Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Washington DC

[MINH HUỆ 11-10-2023]

Kính chào Sư phụ!

Xin chào các đồng tu!

Tôi được xem là một đứa trẻ dễ gần, tính cách trầm tĩnh, hướng nội và vâng lời. Tôi biết giúp đỡ người lớn trong nhà, tự giác làm bài tập, đạt điểm cao và chăm sóc em trai. Kết quả là tôi thường được mọi người ở nhà và ở trường khen ngợi.

Tôi rất thân thiết với bà ngoại, hồi tưởng lại, tôi nhận ra bà rất nuông chiều tôi. Cha mẹ tôi thỉnh thoảng tranh cãi và đánh nhau, trong khi môi trường ở nhà bà ngoại rất yên tĩnh và dễ chịu. Họ đến những nhà hàng sang trọng, tổ chức tiệc tùng, mua sắm ở các cửa hàng cao cấp, đi du lịch và dành thời gian cho câu lạc bộ đồng quê. Tôi tận hưởng cuộc sống thoải mái cùng họ.

Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi lên sáu tuổi. Hai năm sau, mẹ tôi tái hôn và tính chuyển đi, tôi nói tôi muốn ở cùng ông bà ngoại. Trong lúc mẹ đang suy nghĩ về việc xử lý mọi chuyện thì bà ngoại mắc bệnh ung thư. Bà qua đời trước sinh nhật lần thứ 10 của tôi. Giống như bà ngoại, mẹ tiếp tục nuông chiều tôi.

Khi lớn lên, tôi vẫn im lặng và nhút nhát cho đến khi học cấp ba. Mặc dù cuộc sống không hoàn hảo nhưng nhìn chung khá suôn sẻ. Gia đình bạn thân nhất của tôi khá giả và họ đưa tôi vào cuộc sống sung túc của họ. Việc học ở trường khá dễ đối với tôi và tôi quen với việc không cần nỗ lực quá nhiều để đạt kết quả cao. Tôi cũng quen với việc nghe những lời tán dương từ người khác.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi rất nhớ những quãng thời gian này. Nhưng sau khi bắt đầu tu luyện, nhận thức của tôi đã thay đổi. Có lẽ tôi đã đổi đức của mình để lấy những thứ đó. Bây giờ tôi nhận ra một số việc là do cựu thế lực đã lợi dụng hoặc an bài.

Chấp trước phơi bày

Vài tháng đầu sau khi bước vào tu luyện, tôi không biết cách hướng nội. Tôi có thể dễ dàng nhìn thấy chấp trước của người khác nhưng không thể nhìn thấy chấp trước của bản thân. Tôi thậm chí dường như quên mất nguyên tắc đã học khi còn là người thường rằng “những gì nhìn thấy ở người khác là sự phản chiếu của chính mình“. Sư phụ nhìn thấy mong muốn đề cao của tôi nên giúp tôi nhìn thấy chấp trước mà tôi luôn khoe khoang rằng mình không có—đó là tâm tranh đấu. Tôi ngạc nhiên đến mức đã nói với một người bạn không tu luyện rằng tôi đã phát hiện ra tâm tranh đấu của mình, cậu bạn bật cười và nói rằng: “Lẽ ra mình nên nói với bạn từ lâu rồi!” Một lần nữa tôi lại ngạc nhiên. Điều đó cho tôi thấy đôi khi người khác có thể nhìn thấy những gì ẩn giấu rất sâu bên trong chúng ta, ngay cả chính chúng ta không thể nhận ra.

Tôi tự hỏi tại sao mình không thể hướng nội. Điều gì đã ngăn trở tôi? Tôi nhớ đến một học viên lúc đầu đã bàn luận về một số chấp trước của cô ấy. Tôi nghĩ: “Sao cô ấy có thể nói với người khác những chuyện này một cách dễ dàng như vậy? Nếu mình có những điều này, chưa chắc mình sẽ nói ra”. Tôi ngộ ra rằng lý do tôi không thể hướng nội là do một chấp trước mạnh mẽ khác – duy hộ danh tiếng của bản thân. Tôi không thể chấp nhận việc xem bản thân là xấu, càng không thể chịu được việc để người khác nhìn thấy điểm xấu của mình. Chấp trước này quá mạnh mẽ, quá ẩn sâu đến mức nó dường ngăn trở tôi tu luyện.

Bây giờ tôi nhìn thấy những năm đầu đời đã đặt nền móng cho các chấp trước như danh tiếng, muốn nghe những điều dễ nghe, và tâm tranh đấu. Những chấp trước này dưỡng thành từ thuở nhỏ đến mức chúng đã trở thành một phần tự nhiên trong tôi, và thậm chí tôi không thể nhận ra. Khi tôi lớn lên và trở thành bác sĩ, những chấp trước này càng mạnh mẽ hơn. Tôi cũng thích hiển thị và xem thường người khác.

Tôi ngộ được rằng, những chấp trước như hiển thị, tranh đấu, hoan hỷ, truy cầu danh-lợi, bắt nguồn từ tâm tật đố. Tất cả chúng ta đều biết những gì Sư phụ đã giảng về tâm tật đố trong sách Chuyển Pháp Luân.

Kỳ thực, chẳng phải hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là bắt nguồn từ tâm tật đố hay sao? Chẳng phải những việc mà cựu thế lực làm cũng bắt đầu từ tâm tật đố?

Tâm tật đố, và hết thảy những chấp trước liên quan giúp nuôi dưỡng nó, phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Trong khi tôi có chút tiến bộ, những thứ này vẫn thỉnh thoảng nhảy ra. Khi chúng xuất hiện, tôi cố gắng nhớ rằng những niệm đầu này không phải là tôi, mà là tà ác ở không gian khác đang cố gắng thao túng. Tôi càng dung túng những niệm đầu này thì chúng sẽ càng mạnh hơn, và sẽ khó loại bỏ hơn. Tôi cố gắng xem chúng thật nhỏ và loại bỏ mỗi khi chúng xuất hiện.

Chấp trước có thể rất xảo quyệt

Tôi nhận thấy các tâm chấp trước có thể rất xảo quyệt. Ví dụ, tâm an dật dường như là điều dễ nhận ra và loại bỏ; kỳ thực nó khá ẩn tàng và có thể thể hiện ở nhiều cách khác nhau. Đối với tôi, thậm chí tâm an dật có lẽ bắt nguồn từ nhiều tiền kiếp, là một trong các chủng tâm chấp trước giỏi che đậy này.

Ví dụ, thỉnh thoảng, khi tôi đang làm điều gì đó, nếu tôi vui thích với những gì đang làm, tâm an dật có thể khiến tôi làm lâu hơn và chậm hơn, lãng phí thời gian quý báu. Hoặc khi tôi làm những gì tôi nên làm mà không nghĩ ngợi hay phàn nàn thì sau đó tôi có thể nghĩ: “Gần đây, mình đã làm những việc này rồi, vậy nên nghỉ một lát thì cũng được mà“.

Khi tâm tự mãn hình thành, nó sẽ nuôi dưỡng chấp trước vào “tự ngã” và an dật. Tôi thấy mình đã làm tốt và dương dương tự đắc, vậy nên đã nảy sinh niệm đầu “nghỉ một lát cũng được mà”. Đây là lý do vì sao Sư phụ luôn bảo chúng ta tu luyện dũng mãnh tinh tấn. Tâm tự mãn là một sơ hở lớn mà cựu thế lực sẽ lợi dụng.

Tôi cũng nhận ra rằng không chỉ tôi có chấp trước vào thoải mái thể chất mà còn chấp trước vào thoải mái tinh thần. Chủng tâm truy cầu thoải mái tinh thần này có thể ngăn trở người tu luyện có trách nhiệm với bản thân và người khác, ngăn trở trạng thái tinh tấn, hướng nội và rèn luyện ý chí, cùng những việc khác.

Kỳ thực, chẳng phải những việc ma luyện ý chí cũng là một phần của quá trình tu luyện hay sao? Làm sao tôi có thể đề cao nếu tôi trốn tránh sự phiền phức chứ? Trong một số tình huống, tôi có thể làm tốt, nhưng vẫn còn một số tình huống tôi muốn tránh né những điều khiến tôi thấy khó chịu. Ví như, tôi không thích thanh toán hoá đơn—tôi thậm chí còn không muốn nói về vấn đề đó—vì vậy chồng tôi đã làm việc này trong nhiều năm. Không phải anh ấy thích thanh toán hoá đơn, đôi lúc anh cũng khó chịu hoặc căng thẳng. Nhưng anh ấy vẫn làm vì biết tôi không thích điều này. Tại sao tôi không thể dung nhẫn nhiệm vụ này? Đó là vì căng thẳng khiến tinh thần không thoải mái, nên thay vì cảm thấy không thoải mái, tôi đã tránh né nó.

Thông qua học Pháp, tôi minh bạch rằng tâm an dật rất nguy hiểm. Nó rất gian xảo và giỏi che đậy. Nó có thể dễ dàng đưa vào đầu chúng ta một niệm làm điều này hoặc không làm điều kia, và dường như là niệm đầu của chính chúng ta. Nó giống như một tấm chăn ấm, bao bọc chúng ta vào trong, khiến chúng ta thư thái và ngủ quên trong sự lười biếng đến mức không thể thoát ra khỏi chấp trước vào danh, lợi, tình, và sợ hãi. Nó có thể ngăn trở chúng ta có trách nhiệm với bản thân và những người chúng ta đã hứa sẽ cứu độ—vậy nên chúng ta phải luôn chú ý đến những niệm đầu và thói quen của mình. Tôi cảm thấy rằng chấp trước an nhàn là một trong những chấp trước chính mà cựu thế lực sử dụng để huỷ hoại các học viên.

Một chấp trước khác có thể dễ dàng ẩn náu chính là tâm oán hận. Tôi đã trải nghiệm điều này vào năm ngoái khi tôi cảm thấy công việc của mình không công bằng. Tôi là nhân viên hợp đồng và phải làm 8 tiếng một ngày theo quy định của công ty, nhưng người giám sát đã giao cho tôi một trong những nhiệm vụ lớn nhất với thời hạn chặt chẽ nhất. Điều này khiến tôi rất áp lực, và tôi phải làm thêm nhiều giờ không công để hoàn thành. Ban đầu, tôi vui mừng khi nhận được việc làm và sẵn sàng chấp nhận khó khăn – nhưng tôi đã đặt giới hạn cho sức chịu đựng của mình. Và khi hợp đồng được gia hạn nhiều lần, tâm tự mãn nổi lên, tôi bắt đầu có tâm oán hận về việc bị đối xử bất công. Cuối cùng, tôi đã có những suy nghĩ mơ hồ và không thực sự quan tâm liệu hợp đồng có bị kết thúc hay không vì nó quá khó khăn. Vài tuần sau, không ngờ, công ty chấm dứt mọi nhân viên hợp đồng, mặc dù trước đó họ đã thông báo sẽ gia hạn ít nhất năm tháng nữa.

Giờ đây, không có công việc, không nhìn thấy tâm oán hận, thuận theo thời gian, tôi nhận thấy bản thân ngày càng cáu kỉnh hơn trước những điều nhỏ nhặt – như con trai làm gián đoạn khi tôi đang làm việc gì đó, hoặc có người nhờ tôi làm thêm việc gì để giúp họ. Tôi đã không loại bỏ những niệm đầu này, và một linh thể xấu xa đã hình thành. Tính kiên nhẫn giảm dần và tâm oán hận tăng lên. Cuối cùng một sự việc suýt huỷ hoại tôi đã thức tỉnh tôi nhận ra tâm chấp trước khủng khiếp này.

Tâm oán hận xảy ra khi chúng ta cảm thấy bị đối xử oan uổng hoặc bất công. Chủ nghĩa bình quân của cộng sản nói rằng mọi người phải được đối xử như nhau. Nhưng người luyện công chúng ta biết rằng mọi người không thể nào được đối xử như nhau được, và một số việc có vẻ như không công bằng nhưng kỳ thực chúng rất công bằng.

Tâm chấp trước này có thể dễ dàng được gia cường khi người khác nói rằng ai đó đã đối xử bất công với chúng ta. Thậm chí chúng ta có thể muốn ôm giữ tâm oán hận vì cảm thấy như vậy là chính đáng. Nhưng, chúng ta là học viên. Thậm chí nếu ai đó đối xử tệ với chúng ta, và mọi người xung quanh đều nói rằng người đó đã đối xử tệ với chúng ta, thì chúng ta cũng phải nhìn nhận sự việc dưới góc độ người tu luyện. Cho dù đó là nợ nghiệp hoặc cựu thế lực can nhiễu, tất cả đều là vì tâm chấp trước tôi phải loại bỏ. Chẳng phải đó là cơ hội để tôi đề cao tâm tính hay sao? Vậy nên tôi phải thành tâm cảm tạ người ta, bởi vì nếu họ không tạo ra hoàn cảnh đó thì tôi sẽ không thể đề cao lên được. Như một học viên khác đã chỉ ra, thậm chí có thể ai đó đã hy sinh bản thân họ để giúp tôi đề cao.

Tôi đã tận mắt chứng kiến mức độ nghiêm trọng của tâm oán hận. Nó rất giỏi ẩn tàng và che đậy, vậy nên tôi phải cảnh giác. Bây giờ tôi có thể dễ dàng nhận ra mỗi khi nó xuất hiện, phơi bày và loại bỏ nó.

Làm tốt hơn trong thời gian còn lại

Mạt hậu đã đến rồi và thời gian quý báu không còn nhiều nữa. Nhưng tôi vẫn chưa làm đủ tốt và nhiều chúng sinh vẫn đang chờ được cứu độ.

Chúng ta được cấp cho cơ hội để đề cao cho đến khi viên mãn, vậy nên sẽ có khổ nạn và khảo nghiệm. Một số tình huống thực sự không hề dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ đôi khi những gì chúng ta muốn đề cao lại là hoàn cảnh, chứ không phải là đề cao tâm tính chúng ta.

Một cách mà tôi cố gắng tiếp tục đề cao là thường xuyên tự hỏi: “Chư vị có động cơ gì?” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân). Điều này giúp tôi nhìn thấy liệu động cơ của tôi có thuần tịnh hay không, nhưng tôi phải đào sâu bên dưới bề mặt. Có khi dường như tôi làm tốt, chẳng hạn đưa mẹ đến siêu thị, nhưng nếu xét kỹ hơn, tôi có thể tìm thấy tư tâm không muốn mẹ sau này làm phiền tôi trong lúc tôi bận rộn. Hoặc khi tôi giúp ai đó, có thể có tồn tại tâm lý hiển thị và muốn nghe những lời khen ngợi trong đó.

Việc tự hỏi động cơ thực sự của mình là gì giúp tôi phát hiện và loại bỏ những gì không nên có – để loại bỏ nhân niệm, vị tư, và bảo trì chính niệm.

Tôi đã nhận thức ra niệm đầu của mình quan trọng như thế nào. Tại sao không? Chúng cũng là dạng tồn tại vật chất. Gần đây, số lượng người theo dõi kênh của tôi trên Ganjing World đột nhiên tăng cao, tôi đã có một niệm rằng nó không nên phát triển nhanh như vậy. Rõ ràng đây không phải là suy nghĩ của tôi, nhưng tôi đã không loại bỏ nó đi. Kênh không chỉ không phát triển mà ngày hôm sau, một số người thậm chí còn huỷ theo dõi. Lần khác, khi nó bắt đầu tăng lại một chút, tôi cảm thấy tự hài lòng. Một lần nữa, một vài người đã ngừng theo dõi kênh. Điều này cho thấy tôi phải ghi nhớ mục đích đằng sau điều tôi đang làm gì—đó là để cứu chúng sinh chứ không phải chứng thực bản thân. Thậm chí những suy nghĩ có vẻ tầm thường nhưng cũng quan trọng và chúng phải phù hợp với cách nghĩ của Thần.

Sư phụ đã chỉ ra trong kinh văn gần đây, chúng ta cũng phải giúp đỡ lẫn nhau, cho dù là người thường, là đồng tu, hoặc người không thực sự tu luyện nhưng nằm hàng ngũ người tu luyện. Đó đều là trách nhiệm tập thể, và chúng ta phải cố gắng giải quyết mọi thứ bằng chính niệm. Thỉnh thoảng, chúng ta có thể nghĩ mình đang giúp đỡ nhưng thực tế lại không phải vậy.

Ví dụ, việc nghĩ rằng một học viên lớn tuổi sẽ không đủ khả năng để làm điều này hay điều kia, hoặc đồng ý rằng ai đó nếu thấy không khoẻ thì nên ở nhà thay vì động viên họ đến học Pháp – trên bề mặt những điều này dường như là tâm thái biết nghĩ cho người khác hoặc tâm từ bi, nhưng thực sự là đang dùng nhân niệm mà xét vấn đề. Chúng ta phải xét vấn đề từ góc độ người tu luyện và ghi nhớ những việc như vậy sẽ khiến học viên đi sai đường. Thay vào đó, khi có cơ hội, chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau nhìn nhận mọi việc từ góc độ của Pháp và làm điều đó bằng tâm thái hoà ái, từ bi, và lý tính. Dĩ nhiên, cuối cùng một người lựa chọn điều gì là tuỳ thuộc vào họ, chúng ta không thể cưỡng cầu. Chúng ta chỉ có thể đưa ra đề xuất. Nhưng nếu dùng nhân niệm thay vì chính niệm, vậy chúng ta đã đóng góp được gì đây?

Đồng thời, đây chẳng phải là khảo nghiệm cho chúng ta hay sao? Đây chẳng phải để xem xem tư tưởng và phản ứng của chính chúng ta là gì, và liệu chúng ta có thể buông bỏ bất kỳ chấp trước hay quan niệm nào nảy sinh hay không? Vì chấp trước vào danh và nghe những lời khen ngợi, thỉnh thoảng tôi giữ im lặng thậm chí trong một tình huống nghiêm trọng, bởi vì tôi không muốn mạo hiểm làm người khác buồn lòng hoặc khiến họ nghĩ xấu về tôi. Bây giờ tôi thấy hối tiếc về điều này, vì một số học viên đã qua đời.

Chúng ta cũng phải phân biệt được đúng sai chứ không chỉ làm theo người khác. Kinh văn gần đây của Sư phụ đã cảnh báo một số người đã đi quá xa và thậm chí còn gây ra tổn thất nghiêm trọng. Nhưng cho dù đó là học viên chân chính hay người thường, chúng ta không nên coi thường họ. Kỳ thực, những ai mê lạc nhất là những người đáng thương nhất và đang ở trong tình huống nguy hiểm nhất. Mọi thứ trong xã hội bây giờ đang đảo ngược. Giới trẻ đặc biệt bị ảnh hưởng và thực sự khó mà phân biệt được đúng sai. Khó mà hình dung nổi sự khó khăn trong việc chống lại những nhân tố tiêu cực nếu không biết Pháp. Bây giờ tất cả mọi thứ đều được chấp nhận và thậm chí còn được tán dương. Nó có thể dao động tâm của học viên nếu chúng ta không tự nhắc nhở bản thân về bức tranh toàn cảnh và tại sao chúng ta ở đây.

Một ví dụ gần đây là tôi đến West Virginia, trên đường dừng lại đổ xăng và ăn uống. Có ba thanh niên đứng đằng sau quầy tính tiền. Một người để râu, trang điểm đậm, đeo khuyên tai và để tóc sáng màu. Lúc đầu tôi đã xuất ra niệm không tốt. Nhưng tôi đã quy chính lại bản thân và nghĩ: “Mình phải cố gắng giúp đỡ mọi người mình gặp. Không có điều gì là ngẫu nhiên“. Một thanh niên khác đến bàn tôi phục vụ món ăn. Tôi tặng cho cậu ấy một hoa sen và tờ rơi Đại Pháp, cậu ấy vui vẻ nhận. Cậu thanh niên để râu tình cờ nghe được những gì tôi nói, đã đi lại bàn tôi để nghe. Tôi cũng tặng cho cậu ấy một hoa sen và tờ rơi Đại Pháp, cậu ấy rất vui mừng—thậm chí còn mừng rỡ hơn cả cậu thanh niên trước đó—và đồng ý với các nguyên lý của Đại Pháp.

Điều này lại nhắc nhở tôi đừng hình thành bất cứ niệm đầu bất hảo nào. Nếu tôi không quy chính lại tư tưởng bản thân, cậu thanh niên kia có thể sẽ không tiến lại chỗ tôi, hoặc có thể phủ nhận những điều tôi nói. Cậu thanh niên đó và tất cả chúng sinh mà cậu đại biểu có thể bị huỷ diệt chỉ vì tôi. Nếu các học viên ở Trung Quốc có thể cứu độ ngay cả những người đã bị tà ác thao túng, những người đã đối xử tàn bạo và độc ác với họ, thì sao tôi có thể không xem lại những việc nhỏ mà tôi đã gặp phải này?

Tình hình quả thật nghiêm trọng. Chúng sinh đang dựa vào chúng ta để không bị phân tâm hoặc dao động bởi những gì đang xảy ra trên thế giới xung quanh chúng ta. Chúng ta phải tu luyện bản thân cho tốt và cứu họ. Đây là sứ mệnh thiêng liêng của chúng ta.

Cách đây vài năm, điều Sư phụ giảng đã nhắc tôi nhớ đến một cảnh trong bộ phim “Danh sách của Schindler”. Tôi xem lại một cảnh “Tôi đã chưa làm đủ“ trên YouTube để ôn lại. Trong cảnh đó, Schindler đang chuẩn bị cho 1.100 người Do Thái mà ông đã cứu giúp. Sau đó Schindler được họ tặng một chiếc nhẫn có dòng chữ “Cứu mạng một người, cứu cả thế giới”.

Cảnh tiếp tục khi Schindler nói: “Lẽ ra tôi đã cứu được nhiều người hơn. Nếu tôi kiếm được nhiều tiền hơn… Tôi đã lãng phí rất nhiều tiền. Ông không biết đâu“. Người đàn ông Do Thái an ủi Schindler, nói rằng anh đã làm được rất nhiều rồi, nhưng Schindler nói: “Tôi đã không làm đủ”. Anh ấy kéo chiếc huy hiệu bằng vàng trên áo khoác xuống và nói: “Chiếc huy hiệu này… thêm một người đã chết… vì nó“. Sau đó anh ấy bật khóc nức nở và nói: “Lẽ ra tôi đã cứu thêm được một người nữa, nhưng tôi đã không làm vậy!” Điều này nhắc tôi nhớ đến những chấp trước của mình. Nắm chặt những thứ nhỏ nhặt này, có đáng hay không? Liệu tôi sẽ giống như Schindler và bật khóc trong hối hận bởi những chấp trước đã ngăn tôi cứu thêm một người mà người đó thực sự đại biểu cho rất nhiều chứ không chỉ một sinh mệnh? Sao tôi có thể quá ích kỷ khi có quá nhiều người đã ký thác hy vọng nơi tôi như vậy chứ?”

Tôi xin kết thúc bài chia sẻ này bằng đoạn trích dẫn Pháp của Sư phụ trong “Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2016”, vốn luôn nhắc nhở tôi về tính nghiêm túc của việc tu luyện.

Sư phụ giảng:

“Then chốt là đệ tử Đại Pháp cần phải làm tốt những việc chư vị cần làm, [nhưng] thậm chí ngay cả chư vị tu luyện còn không tinh tấn, chư vị cũng tu luyện không ra sao cả, lúc tu lúc không, hạng mục Đại Pháp cứu người thì nhân tâm dẫn động chấp trước của chư vị, trong tâm toàn là căm phẫn bất bình. Chư vị bất bình gì đây?! Chư vị không biết chư vị tới để làm gì chăng?! Chư vị không biết trách nhiệm của chư vị trọng đại ngần nào chăng?! Chư vị không biết có vô số chúng sinh đang đợi chư vị cứu, đó là trách nhiệm của chư vị! Đó là nguyện của chư vị! Mọi người cùng nhau làm các việc cứu người ấy là cơ hội, là khai sáng điều kiện cứu người, còn không vận dụng cho tốt, chư vị không làm những việc mà đệ tử Đại Pháp cần làm tốt thì chư vị sẽ phạm tội lớn ngần nào chư vị biết không?!”

Khi tôi tu luyện không tốt, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều thứ—từ những người tôi nhìn thấy đang chờ được cứu, đến hoàn cảnh xung quanh, đến các chúng sinh trong vũ trụ nhỏ của tôi và các sinh mệnh mà tôi đại biểu, đến số lượng tà ác, sinh vật hữu cơ và dường như vô cơ, đến vật chất tuần hoàn, đến sinh mệnh chức nghiệp mà tôi đại biểu, và nhiều hơn nữa.

Sự an bài của Sư phụ là hoàn hảo nhất. Chỉ là tôi có đi theo hay không mà thôi. Mọi thứ đều được liên kết và không có gì là ngẫu nhiên cả. Và khi chúng ta cứu người khác, chúng ta đang cứu chính mình, thông qua quá trình loại bỏ chấp trước, chuyển hóa nghiệp lực, tích luỹ uy đức – từ đó đề cao tầng thứ.

Tôi nhớ đã xem một câu chuyện trong Shen Yun về một người lính đã từ bỏ mọi truy cầu vật chất để đắc Đạo. Anh ấy thậm chí còn theo Sư phụ nhảy xuống vách đá không chút do dự trong khi những người khác thì rụt rè kinh sợ. Lúc đó, tôi mơ hồ nhớ ra trước đây mình cũng giống như người lính đó. Tôi cũng nhớ mình giống như người đệ tử theo Sư phụ nhảy vào bình hồ lô không chút đắn đo.

Tôi hy vọng sẽ không mất đi tín tâm và quyết tâm vững chắc đó trong giai đoạn cuối cùng này, khi tôi cần chúng nhất.

Trên đây là thể ngộ của tôi ở tầng thứ sở tại. Vui lòng chỉ ra những điều không phù hợp với Pháp.

Cảm tạ Sư phụ! Cảm tạ các đồng tu!

(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội Washington DC năm 2023)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/11/466984.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/15/212500.html

Đăng ngày 13-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share