Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục
[MINH HUỆ 24-05-2023] Hôm nay, trong khi ăn tối, tôi nghe bài chia sẻ “Bước trên con đường tu luyện chân chính” của một học viên Argentina trên Đài Phát thanh Minh Huệ. Khi nghe đến đoạn: “Tôi vẫn nghĩ mình không có nhiều chấp trước vào tình đối với con cái, nhưng đó là tôi đang tự dối mình. Mỗi việc liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, và đưa chúng vào quy củ đều xúc động đến tâm tôi. Tôi thậm chí còn khóc cả khi chồng tôi đặt ra quy định cho chúng.”
Tôi chợt bàng hoàng khi nhận rõ ra rằng lâu nay mình vẫn ở trong tình, cái tình với con cái, chỉ là nó được chôn giấu quá sâu và quá lâu, nên chính tôi cũng quên mất, còn tưởng mình đã tu bỏ được cái tình này rồi. Lúc đó, tôi bàng hoàng đến mức đầu óc choáng váng, tim đập thình thịch: Tôi tu luyện bao nhiêu năm như vậy rồi mà vẫn còn ở trong tình. Nói trắng ra, tôi đang lợi dụng việc tu Đại Pháp để đạt được mục đích bù đắp cho những khiếm khuyết của con trai. Tâm đó thật dơ bẩn, tôi cảm thấy thật có lỗi với sự khổ độ của Sư tôn.
Thực ra, tôi vẫn luôn cố gắng tìm xem chấp trước căn bản của mình là gì, liệu tôi có chấp trước căn bản hay không. Tôi chợt thanh tỉnh nhận ra rằng, hóa ra chấp trước căn bản của tôi chính là cái tình với con. Tôi biết đó là điểm hóa của Sư phụ để đệ tử nhận ra chấp trước căn bản của mình mà loại bỏ đi. Tôi trào nước mắt, những giọt nước mắt biết ơn sự điểm ngộ của Sư phụ, và cả những giọt nước mắt của sự hối hận, tại sao tu luyện bao nhiêu năm như vậy mà tôi không nhận ra chấp trước này, còn khiến Sư phụ phải khổ tâm điểm ngộ.
Vậy, chấp trước này đã hình thành như thế nào? Dưới đây tôi sẽ đi sâu phân tích.
Vào những năm 1980, nếu sinh con hay khám bệnh, bạn sẽ được chỉ định bệnh viện. Nếu bạn đến bệnh viện khác thì không được đơn vị thanh toán viện phí. Nếu bạn sinh con ngoài bệnh viện được chỉ định thì căn bản sẽ không được tiếp nhận. Tôi sinh con khó vì cổ tử cung của tôi nhỏ, bác sỹ phải dùng kéo cắt mở cổ tử cung của tôi, còn hai bác sỹ nữa đứng hai bên giường sinh, kéo một chiếc khăn ngang bụng tôi để ép đẩy em bé xuống. Em bé đã được ép đẩy xuống tới cổ tử cung nhưng vẫn không ra được, bác sỹ quyết định: “Dùng kẹp forceps”. Bác sỹ dùng kẹp forceps để kẹp đầu con để kéo ra. Lần đầu cho con bú, tôi phát hiện trên đầu con có một vết sưng, bác sỹ nói: “Là do kẹp forceps, không sao đâu, hai ngày nữa sẽ hết”. Khi con được khoảng năm, sáu tháng tuổi, tôi phát hiện một bên mắt của con hơi bị lác. Em chồng tôi cũng là y tá trưởng, nói: “Có phải là di chứng do dùng kẹp forceps không?” Khi đó, tôi không dám khẳng định là do đỡ đẻ bằng kẹp forceps, vì khi con tôi được bốn tháng tuổi, cô em họ 15 tuổi của tôi đến trông con giúp tôi, từng lỡ tay làm bé rơi vào khoảng không giữa giường và bàn. Còn có lần, cô ấy để cháu trong phòng, rồi ra ngoài phòng khách. Khi đó, con tôi vừa mới biết ngồi, bất ngờ bị ngã qua thành giường, mà hai đầu giường đều có thành giường, làm mắt trái của con tím bầm, sưng to bằng quả trứng, lớp da mỏng như sắp nứt ra, trông mà sợ.
Khi con lên ba, bốn tuổi, vợ chồng tôi đưa con đến bệnh viện địa phương để khám đáy mắt, kết quả khám chuyên khoa xác định: Teo dây thần kinh thị giác. Trong nước chưa có công nghệ y tế để chữa được bệnh này. Chúng tôi lại đưa con đến Bắc Kinh, muốn tìm đến bệnh viện mắt có tiếng. Đến Bắc Kinh, hai mẹ con tôi ổn định rồi, chồng tôi liền đến viện đăng ký khám tư vấn với chuyên gia. Bệnh viện cho biết chuyên gia tham vấn hôm ấy đã quá số phiếu rồi, phải xếp hàng từ trước mới được. Chồng tôi hỏi: “Tối nay tôi đến xếp hàng thì có đăng ký được số khám tư vấn với chuyên gia vào ngày hôm sau không?” Bệnh viện trả lời: “Anh phải đến xếp hàng từ sáng sớm” (vì chuyên gia khám bệnh là có giới hạn về số bệnh nhân trong một ngày). Tối hôm ấy, chồng tôi phải quay lại bệnh viện để xếp hàng từ 10 giờ tối. Ngày hôm sau, tôi đưa con đến bệnh viện, kết quả thăm khám của chuyên gia cũng giống như kết quả của bệnh viện địa phương. Chúng tôi hỏi bác sỹ: “Trẻ sinh ra bằng kẹp forceps có liên quan đến chứng teo thần kinh thị giác không?” Bác sỹ do dự một chút rồi nói: “Có thể có liên quan, vì dây thần kinh của trẻ sơ sinh vừa mảnh, vừa yếu, rất dễ tổn thương hay dập gãy. Cần phải chăm sóc thật tốt cho con mắt còn lại của bé, vì qua thời gian, nếu chăm sóc không tốt, sẽ ảnh hưởng đến con mắt tốt còn lại của bé.”
Tôi cảm thấy mình chính là thủ phạm làm hại con mình, khuyết tật của con là do tôi gây ra: nếu tôi sinh mổ thì con đã không bị sao! Nếu cổ tử cung của tôi lớn hơn thì con đã không bị sao! Tôi tự trách mình đến cùng cực, thầm khóc hàng mấy tiếng đồng hồ trong đêm, áp lực tâm lý rất lớn, và luôn cảm thấy tội lỗi.
Sư phụ giảng:
“Chẳng phải tôi đã từng giảng rằng một người luyện công, cả gia đình được lợi ích sao?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Úc châu [1999])
Tôi tự nhủ: Mình phải học Pháp, luyện công thật tốt, chân tâm học Pháp, luyện công, phải đạt đến yêu cầu của Pháp thì mới có thể tu luyện tốt bản thân, mới mang lại phúc phận cho con, mới bù đắp được tội lỗi của mình, cảm giác tội lỗi trong lòng mới vơi đi được phần nào.
Thông qua học Pháp, luyện công, thân thể tôi đã trải qua những biến chuyển to lớn. Tôi từng bị đau nửa đầu, đau dạ dày, đầy hơi, mất ngủ trầm trọng, cúm đợt nào cũng không thoát được, còn bị đau bụng âm ỉ mỗi lần đến tháng, chân trái như bị mắc kẹt trong cái hố băng, khó chịu vô cùng, nhiều lúc khó chịu đến mức không nhẫn chịu được mà bật khóc, lại còn tai trái, lúc ngủ mà bị đè lâu thì sẽ bị khó chịu không tả xiết. Tai trái bị đau là do hồi tôi còn đi học, tôi đang dùng đuôi kẹp tăm để ngoáy tai thì bị một bạn nam cùng lớp đang chạy va phải, lúc đó tai tôi rất đau, nhưng vì lúc đó còn nhỏ, nên tôi không để tâm.
Sau một thời gian ngắn học Pháp và luyện công, tất cả các vấn đề nêu trên của tôi đều bay biến. Tôi còn minh bạch được rất nhiều đạo lý: con người đến từ đâu, tại sao con người lại mắc bệnh và mục đích của cuộc sống là gì. Thực ra, điều khiến tôi xúc động hơn nữa là Sư phụ đã dùng Pháp để dẫn dắt tôi, kéo tôi ra khỏi chấp trước.
Pháp lý khiến tôi nhận ra tính nghiêm trọng trong chấp trước căn bản của mình, vì mỗi khi tôi nghĩ đến đôi mắt của con, cảm giác tội lỗi khiến thân thể tôi trở nên bất lực, tinh thần ủ rũ, không thể nào phấn chấn lên được. Vừa nghe thấy, đọc thấy những trường hợp được chữa khỏi bệnh một cách thần kỳ mà các đồng tu viết trong “Hồi ức về Sư phụ”, tôi tiếc nuối vì sao tôi không có cơ duyên được Sư phụ cứu chữa cho con trai tôi. Sư phụ đã không bỏ rơi tôi dù tôi có chấp trước lớn như vậy, mà còn không ngừng dùng Pháp lý để khai thị cho tôi.
Mới đây, Sư phụ công bố kinh văn “Vì sao có nhân loại”, trong đó giảng rõ hơn:
“Thực ra hết thảy trong đời người, [điều] đáng nên được hay không đáng nên được, đều là đời trước, lần sinh trước đây làm điều tốt hay không tốt mà thành nhân quả đời sau, lần sinh sau; đời trước tích lũy phúc đức nhiều ít bao nhiêu quyết định đời này hoặc đời sau phúc phận bao nhiêu.” (Vì sao có nhân loại)
Biết rằng mọi việc đều có nhân duyên, tôi đã buông bỏ chấp trước vào sự khổ đau, và với tâm thái thuần tịnh, tôi đã làm ba việc trong sứ mệnh thần thánh mà Sư phụ giao phó cho các đệ tử. Tâm tôi chuyển biến, con trai tôi cũng có biến hóa rất lớn, trở nên rất hiểu chuyện, năm ngoái còn mua rất nhiều trái cây đắt tiền cho tôi.
Tôi rất mừng vì giờ đây mắt con tôi không còn bị lác nữa, mà đã cân đối như người bình thường, chứng teo dây thần kinh thị giác cũng không ảnh hưởng đến con mắt tốt, cũng cũng không nhận thấy rõ là con có một con mắt không nhìn thấy. Gia đình ba người chúng tôi sống hạnh phúc và đây là phúc lành mà Đại Pháp ban cho con tôi.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/24/458903.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/13/210786.html
Đăng ngày 31-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.