Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 05-08-2023] Bà Phan Ngạn Quân, 50 tuổi, ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm đã bị xét xử vào ngày 13 tháng 7 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại kể từ tháng 7 năm 1999.
Ảnh chụp bà Phan Ngạn Quân
Một nhóm cảnh sát từ Sở Cảnh sát trị trấn Thanh San, huyện Nông An đã đột nhập vào nhà mẹ đẻ bà Phan Ngạn Quân ở làng Nam Đài Tử ngày 2 tháng 3 năm 2023. Sau đó, họ đột nhập nơi ở của bà tại huyện Nông An và bắt giữ bà. Hôm sau, bà bị đưa đến Trại tạm giam huyện Nông An.
Cảnh sát trưởng Lưu Hiểu Lâm đã chỉ đạo vụ bắt giữ và đề nghị truy tố bà tới Viện kiểm sát huyện Nông An, sau đó chuyển hồ sơ lên Viện kiểm sát thành phố Đức Huệ.
Gia đình bà Phan đã thuê luật sư từ Bắc Kinh làm đại diện. Tuy nhiên, Sở Cảnh sát huyện Nông An và Viện kiểm sát nhân dân huyện Nông An đã viện nhiều lý do khác nhau để không cho phép luật sư gặp gỡ thân chủ hoặc xem xét hồ sơ vụ án của bà (khi đó hồ sơ đang được Viện kiểm sát huyện thụ lý). Vì vậy, luật sư đã từ bỏ việc bào chữa cho bà.
Luật sư thứ hai mà gia đình bà Phan thuê được xem hồ sơ vụ án nhưng chỉ sau khi chúng được nộp lên Tòa án thành phố Đức Huệ. Luật sư không được phép đến thăm bà tại trại giam. Giám đốc trại giam đã liệt kê hơn 12 điều kiện luật sư phải đáp ứng nếu muốn gặp bà Phan, mặc dù theo luật, luật sư bào chữa có quyền gặp gỡ thân chủ đang bị giam giữ mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Vì không được tiếp cận hồ sơ vụ án nên luật sư của bà Phan không có điều kiện bào chữa tốt nhất cho bà.
Thẩm phán Cổ Hiểu Thu đã xét xử vụ án của bà Phan tại Tòa án thành phố Đức Huệ ngày 13 tháng 7 năm 2023. Người nhà bị cáo không được phép tham dự phiên tòa.
Công tố viên Vu Tường Tha cáo buộc bà Phan vi phạm Điều 300 Bộ Luật hình sự, trong đó quy định rằng bất kỳ cá nhân nào lợi dụng một tổ chức “tà giáo” để phá hoại việc thực thi pháp luật đều sẽ bị truy tố với khung hình phạt cao nhất của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, công tố viên Vu dẫn chiếu Điều 22 Bộ Luật hình sự, trong đó quy định trường hợp đương sự chỉ đơn thuần là chuẩn bị những phương tiện, dụng cụ hoặc những điều kiện cần thiết để phạm tội, nhưng chưa thực hiện hành vi phạm tội, có thể được hưởng hình phạt nhẹ hơn, thậm chí được miễn hình phạt.
Luật sư bào chữa đã bác bỏ cáo buộc này và lập luận rằng chưa từng có luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công hay gán nhãn pháp môn này là một tà giáo ở Trung Quốc. Hơn nữa, việc tu luyện Pháp Luân Công của bà Phan không gây hại cho bất kỳ ai nói riêng cũng như xã hội nói chung, càng không làm suy yếu việc thực thi pháp luật. Vì vậy, Điều 300 Bộ Luật hình sự không thể áp dụng đối với trường hợp của bà Phan.
Luật sư nói rằng việc công tố Vu dẫn chiếu Điều 22 Bộ Luật hình sự cho thấy phía công tố viên không có đủ bằng chứng chứng minh bà Phan phạm tội theo Điều 300, vì vậy đã dẫn chiếu điều khoản áp dụng tội nhẹ hơn là “chuẩn bị phạm tội” được quy định tại Điều 22 để loại trừ việc áp dụng Điều 300 trong trường hợp này.
Những cáo buộc mâu thuẫn liên quan đến luật hiện hành như vậy có thể do áp lực từ chính quyền cấp trên nhằm hình sự hóa các học viên Pháp Luân Công, những người không vi phạm pháp luật khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng theo Hiến pháp. Công tố viên đề nghị mức án từ 3-7 năm tù đối với bà Phan. Thẩm phán Cổ tuyên bố sẽ đưa ra phán quyết sau đó vài ngày.
Từng bị bức hại
Chồng bà Phan là ông Giang Thục Quân cũng là một người tu luyện Pháp Luân Công. Hai người họ nhiều lần bị chính quyền nhắm đến vì tín ngưỡng của họ trong suốt 24 năm bức hại. Thời điểm tháng 11 năm 1999, suốt nhiều ngày, Tôn Hữu Điền, phụ trách an ninh làng Nam Đài Tử dẫn người đến gõ cửa nhà vợ chồng họ lúc 10 giờ tối, chỉ để tra hỏi họ có nhà không. Con cái, cha mẹ bà Phan và những người sống cùng nhà họ đều rất sợ hãi.
Mùa xuân năm 2000, cảnh sát Tôn Đức Quý và Lưu Hiểu Lâm từ Đồn công an thị trấn Thanh Sơn đã tập hợp tất cả các học viên Pháp Luân Công địa phương đến Văn phòng làng Nam Đài Tử. Cảnh sát chụp mỗi học viên hai ảnh thẻ và lấy phí mỗi tấm ảnh là 50 nhân dân tệ. Các học viên cũng bị buộc phải lấy dấu vân tay.
Sau đó, cảnh sát lập mỗi học viên một “hồ sơ tội phạm” cùng ảnh chụp họ. Phụ trách an ninh Tôn Hữu Điền đã tịch thu chứng minh thư của bà Phan và ông Giang suốt 5 năm không trả lại.
Hai vợ chồng họ phải vật lộn để có cuộc sống bình thường khi không có chứng minh thư. Họ không thể làm việc ngoài thành phố, vay tiền hoặc làm những công việc bình thường khác. Tháng 7 năm 2000, quan chức làng Nam Đài Tử là Ngô Khôn và kế toán Vu Chiêm Quách đã quấy rối bà Phan và ông Giang tại nhà riêng, đe dọa sẽ bắt giam họ nếu họ từ chối tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bố của ông Giang đã ký giấy cam kết cho hai vợ chồng.
Mùa hè năm 2001, các viên cảnh sát là Tiền Tồn Tường, Tôn Đức Quý, Lưu Tiểu Lâm và Lâu Đổng Tử từ đồn công an thị trấn Thanh San đã đột nhập vào nhà vợ chồng họ.
Sáng ngày 5 tháng 7 năm 2017, cảnh sát của đồn công an thị trấn Thanh Sơn đã đột nhập vào nhà vợ chồng bà Phan và bắt giữ bà. Họ giam giữ bà tại trại tạm giam huyện Nông An trong mười ngày. Cảnh sát nói lý do bà bị bắt giữ vì đã đệ đơn tố cáo cựu lãnh đạo ĐSCTQ Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 2020, năm cảnh sát từ đồn công an thị trấn Thanh Sơn đột nhập vào nhà bà Phan và bắt giữ bà. Họ thẩm vấn bà tại đồn và ép bà ký biên bản thẩm vấn, danh sách đồ vật bị tịch thu, lệnh khám xét và thông báo giam giữ mười ngày. Tuy nhiên, họ đã thả bà ra lúc 2 giờ 30 phút chiều hôm đó mà không thi hành lệnh tạm giam mười ngày.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/5/463830.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/13/210789.html
Đăng ngày 17-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.