Bài viết của phóng viênMinh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-07-2023] Bà Vương Thải Vân, 70 tuổi, ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, mới bị xét xử chỉ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại kể từ tháng 7 năm 1999.

Từng làm việc tại Mỏ than Long Phượng, bà Vương bị bắt vào ngày 4 tháng 3 năm 2023 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Tòa án quận Đông Châu đã mở phiên xử bà tại Trại tạm giam thành phố Phủ Thuận vào ngày 12 tháng 7 năm 2023, nơi bà bị giam giữ từ khi bị bắt. Thông tin chi tiết về vụ việc của bà vẫn đang trong quá trình điều tra.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Vương bị nhắm đến vì đức tin trong suốt 24 năm bức hại vừa qua. Bà đã bị bắt nhiều lần và hai lần bị đi lao động cưỡng bức trong tổng thời gian là năm năm.

Bị bắt cùng với con trai vào năm 2000

Bà Vương và con trai bà, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 23 tháng 7 năm 2000. Họ bị bắt về Phủ Thuận và bị giam giữ trong 15 ngày. Ngoài ra, bà Vương còn bị yêu cầu nộp phạt hơn 2.000 nhân dân tệ.

Nhận bản án ba năm lao động cưỡng bức vào năm 2001

Bà Vương và con trai trở về Bắc Kinh vào ngày 28 tháng 11 năm 2000. Bà lại bị bắt vào ngày 13 tháng 12 năm đó vì phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công ở Bắc Kinh.

Bà bị tra tấn dã man trong Trại tạm giam quận Phượng Đài ở Bắc Kinh, trước khi bị chuyển đến Phòng liên lạc thành phố Phủ Thuận ở Bắc Kinh, nơi cảnh sát ở Đồn Công an Đông Châu đã đến đón và đưa bà trở lại Phủ Thuận.

Ban đầu, cảnh sát định giữ bà ở Trại tạm giam thành phố Phủ Thuận, nhưng ở đây không có chỗ cho các tù nhân mới. Sau đó, họ giam bà tại Trung tâm phục hồi chức năng Phủ Thuận trong hơn ba tuần trước khi thời hạn ba năm lao động cưỡng bức của bà kết thúc vào tháng 1 năm 2001.

Khi bà Vương thụ án trong Trại lao động Ngũ Gia Bảo, lính canh đã tập hợp một số người để “làm việc” với bà. Họ ép bà phải đọc, xem và nghe các tài liệu bôi nhọ Pháp Luân Công. Họ cũng chửi bới, xúc phạm bà mọi lúc. Tuy nhiên, bà vẫn kiên định với đức tin của mình, vì vậy họ đã dùng đến tra tấn thể xác, bắt bà phải đứng hoặc ngồi xổm trong thời gian dài và không cho bà ngủ.

Con trai không ở cùng bà khi họ bị bắt ở Bắc Kinh. Chồng bà vẫn không nhận được thông tin từ con trai của họ ngay cả sau khi bà bị kết án lao động cưỡng bức. Chồng bà (đã lớn tuổi) quá lo lắng cho con trai và vợ đến nỗi ông bị ốm phải nhập viện và phẫu thuật.

Hai năm bị tra tấn (2008-2010) tại Trại lao động Mã Tam Gia

Bà Vương lại bị bắt vào ngày 21 tháng 11 năm 2008, khi đang đi thăm cha bà, lúc đó ông cụ đã ngoài 80 tuổi. Người ở Đồn cảnh sát Long Phượng cũng đã bắt chị gái của bà – không phải là học viên Pháp Luân Công – tại nhà của ông.

Bà Vương đã bị giam tại Trại tạm giam thành phố Phủ Thuận trước khi bị đưa đến Trại lao động Mã Tam Gia để thụ án hai năm.

Lính canh trại lao động đã đưa bà Vương vào một phòng kho tối trong hai ngày sau khi bà được tiếp nhận. Sau đó, họ dùng hình thức “tra tấn kéo căng ” đối với bà, còng một tay của bà vào thanh trên của giường tầng và một tay khác vào thanh dưới của một chiếc giường tầng khác, điều này khiến bà không thể đứng thẳng được. Tiếp đó lính canh đã sốc điện bà bằng dùi cui điện.

Cổ tay của bà bị bầm tím đến mức bà không thể cử động cánh tay của mình khi lính canh thả bà xuống một giờ sau đó. Tiếp theo, họ buộc bà phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong nhiều giờ vì bà vẫn không chịu từ bỏ Pháp Luân Công.

d262dc317e802d23d172c172e64a88d5.jpg

Miêu tả lại cảnh tra tấn: Kéo căng

Chưa đầy một tháng sau, bà Vương bị triệu tập đến đội quản lý nghiêm ngặt (nơi các học viên Pháp Luân Công kiên định còn bị tra tấn dã man hơn) và được ra lệnh viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, lính canh đã đè bà xuống bàn, giật tóc và tát vào mặt bà. Sau đó, họ sốc điện và đánh bà bằng dùi cui điện. Hậu quả là bà cảm thấy vô cùng chóng mặt và hầu như không thể đứng vững. Người bà cũng bị co giật không kiểm soát. Lính canh đã giữ chặt đầu bà, nắm lấy tay bà, để “ký tên” và lăn tay vào bản cam kết mà họ đã viết thay cho bà để từ bỏ Pháp Luân Công.

Ngay sau khi họ đưa bà trở lại phòng giam, bà đã viết một tuyên bố hủy bỏ chữ ký và dấu vân tay của mình trên những cam kết đó. Lính canh sau đó đã đá và đấm khiến bà bị thương ở chân. Họ giật tóc và tát vào mặt bà. Do đó, bà gặp khó khăn khi đi lại và cần giúp đỡ khi lên xuống cầu thang. Khoảng hai tháng sau, bà Vương bị ra lệnh học thuộc các quy tắc của trại lao động. Bà từ chối và lại bị đưa vào kho chứa đồ. Lính canh đã sử dụng phương thức tra tấn kéo căng người bà lần thứ hai. Sau đó, họ khóa cửa và rời đi.

Tháng 10 năm 2009, trại lao động đã tăng cường bức hại các học viên Pháp Luân Công nhằm đạt được chỉ tiêu “chuyển hóa”. Họ bố trí 12 lính canh nam trong đội quản lý nghiêm ngặt để đặc biệt “xử lý” các học viên kiên định.

Ngày 26 tháng 12 năm 2009, bà Vương bị gọi đến đội quản lý nghiêm ngặt và được lệnh viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công.

Khi bà từ chối, ba lính canh đã đánh đập bà dã man, lột áo khoác và giày mùa đông của bà, buộc bà đứng cạnh một cửa sổ đang mở.

Họ tiếp tục đánh đập bà. Sau đó, họ bắt bà ngồi trên nền nhà. Lúc đó trời rất lạnh, bà Vương không ngừng run rẩy bởi bà chỉ mặc bộ quần áo mỏng và đi chân trần. Sáng hôm sau bà lại bị gọi lên đội quản lý nghiêm ngặt. Lính canh cởi áo khoác của bà, viết những lời phỉ báng Pháp Luân Công lên một tấm biển và quàng vào cổ bà. Họ cũng đeo tai nghe vào tai và buộc bà phải nghe những thông điệp bôi nhọ Pháp Luân Công.

Sáng ngày thứ ba, hai lính canh cởi áo khoác mùa đông và giày của bà trước khi tra tấn kéo căng bà một lần nữa. Để khiến bà đau khổ hơn, ba lính canh đã kéo một chiếc giường cách xa chiếc giường kia hết mức có thể, để kéo người bà căng đến cùng cực.

Bà Vương hét lên đau đớn và ướt đẫm mồ hôi. Lính canh dừng lại để nghỉ giải lao và hỏi liệu bây giờ bà có viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công không. Bà nói rằng bà không thể, họ bèn tách hai chiếc giường ra xa hơn. Bà Vương hét lên trong đau đớn.

Bị giam giữ 37 ngày vào năm 2011

Hai mẹ con bà Vương bị bắt vào ngày 2 tháng 11 năm 2011, sau khi có người tố giác họ phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bà từ chối đi cùng với cảnh sát của Đồn Công an Long Phượng. Họ đưa bà đến đồn cảnh sát và chuyển bà đến Trại tạm giam thành phố Phủ Thuận vào đêm hôm đó. Bà Vương được trả tự do sau 37 ngày, thời hạn cuối cùng để cảnh sát phê chuẩn lệnh bắt giữ bà.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/7/13/462939.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/17/210342.html

Đăng ngày 19-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share