Bài viết của một học viên mới tại Đài Loan

[MINH HUỆ 14-07-2023] Tôi là một học viên mới, tôi nhận thức sâu sắc rằng Chuyển Pháp Luân là một cuốn sách trân quý với nội hàm bác đại tinh thâm, nhưng tôi lại thường học Pháp mà không đắc Pháp, trạng thái học Pháp cũng không ổn định. Sau khi đọc nhiều bài chia sẻ của các đồng tu về việc chép Pháp và học thuộc Pháp, bởi thực tâm muốn học Pháp tốt nên tôi đã bắt đầu chép từng đoạn Pháp rồi học thuộc một cách vô cùng chậm rãi. Khả năng ghi nhớ của tôi vốn rất kém, nên thường phải mất vài ngày tôi mới chép xong và học thuộc được một đoạn. Nhưng cứ học đến đoạn sau thì lại quên đoạn trước, tuy vậy tôi không nản lòng, tôi biết đó là quá trình tu luyện.

Hiện tại tôi đang chép và học thuộc đến bài giảng thứ ba của Chuyển Pháp Luân, xem lại nét chữ chép Pháp dạo trước, tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng khi đó tôi dùng nét chữ thư pháp và chép Pháp bằng tâm cung kính nhất, còn hiện giờ xem ra nét chữ lại khá nguệch ngoạc và cẩu thả. Tôi thể ngộ được rằng Sư phụ đã khai thị rằng Phật Thích Ca Mâu Ni trong quá trình tu luyện đã không ngừng thăng hoa trong Pháp:

“Mỗi khi đề cao [lên] một tầng, Ông quay lại xét thấy Pháp mình vừa giảng xong không còn đúng nữa.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi tu trong mê, nhưng qua nét chữ chép Pháp có thể thấy được sự biến hóa của bản thân, tâm tôi dần tĩnh lại, không truy cầu tốc độ nữa, mà chỉ mong sao có thể học Pháp được tốt.

Hôm nay tôi chép đến đoạn:

“Có người chư vị chữa lành bệnh cho họ rồi, họ vẫn không hiểu được chư vị; khi chữa bệnh cho họ chư vị đã trục khỏi thân họ biết bao thứ xấu, trị giúp họ đến một mức độ nào đó, nhưng lúc ấy chưa có thể hiện biến đổi rõ ràng [ra bên ngoài]. Nhưng trong tâm họ không vừa ý, không cảm tạ chư vị; có khi còn nguyền rủa rằng chư vị lừa họ! Chính là đối mặt với những vấn đề ấy, để tâm của chư vị được ‘ma luyện’ trong hoàn cảnh ấy.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Trước đây, tôi luôn ngộ rằng chỉ những người phản tu mới gặp vấn đề đó, chứ không liên quan gì đến tôi. Hôm nay chép đến đoạn Pháp này, đột nhiên đầu não tôi chấn động, nước mắt tuôn rơi, hóa ra đoạn Pháp này chính là nói về nút thắt trong tâm tôi!

Trước khi tu luyện, sau một giai đoạn tôi và chồng tôi quen biết nhau, chồng tôi (khi đó là bạn trai) mới thú nhận rằng anh và người vợ cũ có một đứa con. Việc này đối với tôi hồi đó thực sự là một sự đả kích lớn, tôi oán hận tại sao anh ấy lại lừa gạt tôi, tôi tuyệt nhiên không muốn làm mẹ kế! Điều càng khiến tôi không thể buông được là đứa bé đó thường nghe lời mẹ đẻ nói này nói nọ mà đối xử vô lễ với tôi. Nhưng vì chồng tôi rất thương yêu tôi nên chúng tôi đã kết hôn. Sau khi kết hôn, sự tồn tại của đứa trẻ khiến tôi cảm thấy không vui, người thân và bạn bè không biết còn cho rằng tôi lấy anh là vì ham lợi lộc gì đó của anh, nếu không một cô gái bình thường ai lại muốn làm mẹ kế? Bố mẹ chồng đôi khi cũng nhắc tôi chăm sóc đứa trẻ thật tốt. Tôi độc lập về kinh tế, có nhà, có xe, ngay cả ý muốn sinh con tôi cũng không có, vậy mà lại phải gánh trách nhiệm của một người mẹ kế và bị người khác xì xào sau lưng, quả thực là một nỗi giày vò lớn!

Sau khi tôi kết hôn, con anh hầu như cuối tuần nào cũng đến nhà tôi ở, đôi khi tôi giúp cháu việc gì đó, nhưng cháu lại coi đó là chuyện đương nhiên. Trong lúc chồng tôi đi vắng, cháu liền không lễ phép với tôi. Tôi thực sự rất khổ tâm, đây là nhà của tôi, nhưng đứa trẻ này dường như đang muốn đuổi tôi đi. Nhưng vì để không muốn làm khó cho chồng, tôi thường nhẫn chịu và từ đó sinh ra buồn bực. Sau khi tu luyện Đại Pháp, tôi thường nghĩ, sao ông trời lại an bài cho tôi một cuộc hôn nhân như vậy? Có đồng tu chia sẻ: “Điều Sư phụ an bài không nhất định là dễ chịu nhất, nhưng nhất định là tốt nhất.” Tôi nghĩ có lẽ mình nợ đứa trẻ này một món nợ, và đời này tôi phải hoàn trả.

Hôm nay, khi chép Pháp, tôi chợt bừng tỉnh, hóa ra một chút khả năng kinh tế mà tôi có được, nhà, xe, kỳ thực đều là an bài vi diệu của Sư phụ, không phải là để tôi sống tốt, mà là để tôi có một chút điều kiện để chứng thực Pháp. Cũng giống như người phản tu, bản thân anh ta không có công mà chính là các Giác Giả cấp thêm cho anh ta năng lượng, mục đích không phải là để anh ta phát tài, mà là để anh ta tu luyện. Và việc đứa trẻ này đôi khi không những không cảm ơn tôi mà còn vô lễ với tôi, đúng như điều Sư phụ giảng:

“để tâm của chư vị được ‘ma luyện’ trong hoàn cảnh ấy” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Khi minh bạch được tầng Pháp lý này, tôi đã bật khóc và thấy thật nhẹ nhõm, hóa ra là được an bài như vậy! An bài của Sư phụ đều là tốt nhất! Đều là để tâm tính tôi có thể từ trong gian khổ mà đề cao lên.

Mặc dù chúng tôi vẫn sống một cuộc sống như thế, nhưng tâm tình của tôi đã hoàn toàn khác, tôi không còn chỉ nhẫn chịu một cách tiêu cực nữa mà muốn vâng theo lời Sư phụ giảng: “Cật khổ đương thành lạc“ (Khổ Kỳ Tâm Chí, Hồng Ngâm) (Tạm dịch: Lấy chịu khổ làm vui). An bài của Sư phụ nhất định đều là tốt nhất!

Con xin cảm tạ Sư tôn vĩ đại!

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/14/462927.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/20/210903.html

Đăng ngày 01-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share