. Lúc đó, cả tù nhân và cảnh sát đều cho rằng tôi đã gây rắc rối lớn và hậu quả sẽ nghiêm trọng, họ không biết tôi sẽ phải chịu sự trả thù và bức hại khắc nghiệt như thế nào. Tôi nghĩ: “Mình có Sư phụ, mình sợ gì nữa?” Họ đã dùng cách trói dây thừng bức hại dã man nhất rồi. Còn có thủ đoạn gì nữa sao? Cùng lắm là bị đánh chết thôi, đệ tử Đại Pháp có thể vì chân lý của vũ trụ mà sẵn sàng phó xuất sinh mệnh cũng không hề hối tiếc.
Buổi tối, trung đội trưởng gọi tôi đến nói chuyện. Tôi nói: “Cắt xén cơm tù, từ xưa đến nay là một tội lớn. Các người cấp phần cơm thiếu thốn như vậy đã hủy hoại nghiêm trọng thân thể khỏe mạnh của các tù nhân lao động cải tạo. Mỗi tù nhân ở trại lao động khi vào đội nghiêm quản, ba ngày đầu không được cấp cơm, ba ngày sau chỉ được cấp một bữa một ngày, ba ngày tiếp theo được cấp hai bữa một ngày. Ngày thứ 10 mới được cấp ba bữa một ngày. Không những chất lượng mỗi bữa ăn rất kém mà khẩu phần thậm chí còn rất ít. Tôi muốn phản ánh tình hình với họ.“ Trung đội trưởng nói: “Đây là trung đội nghiêm quản, cần phải nghiêm quản, chính là muốn như vậy.” Tôi nói: “Vậy ai cho các anh quyền cắt xén lương thực và ngược đãi tù nhân? Anh đưa văn bản nào cho phép các anh làm việc đó ra đây xem nào.” Anh ta không nói nên lời.
Tôi nói thêm: “Tôi đã phân tích kỹ lưỡng báo cáo thu chi lương thực hàng tháng mà các anh công bố, chênh lệch giữa phân bổ tài chính cho trung đội và chi tiêu thực tế của trung đội ít nhất là 10.000 Nhân dân tệ. Mỗi tháng 10.000 Nhân dân tệ, mỗi năm là 120.000 Nhân dân tệ, số tiền này đi đâu? Anh có thể giải thích rõ ràng được không?” Trung đội trưởng chết lặng. Tôi tính toán từng khoản một cho anh ta. Lúc này, được Sư phụ gia trì, đầu óc tôi rõ ràng, nói có lý có cứ, lời tuôn ra như nước. Trung đội trưởng nghe tôi nói hơn một tiếng đồng hồ mà không nói một lời.
Tôi nói: “Tại sao những tù nhân trong trại lao động bị các anh tra tấn dã man như vậy mà tại sao họ vẫn năm lần bảy lượt vào đây? Bởi vì các anh hoàn toàn không thể thay đổi được tâm họ bằng những phương pháp tà ác của các anh. Họ ra ngoài thì vẫn làm chuyện xấu.” Tại sao Pháp Luân Công thực sự có thể thay đổi con người ta và khiến người ta bỏ ác theo thiện? Bởi vì Pháp Luân Công dùng Chân-Thiện-Nhẫn để khơi thiện niệm của mọi người và khiến người ta nhận ra từ sâu trong nội tâm rằng làm người cần hướng thiện thì sinh mệnh mới có hy vọng. Vì vậy, rất nhiều học viên tu luyện Pháp Luân Công từng có những thói hư tật xấu đã thực sự biển chuyển tốt lên sau khi tu luyện.“ Trung đội trưởng im lặng lắng nghe tôi nói, cuối cùng anh ta bảo tôi về phòng đi ngủ.
Tất cả những bức hại mà tôi nghĩ mình sẽ phải chịu đều khói tan mây tản. Các tù nhân và các đồng tu đều rất ngạc nhiên. Chuyện lớn như vậy xảy ra mà không bị xử phạt gì, đây là điều chưa từng xảy ra trong trại lao động trong mấy chục năm qua. Tôi biết đó là vì tôi đã đi đúng đường và Sư phụ đã bảo hộ tôi.
Sáng hôm sau, bánh bao to hơn bình thường rất nhiều, cháo cũng đặc hơn rất nhiều. Các tù nhân cải tạo lao động vừa hưng phấn vừa cảm kích. Khi nhìn thấy các đồng tu, họ đều mỉm cười, giơ ngón tay cái lên, hào hứng nói: “Pháp Luân Công thật tuyệt vời, thật vĩ đại.” Đúng vậy, ngoài các đệ tử Đại Pháp do Đại Pháp vĩ đại tạo ra, còn ai có thể liều lĩnh bị bức hại tàn bạo, thậm chí mất mạng để đứng ra lên tiếng bảo vệ người khác?
Kể từ đó, khả năng diễn đạt và ăn nói của tôi đã thay đổi như thay trời đổi đất. Bất kể dịp nào, bất kể thân phận của đối phương ra sao, cho dù đối phương là quan chức cấp cao hay chuyên gia hay giáo sư, tôi đều có thể hùng hồn nói chuyện và luôn chủ động. Thường thì những lời nói đơn giản của tôi có thể đánh trúng và phá trừ bức hại của tà ác. Nếu để tôi nói, tôi có thể nói hàng giờ liền với suy nghĩ mạch lạc, ngôn từ hợp lý và logic chặt chẽ. Nhiều lần họ muốn bức hại tôi mà tôi lại không bị bức hại vì “tài hùng biện” của mình. Miệng tôi đã trở thành thanh kiếm sắc bén để thanh trừ tà ác và phá trừ bức hại; là vũ khí sắc bén của tôi để thức tỉnh thế nhân và cứu độ chúng sinh. Mọi người thường nói tôi có kiến thức uyên bác, cho rằng tôi là một chuyên gia hay giáo sư có trình độ học vấn cao, thực ra tôi chỉ có trình độ học vấn ở bậc trung học cơ sở, chính Pháp Luân Đại Pháp đã khai mở trí huệ cho tôi.
2. Phá trừ bức hại bằng chính niệm
Một ngày sau khi tôi từ trại lao động trở về nhà, Tiểu Mạnh (hóa danh), một cảnh sát trẻ quen biết với tôi, tới nhờ tôi đến chính quyền thị trấn nói vài lời. Vừa bước xuống cầu thang, tôi đã bị ép lên xe cảnh sát và bị đưa đến một lớp tẩy não do “Phòng 610” thành phố điều hành. Chính quyền địa phương cử hai người đi theo áp giải tôi, trong đó một người là xã hội đen, rất hung dữ, bình thường không biết trời đất là gì.
Đây là một lớp tẩy não cực kỳ tà ác, tà đảng Trung Cộng đã đầu tư rất nhiều tiền và được canh phòng nghiêm ngặt. Tất cả những người tham gia bức hại ở đây không chỉ nhận được trợ cấp cao mà còn có đồ ăn ngon, ngày nào cũng được đổi món. Nhiều đồng tu trong thành phố đã bị bức hại ở đây. Bởi vì tôi đã có cơ sở diệt trừ tâm sợ hãi trong trại lao động nên tôi không hề sợ chút nào. Tôi tin chắc vào điều Sư phụ giảng:
“Nhất chính áp bách tà” (“Chuyển Pháp Luân”).
Vào ngày thứ hai của lớp tẩy não, một người được gọi là chuyên gia “chuyển hóa” từ thành phố đã đến. Anh ta nói: “Người hàng xóm sát vách nào đó nào đó đã được chuyển hóa, vậy anh cũng nên chuyển hóa đi.” Tôi nói: “‘Chuyển hóa’ là một điều tốt.” Khi nghe điều này, anh ta rất vui. Tôi nói tiếp: “Nhưng có một tiền đề cho sự “chuyển hóa”, tức là chuyển hóa ác thành thiện, chuyển hóa xấu thành tốt. Anh nói đúng không? Anh làm điều đó dựa trên nguyên tắc này chứ? Nếu không thì anh đang phạm tội!” Tôi nói xong thì anh ta bỏ đi. Từ đó về sau, anh ta không bao giờ dám đến phòng tôi nữa. Sau đó, nhiều người cố gắng “chuyển hóa” tôi nhưng lần lượt đều bị bại trận. Hai người được giao nhiệm vụ áp giải tôi cười nhạo họ và nói: “Các anh vẫn muốn ‘chuyển hóa’ anh ta, nhưng có vẻ như các anh sắp bị anh ta ‘chuyển hóa’ rồi.”
Họ không sao thuyết phục được tôi nên họ cho tôi xem những video phỉ báng Đại Pháp. Tôi nói: “Vì lớp này là dành cho tôi nên tôi phải làm chủ. Mọi thứ trong phòng này đều phải để tôi sử dụng. Tôi muốn xem gì thì xem. Nếu các anh gọi đây là lớp học pháp luật thì hãy xem kênh pháp luật nhé.” Tôi lấy điều khiển từ xa của TV để chọn kênh thì tình cờ mở chuyên mục “Tuyên bố hôm nay” của CCTV đang nói về một vụ giam giữ trái phép. Tôi lập tức “chỉ giáo” họ. Tôi nói: “Tôi là một công dân chưa có hành vi phạm pháp nào. Bắt tôi vào đây là các anh đang thành lập một nhà tù tư nhân và giam giữ tôi phi pháp. Các anh đang vi phạm pháp luật và phạm tội. Mặc dù trong số họ đã có người có bằng thạc sỹ luật, nhưng họ đều không nói được gì.
Lớp tẩy não tổ chức họp mỗi tối để thảo luận cách bức hại các đệ tử Đại Pháp. Trưởng phòng tôi tối nào cũng đi họp để báo cáo tình hình của tôi với cấp trên, đồng thời truyền đạt những chỉ thị bức hại. Tôi nói với anh ta: “Hàng ngày anh đi họp kiểu gì thế? Về không nói với tôi một lời. Anh phải rõ ràng cái gì là chủ và cái gì là thứ. Sở dĩ bây giờ anh có đồ ăn ngon và hưởng thụ đãi ngộ cao như vậy, tất cả là vì tôi. Anh ăn cơm của tôi, dùng đồ của tôi, mà anh không cho tôi đi họp. Từ ngày mai anh đừng đi họp nữa, để tôi đi!”
Họ thấy không những không thể “chuyển hóa” tôi, mà còn thường xuyên bị tôi làm cho xấu mặt, nên muốn đưa tôi vào trại lao động một lần nữa. Họ gọi tôi vào một căn phòng, trong đó có một cảnh sát ngồi sau bàn làm việc và hai cảnh sát lực lưỡng đứng cạnh tôi. Thấy tình thế này, tôi hiểu ngay rằng họ muốn thẩm vấn tôi để lập hồ sơ đưa tôi vào trại lao động một cách phi pháp.
Cảnh sát hỏi tên, giới tính, ngày sinh của tôi, v.v. Tôi biết họ biết tên tôi, nhưng tôi không thể hợp tác với họ. Tôi nảy ra một ý và nói: “Anh thậm chí còn không biết tên tôi mà lại bắt tôi, nhốt tôi. Thật là quá đáng. Tôi đi đây.” Sau đó, tôi bước ra ngoài. Ở hành lang, tôi lớn tiếng nói: “Các học viên Pháp Luân Công chúng tôi thấp kém hơn người khác một bậc sao? Có thể tùy tiện bắt nhốt chúng tôi sao?” Một số cảnh sát đuổi theo tôi, cố tình buộc tội tôi hô khẩu hiệu Pháp Luân Công “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và muốn đánh tôi, nhưng bị chính niệm của tôi chặn lại.
Tôi nói với người áp giải hung hãn kia: “Anh là người dũng cảm, không sợ gì, là người tốt và có chính nghĩa. Chuyện hôm nay anh cũng thấy đấy. Họ muốn làm hại tôi nên tùy tiện bịa đặt sự thật. Lỡ họ làm chuyện gì bất trắc với tôi, tôi e sẽ liên lụy đến anh.” Nghe vậy, chính nghĩa lương tri của anh ấy được thức tỉnh. Người áp giải này đi đến văn phòng, đập bàn, lớn tiếng nói: “Hôm nay chuyện xảy ra là tôi có ở đây, các anh đúng là sai rồi. Các anh đã giam giữ anh ấy hơn chục ngày nay mà vẫn không biết anh ấy là ai, còn muốn đánh anh ấy à. Tôi nói cho các anh biết, chúng tôi đã đưa anh ấy đến đây, có chuyện gì xảy ra với anh ấy, tôi sẽ tìm anh. Tôi không nghĩ các anh có bản lĩnh chuyển hóa anh ấy, vậy chúng tôi đưa anh ấy về, hãy quên chuyện này đi.”
Thế là tôi quay về quận. “Phòng 610” của quận biết họ không thể “chuyển hóa” tôi, nên nhốt tôi vào phòng biệt giam, cử người canh gác tôi và không tìm cách “chuyển hóa” tôi nữa.
Một năm sau, cơ thể tôi xuất hiện trạng thái nghiệp bệnh, cảnh sát đưa tôi vào bệnh viện. Tôi nói với bác sỹ và y tá: “Tôi tu luyện Pháp Luân Công, tôi có sức khỏe tốt. Họ nhốt tôi phi pháp và bức hại tôi, khiến sức khỏe của tôi gặp vấn đề. Họ tùy ý thành lập các nhà tù tư nhân, giờ thì họ đang biến bệnh viện thành nhà tù. Mau gọi bảo vệ bệnh viện của anh đến bắt họ đi.” Tôi nói với cảnh sát: “Nếu anh nhất quyết muốn phẫu thuật cho tôi, nếu có chuyện gì xảy ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Các anh ai dám cam đoan sẽ không có chuyện gì xảy ra thì kêu người đó viết giấy, nếu có vấn đề gì tôi sẽ đến tìm anh ta.“ Không ai trong số họ dám đứng ra bảo đảm cho tôi nên đành để tôi về nhà. Sau khi về nhà, cơ thể tôi nhanh chóng hồi phục bình thường trở lại.
(Còn nữa)
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/11/5/467816.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/7/212799.html
Đăng ngày 06-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.