Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-10-2023] Theo dự kiến, vợ chồng ông Hàn Tích Mẫn và bà Đỗ Thanh Tú ở thành phố Lăng Nguyên, tỉnh Liêu Ninh sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 7 tháng 11 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ông Hàn Tích Mẫn (61 tuổi) là một cựu nhân viên của Công ty Thép Lăng Nguyên và bà Đỗ Thanh Tú (60 tuổi) là một cựu giáo viên Trường THCS Số 2 thành phố Lăng Nguyên. Họ đã bị cảnh sát của Đồn Công an Bắc Đài ở thành phố Triều Dương và Phòng Công an Đường sắt thành phố Cẩm Châu bắt giữ vào ngày 12 tháng 5 năm 2023.

Cảnh sát tuyên bố lý do của vụ bắt giữ là vì hai vợ chồng ông Hàn đã gửi thư có thông tin về Pháp Luân Công cho công an đường sắt ở thành phố Cẩm Châu (cách Lăng Nguyên, nơi thuộc quyền quản lý của thành phố Triều Dương, khoảng hơn 190km).

Cảnh sát không mặc cảnh phục và không xuất trình lệnh khám xét khi đột kích vào ngôi nhà và cũng không cung cấp danh sách các đồ vật bị tịch thu cho hai vợ chồng. Hai vợ chồng ông Hàn phát hiện số tiền 1.000 nhân dân tệ tiền ở trong túi xách mà ông Hàn mang theo trong lúc bị bắt và 2.000 nhân dân tệ tiền mặt để ở nhà họ đã biến mất sau khi cảnh sát lục soát.

Do hai ông bà từ chối trả lời mọi câu hỏi nên cảnh sát đã tự điền vào hồ sơ thẩm vấn những câu trả lời bịa đặt. Khi ông Hàn chỉ ra hành vi của họ là bất hợp pháp, cảnh sát Ninh Khải đã thách thức ông đệ đơn kiện họ tới bất cứ nơi nào ông muốn và khẳng định rằng việc bịa đặt này thực chất là mệnh lệnh từ cấp trên. Một cảnh sát khác đe dọa sẽ lăng mạ nhà sáng lập Pháp Luân Công nếu ông bà không hợp tác trong cuộc thẩm vấn.

Viện Kiểm sát quận Song Tháp (ở thành phố Triều Dương) đã phê chuẩn lệnh bắt giữ hai vợ chồng và sau đó truy tố họ trước khi chuyển vụ án tới Tòa án quận Song Tháp.

Khi luật sư của hai học viên tới Trại tạm giam thành phố Triều Dương để gặp họ, lính canh tuyên bố người phụ trách vụ án của họ không phê chuẩn cuộc gặp mặt này. Luật sư đã phải nộp đơn khiếu nại lên lãnh đạo trại tạm giam và cuối cùng đã được phép vào gặp mặt thân chủ của mình.

Ngày 22 tháng 8 năm 2023, mẹ của ông Hàn, bà cụ Dương Quế Lan (96 tuổi), đã đệ đơn khiếu nại cảnh sát Ninh Khải của Đồn Công an Bắc Tháp và công tố viên Cừu Vỹ Dung của Viện Kiểm sát quận Song Tháp trên các nền tảng 12337 và 12389. (“12337” là một nền tảng trực tuyến được thiết lập để báo cáo các hành vi vi phạm kỷ luật và pháp luật của công an và những người làm việc trong ngành tư pháp; “12389” là tổng đài điện thoại được Bộ Công an Trung Quốc sử dụng để tiếp nhận khiếu nại, phản ánh của công chúng).

Bà Dương lập luận rằng chưa từng có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công và hiến pháp bảo vệ quyền tu luyện Pháp Luân Công của con trai, con dâu bà và họ chỉ đang thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình mà thôi. Bà nói thêm rằng cảnh sát đã vi phạm các thủ tục pháp lý trong khi xử lý vụ án, bao gồm cả việc không xuất trình giấy tờ chứng minh thân phận hoặc lệnh bắt giữ và lục soát trong quá trình bắt giữ và đột kích vào ngôi nhà.

Về vụ khiếu nại công tố viên, bà Dương chỉ ra việc ông ta đã không nêu rõ được cơ sở pháp lý và bằng chứng chứng minh cho cáo buộc chống lại con trai và con dâu bà, cụ thể là cáo buộc họ đã “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật“ (một cái cớ được quy chuẩn mà chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để khép tội và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công).

Ban đầu Tòa án quận Song Tháp dự kiến mở phiên xét xử họ vào ngày 15 tháng 8 nhưng sau đó hoãn đến ngày 28 tháng 8. Công tố viên đã nộp bằng chứng bổ sung kết tội hai vợ chồng ông Hàn vào ngày 20 tháng 10 và thẩm phán đã lên lịch cho một phiên xét xử khác vào ngày 30 tháng 10, nhưng lại tiếp tục hoãn đến ngày 7 tháng 11.

Bức hại trong quá khứ

Trước đó, hai vợ chồng ông Hàn đã nhiều lần bị chính quyền nhắm mục tiêu vì giữ vững đức tin của mình. Ông Hàn từng 3 lần bị kết án lao động cưỡng bức, vợ ông từng 2 lần bị kết án lao động cưỡng bức và 1 bản án 6 năm tù trong suốt 24 năm của cuộc bức hại đã qua.

Sự bức hại mà ngươi chồng đã trải qua: 3 bản án lao động cưỡng bức

Tháng 3 năm 1999 (4 tháng trước khi cuộc đàn áp bắt đầu), Công an thành phố Lăng Viễn đã triệu tập hơn 300 học viên Pháp Luân Công địa phương đến Câu lạc bộ Công ty thép Lăng Viễn. Cảnh sát trưởng Trương Minh Hoa tuyên bố ĐCSTQ sẽ sớm cấm Pháp Luân Công và ra lệnh cho các học viên phải công khai tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Ông Hàn và 10 học viên khác từ chối và bị tống giam. Khi có thêm nhiều học viên địa phương biết về sự việc này, họ đã đi tới chính quyền thành phố để yêu cầu thả các học viên này. Dưới áp lực từ phía dư luận, cảnh sát đã để các học viên về nhà.

Khi cuộc bức hại chính thức được phát động vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông Hàn quyết định đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Do độ phủ dày đặc của cảnh sát trên các mạng lưới giao thông công cộng lớn, ông Hàn lựa chọn đạp xe tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi mới đi được nửa đường thì ông đã bị cảnh sát Lăng Nguyên chặn lại. Ông bị giam 15 ngày và phạt 3.000 nhân dân tệ. Không lâu sau khi ông được thả, Công ty Thép Lăng Nguyên đã sa thải ông.

Mùa xuân năm 2000, ông Hàn lại bị bắt và giam giữ 1 tháng sau khi cảnh sát nghi ngờ ông đã đưa các bài giảng Pháp Luân Công cho những học viên khác.

Tháng 7 năm 2000, ông Hàn lên đường tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện và lại bị người của Đồn Công an Mạc Hồ Điếm bắt giữ ngay sau khi trở về Công an thành phố Lăng Nguyên đã phạt ông 1 năm lao động cưỡng bức sau khi tạm giam ông 1 tháng.

Ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Tây Đại Doanh Tử, ông Hàn bị tẩy não cường độ cao, cấm ngủ, biệt giam và bị sốc điện bằng 7 chiếc dùi cui điện cùng lúc. Lính canh và tù nhân liên tục đánh đập ông. Để tăng thêm sự đau khổ cho ông, họ còn rắc muối vào vết thương của ông.

Mặc dù ông Hàn đã sớm được thả nhưng vài tháng sau đó ông lại bị bắt vào ngày 1 tháng 7 năm 2001, sau khi cảnh sát thấy có tài liệu Pháp Luân Công ở nhà ông. Ông bị giam ở trong Trại tạm giữ thành phố Lăng Nguyên trong 105 ngày và sau đó bị kết án 3 năm lao động khổ sai ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Tây Đại Doanh Tử. Ở đó, ông bị buộc phải đào mương hoặc đào giếng 13 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, đồ ăn mà ông được cung cấp rất nghèo nàn và thường bị nấm mốc. Bởi thiếu dinh dưỡng, ông làm những công việc nặng một cách chậm chạp và bị lính canh cùng tù nhân đánh đập.

Vụ bắt giữ tiếp theo của ông xảy ra vào ngày 21 tháng 8 năm 2007. Lần đó ông bị bắt cùng với vợ và 3 học viên khác. Ông bị kết án lần thứ 3 với bản án 1 năm 9 tháng lao động cưỡng bức. Ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia, ông Hàn liên tục bị sốc điện bằng dùi cui và cưỡng bức lao động trong thời gian dài mà không được trả công, bao gồm việc may hơn 100 bộ quần áo mỗi ngày cho một công ty Hàn Quốc hoặc thu hoạch ngô. Ông từng bị gãy ngón tay đeo nhẫn bên trái trong khi đang làm việc nhưng không được điều trị y tế. Kết quả là, ngón tay đó của ông đã bị thương tật vĩnh viễn.

Lính canh còn bắt ông Hàn phải tiếp tục làm việc ngay cả khi ông bị sốt. Họ sốc điện bằng dùi cui điện khi ông bị đau bụng. Sau đó, cơn sốt của ông được phát hiện là do viêm phổi nặng. Cuối cùng, khi lính canh đưa ông đến bệnh xá của trại lao động, bác sỹ nói nếu việc điều trị bị trì hoãn lâu hơn một chút, ông có thể đã tử vong. Một lính canh khác còn từng tát vào mặt ông hơn 20 cái khiến tai trái của ông bị điếc.

Một số cảnh sát còn kéo tới nhà ông Hàn hòng cố bắt ông một lần nữa vào ngày 11 tháng 8 năm 2011. Ông Hàn từ chối mở cửa cho họ và sau nhiều giờ bế tắc, cuối cùng cảnh sát cũng rời đi. Sau đó, ông Hàn đã buộc phải sống xa nhà để tránh bị bắt giữ thêm nữa.

Sự bức hại mà người vợ đã trải qua: 2 bản án lao động cưỡng bức và 1 bản án 6 năm tù

Bà Đỗ bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức vào năm 2000. Bà lại bị bắt cùng với ông Hàn vào ngày 21 tháng 8 năm 2007 và bị kết án lao động một lần nữa với thời hạn 15 tháng. Ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia, các lính canh Vương Hiểu Phong, Vương Đan Phong và Thôi Hồng Cường đã giữ tay bà, đánh vào mặt, ấn vai bà xuống và sau đó ra lệnh cho bà ký tên vào những tờ giấy có nội dung vu khống Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Họ còn cố ép bà giẫm chân lên ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công.

Lính canh liên tục cố ép bà Đỗ ký tên vào nhiều biểu mẫu khác nhau có nội dung nhận tội hoặc từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối làm theo, họ đã giữ tay bà để ký vào các văn bản, khiến bà bị thương nặng ở ngón tay cái bên trái. Bà bị rụng một chiếc răng sau khi bị tát vào mặt. Ngoài ra, bà cũng bị trói trong tư thế gây đau đớn cùng cực trong suốt 6 tiếng đồng hồ, khiến phần vai của bà bị thương và không lành lại trong nhiều tháng.

Bà Đỗ lại bị bắt vào ngày 30 tháng 10 năm 2012 vì gửi tin nhắn có thông điệp về Pháp Luân Công. Tòa án thành phố Lăng Nguyên đã kết án bà 6 năm tù vào ngày 14 tháng 4 năm 2012. Ở trong Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh, bà bị tra tấn bằng nhiều hình thức, bao gồm đánh đập, đóng băng, làm nhục, không được phép uống nước và bị cấm sử dụng nhà vệ sinh.

Bài liên quan bằng tiếng Hán:

韩锡敏夫妇面临非法庭审-96岁老母控告警察

曾屡遭迫害-辽宁凌源市韩锡敏夫妇再被绑架

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/28/467579.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/3/212753.html

Đăng ngày 22-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share