Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Đại lục

[MINH HUỆ 11-11-2023]

Kính chào Sư phụ tôn kính!

Xin chào các đồng tu!

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1997, năm nay tôi 64 tuổi, trước khi nghỉ hưu, tôi là giáo viên dạy trung học cơ sở (cấp 2). Vào tháng 7 năm 1999, Trung Cộng bắt đầu bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Kể từ đó, trong gần 10 năm trước khi nghỉ hưu, tôi đường đường chính chính duy hộ Đại Pháp, giảng chân tướng cho các học sinh, giáo viên và công nhân viên chức trong trường của mình. Nhân dịp Pháp hội Trung Quốc lần thứ 20 trên Minh Huệ Net bắt đầu, con xin báo cáo lên Sư phụ những việc chứng thực Pháp tại đơn vị làm việc của mình trong những năm đó.

I. Ngăn học sinh trả lời đề thi vu khống Đại Pháp

Một ngày mùa xuân năm 2002, học sinh trường cấp 2 chúng tôi làm bài thi thử đầu vào cấp 3, tôi là giáo viên giám thị. Năm nay có tám lớp với khoảng 400 học sinh. Khi thi môn chính trị, vừa phát xong giấy kiểm tra, thì đồng nghiệp giám thị cùng phòng liền vẫy tay với tôi, cô ấy muốn tôi xem đề thi. Tôi thoáng nhìn, đó là đề thi phỉ báng Đại Pháp, là câu hỏi lớn cuối cùng và điểm khá nhiều. Người đồng nghiệp này đã minh bạch chân tướng Đại Pháp, tôi cảm ơn cô ấy đã nói cho tôi biết.

Tôi quay người bước ra ngoài, đồng nghiệp ngăn tôi nhưng không ngăn được. Tôi nghĩ: Làm sao đây? Tuyệt đối không thể để học sinh trả lời câu hỏi như vậy được, điều này sẽ hủy chúng sinh, là muốn chúng sinh phạm tội với Đại Pháp. Mình đi gặp ai đây? Đúng rồi, mình sẽ đi gặp người đứng đầu là hiệu trưởng. Khi đó, hiệu trưởng mới làm việc ở trường tôi được nửa năm.

Tôi gõ cửa phòng làm việc của hiệu trưởng, bên trong có hiệu trưởng và một nhân viên nhà trường, người nhân viên này đang sửa tủ sách cho hiệu trưởng.

Tôi nói với hiệu trưởng: “Hiệu trưởng, tôi có chuyện muốn nói riêng với anh.” Hiệu trưởng ra hiệu cho người nhân viên ra ngoài.

Tôi lập tức nói với hiệu trưởng rằng: “Bây giờ đang thi môn chính trị, trong đó có câu hỏi bôi nhọ Pháp Luân Công.”

Hiệu trưởng nói: “Đều là đề thi tôi mua để học sinh luyện tập, phòng khi có những câu hỏi dạng này trong kỳ thi tuyển sinh cấp 3.”

Tôi nói: “Không thể trả lời câu hỏi dạng này. Sư phụ Đại Pháp giảng rằng Thần Phật trên Thiên thượng đều đang nhìn những gì chúng sinh bên dưới đang làm, đều đang ghi chép. Pháp Luân Công là bị vu cáo hãm hại. Các cuộc vận động trước đây của Trung Cộng đều như vậy, đầu tiên là tuyên truyền và dàn dựng hãm hại, sau đó động viên toàn dân phê phán. Chẳng phải khi phê phán Lưu Thiếu Kỳ cũng làm như vậy hay sao? Sau đó lại cho bình phản, chính sách thay đổi quá nhiều.”

Hiệu trưởng mỉm cười nói: “Chị rất có kiến giải trước những vấn đề trọng đại, tôi sẽ xem xét.”

Tôi cảm ơn hiệu trường và quay lại phòng thi. Tôi ngồi xuống và phát chính niệm cường đại: Tuyệt đối không cho phép tà ác khiến chúng sinh phạm tội với Đại Pháp, (những gì trong) ngôi trường này là do ta nói mới tính. Thỉnh Sư phụ gia trì cho đệ tử, triệt để giải thể tất cả các nhân tố tà ác bức hại Đại Pháp! Đợi một lúc vẫn không thấy động tĩnh gì. Tôi lại đi gặp hiệu trưởng, nhìn thấy hiệu trưởng đang nói chuyện với Trưởng Phòng Đào tạo.

Tôi nói: “Hiệu trưởng, bài thi đã bắt đầu hơn 20 phút rồi, học sinh sẽ sớm trả lời câu hỏi này.”

Hiệu trưởng nói: “Tôi biết rồi.”

Tôi lại trở về phòng thi, tiếp tục phát chính niệm. Chẳng lâu sau, tôi thấy Trưởng Phòng Đào tạo cầm trên tay hơn 10 tờ giấy đưa cho mỗi phòng thi một tờ, yêu cầu giám thị ghi nội dung tờ giấy lên bảng đen. Người đồng nghiệp cùng gác thi với tôi nhận tờ giấy và ghi lại câu này lên bảng: “Không cần trả lời câu hỏi thảo luận thứ năm!” Đồng nghiệp ghi xong câu này thì lập tức quay lại mỉm cười giơ ngón tay cái lên với tôi. Như vậy đã kịp thời ngăn chặn hàng mấy trăm học sinh phạm trọng tội phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp.

Cũng có một chi tiết nhỏ trong khoảng thời gian này, khi tôi bước ra khỏi phòng hiệu trưởng lần đầu tiên, một số đồng nghiệp thân thiết với tôi đang tụ tập lại thảo luận xem nên tìm tôi ở đâu, bởi vì đồng nghiệp giám thị chung phòng với tôi nói với họ rằng tôi đã rời khỏi phòng thi và không biết đi đâu, cô ấy dặn họ đừng để tôi “gây rắc rối” hay “chuốc họa”.

Khi họ nhìn thấy tôi bước ra từ phòng hiệu trưởng thì giật mình nói: “Chúng tôi nghĩ chị thể nào cũng không đi gặp hiệu trưởng đâu, chúng tôi đến chỗ của lãnh đạo khác nhưng không thấy chị. Chúng tôi tự hỏi chị đã đi đâu rồi nhỉ?”

Tôi nói: “Tôi tìm gặp hiệu trưởng mới có thể giải quyết được vấn đề.”

Sau chuyện này, các đồng nghiệp đều khen tôi có dũng khí, có “khả năng”.

Năm sau, tôi được hiệu trưởng đề bạt làm trưởng nhóm giảng dạy và nghiên cứu môn tiếng Anh.

II. Giảng chân tướng cho học sinh trên lớp

1. Tiết học cuối cùng

Mùa thu năm 1999, tôi đảm nhận công việc chủ nhiệm lớp đầu tiên của trường cấp 2. Trong khi làm tốt công việc giảng dạy, đôi khi tôi giảng chân tướng Pháp Luân Công, giảng văn hóa truyền thống và đạo lý làm người cho học sinh. Vì tôi kiên trì tu luyện Đại Pháp, sau đó nhà trường không cho tôi làm chủ nhiệm nữa, mà chỉ cho tôi làm giáo viên bộ môn của lớp này. Nhưng học sinh vẫn tin tưởng tôi như trước đây, mối quan hệ thầy trò vẫn rất tốt.

Ngày 20 tháng 6 năm 2002 là ngày học cuối cùng của lớp này tại trường. Tiết cuối cùng của lớp lẽ ra do giáo viên khác dạy, nhưng vì giáo viên đó bận nên tôi được yêu cầu dạy thay. Khi lên lớp, cả lớp thống nhất yêu cầu: “Cô ơi, đây là tiết cuối cùng của chúng em trước khi tốt nghiệp, hôm nay đừng học nhé, cô kể chuyện cho chúng em nghe nhé.”

Tôi nói: “Được, vậy cô sẽ kể cho các em nghe câu chuyện tu luyện.” Lúc này, trong lớp có hơn 40 cặp mắt đồng thời nhìn vào camera trên tường. Tôi nói: “Các em, đừng sợ, con đường mà cô bước đi là chân chính nhất, những việc cô làm là chân chính nhất, vì vậy các em đừng sợ.” Tiếp theo, tôi bắt đầu kể câu chuyện của Phật Thích Ca Mâu Ni, và một số bí ẩn trong lịch sử. Sau đó tôi nói về Pháp Luân Công.

Có học sinh hỏi: “‘Vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn’ là thế nào ạ?” Tôi nói với các học sinh những điểm đáng ngờ về vụ tự thiêu giả: Cảnh sát mang bình chữa cháy đi tuần ở Quảng trường Thiên An Môn là như thế nào? Cô bé Lưu Tư Ảnh vẫn có thể hát sau khi làm phẫu thuật mở thanh quản?… Các em học sinh đều ngạc nhiên mãi không thôi.

Cuối cùng, giờ học sắp kết thúc, các em học sinh lần lượt yêu cầu: “Cô ơi, cô tặng chúng em một câu nhé.”

Tôi nói: “Các em, ngày mai các em sẽ rời khỏi ngôi trường này, các em hãy vĩnh viễn ghi nhớ câu này nhé: ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo’.” Cả lớp đều vỗ tay. Vậy là, các em học sinh lớp này đã hoàn tất tiết học cuối cùng của bậc trung học cơ sở (cấp 2).

2. “Cô ơi, em nói là ‘giày rớt ạ’”

Mặc dù ban lãnh đạo trường bị áp lực và không cho tôi làm chủ nhiệm lớp, nhưng vì thành tích giảng dạy xuất sắc của tôi, nhà trường đã để tôi dạy các lớp tiếng Anh cho học sinh lớp 9 trong nhiều năm liên tục và giám sát kỳ thi tuyển sinh cấp 3. Tôi nghĩ đây cũng là Sư phụ muốn tôi tiếp xúc với nhiều học sinh hơn. Mỗi học kỳ mới của năm học, tôi đều gặp các học sinh mới, tôi cố gắng thu hẹp khoảng cách hơn với các em trong thời gian ngắn nhất, sau đó sẽ giảng chân tướng Đại Pháp trên lớp. Tôi giảng chân tướng cho học sinh từng khóa, ngoại trừ giảng riêng ra, tôi chủ yếu giảng trên lớp. Vì cơ hội và thời gian tiếp xúc riêng với từng học sinh là có hạn, trong khi giảng trên lớp sẽ không bỏ sót một em nào. Mỗi lần giảng chân tướng, tôi đều mượn một chủ đề, một lý do, để dẫn dắt vào nội dung chân tướng một cách dần dần và tự nhiên.

Tôi nhớ có một lớp trong một khóa học nọ, tôi đã nhận dạy một tháng nhưng mãi vẫn chưa có cơ hội giảng chân tướng, nên tôi thỉnh cầu Sư phụ gia trì cho mình. Một ngày nọ, tôi đang có lớp buổi tối và đang giảng bài, thì nghe một học sinh ở cuối lớp nói: “X giáo, X giáo.” Mặc dù âm thanh không lớn nhưng cả lớp vẫn có thể nghe thấy. Tôi thoạt nhìn, đó là một học sinh nam đang nói. Tôi lập tức tiếp lời và nói: “Các em, không thể nói lung tung!” Sau đó, tôi bắt đầu giảng cho các em chân tướng Pháp Luân Công, tôi đã giảng hơn nửa giờ, các em nín thở và chăm chú lắng nghe. Sau khi tôi giảng xong, cả lớp đều vỗ tay.

Tan học, ngay khi tôi bước ra ngoài, em học sinh nam đó chạy đến và nói với tôi rằng: “Cô ơi, em không nói ‘X giáo’, em nói là ‘giày rớt ạ’.” Tôi ồ một tiếng, mỉm cười nhìn em ấy. Cảm ơn Sư phụ đã cho con nghe từ đồng âm của từ này, cho con có cơ hội giảng chân tướng cho học sinh.

Một hôm, hiệu trưởng gọi tôi đến văn phòng của ông ấy và nói rằng: “Sau này lên lớp chú ý một chút, phụ huynh bây giờ có đủ loại.” Tôi hiểu rằng những phụ huynh không minh bạch chân tướng đã “khiếu nại” với hiệu trưởng. Tôi không động tâm, vừa phát chính niệm, vừa không bỏ lỡ cơ hội tiếp tục giảng chân tướng cho hiệu trưởng.

Sau khi giảng chân tướng xong, tôi nói: “Hiệu trưởng, anh xem tôi luyện Pháp Luân Công, và có sức khỏe tốt, không bao giờ xin nghỉ ốm hay vắng mặt trong lớp; hơn nữa, nhà trường có điều gì tốt, tôi cũng không tranh, anh có bao giờ thấy tôi đến gặp anh vì chuyện riêng hay vì lợi ích cá nhân không? Nên anh hãy yên tâm nhé.” Hiệu trưởng nghe xong lời này thì vui mừng và mỉm cười hài lòng. Tôi nhân cơ hội này làm tam thoái cho ông ấy (thoái xuất khỏi tổ chức đảng, đoàn, đội của Trung Cộng), ông ấy đã đồng ý thoái.

3. Minh bạch chân tướng, học sinh lựa chọn thiện lương

Sau khi những học sinh minh bạch chân tướng tốt nghiệp, cho dù là tiếp tục học hay đi làm, các em đều có chính niệm đối với Pháp Luân Đại Pháp. Trong kỳ nghỉ hè nọ, một học sinh tôi từng dạy đến trường chơi bóng rổ, hôm đó tôi tình cờ đi trực. Cậu ấy rất vui khi gặp tôi, và nói: “Cô ơi, em nghĩ thật tốt biết mấy nếu hôm nay em có thể gặp một giáo viên nào đó ở trường, và em đã thực sự được như ý.” Cậu ấy nói mình đang học nghiên cứu sinh, và giáo sư hướng dẫn là người Đức. Cậu và vị giáo sư người Đức này thường nói chuyện với nhau về vấn đề quốc tế và tín ngưỡng. Cậu nói với ông ấy rằng tôi là người thế nào, tình huống của tôi ra sao, v.v.. Cậu ấy còn nói với tôi rằng, cảm ơn tôi đã giảng cho cậu chân tướng Pháp Luân Công để cậu không bị lừa. Cuối cùng cậu ấy nói: “Cô ơi, cô là người rất thiện lương, em cũng muốn có cuộc sống và công việc như cô.”

Còn có một nam học sinh khác, một hôm cậu ấy đến nhà tôi và nói rằng, bây giờ cậu ấy chưa tìm được việc làm, xã khu bảo cậu đi theo dõi học viên Pháp Luân Công và cho biết họ sẽ trả bao nhiêu mỗi ngày, nhưng cậu ấy không đồng ý. Cậu ấy nói: “Cô là người tốt như vậy, bảo em đi giám sát, theo dõi, em sẽ không đi đâu.” Tôi khích lệ cậu ấy làm vậy là đúng, là chính nghĩa.

Sau khi làn sóng tam thoái bắt đầu, các đồng tu ở khu vực tôi lần lượt bước ra ngoài giảng chân tướng, khuyên tam thoái khắp hang cùng ngõ hẻm. Một hôm, có đồng tu nói với tôi rằng, khi cô ấy khuyên tam thoái thì gặp một cô bé. Khi đồng tu nói đến chân tướng Pháp Luân Công, cô bé lập tức nhắc đến tên tôi, nói rằng giáo viên chủ nhiệm năm đó là người luyện Pháp Luân Công, vì vậy cô bé biết về Pháp Luân Công. Đồng tu khuyên cô bé thoái khỏi các tổ chức đảng, đoàn, đội của Trung Cộng mà cô bé từng gia nhập, và cô bé đã vui vẻ đồng ý.

III. Đệ tử Đại Pháp đạt được ‘tiên tha hậu ngã’, đồng nghiệp và nhân viên trong trường minh bạch chân tướng

Sau khi phản bức hại bắt đầu, đệ tử Đại Pháp vâng theo lời dạy của Sư phụ, bắt đầu giảng chân tướng Đại Pháp, cứu độ chúng sinh bị che đậy và lừa dối bởi tà đảng Trung Cộng. Ban đầu, tôi cũng không biết giảng thế nào, thậm chí đôi khi mang theo cả khí hận đối với Trung Cộng mà giảng. Sau đó, trong quá trình học Pháp và tu tâm, dần dần tôi đã biết cách giảng thế nào. Nhờ biểu hiện thuần chính của bản thân trong công việc, đã đặt nền tảng cho việc giảng chân tướng, khiến đại đa số đồng nghiệp và nhân viên trong trường đều minh bạch chân tướng. Cũng có đồng nghiệp không tiếp nhận chân tướng, gửi thư chân tướng cũng không xem. Tôi không bị động bởi thái độ và lời nói của họ, mà chiểu theo những gì Sư phụ giảng, luôn từ bi đối xử với họ, đặt nền tảng và trải đường cho sự đắc cứu của họ trong tương lai.

Sư phụ giảng:

“Các đệ tử Đại Pháp tu “Chân Thiện Nhẫn”; do đó hãy từ bi [với] chúng sinh; không thể nói ‘có đọc thì có từ bi [với họ], còn không đọc tư liệu thì không từ bi [với họ]’; như thế không được. (cười) Cứu [độ] con người, cần [nhẫn] nại; do vậy mới là từ bi của các đệ tử Đại Pháp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003], Giảng Pháp tại các nơi III)

Sau khi “cửu bình cộng sản đảng” xuất bản, đệ tử Đại Pháp bắt đầu khuyên tam thoái, tôi cũng nắm chắc mọi cơ hội. Khi không có tiết dạy, tôi đến nhiều phòng ban khác nhau, khi thấy trong phòng ban có ít người hoặc chỉ một người, tôi lập tức nói chuyện và khuyên tam thoái. Cổng trường chúng tôi cách tòa nhà giảng dạy năm hoặc sáu phút. Mỗi ngày đi làm vào buổi sáng và buổi trưa, lúc gặp đồng nghiệp ở cổng, tôi đều chủ động đi bộ với họ, khi đến tòa nhà giảng dạy, thì cơ bản cũng đã nói xong tam thoái. Trong khoảng thời gian ngắn, hơn một nửa số đồng nghiệp trong trường tôi đã thoái xuất khỏi tổ chức của Trung Cộng.

Sau đây là một số đồng nghiệp có ma sát tâm tính với tôi, làm thế nào mà tôi có thể hòa hợp với họ, khuyên tam thoái, và thể hiện phong cách của một đệ tử Đại Pháp.

1. Đồng nghiệp A

Đồng nghiệp A dạy cùng môn với tôi, tuổi nhỏ hơn tôi, bình thường hai chúng tôi là bạn rất thân, tôi giúp đỡ cô ấy trong mọi mặt cuộc sống và giảng dạy. Sau này, vì các con, cô ấy muốn chuyển đến một trường cấp hai trọng điểm, cô cần giảng thử, nhưng sợ giảng không tốt nên nhờ tôi giúp đỡ. Tôi cố gắng hết sức giúp cô ấy thiết kế giáo án, soạn giáo trình và đưa ra lời khuyên cho cô về mọi khía cạnh trong việc giảng dạy. Buổi giảng thử của cô ấy đã thành công và được chuyển đến trường cấp 2 trọng điểm, cô ấy rất cảm kích tôi.

Hơn một năm sau, vì tôi bị Trung Cộng bức hại nên lưu lạc không nhà, cô ấy cũng nghe nói về điều này. Tôi nghĩ cô ấy vẫn chưa tam thoái nên muốn đến nhà cô ấy giảng chân tướng. Tôi điện thoại cho cô ấy và nói rằng muốn đến nhà cô ấy, cô ấy đã đồng ý. Nhưng hôm sau, trước khi đi tôi lại điện thoại cho cô ấy, con trai của cô ấy đã nghe máy, và nói: “Mẹ cháu đi vùng ngoài học tập rồi, không có nhà.” Tôi buông điện thoại xuống, hơi cảm thấy tâm ý nguội lạnh. Sau đó, cô ấy cũng không điện thoại lại để giải thích. Nghĩ đến những gì đã phó xuất cho cô ấy, tôi cảm thấy hơi buồn, nhưng lập tức nhận ra rằng không nên sinh tâm oán hận chúng sinh. Trung Cộng cường quyền và đàn áp nhiều năm như vậy, khiến trong lòng người dân đều sợ hãi, không thể yêu cầu quá cao với họ, phải thông cảm cho tâm thái của mọi người lúc này.

Sau đó, tôi quay lại trường dạy học. Vào buổi chiều mùa đông, một số giáo viên tiếng Anh trong thành phố đến một trường cấp 2 để nghiên cứu giảng dạy. Tôi cũng đi, và cô ấy cũng đi. Tôi chào cô ấy, cô ấy rất vui khi nhìn thấy tôi. Vì chỗ ngồi không cạnh nhau nên tôi viết cho cô ấy một lời nhắn: “Họp xong gặp nhau nhé?” rồi chuyển cho cô ấy, cô ấy nhận tờ giấy và lập tức gật đầu đồng ý với tôi. Buổi họp kết thúc và chúng tôi lại gặp nhau. Cô ấy đến bằng xe buýt nên chúng tôi đi bộ đến bến xe buýt. Tôi bắt đầu kiên nhẫn giảng cho cô ấy tam thoái là gì, và cô ấy rất nghiêm túc lắng nghe. Xe buýt của cô ấy đến, nhưng cô ấy nói: “Em không lên xe, đợi chuyến sau vậy.” Chúng tôi tiếp tục trò chuyện, cô ấy hỏi tôi vài vấn đề, và tôi trả lời từng câu một. Lúc này mặt trời đã lặn về hướng Tây, trời cũng tối dần, cô ấy không nỡ rời đi, rất muốn nghe tôi giảng, cuối cùng cô ấy đã thoái khỏi tổ chức đoàn, đội của Trung Cộng.

2. Đồng nghiệp B

Trong các đơn vị nhà nước ở Trung Quốc Đại lục, việc đánh giá chức danh nghề nghiệp là việc quan trọng, đặc biệt là đối với chức danh chuyên môn cao cấp, hầu hết mọi người đều dốc sức tập trung vào đó, thậm chí xoắn xuýt tranh giành. Trường học còn hơn thế nữa, trong khi số lượng chức danh chuyên môn cao cấp rất ít, có khi chỉ một hoặc hai. Mỗi khi đến lúc đánh giá, những đồng nghiệp đủ tiêu chuẩn sẽ cố gắng xây dựng mối quan hệ và tặng quà; một số còn tỏ ra hung hăng, đe dọa nếu không được bình chọn thì sẽ làm gì đó.

Đồng nghiệp B từng là sinh viên đại học “công, nông, binh”, vì ở trường không học được gì nhiều, khả năng giảng dạy kém, nên chưa từng được trao danh hiệu chuyên môn cao cấp. Trong lần đánh giá trước khi bà ấy nghỉ hưu, bà ấy rất kích động, và rất muốn được bình chọn. Tuy nhiên, lãnh đạo trường cho rằng không thể lấy thâm niên để xếp hạng, không đánh giá chức danh nghề nghiệp theo độ tuổi mà bằng thành tích giảng dạy. Khi đó, tôi là giáo viên tuổi trung niên và là chủ chốt của thành phố này, đồng thời là trưởng nhóm giảng dạy và nghiên cứu khoa tiếng Anh của trường, hiệu trưởng muốn cho tôi và hai giáo viên chủ chốt khác tham gia đánh giá, nhưng người đồng nghiệp B này đã đến gặp hiệu trưởng làm ầm ĩ.

Bà ấy biết tôi cũng là đối thủ cạnh tranh của bà, nên những ngày đó thái độ của bà đối với tôi rất thù địch. Trong tình huống như vậy, tôi nghĩ đến người thời mạt Pháp coi trọng lợi ích vật chất hơn bất cứ thứ gì khác, chưa kể ở đây có sự chênh lệch lớn về mức lương và chế độ đãi ngộ giữa chức danh chuyên môn trung cấp và cao cấp. Bà ấy sắp nghỉ hưu mà vẫn chưa được đánh giá lên chức danh cao cấp, nên bà cảm thấy không thể chịu được. Tôi có thể cảm nhận được nỗi khổ trong lòng của bà ấy nên bày tỏ với bà rằng, tôi sẵn sàng nhường bà tham gia đánh giá, và tôi sẽ bỏ phiếu cho bà. Bản thân tôi còn trẻ nên vẫn còn cơ hội. Bà ấy rất sốc.

Hôm sau, bà ấy nói với tôi rằng: “Người luyện Pháp Luân Công như các em không tranh lợi ích nhỉ!” Cuối cùng, bà và hai giáo viên chủ chốt được trao danh hiệu chuyên môn cao cấp, bà ấy đã nghỉ hưu trong sự hài lòng. Một hôm, tôi gặp bà ấy ở ngoài cổng trường, tôi khuyên bà ấy làm tam thoái và bà đã đồng ý thoái khỏi tổ chức của Trung Cộng.

3. Đồng nghiệp C

Đồng nghiệp C là trưởng nhóm giảng dạy và nghiên cứu toán của trường tôi, cô ấy trẻ hơn tôi rất nhiều, con trai cô ấy từng học trong lớp của tôi. Sau khi con trai cô học hết lớp 5 tiểu học, và nghe tin tôi bắt đầu dạy từ lớp đầu tiên của cấp 2 nên không cho con học lớp 6 tiểu học mà vào thẳng trường cấp 2, chỉ để tôi có thể dạy tiếng Anh cho con trai cô ấy. (Chú thích của người dịch: Cấp tiểu học ở Trung Quốc có 6 lớp; Cấp 2 – THCS có 3 lớp: lớp 7, lớp 8, lớp 9)

Con trai cô chưa từng tham gia bất kỳ lớp học thêm tiếng Anh nào, mà chỉ được tôi dạy tiếng Anh trên lớp ở trường. Kết quả là điểm tiếng Anh của cậu bé rất xuất sắc và cậu bé nằm trong số giỏi nhất lớp, điểm cũng cao hơn các môn học khác. Cô ấy rất hài lòng với tôi và đã nhiều lần ca ngợi Đại Pháp.

Trong đợt đánh giá chức danh chuyên môn cao cấp vào khoảng năm 2008, giáo viên này cũng rất muốn được chọn. Cô thậm chí còn đe dọa hiệu trưởng rằng nếu kết quả không được chọn thì sẽ có chuyện như thế nào đó. Các giáo viên tham gia khác cũng đến gặp hiệu trưởng, khiến hiệu trưởng rất khó xử. Tôi đã không đến gặp hiệu trưởng sau khi nghe chuyện đó, cứ tùy kỳ tự nhiên. Kết quả là cô ấy và một giáo viên khác được chọn, còn tôi lại trượt. Vào ngày cô ấy được trao danh hiệu chuyên môn cao cấp, tôi gặp cô ấy ở cầu thang và cô ấy có chút lúng túng. Tôi liền nắm tay cô ấy và nói một cách chân thành: “Em được chọn, chị chúc mừng em nhé! Chỉ cần em tốt là chị vui rồi.” Cô ấy xúc động đến mức không nói nên lời.

Một ngày nọ, tôi gặp gia đình ba người của cô ấy trên phố, họ rất vui khi gặp tôi. Tôi đã làm tam thoái cho cô ấy và con trai, lần này gặp chồng cô, tôi liền giảng tam thoái cho anh ấy. Chồng cô còn chưa biểu đạt thái độ, đồng nghiệp C lập tức thay mặt chồng nói: “Thoái, chị thoái cho anh ấy nhé, anh ấy là đảng viên.” Chồng cô ấy nhìn tôi mỉm cười và đồng ý.

4. Đồng nghiệp D

Đồng nghiệp D cũng là giáo viên tiếng Anh, chúng tôi thường rất hợp nhau, và cô ấy đã làm tam thoái từ lâu. Trong lần đánh giá chức danh chuyên môn cao cấp năm đó, cô rất muốn được chọn. Trong buổi đánh giá cá nhân, hai chúng tôi ngồi cạnh nhau, nhưng đến lúc bỏ phiếu, cô ấy đột nhiên rời khỏi chỗ ngồi và ngồi xuống một chỗ cách xa tôi. Tôi cảm thấy sốc nhưng ngay lập tức hiểu rằng cô ấy không muốn bỏ phiếu cho tôi và cũng không muốn tôi biết. Vì điều kiện của tôi rất tốt, nên nếu tôi được chọn thì cô ấy có thể không được chọn. Tôi không hề có chút oán hận nào, tôi biết đây là trạng thái của con người thời mạt Pháp, bản tính đều là vị tư. Sau này tôi vẫn thân thiện với cô ấy. Lần này cô ấy được chọn, còn tôi lại trượt. Sau khi biết tin cô ấy được trao chức danh chuyên môn cao cấp, tôi liền đến gặp cô và chân thành chúc mừng. Cô ấy rất cảm động.

Những ngày sau đó, đồng nghiệp D luôn bảo vệ danh tiếng Pháp Luân Công trong mọi trường hợp. Chỉ cần có người nói Đại Pháp không tốt, cô ấy liền tranh luận với họ, cô không đồng ý nếu ai đó nói Đại Pháp không tốt, cô còn dám nói ngay cả khi có mặt lãnh đạo. Cô ấy nói với mọi người rằng: “Tôi biết ba học viên Pháp Luân Công, một người là A trong đơn vị của anh Phùng (chồng cô). Anh Phùng nói A làm việc tốt, luôn làm việc chăm chỉ, và không bao giờ nói nhiều; một người là B ở đơn vị của anh cả tôi, quản lý căng tin của đơn vị, luôn để mọi người được ăn uống sạch sẽ, giá rẻ, bổ dưỡng; và C (tên của tôi) ở trường chúng ta. Anh chị xem, ai trong số họ không phải là người tốt?!”

Đồng nghiệp D sống trong khu dân cư cao cấp, và tôi thường cho cô ấy xem những cuốn chân tướng. Sau khi xem xong, cô ấy đã phân phát trong khu dân cư. Cô ấy còn tự tin đặt cuốn lịch để bàn Minh Huệ mà tôi tặng cô ấy trên bàn làm việc của cô trong văn phòng. Cô bị ung thư cổ tử cung hơn 10 năm trước, lúc đó bệnh đã ở giai đoạn cuối. Vì cô đường đường chính chính nói lời công bằng cho Đại Pháp, nên Sư phụ đã kéo dài thọ mệnh cho cô, và cô vẫn sống khỏe mạnh cho đến ngày nay. Bây giờ cô ấy đã nghỉ hưu. Mấy hôm trước, tôi đã gửi cho cô kinh văn “Vì sao có nhân loại” của Sư phụ.

Kết luận

Về sau, vì tôi bị tà đảng Trung Cộng kết án tù phi pháp, nên vẫn giữ chức danh chuyên môn trung cấp cho đến khi nghỉ hưu. Thời điểm đó, hiệu trưởng công tác ở trường chúng tôi 10 năm, mặc dù ông không trao cho tôi chức danh chuyên môn cao cấp, nhưng ông đánh giá cao khả năng giảng dạy và nhân phẩm của tôi, đồng thời cũng công nhận Đại Pháp. Ông đã nhiều lần ngăn chặn sự sách nhiễu của đồn cảnh sát địa phương, Cục An ninh Quốc gia và các phòng ban khác khi họ đến trường tìm tôi; sau khi tôi bị tù oan, ông vẫn giữ chức vụ cho tôi, tạo điều kiện cho tôi nghỉ hưu thuận lợi khi đến tuổi nghỉ hưu.

Vào mùa hè năm 2020, Cục An sinh xã hội của Trung Cộng đã đình chỉ lương hưu của tôi với lý do tôi từng ở tù, tôi đã giảng chân tướng cho các nhân viên bộ phận liên quan. Bây giờ tôi kiếm sống bằng cách dạy kèm tiếng Anh cho hai học sinh. Nội tâm tôi tươi sáng và không cảm thấy khổ.

Cảm tạ sự từ bi bảo hộ của Sư phụ đã giúp đệ tử vượt qua những năm tháng gió mưa, ban cho đệ tử sứ mệnh vĩ đại được cứu độ chúng sinh và vinh quang mà chưa một vị Thần nào trong vũ trụ từng có được. Trong những ngày tu luyện Chính Pháp còn lại không nhiều này, đệ tử nên học Pháp nhiều hơn, bảo trì thanh tỉnh, nhất định phải tu luyện như thuở đầu, làm tốt ba việc, viên mãn theo Sư phụ về nhà.

Nếu có chỗ nào không đúng, xin đồng tu từ bi chỉ chính.

(Phụ trách biên tập: Tề Hân Vũ)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/11/11/大陸法會-中學教師在校園證實法-467804.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/17/212957.html

Đăng ngày 03-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share