Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 08-08-2023] Một cặp vợ chồng ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc đã bị bắt cóc vào ngày 4 tháng 6 năm 2023 vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả thân và tâm vốn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Ông Trịnh Phượng Tường, 61 tuổi, đã được thả sau 23 tiếng, nhưng vào thời điểm của bài viết này, vợ ông, bà Lý Văn Hoa, 59 tuổi, vẫn bị giam tại Trại tạm giam thành phố Cát Lâm và phải đối mặt với việc bị truy tố.
Ông Trịnh và bà Lý nằm trong số hơn 30 học viên Pháp Luân Công ở địa phương bị bắt vào ngày 4 tháng 6. Cảnh sát đã theo dõi các học viên trong một thời gian dài và thu thập hình ảnh từ các camera giám sát trước khi tiến hành bắt giữ.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trịnh và bà Lý trở thành đối tượng bị nhắm tới chỉ vì đức tin của họ. Trong cuộc bức hại diễn ra suốt 24 năm qua, bà Lý đã bị đưa đến trại cưỡng bức lao động trong 1 năm 3 tháng. Ông Trịnh phải nhận hai án lao động cưỡng bức và có một thời gian bị giam giữ 4 năm trong tù. Con trai của họ cũng bị bắt vào cùng thời điểm họ bị bắt vào năm 2006 và đã bị cảnh sát đánh đập. Khi đó cậu ấy mới 17 tuổi.
Bước vào tu luyện Pháp Luân Công
Trước đây bà Lý đã từng rất thích chơi mạt chược và khiêu vũ. Bất cứ điều gì được cho là “xu thế mới” đều khiến bà thích thú. Kết quả là bà ít khi có thời gian dành cho chồng con, dẫn đến nhiều bất hòa xảy ra trong gia đình.
Vào tháng 6 năm 1996, ông Trịnh và con trai đi đến một công viên và nhìn thấy một nhóm người đang luyện Pháp Luân Công. Ông cảm nhận được một trường năng lượng mạnh mẽ và hòa ái gần các học viên và đã quyết định bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công ngay lập tức.
Bà Lý đã dần dần nhận ra những cải biến của chồng mình. Ông ấy trở nên khỏe mạnh và vui vẻ, luôn luôn nở nụ cười trên mặt. Bà vô cùng ngạc nhiên trước uy lực mạnh mẽ của Pháp Luân Công và cũng đã bắt đầu tu luyện vào năm 2003.
Một lần một người hàng xóm lại mời bà chơi mạt chược, bà đã trả lời rằng bà đã bỏ mạt chược sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bởi vì bây giờ bà muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Người hàng xóm ngạc nhiên khi nghe thấy bà nói về gia đình như vậy, bởi vì tất cả hàng xóm đều biết trước đây bà là một người phụ nữ ích kỷ.
Họ hàng và bạn bè của bà Lý cũng ngạc nhiên khi thấy Pháp Luân Công đã cải biến bà thành một người vợ và người mẹ chu đáo, biết quan tâm. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hai vợ chồng bà đã liên tục trở thành mục tiêu bị nhắm tới chỉ đức tin của họ.
Ông Trịnh bị kết án 2 năm cưỡng bức lao động sau khi bị bắt cóc vào năm 2000
Vào ngày 26 tháng 7 năm 2000, ông Trịnh bị bắt cóc ở trên phố, sau đó đã bị tra tấn dã man tại sở cảnh sát tỉnh Cát Lâm. Một vài nhân viên cảnh sát đã dùng ghế để cố định đầu của ông, sau đó khoét vào sườn của ông. Ông Trịnh đau đớn đến mức suýt ngất đi. Sau đó cảnh sát chuyển ông tới trại lao động thành phố Cát Lâm để thụ án 2 năm, nhưng ông được thả ra 3 tháng sau đó bởi vì ông đã trở nên quá yếu sau khi bị tra tấn.
Tái hiện cảnh tra tấn: Cố định đầu và khoét xương sườn
Ông Trịnh lại bị bắt hai tháng sau khi được thả ra từ trại lao động
Đồn cảnh sát đường Trường Xuân đã bắt ông Trịnh vào lúc 9 giờ tối ngày 23 tháng 12 năm 2000 trong khi ông đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Ông đã bị tra tấn ở đồn cảnh sát tới 3 giờ sáng. Cảnh sát đấm đá ông, sau đó lột trần và ép ông đứng ở ngoài trời giữa mùa Đông giá lạnh. Ông đã hô lớn: “Hãy tới xem cảnh sát đối xử với các học viên Pháp Luân Công như thế nào!” Cảnh sát không muốn người khác nghe thấy nên lại đẩy ông vào bên trong. Họ đẩy ông ngã xuống đất và dẫm lên người ông, sau đó dội nước lạnh lên người ông. Ông vẫn từ chối trả lời các câu hỏi, sau đó họ đã còng tay ông vào một ống nước và đá mạnh vào vùng háng của ông.
Sau đó, cảnh sát đã đưa ông Trịnh đến trại tạm giam số 1 tỉnh Cát Lâm và giam ông cùng với hơn 20 tù nhân trong một phòng giam nhỏ, trong đó có cả vài kẻ giết người. Lính canh Vương Trọng đã xúi giục các tù nhân hành hạ ông Trịnh. Họ yêu cầu ông đọc các bài báo phỉ báng Pháp Luân Công. Ông đã từ chối nên bị họ đánh đập. Tiếp đó, họ lột trần ông và đưa ông vào nhà vệ sinh, rồi dùng hai thùng nước lạnh đổ từng chút từng chút lên đầu ông. Nhiệt độ ngày hôm đó là âm 43,6 độ C. Sau khi tra tấn bằng phương thức đổ nước lạnh, các tù nhân đã ép ông Trịnh ngồi xuống ở tư thế đại bàng sải cánh và dẫm lên người ông, sau đó dùng giày của họ để vặn chân của ông, kết quả chân của ông đã bị sưng nghiêm trọng và mưng mủ.
Ông Trịnh và bà Lý cùng bị bắt vào năm 2004
Ông Trịnh và bà Lý đã bị bắt vào sáng ngày 4 tháng 2 năm 2004, trong khi đang dùng sơn để viết các thông điệp về Pháp Luân Công tại một thị trấn ở địa phương. Khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, ba cảnh sát ép bà Lý đưa họ về nhà của bà. Họ đã lấy đi các sách Pháp Luân Công, băng ghi âm và các tài liệu thông tin (bao gồm một cuốn lịch có thông điệp Pháp Luân Công)
Thôi Đống Trường và Lý Cảnh Cương từ đồn cảnh sát Cô Điếm Tử là những người phụ trách vụ án của hai vợ chồng. Họ đã đưa 2 vợ chồng ông Trịnh tới trại tạm giam số 3 thành phố Cát Lâm. Ông Trịnh từ chối từ bỏ đức tin của mình. Lính canh Dương Trung Hoa ở trại tạm giam đã còng tay và cùm ông lại theo tư thế khiến ông không thể nào đứng thẳng được (xem hình bên dưới). Ông Trịnh đã tuyệt thực để phản đối. Đến ngày thứ 4, giám đốc trại tạm giam, ông Tùng Mậu Hoa, đã yêu cầu các lính canh bức thực ông bằng cách nhét một ống thông qua mũi. Ông Trịnh đã phải trải qua sự đau đớn tột cùng.
Tái hiện cảnh tra tấn: Còng tay và chân lại với nhau
Người con trai 17 tuổi cũng bị bắt và bị tra tấn vào năm 2006
Ông Trịnh, bà Lý và cậu con trai Trịnh Vân Long, khi đó 17 tuổi, đã bị bắt vào ngày 14 tháng 7 năm 2006 bởi tám nhân viên cảnh sát từ Đồn cảnh sát đường Trường Giang, bao gồm cả phó đồn Vương Hồng Vỹ.
Gia đình ba người đã bị tra tấn tàn bạo tại đồn cảnh sát. Một vài nhân viên đã treo Trịnh Vân Long lên, rồi bóp miệng, vặn mũi, và đá liên tục vào bụng, ngực, và vùng háng của cậu. Sau khi thả cậu học sinh trung học này xuống, họ không ngừng đá cậu ngã xuống đất, sau đó lại nhấc cậu lên và tiếp tục đá. Trong suốt 24 tiếng, họ đã không để cho cậu ngủ. Khi được thả ra vào sáng sớm ngày 16 tháng 7 năm 2006, cậu đã phải chịu đựng những tổn thất về thể chất và tinh thần không gì có thể bù đắp, bị chóng mặt, buồn nôn và choáng váng.
Cha của Trịnh Vân Long, ông Trịnh Phượng Tường, đã bị tra tấn thêm hơn 6 tiếng nữa. Cảnh sát đã treo ông lên và đánh đập ông. Ông Trịnh đã ngất xỉu do bị đánh. Cảnh sát đã đổ nước lạnh lên người ông để ông thức dậy và tiếp tục đánh đập. Một nhân viên cảnh sát hét lớn: “Hãy nhớ tên tao là Lệ Thành Bảo. Thách mày dám kiện tao đó!”
Ông Trịnh bị tuyên án lao động cưỡng bức không rõ thời hạn nhưng trại lao động Ẩm Mã Hà đã từ chối tiếp nhận vì sức khỏe của ông quá kém sau khi bị tra tấn. Ông đã được trả về nhà.
Sau đó bà Lý phải chịu án 1 năm 3 tháng lao động cưỡng bức tại Trại lao động Hắc Chủy Tử ở thành phố Trường Xuân, cách thành phố Cát Lâm khoảng 80 dặm.
Ông Trịnh bị kết án 4 năm sau khi thăm vợ trong trại lao động
Vào ngày 13 tháng 07 năm 2007, ông Trịnh cùng con trai ông và ba người họ hàng tới thăm vợ ông tại trại lao động. Sau khi đến thành phố Trường Xuân, ông gọi điện cho một thành viên trong gia đình ở thành phố Cát Lâm để thông báo với bà ấy về chỗ ở của họ. Sau đó người nhà không còn nghe thấy bất cứ thông tin nào của ông trong những tiếng tiếp theo. Bà đã gọi tới các cơ quan khác nhau và xác nhận được rằng, ông Trịnh, con trai của ông và ba người họ hàng đều đã bị bắt sau khi đến trại lao động.
Cảnh sát đã sử dụng nhiều dụng cụ tra tấn khác nhau đối với ông Trịnh, khiến ông bị thương nghiêm trọng. Họ phải đưa ông nhập viện để hồi sức. Họ thông báo cho gia đình về việc ông nhập viện và sau đó đã rời khỏi bệnh viện.
Con trai ông Trịnh và những người họ hàng cũng bị đánh đập và bị đe doạ trước khi được thả. Ông Trịnh lại bị bắt ngày 2 tháng 7 năm 2007, khi ông đến đồn Công an đường Trường Giang để yêu cầu trả lại hơn 5.800 nhân dân tệ tiền mặt bị tịch thu khi ông bị bắt tại trại lao động trước đó. Cảnh sát đã đưa ông đến trại giam thành phố Cát Lâm.
Ông đã bị kết án 4 năm tù vào tháng 11 năm 2008 và bị chuyển đến nhà tù nhà tù Công Chủ Lĩnh vào tháng 4 năm 2009. Ông Trịnh đã bị tra tấn dã man khi ở trong tù. Chi tiết về những gì ông đã phải trải qua có thể được xem tại đây.
Ông Trịnh bị đưa thẳng đến trung tâm tẩy não sau khi ra khỏi tù
Ba thành viên gia đình của ông Trịnh đã đến nhà tù Công Chủ Lĩnh vào ngày 1 tháng 7 năm 2011, háo hức chờ để đón ông về sau bốn năm bị giam cầm. Vào lúc 8 giờ sáng, một viên lính canh đi ra cổng và nói với mọi người rằng nhà tù sẽ chỉ bàn giao ông Trịnh cho Phòng 610 thành phố Cát Lâm.
Những người thân của ông Trịnh đã buộc phải đợi bên ngoài nhà tù. Gần 11 giờ sáng, họ nhìn thấy một chiếc xe Jeep màu trắng đi thẳng vào khu nhà tù, sau đó chiếc xe đi tới phía cửa phụ, vốn là nơi các tù nhân mãn hạn được phóng thích. Sau đó họ nhìn thấy năm người nhảy ra khỏi xe Jeep và tóm lấy ông Trịnh từ cửa phụ.
Gia đình nhìn thấy mọi việc diễn ra trước mắt nhưng họ không được phép đi vào bên trong nhà tù. Khi chiếc xe Jeep đi ra khỏi nhà tù, họ đã ngồi xuống đất để chặn chiếc xe. Họ đã lên án Phòng 610 đã bắt giữ người thân của họ. Họ đã đi từ Cát Lâm đến Trường Xuân từ ngày hôm trước, nhưng cuối cùng lại không thể đưa ông Trịnh về.
Một đám đông tụ tập xung quanh chiếc xe. Ba nhân viên nhảy ra khỏi xe Jeep và đẩy gia đình ông Trịnh sang bên lề đường. Sau đó họ bỏ đi cùng ông Trịnh trên chiếc xe Jeep.
Gia đình ông Trịnh sau đó biết rằng ông đã bị đưa thẳng đến trung tâm tẩy não bởi vì cuối cùng ông vẫn không đồng ý từ bỏ Pháp Luân Công khi mãn hạn tù. Ông đã bị giữ ở trung tâm tẩy não trong 7 ngày.
Các báo cáo liên quan:
Một người phụ nữ ở Hắc Long Giang bị cầm tù vì đức tin của mình
34 học viên Pháp Luân Công tại thành phố Cát Lâm bị bắt cóc trong vòng 2 ngày
Hơn 30 học viên Pháp Luân Công bị bắt cóc tại thành phố Cát Lâm
Ông Trịnh Phượng Tường đến từ Cát Lâm bị tra tấn tại nhà tù Công Chủ Lĩnh
Ông Trịnh Phượng Tường bị Phòng 610 đưa thẳng tới trung tâm tẩy não sau khi mãn hạn tù
Ông Trịnh Phượng Tường bị bức hại tại nhà tù thành phố Công Chủ Lĩnh
Học sinh trung học tại Cát Lâm tố cáo cảnh sát vì hành động bắt giữ và tra tấn phi pháp
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/8/8/463952.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/16/210841.html
Đăng ngày 21-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.