Bài viết của Khởi Huệ

[MINH HUỆ 28-03-2023] Dù ở triều đại cổ xưa hay tổ chức hiện đại, với tư cách là đại thần hay người quản lý cao cấp trong một tổ chức, những người có thể giúp đỡ vua chúa, hoặc trở thành doanh nhân thành đạt, đều phải tuân theo một lẽ thường tình, tuân thủ nguyên tắc đạo đức, xác định vị trí của mình một cách ngay chính, tuân thủ trách nhiệm của mình.

Vương Đạo, tự Mậu Hoằng, sinh ra trong gia tộc họ Vương ở Lang Da, một gia tộc nổi tiếng vào thời nhà Ngụy và nhà Tấn. Ông đã trợ giúp ba vị vua vào đầu thời nhà Tấn, và là khai quốc công thần của nhà Đông Tấn. Phòng Huyền Linh, tể tướng nổi tiếng nhà Đường, và những người khác đã nhận xét về Vương Đạo trong “Tấn Thư” rằng: Giống như Quản Trọng, có tấm lòng nhân đức, có thể trợ giúp nước nhỏ; giống như Khổng Minh, có thể thực hành lòng nhân nghĩa, phò tá quốc gia mới. Vương Đạo thành công trong vai trò trọng thần của ba triều đại là nhờ đức hạnh của ông.

Thực hành lòng nhân nghĩa, xác định chính xác mối quan hệ vua tôi

Theo “Tấn Thư”, Vương Đạo thân thiết với Lang Gia Vương Tư Mã Duệ (Tấn Nguyên Đế) trong những năm đầu cuộc đời ông. Vương Đạo thấy thiên hạ hỗn loạn, nên đã dốc lòng phò tá Tư Mã Duệ, muốn phục hưng triều cương. Tư Mã Duệ cũng rất coi trọng ông, hai người trở thành bạn thân.

Khi đó, Vương Đạo thường khuyên Tư Mã Duệ cần phải ước thúc bản thân, tuân thủ lễ tiết, chiêu mộ bậc hiền tài quân tử để mưu đồ sự nghiệp. Tư Mã Duệ từng ví von việc Tiêu Hà phò tá Lưu Bang kiến lập nhà Hán, và nói với Vương Đạo: Huynh đệ à, tôi là Tiêu Hà. Vương Đạo đáp: Vua Tần vô đạo, người dân ghét thời loạn, kẻ xảo quyệt ức hiếp dân, nên lòng dân hướng về chính quyền Lưu Bang, do đó dẹp loạn sẽ dễ thành công hơn. Kể từ thời Tào Ngụy, quan lại và các gia đình quý tộc cạnh tranh nhau về sự xa hoa, nền chính trị tốt và lễ giáo đã dần suy vong, không ai tuân theo luật pháp, rất nhiều quan lại ham mê lạc thú, cuối cùng làm tổn hại đến đạo đức xã hội. Tuy nhiên, bĩ cực thái lai là quy luật chung của trời đất, nếu đại vương muốn kiến lập công huân cái thế, nhất thống sơn hà, thì những người tài giỏi như Quản Trọng, Nhạc Nghị sẽ xuất hiện đúng lúc, kẻ bề tôi bình thường như hạ thần không thể nào sánh được với họ. Nếu đại vương có thể chọn được nhân tài từ mọi tầng lớp xã hội, thì thiên hạ có thể yên định. Sau đó, Tư Mã Duệ đã tiếp nhận kiến nghị của Vương Đạo, dần dần giành được sự ủng hộ của giới quý tộc Nam Bắc. Đức hạnh của Vương Đạo nằm ở chỗ cẩn thận giữ nghĩa và lễ vua tôi, được sủng ái cũng không kiêu ngạo, có lý tưởng thực thi chính trị đạo đức, và có khả năng khuyến khích quân vương chiêu mộ những nhân tài giỏi hơn mình.

Có hai câu chuyện khác được ghi trong “Tấn thư” rằng Vương Đạo tuân thủ nghiêm ngặt lễ nghĩa vua tôi. Đầu tiên, khi Tư Mã Duệ lên ngôi và xưng hoàng đế, bá quan cùng ngồi với ông, Tư Mã Duệ lệnh cho Vương Đạo ngồi trên ngự sàng với mình. Vương Đạo một mực từ chối, sau cùng nói: Nếu mặt trời xuống và cùng hàng với vạn vật thì chúng sinh làm sao có thể ngưỡng vọng và tắm mình trong ánh sáng của mặt trời? Vì vậy Tư Mã Duệ đã đồng ý với sự chối từ của ông. Thứ hai, sau khi Tấn Minh Đế Tư Mã Thiệu lên ngôi, Vương Đạo nhận di mệnh phụ chính. Lúc đó Vương Đôn (anh họ Vương Đạo, người đã từng thuyết phục Vương Đạo cùng mưu sự, nhưng Vương Đạo từ chối) nổi dậy. Khi Minh Đế thảo phạt Vương Đôn, ông bổ nhiệm Vương Đạo đốc thúc giám sát quân đội, đồng thời kiêm chức Tiết độ sứ Dương Châu. Sau khi dẹp yên cuộc nổi loạn của Vương Đôn, Minh Đế không chỉ ban thưởng mà còn ban lễ chế cao cho Vương Đạo: được phép mang kiếm và mang giày khi ra triều, không bắt buộc phải đi nhẹ và đi nhanh, không bắt buộc phải xưng hô tên với vua khi trình diện trước nhà vua (Trong lịch sử, chỉ có Ngụy Trưng đời Đường và Vương An Thạch đời Tống được hưởng vinh dự này), nhưng ông kiên quyết từ chối.

Rất nhiều khai quốc công thần của các triều đại trước đây, nếu không bị tước đoạt binh quyền bằng một ly rượu, hoặc ‘chim chết rồi cung tên xếp xó’, thì ‘thỏ chết rồi chó bị phanh thây’. Vương Đạo có thể phò tá 3 đời quân vương mà không bị tai họa, vì ông đã giữ vững lễ và nghĩa quân thần, và xác định chính xác vai trò của mình.

Đối mặt với sai lầm và chịu trách nhiệm về hậu quả

Không ai là hoàn hảo, và việc có thể chịu trách nhiệm khi mắc sai lầm là có đức biết liêm sỉ. Khi Thái thú Thái Sơn Từ Kham nổi loạn, Tư Mã Duệ tìm người có thể dẹp loạn, Vương Đạo tiến cử Thái tử Tả vệ Suất Dương Giám. Sau này Dương Giám bại trận, bị trừng phạt, Vương Đạo dâng sớ: ‘Từ Kham phản loạn, lẽ ra phải bị trời trừng phạt từ lâu. Thần từng kiến nghị phái quân đi chinh phạt, tiến cử Dương Giám dẹp loạn. Tuy nhiên, Dương Giám hèn nhát, bại trận, và đáng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Thánh đức và ân điển của bệ hạ đã bảo toàn sinh mệnh cho ông ta, nhưng thần được giao phó trọng trách, nắm giữ cơ yếu, ba quân bại trận, thì thần cũng chịu trách nhiệm. Thần xin bệ hạ phế truất thần để thực thi nghiêm chỉnh luân lý của triều đình’. Sau đó hoàng đế không đồng ý.

Trong các tổ chức hiện đại, một khi xảy ra những thiếu sót trong hoạt động, các nhà quản lý thường đùn đẩy trách nhiệm. Nếu một tổ chức không thể đối mặt với sai lầm của mình thì tổ chức đó không thể học hỏi và cải tiến. Vương Đạo không phải là tướng bại trận, ông chỉ đề cử người không chính xác, nhưng sẵn sàng chịu trách nhiệm và làm gương cho tổ chức nhằm xây dựng văn hóa trách nhiệm.

Chú trọng giáo dục đạo đức và xây dựng luân lý đúng đắn

Một trong những đóng góp chính trị của Vương Đạo là khuyên nhà vua thành lập trường học, để quy chính luân lý và đào tạo nhân tài có đạo đức tốt. Vào thời nhà Ngụy-Tấn, chiến tranh liên tiếp, trường học bị bỏ hoang, Vương Đạo dâng thư nói: ‘Nền tảng của bầu không khí xã hội nằm ở việc thiết lập các quan niệm luân lý đúng đắn, và mấu chốt để quy chính luân lý chính là thành lập trường học. Lập trường học mới phát huy được Ngũ luân, đạo đức và lễ tiết mới thông đạt, chính sách trị quốc an dân mới được thực hiện thuận lợi. Nếu dân chúng biết xấu hổ và tuân theo chính đạo thì quan hệ gia đình sẽ hòa thuận, có trật tự, nghĩa quân thần cũng sẽ được củng cố. Đó chính là “Chính gia nhi thiên hạ định” mà Kinh Dịch đã nói. Vì vậy, một vị vua Thánh minh sẽ dạy người dân những giá trị quan đúng đắn khi họ còn nhỏ, để những quan niệm đạo đức tốt đẹp có thể hòa nhập vào cuộc sống và trở thành thói quen, tính cách. Bằng cách này, họ sẽ tự nhiên tránh xa tội lỗi. Sau khi trau dồi đạo đức tốt, họ có thể được bổ nhiệm vào những vị trí thích hợp để cống hiến cho đất nước. Ngay cả con của quân vương cũng phải giống như bao thanh niên khác, trước hết phải được giáo dục, rèn luyện đạo đức rồi mới được phong tước vị cao quý. Khi người ta biết rằng, kẻ sĩ được kính trọng vì đức tính của mình thì họ sẽ không ngừng theo đuổi việc hoàn thiện bản thân, phát huy mỹ đức thuần phác, chân thực, đây chính là tác dụng của giáo hóa. Sau khi đọc bản tấu, Tư Mã Duệ đã chấp nhận lời đề xuất này.

Đức hạnh của nhà vua và giáo dục của trường học ảnh hưởng đến việc quản lý của quan lại và bầu không khí xã hội, từ đó quyết định sự thịnh suy của triều đại. Điều tương tự cũng xảy ra với các tổ chức hiện đại. Sự hình thành môi trường tổ chức xuất phát từ lời nói, việc làm và sự giáo dục của những người lãnh đạo cao nhất của tổ chức.

Đơn giản chất phác ít ham muốn sẽ là phúc ấm cho con cháu đời sau

Vương Đạo sống một cuộc sống tiết kiệm chất phác và ít ham muốn, ở nhà không dư nhiều lương thực, ăn mặc cũng không truy cầu hoa lệ. Hoàng đế biết chuyện liền ban cho ông một vạn súc vải. Khi Vương Đạo sức khỏe yếu và không thể tham dự triều chính, hoàng đế đã đến nhà thăm ông, và mở tiệc rượu cho ông vui.

Năm Hàm Khang thứ năm, Vương Đạo lâm bệnh qua đời, thọ 64 tuổi. Hoàng đế tổ chức tang lễ ba ngày cho ông trong triều đình. Nghi thức lễ tang tương tự như Đại Tư Mã Hoắc Quang thời nhà Hán và An Bình Hiến Vương Tư Mã Phu thời Tây Tấn. Khi đưa tang, hoàng đế ban tặng 9 xe lễ, sử dụng đồ nghi trượng và ban nhạc nghi lễ dùng cho tang lễ của đế vương, có trăm võ sĩ tùy tùng hộ tống. Tang lễ danh thần xưa nay không ai sánh bằng.

Theo “Tống Thư”, sau khi Vũ Đế nhà Lưu Tống lên ngôi thay nhà Đông Tấn, ông đã ban chiếu chỉ về việc phong tước con cháu các quan nổi tiếng nhà Tấn rằng: Chế độ phong tước triều tấn được thay đổi theo thời đại, nhưng những hiền thần triều Tấn như Vương Đạo, dùng đức trị quốc, tạo phúc nhân dân, cho dù đã qua đời, thì đạo đức nhân nghĩa của họ vẫn còn bất hủ. Vì vậy Vương Đạo được phong làm Thủy Hưng huyện công, ban cho một ngàn hộ. Điều này cho phép con cháu đời sau của Vương Đạo vẫn được hưởng đất phong và bổng lộc.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/28/458203.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/27/209573.html

Đăng ngày 06-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share