Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-03-2023] Tôi vẫn ghi nhớ một cách sống động từng khoảnh khắc trên con đường tu luyện của mình. Không từ ngữ nào có thể biểu đạt được lòng biết ơn của tôi đối với Sư phụ. Trong hơn 26 năm, Ngài đã chăm sóc chu đáo và từ bi dẫn dắt tôi trong những thời khắc nguy nan.

Tìm niềm vui trong khổ nạn

Do chịu ảnh hưởng từ cha mẹ nên tôi rất tin vào sự tồn tại của Thần Phật. Một đồng nghiệp đã nói với tôi về Pháp Luân Đại Pháp vào mùa hè năm 1995. Tôi đã nghĩ ngay pháp môn này thật tốt và muốn học nó. Một người họ hàng mang đến cho tôi một quyển sách của Pháp Luân Đại Pháp vào cuối tháng 7 năm 1995. Ông ấy hỏi: “Em có sợ chịu khổ hay không?” Lúc đó tôi đang trải qua một vài ma nạn nên cảm thấy cuộc sống rất khó khăn.

“Em không sợ.“, tôi đáp. Tôi nhận quyển sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, Chuyển Pháp Luân, và đọc xong nó trong một ngày. Tôi hào hứng vô cùng vì đây chính xác là điều mà tôi đã luôn tìm kiếm!

Tôi đã hiểu ra ý nghĩa của cuộc đời sau khi đọc Pháp. Tôi không còn cảm thấy lạc lõng và chán chường nữa mà có thể đối diện với khó khăn bằng thái độ tích cực, vì tôi hiểu rằng ma nạn chính là kết quả của những món nợ nghiệp từ các tiền kiếp. Trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi mắc phải rất nhiều loại bệnh tật, bao gồm suy nhược thần kinh, hạ đường huyết, thấp khớp, các bệnh dạ dày đường ruột và thiếu máu.

Trong vòng chỉ một tháng, tất cả mọi bệnh tật của tôi đã biến mất. Tôi cảm thấy thăng hoa và hạnh phúc.

Tôi thường giúp đỡ mẹ tôi. Bà ấy sống cùng với chị dâu của tôi. Mặc dù chị dâu đối xử tốt với tôi, chị ấy thường xuyên la mắng mẹ tôi và phê bình hai em gái của tôi trước mặt tôi. Để không khiến tình hình thêm khó khăn với mẹ, tôi đã âm thầm chịu đựng. Tuy nhiên, một lần nọ tôi đã không chịu được nữa và cao giọng đáp trả: “Chị luôn luôn phê bình người khác! Tại sao chị không nhìn lại bản thân mình chứ?” Chị ấy đã nổi giận và không cho tôi đến thăm mẹ tôi nữa.

Trong cơn giận dữ, tôi đã viết một lá thư cho mẹ của chị ấy, kể chi tiết ra những điều trái với luân thường đạo lý và vượt quá giới hạn mà chị dâu đã làm sau khi được gả vào gia đình chúng tôi. Tôi còn viết một lá thư cảnh cáo dành cho chị dâu và gửi cả hai lá thư đến mẹ chị ấy. Kể từ đó, chúng tôi oán hận nhau sâu sắc và đã không nói chuyện với nhau trong nhiều năm.

Sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi nhắc nhở bản thân rằng mình là một người tu luyện và phải giữ vững tâm tính theo tiêu chuẩn của Pháp. Tôi học cách suy xét đến tình hình chung của gia đình, nghĩ về mẹ tôi và gia đình tôi và lấy sự hòa hợp làm ưu tiên hàng đầu. Tôi đi đến chỗ làm việc của mẹ của chị dâu để xin lỗi, sau đó xin lỗi chị dâu tôi. Chúng tôi rốt cuộc cũng làm lành với nhau. Nếu không nhờ tu luyện thì tôi sẽ không làm điều này.

Tôi từng soi mói mẹ chồng trước mặt chồng tôi và ôm giữ tâm oán hận trong lòng. Nhưng sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi bắt đầu thành tâm nhìn nhận sự việc theo góc độ của bà ấy, cố gắng thấu hiểu và nhẫn nhịn bà ấy. Điều này đã giúp hóa giải được tâm oán hận mà tôi dành cho bà ấy. Một ngày nọ, chồng tôi bình luận rằng: “Đã một thời gian dài em không còn soi mói mẹ anh trước mặt anh nữa nhỉ.”

Khi con gái tôi trải qua chứng trầm cảm sau sinh, tôi đã tự mình chăm sóc con và cháu nhỏ. Tôi phải chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình, chuẩn bị thức ăn riêng cho con gái vừa lên thiên chức mẹ, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, tắm em bé và thậm chí là tắm nắng cho em bé để trị bệnh vàng da. Tôi bận đến nỗi thường chỉ ăn mỗi ngày một bữa, thậm chí quên uống đủ nước. Ban đêm tôi kiệt quệ đến nỗi thường ngủ gật trong thời gian học Pháp.

Tôi thực sự hy vọng rằng mẹ chồng của con gái tôi sẽ đến giúp một tay. Khi bà ấy đến, tôi đã rất vui. Nhưng bà ấy chỉ ở lại ba ngày rồi trở về nhà. Trong những ngày tiếp theo, bà ấy chỉ đến để thăm cháu trai của mình. Bà ấy cứ ở lại một vài ngày rồi lại rời đi. Con gái và con rể tôi thì bận bịu công việc nên tôi phải tự chăm sóc cháu trai và làm hết việc nhà. Điều ấy vô cùng mệt mỏi khiến cho tôi không thể làm tốt ba việc. Tôi cảm thấy cay đắng và các quan niệm người thường lại khống chế tôi. Tôi hình thành tâm oán hận đối với bà sui gia, cho rằng bà ấy thật ích kỷ, không bao giờ nghĩ đến chuyện hỗ trợ mà còn thường xuyên đòi hỏi con gái tôi nhiều thứ. Bà ấy dường như không quan tâm đến khoản nợ thế chấp khổng lồ của vợ chồng con gái tôi và nghĩ rằng chăm sóc cháu là nhiệm vụ của tôi. Thỉnh thoảng, khi mọi thứ trở nên quá khó khăn, tôi lại lặng lẽ khóc trong đêm.

Sư phụ đã điểm hóa cho tôi và đột nhiên tôi minh bạch ra rằng: mình là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, một người tu luyện và mình nên tìm niềm vui trong khổ nạn. Tôi nên cố gắng thấu hiểu và nhẫn nhịn bà sui gia, cũng như nhìn nhận sự việc từ góc độ của bà ấy. Khi tôi nói điều này với vợ chồng con gái, các con không vui và thắc mắc tại sao tôi luôn đứng về phía của bà ấy. Tôi nói rằng là một người tu luyện, tôi nên chiểu theo các tiêu chuẩn của Đại Pháp, trở nên tử tế và suy xét sự việc từ góc độ của người khác.

Sức mạnh của sự tử tế

Là người tu luyện, chúng ta nên giữ vững bản thân theo các tiêu chuẩn của Pháp. Mặc dù tôi đã nhiều lần không làm tốt do có các tâm chấp trước, tôi đã cố gắng tu Thiện trong Đại Pháp và nó cũng bộc lộ ra ngoài một cách tự nhiên. Khi tôi chân thành làm gì đó cho người khác, họ có thể cảm nhận được điều ấy.

Vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tháng 10 năm 1999 tôi đã bị bắt giữ và đưa đến một đồn công an. Lúc đó trời đã rất muộn và một cảnh sát đang chuẩn bị chuyển tôi đến trại tạm giam. Tôi nhận thấy vẻ mặt ông ấy trông đau đớn nên hỏi ông rằng có chuyện gì. Ông ta nói mình bị đau dạ dày. Tôi hỏi ông có đói không và đề xuất ông ăn chút gì đó hoặc uống thuốc. Ông cảm thấy tôi thực sự quan tâm đến ông nên đã rất cảm động.

Tôi bị giam giữ phi pháp trong một trung tâm tẩy não. Có một nam học viên ở đó không có tiền chi trả cho những bữa ăn của mình. Khi tôi và một học viên khác biết chuyện, chúng tôi đã xoay sở gửi tiền cho ông ấy thông qua một nhân viên an ninh, người mà sau đó đã kể với một cảnh sát điều chúng tôi làm. Viên cảnh sát này sau đó đã nói với những người thuộc ủy ban khu phố địa phương và Ủy ban Chính trị Pháp luật rằng: “Cái bà kia ấy rất là tử tế. Gia đình bà không khá giả vậy mà bà ấy vẫn giúp đỡ người khác.” Có người thuộc ủy ban khu phố địa phương đã truyền lại những lời của cảnh sát đó cho tôi.

Ngay sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, chúng tôi đã đi đến chính quyền thành phố để thỉnh nguyện. Một cảnh sát đã quát nạt chúng tôi và đẩy chồng tôi ngã xuống đất. Tôi quay lại, giúp chồng tôi đứng dậy và mỉm cười với cảnh sát kia. Điều đó dường như khiến ông ta kinh ngạc. Ông ta không còn quát tháo hay xô đẩy bất kỳ học viên nào nữa.

Trong cuộc bức hại, có nhiều cảnh sát đã bị lừa dối và dẫn dắt bởi lời tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nên họ đối xử rất khắc nghiệt với các học viên. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với các học viên, họ đã chứng kiến tấm lòng lương thiện, sự lý trí và quan tâm mà chúng tôi dành cho gia đình, nhờ đó mà phá tan rất nhiều định kiến sai lầm đã ăn sâu trong tư tưởng của họ do sự tuyên truyền và những lời dối trá của ĐCSTQ.

Một vài cảnh sát còn bảo vệ các học viên trong phạm vi năng lực của mình, nhưng có những người khác lại bị đầu độc sâu nặng bởi tuyên truyền và tiếp tục tham gia vào cuộc bức hại. Họ thật sự là những cá nhân đáng thương và bất hạnh.

Bà sui gia của tôi không giúp trông cháu trai nên cháu trai tôi không thân thiết với bà ấy lắm. Cháu không thích ông bà nội và thậm chí từ chối nói chuyện với họ. Tôi cho rằng sẽ không tốt khi đứa trẻ lớn lên mà có tâm thái bài xích ông bà như thế. Vì vậy, khi họ đến nhà chơi, tôi đã chân thành nói với bà sui gia: “Bây giờ cháu trai đang lớn và dần hiểu chuyện, chị nên đến đây thăm cháu thường xuyên hơn để thắt chặt mối quan hệ với cháu. Chúng ta không thể khiến cháu cảm thấy ông bà nội không yêu thương nó, sẽ làm nó cảm thấy xa cách với bà.”

Với đôi mắt ngấn lệ, bà ấy vỗ vai tôi và nói: “Tôi sẽ không bao giờ quên chị, chị vẫn luôn tốt với tôi như vậy. Tôi chưa từng đem cho chị bất kỳ thứ gì khi tôi đến đây, nhưng lần nào tôi ra về thì chị lại cho tôi vài món gì đó mang về nhà. Chị luôn nghĩ cho tôi. Tôi không biết phải cảm ơn chị như thế nào.”

Trên đây chỉ là một chút trong rất nhiều điều mà tôi đã trải qua trong 26 năm tu luyện. Đã có rất nhiều trải nghiệm về sự thăng hoa của cảnh giới tinh thần, nỗi thống khổ thấu tâm can khi buông bỏ chấp trước, sự nuối tiếc sâu sắc vì đã không tu luyện tinh tấn, niềm tin không dao động vào Đại Pháp khi đối diện với cuộc bức hại tà ác, sự bảo hộ của Sư phụ trong những thời điểm nguy nan và còn nhiều hơn thế nữa. Sư phụ và Đại Pháp đã ban cho tôi nhiều đến nỗi không thể diễn đạt bằng lời. Cách duy nhất để bày tỏ lòng biết ơn là tiếp tục tu luyện tinh tấn và trở thành một người tu luyện chân chính. Con xin dành lòng biết ơn sâu sắc nhất đến Sư phụ vĩ đại và từ bi của chúng con!

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/3/13/457650.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/5/212360.html

Đăng ngày 01-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share