Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 26-05-2023] Trong đời người, từ tuổi thơ, thanh niên, tuổi trưởng thành, rồi đến tuổi già, bất luận là giàu nghèo sang hèn, đa số thường thấy thời thơ ấu rất hạnh phúc. Hạnh phúc không có nghĩa là không cần phải lo nghĩ đến cơm áo gạo tiền, mà chủ yếu vì con trẻ khi còn nhỏ được sống trong tình thương yêu của cha mẹ. Giờ đây, thấy những đứa trẻ được sống trong tình yêu thương hết mực của cha mẹ, tôi lại miên man nghĩ đến những đứa trẻ mất cha, mất mẹ, hoặc có cha mẹ thì cũng không được cha mẹ chăm sóc vì cuộc bức hại của Trung Cộng; nghĩ đến thời thơ ấu của chúng mà tôi thấy chua xót…

Hãy nhìn lại tuổi thơ của những đứa trẻ có cha mẹ là học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị bức hại, những khổ nạn mà chúng phải chịu, tuổi thơ của chúng khốn khổ như thế nào, để thấy được đầy đủ bộ mặt tà ác của Trung Cộng.

Tuổi thơ đau khổ của Từ Hâm Dương

Cô Từ Hâm Dương là con gái của học viên Pháp Luân Công Từ Đại Vi và Trì Lệ Hoa ở thành phố Cái Châu. Đêm ngày 13 tháng Giêng năm 2001 (âm lịch), ông Từ Đại Vi và bà Trì Lệ Hoa bị cảnh sát Trung Cộng bắt cóc. Ông Từ Đại Vi đã bị kết án phi pháp 8 năm tù, bị tra tấn đến mức suy tạng ở Nhà tù Đông Lăng Thẩm Dương, khắp người đầy thương tích, tinh thần rối loạn. Tháng 2 năm 2009, 13 ngày sau khi kết thúc án tù oan và được về nhà, ông Từ Đại Vi qua đời khi mới ở tuổi 36.

Từ Hâm Dương lúc ấy chỉ được ở bên cha 13 ngày sau khi cha cô mãn hạn tù oan, mà trong 13 ngày này, gia đình còn đưa ông Từ Đại Vi vào nằm viện.

Từ lúc chưa sinh ra, Từ Hâm Dương đã phải trải qua sự tàn bạo của Trung Cộng: mẹ cô là bà Trì Lệ Hoa, bị cảnh sát bắt giữ và giam cầm trái phép khi đang mang thai cô. Trong thời gian bị giam giữ, cảnh sát Triệu Xuân Vĩ và những người khác đã tát vào mặt bà Trì Lệ Hoa, đánh vào lưng bà bằng chiếc giày da, và bắt bà ngồi xổm qua đêm. Bà đã bị giam giữ phi pháp tại Nhà tù Thành phố Thẩm Dương hơn 20 ngày, sau đó, bà được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế vì đang mang thai.

Cô Từ Hâm Dương hồi tưởng lại: “Lớn lên, tôi cảm thấy mình khác với những đứa trẻ khác. Trong ký ức của tôi – mà lúc đó tôi cũng còn rất nhỏ, mẹ tôi thường gửi tôi ở nhờ nhà họ hàng và bạn bè của mẹ, ở nhà này vài ngày, nhà kia vài ngày, mẹ thỉnh thoảng ghé nhà này nhà nọ thăm tôi, rồi vội vàng rời đi.

“Tôi rất nhớ mẹ. Mỗi lần mẹ rời đi, tôi lại trốn vào một góc ngồi khóc. Tôi khao khát được ở bên mẹ, chỉ sợ mẹ xa tôi. Nhưng mỗi khi gặp mẹ, tôi toàn nghe mẹ nói chuyện với bạn bè về cha. Lúc ấy, tôi chưa từng được gặp cha. Cha là ai? Trông như thế nào? Tại sao mẹ lại muốn minh oan cho cha? Cha phạm tội gì mà bị giam vào tù? Những từ ngữ mà tôi nghe nhiều nhất hồi nhỏ là: vạch trần tà ác, nguy hiểm, xe cảnh sát, chú ý đến an toàn… Khi tôi được bốn tháng tuổi, mẹ lại bị bắt và giam vào trung tâm cai nghiện ma túy, sau chín ngày bị bức hại, chỉ còn hơi thở yếu ớt, mẹ mới được thả về nhà.

“Trong ký ức, tầm bảy tuổi, tôi được đến nhà tù thăm cha lần đầu tiên. Cha thấy tôi, liền rất muốn ôm tôi. Tôi biết biết đây là một người rất quan trọng đối với mẹ, là người mà mẹ muốn gặp nhất, là người thân của tôi, nhưng tôi không biết ông, tôi rất sợ, nép trong lòng mẹ, không cho cha ôm. Đó là nỗi ân hận lớn nhất của cả đời tôi.

Phần lớn thời thơ ấu của tôi sống trong sợ hãi và trốn chạy.

“Năm tôi 12 tuổi, mẹ đưa tôi trốn sang Thái Lan. Sang đó rồi, chúng tôi cũng không thoát khỏi nỗi sợ hãi. Mẹ tôi suýt bị cảnh sát Thái Lan bắt và đưa vào nhà tù di dân. Hồi đó, chưa đầy một năm, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ 23 học viên Pháp Luân Công, thậm chí còn muốn trục xuất họ chỉ vì một tín ngưỡng.

“Tôi rất may mắn được sang Mỹ, một đất nước tự do tín ngưỡng. Ở đây, tôi không phải sợ cảnh sát bắt mẹ đi nữa, cũng không phải sợ bị tra tấn, bị khủng bố, hoặc trở thành trẻ mồ côi.”

Hiện tại, cô Từ Hâm Dương đã 21 tuổi, đang sống tự do tại Hoa Kỳ và theo học ở một trường học của Mỹ. Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khiến cô vui vẻ, hạnh phúc!

2023-5-24-214815-0.jpg

Từ Hâm Dương lúc 14 tuổi cầm ảnh cha, ông Từ Đại Vi, khiến mọi người ở đó đều rơi lệ

2023-5-24-214815-1.jpg

Ảnh Từ Hâm Dương và mẹ Trì Lệ Hoa

Vợ chồng anh Tất Thế Quân và cô Tôn Lệ bị bức hại, con trai bị đưa về quê

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại điên cuồng đối với Pháp Luân Công. Học viên Pháp Luân Công Vương Ái Vân, một giáo viên, cho biết: “Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, nhà tôi không một ngày nào được bình yên, ngày nào cũng bị sách nhiễu. 24 giờ đều bị giám sát, cảnh sát thường xuyên đến khám xét nhà.” Cảnh sát của Phòng Công an Hùng Nhạc trở thành khách thường xuyên tới nhà bà Vương Ái Vân. Họ thường cử người lái xe đến nhà bà để sách nhiễu, lục tìm sách, khiến lòng người hoang mang. Bà Vương Ái Vân bị bức hại đến tàn phế.

Con rể của bà Vương Ái Vân, anh Tất Thế Quân, sống ở làng Tây Quan, thị trấn Hùng Nhạc, quận Bát Ngư Khuyên, cũng vì đến Bắc Kinh thỉnh nguyện mà bị bắt giam ở Bắc Kinh trong một tháng. Cảnh sát Phòng Công an Bát Ngư Khuyên đã đưa anh trở lại trại tạm giam địa phương và giam giữ trong 15 ngày, rồi lại bắt anh một cách phi pháp vào Viện Giáo dưỡng Dinh Khẩu (Doanh Khẩu) để lao động cưỡng bức 3 năm.

Ngày 8 tháng 7 năm 2004, anh Tất Thế Quân bị cảnh sát Văn phòng Công an Bát Ngư Khuyên bắt cóc và tống giam phi pháp tại Nhà tù Bát Ngư Khuyên, phi pháp giam giữ 15 ngày. Vào ngày 23 tháng 9 năm 2009, Tất Thế Quân lại bị cảnh sát Cục Công an Bát Ngư Khuyên bắt cóc. Năm 2010, anh ấy bị kết án phi pháp bảy năm tù, bị bỏ tù phi pháp và bức hại tại Nhà tù Đại Liên.

Ngày 23 tháng 9 năm 2009, con gái của bà Vương Ái Vân là cô Tôn Lệ cùng chồng – anh Tất Thế Quân, bị bắt cóc bởi một nhóm cảnh sát từ Cục Công an Bát Ngư Khuyên, do Vương Hồng Khôi dẫn đầu. Tháng 7 năm 2010, cô bị kết án oan 5 năm tù. Tại Khu số 7 của Nhà tù Nữ Thẩm Dương, cô Tôn Lệ đã bị bức hại dã man. Vào mùa đông, cô bị bắt cởi quần áo bông và đứng chân trần bên cửa sổ mở để hứng gió lạnh; phạm nhân Vương Lệ Hồng, Liễu Minh Hà trong trại giam đã được xúi giục đánh đập, nhục mạ cô Tôn Lệ, khiến cô sinh bệnh tim nặng và nhiều lần nguy kịch.

Trong thời gian này, con trai của cô Tôn Lệ đang học tiểu học, các học sinh khác đều được cha mẹ đưa đi đón về, nhưng con trai của cô không những không được cha mẹ đưa đón, mà còn không có người nuôi dưỡng, vì bà ngoại bé là bà Vương Ái Vân cũng bị bức hại đến mức không thể tự chăm sóc bản thân, những người thân khác cũng lần lượt bị ĐCSTQ bức hại, vì vậy đứa trẻ bị buộc phải thôi học và gửi về nhà bà ngoại ở quê, không có cơ hội học hành.

2023-5-24-214815-2.jpg
Con trai anh Tất Thế Quân và cô Tôn Lệ

Tuổi thơ đau khổ của Tiểu Thanh Tuyền

Mẹ bé Tiểu Thanh Tuyền, cô Phục Diễm, là học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Thạch Kiều, tỉnh Liêu Ninh. Tháng 8 năm 2001, cô bị cảnh sát ĐCSTQ bắt cóc ở Bắc Kinh. Sau đó, cô bị kết án phi pháp ba năm lao động cưỡng bức và bị tống giam vào Trại Lao động Mã Tam Gia.

Ngày 17 tháng 2 năm 2003, cảnh sát Đại Thạch Kiều đã bắt cóc sáu học viên Pháp Luân Công địa phương, và đưa cô Phục Diễm – vừa bị bắt lao động cải tạo phi pháp – giam vào trại tạm giam, rồi lại kết án phi pháp 8 năm. Trong trại tạm giam, cô Phục Diễm bị bức hại đến nỗi xuất hiện triệu chứng bệnh tim, huyết áp cao. Hai tháng sau khi trốn khỏi bệnh viện, cô lại bị bắt cóc và đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh. Tòa án Thành phố Đại Thạch Kiều đã tìm tới nhà tù này và kết án phi pháp thêm 5,5 năm đối với cô Phục Diễm, tổng cộng là 13,5 năm tù giam. Em gái cô Phục Diễm, là cô Phục Anh, cũng bị tù oan 9 năm.

Đứa trẻ đáng thương Tiểu Thanh Tuyền từ khi mới ba tuổi, đã phải xa mẹ, và được bà ngoại Đông Thư Bình nuôi dưỡng. Trong 13 năm rưỡi ấy, bất kể mưa gió thế nào cũng không ngăn nổi cô tới thăm mẹ đang bị giam giữ phi pháp trong tù……

Tháng 3 năm 2011, khi bà Đông Thư Bình bị Trung Cộng bức hại mà qua đời, cô Phục Diễm vẫn đang ở trong tù. Chồng cô Phục Diễm – vì không chịu nổi áp lực – năm 2008, đã đến nhà tù làm thủ tục ly hôn với cô Phục Diễm, và cũng không thực hiện trách nhiệm với đứa con, gánh nặng nuôi dưỡng, giáo dục Tiểu Thanh Tuyền đổ lên vai người dì Phục Anh vừa được về nhà sau 9 năm tù oan.

Cô Phục Anh đưa cháu trai đến Thẩm Dương để đi học. Tháng 8 năm 2013, cô lại bị cảnh sát bắt cóc, sau hơn 30 ngày bị giam giữ phi pháp, cô được bảo lãnh về nhà chờ xét xử. Tuy nhiên, bé Tiểu Thanh Tuyền đang đi học ở Trường Tiểu học Hùng Sư ở Thẩm Dương cũng bị đình chỉ học; đúng là đã tuyết lại thêm sương. Hơn 2.000 nhân dân tệ để trên bàn làm việc của cô giáo cậu bé cũng bị cảnh sát cướp đi. Vì mẹ cậu bé vẫn đang bị giam trong tù, cảnh sát bèn lấy lý do đó mà đuổi học cậu bé. Vậy là, hai dì cháu cô Phục Anh đều không có nơi nương tựa.

2023-5-24-214815-3.jpg
Tiểu Thanh Tuyền và bà ngoại

Lời kết:

Tuổi thơ của ba đứa trẻ này thật đau khổ, ngay cả hai từ hạnh phúc cũng không được hưởng chút nào, chính tà đảng Trung Cộng đã gây ra cho chúng tuổi thơ đau thương không thể xóa nhòa. Người thân của chúng đang làm người tốt, làm người tốt nhất, làm người làm việc theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, họ không làm hại ai, cũng không có tội, họ chỉ kiên định theo Chân-Thiện-Nhẫn, nào có như Trung Cộng làm bạn với giả-ác-đấu, mà lại bị Trung Cộng tà ác bức hại tàn khốc.

(Phụ trách biên tập: Điền Viên)

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/26/461270.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/3/209705.html

Đăng ngày 02-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share