Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Pháp

[MINH HUỆ 01-09-2023] Tôi sống ở Pháp và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2018.

Tôi từng là kiểu người mà mọi người cho là bao bọc con quá mức. Tôi là người ân cần và quan tâm. Các con tôi hiện đã trưởng thành, vậy tại sao tôi vẫn phải hành động như thể chúng vẫn còn nhỏ và như thể tôi không phải là một học viên?

Tôi và cậu con trai út của mình luôn có mối liên kết rất bền chặt. Chúng tôi không thường xuyên gặp nhau, nhưng có đôi lần khi cháu đến thăm tôi thì lại trong tình trạng kiệt sức vì công việc bận rộn. Hoàn cảnh của cháu ngày càng khiến tôi lo lắng, và mỗi lần hai mẹ con gặp nhau, lòng tôi lại thắt lại. Cháu vốn không thích nói chuyện, điều này khiến tôi rất khó khăn, vì tôi là người rất dễ dàng trò chuyện với người khác. Dần dần, tôi bắt đầu vì loại thái độ này của cháu làm cho khổ sở.

Loại bỏ chấp trước vào tình thân quyến

Mùa đông năm ngoái chúng tôi hiếm khi gặp nhau. Khi cháu có thời gian nghỉ phép để về thăm nhà, có vẻ như tôi đã quá nhiệt tình khi gặp cháu, điều này làm cháu thấy khó chịu. Khi cháu đi rồi, tôi cảm thấy rất tổn thương. Tôi nhận ra rằng tôi thực sự phải loại bỏ chấp trước vào tình thân quyến của mình.

Nhờ phát chính niệm, học Pháp và thảo luận tình huống với các học viên khác, tôi dần lấy lại bình tĩnh. Tuy nhiên, tôi biết rằng tình thân quyến của tôi không phải là tâm từ bi của một học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Khổ nạn bất ngờ

Tuần trước con trai tôi về nhà được vài ngày. Tôi đã rút ngày cuối tuần ở nhà chị gái để có thể dành thời gian với cháu. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như tôi mong đợi.

Sự im lặng kéo dài của cháu làm tôi cảm thấy khó chịu và buồn. Khi cháu không trả lời các câu hỏi của tôi, tôi đã mất bình tĩnh và lao ra khỏi phòng. Tôi cảm thấy mình bị đối xử bất công, bị khinh miệt và bị sỉ nhục.

Tôi rời khỏi nhà và không về đến gần hết buổi chiều. Tim tôi đau theo đúng nghĩa đen. Lần cuối cùng tôi cảm thấy đau đớn, buồn bã đến vậy là khi mẹ tôi đột ngột qua đời.

Tôi bắt đầu bước đi nhưng mỗi bước đi lại cảm thấy như nặng mấy tấn. Có lúc, tôi bật khóc và không ngừng nức nở. Tôi biết đó là khảo nghiệm, nhưng tôi cảm thấy như thể mình đang ở trong một chiếc máy giặt, và bị ném qua ném lại.

Tôi nghĩ về lời giảng của Sư phụ:

“Thế nào là chịu khổ trong những cái khổ? Lấy thí dụ; cá nhân kia một hôm đi làm. Đơn vị [công tác] làm ăn không khá, tình cảnh người nhiều việc ít thế mãi là không được; đơn vị cần cải cách, nhận [nhân viên] hợp đồng; các nhân viên dư ra đều [bị] sa thải. Cá nhân ấy nằm trong số đó, đột nhiên bị mất miếng cơm. Cảm thấy thế nào? Không còn chỗ khác để kiếm tiền nữa, vậy sống sao bây giờ? Không còn kỹ năng khác nữa nên đành buồn bã trở về nhà. Vừa về đến nhà, cụ già ở nhà ngã bệnh rất nặng, bèn vội vội vàng vàng đưa đến bệnh viện; thật cũng không hề dễ gì mà vay được tiền nhập viện. Rồi quay về nhà chuẩn bị đồ cho cụ già; vừa mới về nhà, thì thầy giáo ở trường đến bảo: ‘Con ông đánh người ta ghê lắm, ông lập tức đến coi đi’. Xử lý việc đó xong rồi trở về nhà, vừa ngồi xuống điện thoại liền reo: ‘Vợ ông ngoại tình rồi’.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi biết đó là khảo nghiệm, nhưng tôi không thể bình tĩnh lại được. Tôi thực sự bị tình thân quyến lấn át. Dù rất đau đớn nhưng tôi muốn buông bỏ những giọt nước mắt sâu thẳm trong trái tim mình, và đặc biệt là chấp trước quá lớn của tôi với con trai. Nó giống như một trải nghiệm sinh tử, và tôi ngộ được ở tầng thứ của mình, việc buông bỏ chấp trước vào sinh tử có nghĩa là gì. Tôi nhận ra rằng, trên thực tế, việc buông bỏ sinh mạng của chính mình dường như dễ dàng hơn là buông bỏ tình thân quyến với con trai.

Trong vài giờ tiếp theo, tôi đã suy ngẫm về chấp trước này và thấy bản thân đang hướng ngoại: Tại sao con trai tôi lại đối xử tệ với tôi như vậy?

Tôi nhớ lại lời dạy của Sư phụ:

“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công. Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. Bậc Giác Giả không có tâm chấp trước, tĩnh nhìn thế nhân đang lấy điều huyễn hoặc làm cõi mê.” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Khi nghĩ đến con trai, tôi đã hướng ngoại và chỉ nghĩ đến cảm giác tổn thương của mình. Tôi nghĩ xem cháu nên làm gì để trở thành một đứa con ngoan.

Tôi muốn con trai mình làm điều này điều kia, hành động thế này điều kia, trong khi tất cả những gì tôi phải làm là tự nhủ rằng tôi phải cho cháu tự do và không để thái độ của cháu làm tôi khó chịu. Tôi đã hướng ngoại! Trong ngần ấy tháng tôi cố gắng loại bỏ chấp trước vào con trai của mình, bằng cách nào đó tôi đã hy vọng rằng chính niệm của tôi sẽ khiến cháu thay đổi trở nên “thân thiện” và “dễ thương” hơn. Thay vào đó, lẽ ra tôi nên hướng nội và nhận ra rằng tôi đang đòi hỏi ở cháu chứ không phải ở bản thân mình. Đây có phải là thái độ nên có của một học viên Đại Pháp không?

Pháp của Sư phụ đã giúp tôi cảm thấy tốt hơn và chấp nhận điều đang xảy ra với tôi.

“Công tu hữu lộ tâm vi kính

Đại Pháp vô biên khổ tố chu”

(“Pháp Luân Đại Pháp”, Hồng Ngâm)

Diễn nghĩa:

Pháp Luân Đại Pháp

“Tu công có đường tâm ngắn nhất

Đại Pháp vô biên khổ làm thuyền”

Bằng cách đọc thuộc lòng bài thơ này thường xuyên, tôi cảm thấy chịu khổ là việc không thể tránh khỏi trong quá trình tu luyện của mình.

Hai ngày sau giai đoạn đau đớn này, trái tim tôi nặng trĩu và tôi đã khóc. Tuy nhiên, tôi phải đi làm, ở chỗ làm các đồng nghiệp nói rằng tôi luôn vui vẻ. Vì vậy tôi đã giữ cho mình luôn vui vì tôi không muốn bất cứ ai có ý kiến xấu về Đại Pháp.

Điều này giúp tôi lùi lại một bước và ổn định tâm, vì tôi không muốn nụ cười của mình chỉ là bề ngoài.

Thật đúng là điểm ngộ!

Một buổi sáng, trong cuộc họp mặt ở địa phương, tôi đã không cầm được nước mắt và không thể đọc được. Tôi lắng nghe các học viên khác đọc Pháp, điều này giúp tôi bình tĩnh lại. Sau đó, khi tôi gặp chồng, anh ấy nhìn thấy mắt tôi đỏ hoe và hỏi tôi xem chuyện gì đã xảy ra. Tôi không thể tưởng tượng được rằng anh ấy không thể hiểu tại sao tôi lại chán nản như vậy. Tôi bất chợt cảm thấy tràn ngập từ bi bao la: Chồng tôi không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra với tôi vì anh ấy không phải là học viên, còn tôi thì có! Vào lúc đó, tôi như chợt nhận ra: Tôi không phải thế này thế nọ, vợ của… hay mẹ của… con gái của… Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp!

Thật đúng là điểm ngộ! Giống như một cánh cửa đột nhiên mở ra để ánh sáng lọt vào, và căn phòng tối tăm mà tôi đang ở bỗng nhiên sáng bừng.

Thử thách vẫn chưa kết thúc

Tuy nhiên, tôi vẫn có ác cảm sâu sắc với con trai mình. Tôi biết tôi phải buông bỏ chấp trước của mình. Tôi không còn là một “người mẹ bình thường nữa”, trước hết tôi là một học viên Đại Pháp, nên tôi không thể giữ trái tim đau khổ này, nó chỉ gây hại mà thôi.

Con trai tôi nói với chúng tôi rằng cháu dự định sẽ về nhà vào Chủ nhật tuần sau nhân Ngày của Mẹ. Suốt tuần đó tôi đã trăn trở về điều này, tôi không thể buông bỏ được cơn giận của mình, dù tôi biết điều đó là sai trái. Tôi muốn bắt cháu phải trả giá, mặc dù tôi rất ghê sợ với cảm giác của mình. Tôi biết giải pháp duy nhất là ở trong Pháp. Vì vậy, tôi đã học Pháp và phát chính niệm để loại bỏ tất cả những cảm xúc tiêu cực có mục đích duy nhất là hủy hoại tôi và những người xung quanh tôi.

Một khoảnh khắc phi thường khác

Ngày của Mẹ, ngày được chờ đợi từ lâu và đáng sợ đã đến. Con trai tôi về và đột nhiên mọi ý nghĩ ác ý hay trả đũa của tôi đều biến mất. Tôi rất vui khi được gặp cháu, và cháu rất thoải mái. Chúng tôi đã trải qua một ngày rất thư giãn, không hề có chút căng thẳng nào. Không phải là chúng tôi tỏ ra can đảm, không, mà là một điều gì đó lớn lao hơn nhiều: như thể khổ nạn này chưa từng tồn tại! Vâng, chính xác là như vậy!

Sư phụ giảng:

“Chúng ta nói rằng khi gặp mâu thuẫn trước mặt, lùi một bước biển rộng trời cao, đảm bảo sẽ là một cảnh tượng khác.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi vừa trải qua một điều kỳ diệu! Chỉ trong vài ngày, tôi đã có thể vượt qua khổ nạn lớn đến mức tưởng như không thể vượt qua, giống như buông bỏ sinh tử, và cuối cùng thì gần như không có chuyện gì xảy ra.

Cuối cùng tôi đã hiểu rằng hướng nội là chìa khóa để chúng ta đề cao trong tu luyện. Nó không phải là chiếc đũa thần có thể loại bỏ mọi chướng ngại vật, không hề. Nó là về điều gì đó lớn lao hơn và thiêng liêng hơn rất nhiều: đó là việc đối mặt với những khó khăn với một trái tim thẳng thắn, trong sáng và nhẹ nhàng, vô lậu.

Chúng ta, những học viên Đại Pháp, vừa có trách nhiệm vừa vô cùng may mắn: được trở thành học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Cảm ơn tất cả các đồng tu đã giúp đỡ và hỗ trợ tôi mỗi ngày. Chúng ta thực sự là một chỉnh thể.

Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi vì cuộc sống mà Ngài ban cho con!

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/9/1/464695.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/5/211175.html

Đăng ngày 30-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share