Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Nội Mông Cổ, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-11-2023]

Con kính chào Sư phụ tôn kính!
Chào các đồng tu!

Trong khi cứu độ chúng sinh, những sự việc do bản thân các đệ tử Đại Pháp làm sai với thế nhân thì sẽ kết oán, không chỉ ngăn trở sứ mệnh cứu người của chính mình mà còn tăng thêm độ khó cho việc thế nhân được cứu độ. Tôi cảm thấy khó nhất chính là cứu độ những người có oán duyên với mình, đả khai nút thắt trong tâm, dù bị ghét bỏ hay oán hận cũng không sinh tâm tranh đấu, mà ôm giữ tâm từ bi, mỗi từng bước đều là quá trình dung luyện nhân tâm và thực hành Chân-Thiện-Nhẫn.

Sư phụ giảng:

“Không xét chúng sinh trong lịch sử đã phạm tội lớn đến đâu, đã phạm sai sót lớn đến mấy, [mà] chỉ xét thái độ của chúng sinh trong thời gian Chính Pháp đối với Đại Pháp, và thái độ đối với đệ tử Đại Pháp. Chính là ranh giới ấy.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2007)

Tôi nghĩ, cho dù trước đây tôi đã từng làm tổn thương những ai, hay ai đã làm tổn thương tôi, họ đều là những người có duyên phận đặc thù với tôi, đều là những chúng sinh mà tôi cần cứu độ.

Biến binh khí thành lụa ngọc

Tôi làm nghề bán buôn. Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, không ít lần tôi đã đắc tội với những người cùng nghề, có người còn trở thành oan gia, kẻ thù của tôi. Sau khi tu luyện Đại Pháp, tôi biết sứ mệnh của đệ tử Đại Pháp là cứu người, nếu những người này không được cứu độ thì sẽ họ mất đi tương lai, nhưng khi cứu độ họ, để đả khai được nút thắt trong tâm họ thì quả thực không dễ, tất phải học Pháp thật tốt và đề cao cảnh giới lên mới được.

Có một ông chủ khởi nghiệp từ rất sớm và là lão làng trong nghề. Sau khi bắt đầu kinh doanh, tôi luôn muốn nẫng tay trên những nhãn hàng tốt của anh ấy nên đã bí mật đến nhà máy lấy hàng, còn cố tình tăng số lượng mà không ghi nợ. Dần dần, chủ nhà máy nhìn tôi bằng con mắt khác [coi trọng hơn], nhưng thực chất đó là thủ đoạn của tôi. Sau vài lần mua hàng, tôi thấy thời cơ đã chín muồi, liền đàm phán điều khoản với chủ nhà máy: yêu cầu đảm bảo tính độc quyền. Chủ nhà máy đã cân nhắc lợi hại và ngừng cung cấp sản phẩm cho ông chủ kia. Tôi đã dùng thủ đoạn này để giành lấy mấy nhãn hàng tốt từ anh ấy; anh ấy vì thế mà bị thua lỗ rất nhiều, từ đó kết oán với tôi. Anh ta tức giận đến tìm tôi và quát lên: “Anh thật mưu mô, tôi đi đến đâu là anh đến đó, anh không đổi chỗ được sao?” Tôi chặn họng anh ta, nói: “Anh tìm chủ nhà máy ấy, đừng có tìm tôi!” Tôi đã dùng thủ đoạn như vậy và chưa đến vài năm, tôi trở thành người dẫn đầu trong ngành.

Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi thấy hổ thẹn, cảm thấy mình đã tạo nghiệp quá nhiều, thật có lỗi với anh ấy. Tôi đã nhiều lần tìm đến anh ấy để hàn gắn mối quan hệ nhưng anh ấy không chịu mà còn cười nhạo tôi, coi khinh tôi.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 năm 1999, tôi bị giam giữ phi pháp, vợ chồng anh ấy hả hê trước sự bất hạnh của tôi và còn nói rất nhiều điều không hay về tôi với những người trong nghề, anh tin rằng cửa hàng của tôi sẽ phải thua lỗ. Tôi nghĩ, vợ chồng anh ấy hận tôi đến vậy, làm sao họ có thể minh bạch chân tướng được chứ? Tôi càng cảm thấy sự cấp bách phải cứu họ. Tôi không hận anh ấy, trong tâm thực sự muốn tốt cho anh ấy. Tôi đã liên lạc với anh ấy hết lần này đến lần khác và xin lỗi anh ấy. Trước khi tu luyện Đại Pháp, tôi thường nói chuyện rất ngạo mạn với anh ấy; nhưng sau khi tu luyện Đại Pháp, tôi trở nên khiêm tốn. Khi những người trong ngành nghề họp mặt, tôi chủ động mời rượu anh ấy. Khi có khách hàng đến, tôi hẹn anh ấy qua tiếp khách cùng tôi. Lâu dần, tôi bắt đầu giảng chân tướng về Đại Pháp cho anh ấy, anh ấy cũng không phản cảm.

Mùa hè năm đó, vợ anh đột nhiên đổ bệnh rồi qua đời, người thân của anh đã nhờ tôi viết điếu văn. Lòng tôi chua xót, nếu không tu luyện Đại Pháp thì đời này tôi và gia đình họ đã là oan gia của nhau, và đời sau lại là kẻ thù. Khi viết điếu văn, tôi nhớ đến lời bác sỹ: khi hôn mê, cô ấy vẫn còn lớn tiếng nói: “Đóng gói đi! Gửi hàng đi!” Tôi không cầm được nước mắt, người thường trong lúc lâm chung đều không quên được vật ngoại thân. Thật tiếc vì tôi chưa giảng chân tướng về Đại Pháp thật thấu đáo cho cô ấy, tôi thành tâm hy vọng cô ấy trở thành một sinh mệnh có thể được cứu độ và có một tương lai tươi sáng.

Sau tang lễ, tôi mời anh ấy cùng con gái và con rể ăn cơm. Tôi nói với con gái anh: “Mẹ con mất rồi, cứ coi chú như người thân của con. Sau này, con có việc gì cần giúp thì cứ bảo chú nhé”. Trong bữa ăn, tôi nhiều lần mời rượu anh, rồi lại làm tam thoái (thoái tổ chức Đảng, Đoàn, Đội của ĐCSTQ) cho con gái và con rể anh ấy. Lần đó, anh ấy có chút cảm động nói: “Sau này, tôi cũng sẽ học môn công pháp của anh, gọi anh là đại sư huynh, được chứ?” Tôi vui vẻ nói: “Được!” Từ đó, mỗi khi gặp tôi, anh đều gọi tôi là “đại sư huynh”. Tuy anh ấy vẫn chưa bước vào tu luyện nhưng trong thâm tâm, tôi thực sự vui mừng vì sự thay đổi thái độ của anh ấy đối với Đại Pháp và các đệ tử Đại Pháp. Khi nút thắt trong tâm không còn nữa thì sẽ dễ xích lại gần nhau hơn. Có lần, nhân viên bán hàng của anh ấy không đến làm việc nên anh đã nhờ tài xế của tôi giúp giao ít hàng, tôi vui vẻ nhận lời, anh ấy vui vẻ nói: “Gọi anh là đại sư huynh quả không sai!”

Không sai cũng xin lỗi khách hàng

Trong khi kinh doanh, giữa nhân viên và khách hàng rất dễ nảy sinh mâu thuẫn vì mua bán chịu, trả hàng, thanh toán…. Khi xảy ra mâu thuẫn, tôi thường nghĩ cho khách hàng. Tôi thà tự mình chịu lỗ chứ cũng không để khách hàng phải chịu tổn thất.

Một số khách hàng nóng tính, thường chỉ trích luyên thuyên, nhưng tôi chủ động nhận trách nhiệm, xin lỗi khách hàng và không ngừng đề cao bản thân trong công việc. Thực tâm tôi nghĩ khách hàng có thể mua của tôi bao nhiêu sản phẩm không quan trọng, họ có thái độ thế nào với Đại Pháp mới là trọng yếu, không thể vì đệ tử Đại Pháp làm không chu đáo mà để họ hiểu lầm về Đại Pháp được. Nếu có ai đó bất mãn với tôi, hận tôi, coi thường tôi hay phẫn nộ bất bình với tôi, tôi coi đó là chuyện quan trọng nhất và nhất định cần phải hóa giải.

Một buổi chiều, tôi vừa bước vào cửa hàng đã thấy không ít người xúm lại, trong đó còn có hai cảnh sát. Hỏi ra mới biết có một khách hàng nhỏ đến, khăng khăng đòi trả lại hàng đã bị hư hỏng, nhưng nhân viên cửa hàng không đồng ý, thế là cô ấy vừa khóc vừa làm ầm lên. Khi con trai tôi giải thích, cô ấy đã kéo áo con trai tôi đến nỗi tay cháu bị cào xước và chảy máu hai vết, nên con trai tôi đã gọi cảnh sát. Khi thấy tôi bước vào cửa hàng, cô ấy chỉ vào tôi, nói: “Anh dạy nhân viên của anh như thế à? Anh tu luyện Pháp Luân Công, anh giải quyết việc này thế nào đây?” Trước mặt cảnh sát mà cô ấy nói tôi luyện Pháp Luân Công, rõ ràng là muốn tóm gáy tôi rồi. Tôi nói: “Yêu cầu của cô là gì?” Lúc đó, một cảnh sát nói với tôi: “Anh đừng quản. Anh mà quản thì chúng tôi không đến nữa. Rồi sau đó, cảnh sát đưa vị khách hàng này và con trai tôi đến đồn cảnh sát.

Đến sẩm tối, con trai tôi quay về và nói: “Người khách này chẳng ra gì cả. Lại còn nói với cảnh sát là bố tu luyện Pháp Luân Công, để cảnh sát bắt bố. Chồng cô ấy cũng đến đó và lớn tiếng: Chúng tôi không sợ, cứ làm lớn vào!“ Anh ta còn hỏi cảnh sát tại sao không xử lý Pháp Luân Công? Cảnh sát hỏi anh ta: Anh có chứng cứ không? Anh ấy có đưa cho anh sách và tài liệu không? Có chứng cứ thì đưa ra, còn không có chứng cứ thì đừng nói nữa, vô ích.” Con trai trách tôi: “Bố, sau này bố đừng nói Pháp Luân Công với những người như vậy nữa nhé, đừng làm vậy nữa, nguy hiểm lắm! Cảnh sát nói người này đã có hai lần tiền án, bố đừng có để cô ấy đến mua hàng ở cửa hàng nữa. Nếu cô ấy lại gây rối nữa, họ sẽ bắt giữ cô ấy.” Kể từ đó, cô ấy không bao giờ đến cửa hàng của tôi nữa.

Tôi nghĩ, tôi là do Sư phụ quản. Tôi từng là bạn của anh trai cô ấy, tôi ưu đãi cô ấy các kiểu mà cuối cùng cô ấy lại đối xử với tôi như vậy, còn muốn lôi tôi vào, làm khó tôi. Nhưng tôi lại nghĩ, ân oán cá nhân là chuyện nhỏ, cứu cô ấy mới là việc lớn, việc này không thể cứ để như vậy là xong được. Nếu như Chính Pháp lập tức kết thúc, vợ chồng họ sẽ đi đâu? Vậy là, tôi quyết định tìm cơ hội đến cửa hàng của cô ấy.

Một hôm, anh trai cô ấy gọi cho tôi và nói với tôi rằng con trai anh sắp kết hôn nên mời tôi đến dự tiệc cưới. Tôi nghĩ đó là cơ hội Sư phụ an bài để tôi cứu cô ấy. Khi tiệc cưới kết thúc, tôi tình cờ gặp cô ấy, cô ấy tỏ ra hơi mất tự nhiên. Tôi tới niềm nở chào hỏi, tôi nói: “Tôi làm không tốt, cô đừng tức giận, tôi xin lỗi”. Cô ấy vội nói: “Anh đừng nói vậy, là tôi không đúng, tôi mới cần xin lỗi anh. Anh còn giận tôi không?” Tôi nói: “Giận gì chứ? Theo như anh cô nói, việc đó cũng có chỗ tốt với chúng ta. Sao cô không đến mua hàng ở cửa hàng của tôi? Cô cứ đến, đừng để ý thái độ của nhân viên, cứ nhìn xem tôi đối với cô thế nào là được rồi.” Cô ấy có chút cảm động nói: “Cảm ơn anh.”

Lúc này, tôi đã giảng thêm một vài câu chân tướng về Đại Pháp. Cô ấy nói: “Kỳ thực, trong thâm tâm tôi biết anh là người tốt nhất. Lần đó, tôi thật hồ đồ, lại nói những điều đó làm gì chứ? Anh trai tôi sau khi biết chuyện cũng trách tôi.” Tôi lại hỏi cô ấy: Chồng cô sao không thấy tới? Cô ấy trả lời: “Chồng tôi đang đi làm, anh ấy không xin nghỉ được”. Tôi nói: “Cô cho tôi gửi lời hỏi thăm anh ấy nhé. Quen biết nhau ngần ấy năm, đừng vì một chút chuyện nhỏ mà đánh mất tình bạn. Khi nào con nhà cô kết hôn, nhất định phải báo tôi nhé, tôi sẽ đi dự.” Cô ấy nước mắt lưng tròng nói: “Đến lúc đó, nhất định tôi sẽ báo anh, nhất định là vậy.” Bước ra khỏi khách sạn, tâm tôi nhẹ nhõm, vậy là một tảng đá đã được trút bỏ.

Bị mưu hại, vẫn muốn cứu người

Có lần, tôi bị một người báo công an, nói rằng việc kinh doanh của tôi gây phiền nhiễu cho người dân. Lần đó, còn có một cửa hàng khác cũng bị tố giác. Tôi nói với người xử lý vụ việc: “Tôi buôn bán hợp lý, hợp pháp, can nhiễu ai chứ?” Người xử lý vụ việc nói: “Có người đang nhìn chòng chọc vào anh, anh cũng không dễ giải quyết đâu.” Ý họ là bảo tôi tự mà lo giải quyết với người báo cáo tôi, họ không quản nữa.

Trong mơ, Sư phụ đã điểm hóa cho tôi rằng người tố giác tôi là người vào đời trước có oán duyên với tôi, nhưng oán duyên này không lớn. Vài ngày sau, người của cửa hàng bị tố giác kia đã nói với tôi: “Tôi đã tra ra được là ai rồi. Tôi đã thu xếp xong xuôi ở nhà hàng rồi, tốn 2.000 Nhân dân tệ. Anh chịu một nửa, được không?” Tôi nói: “Được”. Sự việc cứ thế qua đi.

Người mưu hại tôi là một giám đốc điều hành một công ty, có tiền có quyền. Hễ gặp tôi là anh ấy sầm mặt xuống, đôi khi thấy tôi chào, anh ấy cũng không nói gì, như thể vẫn chưa hết tức giận. Tôi không ghét anh ấy, đó là lỗi của tôi trước đây, tôi phải cứu anh ấy, để anh ấy có nhận thức chính diện về Pháp Luân Đại Pháp. Nhiều lần, tôi đã lặng lẽ kẹp tài liệu chân tướng Đại Pháp ở cửa nhà anh ấy, tôi mang tâm từ bi, không oán không hận. Khi gặp vợ anh ấy, tôi đã chào hỏi từ xa, giảng chân tướng về Đại Pháp cho vợ anh ấy và khuyên cô ấy tam thoái. Vợ anh ấy tam thoái xong còn khen ngợi tôi: “Nhìn anh thật là thiện.” Tôi nói: “Cô bảo anh nhà nếu có thời gian thì đến cửa hàng tôi, chọn vài sản phẩm mà anh ấy cần nhé.” Vợ anh ấy tươi cười nói: “Được, tôi sẽ nói với anh ấy.“

Một buổi sáng, tôi nhìn thấy trước cửa căn hộ của anh ấy có dán chữ hỷ, tôi liền hỏi hàng xóm: “Ai có hỷ sự vậy?” Người hàng xóm nói: “Hôm nay, con trai anh ấy lấy vợ”. Thấy vậy, tôi lập tức bỏ 500 tệ vào thiệp hồng và đến nhà anh ấy để chúc mừng, anh ấy ngạc nhiên nói: “Cảm ơn anh! Cảm ơn!” Anh ấy mời tôi vào khách sạn uống rượu mừng. Tôi nói: “Tôi tu luyện Đại Pháp và không uống rượu. Tôi sẽ rất vui nếu anh ghi nhớ ‘‘Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân Thiện Nhẫn hảo’.” Anh ấy nói: “Được! Được!” Tôi lại quay ra những người trong phòng và chắp tay nói: “Mọi người cũng nhớ câu chân ngôn này nhé để được phúc báo.” Mọi người mỉm cười gật đầu. Anh ấy tiễn tôi ra cửa và nhìn tôi đi xuống hết cầu thang rồi mới quay lại phòng cưới.

Từ đó trở đi, khi gặp lại tôi, nét mặt anh rạng rỡ. Dịp cuối năm, tôi tặng anh ấy cuốn lịch chân tướng Đại Pháp và nói: “Cuốn lịch này sẽ rất tốt cho anh, anh không thể tìm được ở đâu khác đâu”, anh ấy vui vẻ tiếp nhận. Tôi cũng chia sẻ với anh ấy về những thay đổi sức khỏe của mình sau khi tu luyện Đại Pháp và nói cho anh ấy biết sự thật về vụ tự thiêu giả mạo trên Quảng trường Thiên An Môn”… Anh ấy cứ gật đầu. Khi tôi khuyên anh làm tam thoái, anh ấy không nói gì, tôi lại nói tiếp: “Anh hãy tin tôi, anh là người tốt như vậy, sao tôi có thể lừa gạt anh được? Nếu có gặp tai họa thì sẽ được hóa giải, nếu không thì cũng không sao cả.” Anh ấy đã đồng ý làm tam thoái.

Còn có một lần nữa, anh ấy đến cửa hàng, thấy tôi đang đọc sách, anh ấy đã hỏi tôi đang đọc sách gì. Tôi nói “Chuyển Pháp Luân”. Anh ấy ngạc nhiên và nói: “Anh có thể cho tôi mượn một cuốn được không?” Tôi nói: “Được chứ!” Tôi đưa cho anh ấy một cuốn Chuyển Pháp Luân và tôi nói: “Cuốn sách này ở Trung Quốc đại lục không còn bản in, không thể mua được, anh hãy trân quý sách nhé. Trước khi đọc cần rửa tay và dùng tâm cung kính để đọc. Lần đầu tiên, anh hãy đọc một mạch đến hết, nếu bị gián đoạn thì khi muốn đọc tiếp sẽ khó mà cầm sách lên nổi. Anh gật đầu đồng ý. Vài tháng sau, tôi gặp lại anh, tôi hỏi: “Anh đã đọc sách chưa?” Anh nói: “Tôi đọc được một nửa rồi bận nên không đọc được nữa”. Tôi thấy thật tiếc cho anh. Tôi nói: “Anh muốn đọc tiếp thì cứ giữ lại, còn nếu không muốn đọc nữa thì đưa cho tôi, quan trọng là không được để sách lung tung”, anh mỉm cười. Tôi cảm thấy anh ấy không nỡ làm vậy. Bất kể anh ấy đã đọc hết hay chưa, anh ấy đã có thái độ chính diện đối với Đại Pháp là trọng yếu hơn hết.

Bị nhục mạ vẫn không quên cứu người

Sự việc dưới đây khiến tôi xúc động nhất và cũng giúp tôi cảm nhận được tính nghiêm túc của tu luyện.

Để việc lấy hàng được thuận tiện, tôi mở thêm một cánh cửa ở bên hông nhà kho. Ô cửa vừa đục xong, chuẩn bị lắp cánh cửa vào thì người hàng xóm giận đùng đùng, hùng hổ đến quát: “Ai bảo anh mở cửa ở đây? Anh bịt lại cho tôi!” Tôi tưởng anh ấy nói đùa, nhưng nhìn dáng vẻ của anh ấy, tôi thấy có gì đó không ổn, tựa như là muốn gây chuyện. Tôi nói: “Kho của nhà tôi, tôi mở cửa bên hông thì sai sao?” Lúc đó, tôi mau chóng nghĩ: Mình đã sai ở đâu chứ? Anh ta nói: “Nhà của anh? Vậy cũng không được. Nếu anh không khôi phục lại, tôi sẽ gọi điện cho ban quản lý thành phố.” Nói xong anh ta rời đi.

Người họ hàng làm cho tôi nói: “Đừng để ý đến anh ta, liên quan gì đến anh ta chứ?” Bình thường, tường nhà tôi, tôi mở cửa là rất bình thường, anh ta can thiệp vào không vô lý sao? Tuy rằng anh ấy chen vào nhưng khẳng định là tôi có vấn đề, nhưng nghĩ không ra bản thân rốt cuộc đã sai ở đâu. Một lúc sau, anh ta lại đến. Thấy tôi vẫn đang làm, anh ấy chỉ vào tôi nói: “Anh thực sự muốn làm, phải không? Vậy thứ lỗi nhé, tôi sẽ gọi cho ban quản lý thành phố”. Tôi nói: “Sai đâu tôi sẽ sửa, cửa đã đục ra rồi, lại không ảnh hưởng gì anh cả, anh bắt tôi bịt lại thật vô lý.” Tôi lo rằng nếu anh ta báo thật và cán bộ quản lý đô thị đến, họ sẽ không quan tâm gì đến đúng sai, khi đó thì nói gì khôi phục, còn phải nộp tiền phạt ấy chứ.

Tôi nghe anh ấy nói: “Người như anh thật xấu, lần này tôi có lỗi với anh rồi”. Tôi sững người, hỏi anh ta: “Tôi hại anh chỗ nào? Anh hãy nói rõ chút đi.” Tôi tự nhủ: cần không oán, không hận, giữ vững tâm tính, không được đối kháng với anh ta. Anh ta nói: “Người khác thuê kho của tôi rất tốt, anh dựa vào cái gì mà cướp người thuê nhà của tôi?” Tôi nhớ ngay đến một chuyện đã xảy ra hai năm trước: tôi đã cải tạo lại nhà kho của mình và định cho thuê. Khi đó, có một người đang thuê kho của anh ấy đến hỏi giá và nói muốn thuê kho của tôi. Tôi lại phạm phải thói xấu cũ là đưa ra mức giá rất thấp nhằm lôi kéo khách về mình. Tuy nhiên, người này chỉ nói vu vơ vậy và không bao giờ quay lại. Cuối cùng, tôi cũng hiểu ra: người đó thấy giá cho thuê của tôi rất thấp nên đã quay lại mặc cả với người hàng xóm và yêu cầu ông giảm tiền thuê nhà nên người hàng xóm mới gây chuyện với tôi. Tôi tìm ra tâm lợi ích, tật đố, tự tư cùng những nhân tâm khác, cựu thế lực đã tóm chắc chỗ sơ hở này để trị tôi.

Tôi đã thể hội được tư vị của việc chịu nhục chui háng. Tôi cúi xuống, lặng lẽ nhặt gạch, trộn xi măng và xây lại ô cửa vừa đục xong, từng chút từng chút khôi phục lại bức tường như nguyên trạng. Hôm đó trời rất gió nên bụi bay hết vào mặt và người tôi. Khi bức tường đã xây xong được một nửa, người họ hàng cảm thấy uất ức liền quăng chiếc xẻng to xuống, nói: “Chiều nay, tôi không đến nữa đâu, một mình chú làm đi.” Đúng vào thời điểm quan trọng, người họ hàng lại vứt chiếc xẻng xuống, đúng là hết cái khổ này lại đến cái khổ khác. Một người hàng xóm khác nhìn tôi vậy nghi hoặc hỏi: “Tường vừa mới đục ra xong, sao lại xây bịt lại vậy?”

Kỳ thực, tôi không hề nhu nhược, Pháp Luân Đại Pháp đã ban cho tôi một ý chí kiên cường, tôi biết tiếp theo cần làm gì. Trong tâm, tôi hết lượt này đến lượt khác thầm nói: “Anh ấy là người tốt, là người tốt, là người tốt có tương lai. Là tôi đã sai, mình cần không oán không hận, không oán không hận…” Nếu khi đó chỉ hơi buông lơi một chút, ác niệm lại sẽ nổi lên. Buổi trưa tôi về nhà, vợ tôi không có nhà. Trên bàn có nửa bát cơm nguội, nửa bát canh rau, tôi đổ hết canh vào bát cơm, ăn mà trong tâm hổ thẹn, áy náy. Ăn được nửa bát thì nghẹn lại, sự việc đó hằn sâu trong tâm.

Ngày hôm sau, tôi thấy người hàng xóm đang đẩy cát và xi măng để sửa lại bức tường bên ngoài nhà kho. Tôi ra giúp anh ấy đẩy từng xe cát và cũng xin lỗi anh ấy, tôi nói: “Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, nếu tôi làm sai tôi sẽ sửa, anh đừng giận nhé. Sau này, anh sẽ thấy tôi thế nào.” Anh ấy thấy tôi bị anh ấy trị đến thật khờ khạo, anh nhướn mày thở dài. Trong tâm tôi tự nhủ: “Quan này phải vượt qua tốt, nhất định phải qua tốt.” Tôi phát chính niệm để thanh trừ tâm tật đố, tự tư, tức giận, tâm lợi ích, giảo hoạt và những nhân tâm khác, tôi cần tu đến cảnh giới chỉ muốn tốt cho người khác. Nếu như tôi không có ý xấu muốn lôi kéo khách thuê của anh ấy về mình thì anh ấy đã không gây rắc rối cho tôi, nếu anh ấy có nói tôi xấu thì quả cũng không oan uổng.

Anh ấy trị tôi một phen, cũng đang đề phòng tôi, có chút xa lánh tôi, nhưng tôi luôn muốn cứu anh ấy. Tôi phát chính niệm thời gian dài để thanh trừ hết thảy tư tưởng người thường trong tâm, thanh trừ những nhân tố tà ác đằng sau cản trở việc anh được cứu độ. Có một điều tôi biết rất rõ là mình cần phải đề cao, cần không oán không hận, cần vui vẻ đối xử tốt với anh ấy, tôi phải tu được đến cảnh giới này.

Chạng vạng tối mùng 5 Tết, vợ chồng tôi từ tiểu khu về nhà, anh ấy bước tới từ chiều ngược lại. Khi thấy tôi, anh ấy cố ý cúi đầu xuống, tôi nghĩ: cứ như vậy đi qua nhau sao? Cần phải đột phá một chút? Tôi lập tức khởi chính niệm và lớn tiếng nói: “Chào anh, chúc mừng năm mới anh? Anh ấy sửng sốt và lập tức nói: “Chào anh.” Tôi bước đến trước mặt anh ấy, nói: “Tôi vẫn luôn có một tâm nguyện: tôi muốn nói với anh rằng hãy ghi nhớ ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’, như vậy anh sẽ được phúc báo. Đó thực sự là những lời từ đáy lòng tôi.” Anh ấy nói: “Pháp Luân Công? Được rồi!” Tôi nói: “Chúng ta duyên phận không nhỏ, tôi thực sự vui nếu anh được phúc báo.” Anh ấy mỉm cười nói: “Được, được!”

Tôi lớn tiếng nói câu “Chúc mừng năm mới”, tôi cảm giác tựa như mình đã nhảy lên một bậc, tâm tôi như bừng sáng và thân thể lập tức cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm.

Đệ tử Đại Pháp không có hận thù, không có kẻ địch, khi trong tâm có nút thắt với ai đó, cần mang tâm nguyện muốn cứu độ chúng sinh mà nhanh chóng giải khai. Chỉ cần tôi có nguyện vọng muốn nhảy qua bước này, Sư phụ sẽ giúp tôi, thành tựu tôi.

(Phụ trách biên tập: Tề Hân Vũ)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/11/15/467914.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/16/212944.html

Đăng ngày 30-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share