Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Los Angeles, Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 29-06-2023] Gần đây ông Hầu Lợi Quân ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây đã bị kết án 10 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, kháng cáo của ông đã bị bác bỏ. Ông Hầu tuyệt thực để phản bức hại hơn 60 ngày qua và hiện đang trong tình trạng nguy kịch.

Luật sư nhân quyền Ngô Thiệu Bình (đang sống ở Hoa Kỳ) cho biết cảnh ngộ của ông Hầu là một trường hợp điển hình của cuộc đàn áp chính trị mà chính quyền cộng sản Trung Quốc nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, những người bị tước đoạt các nhân quyền cơ bản chỉ vì giữ vững đức tin của họ.

Dì của ông Hầu, bà Karen Kang (Khương Thục Chi), một cư dân Los Angeles (California, Hoa Kỳ) đã lên án chính quyền Trung Quốc vì đã bức hại cháu trai của bà. Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp giải cứu ông Hầu.

2023-6-28-hou-lijun-family.jpg

Ông Hầu Lợi Quân (phía trên bên trái); mẹ ông, bà Khang Thục Cầm (phía dưới bên trái); bố ông (phía dưới bên phải) và chị gái ông (phía trên bên phải) (Ảnh do bà Karen Kang cung cấp)

Bà Khang cho hay ông Hầu bị cảnh sát của Đồn Công an Tiểu Tỉnh Dục bắt giữ vào ngày 25 tháng 4 năm 2023. Ông bị bắt sau khi trải qua hơn 20 năm sống lưu lạc để tránh bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Không lâu sau vụ bắt giữ, ông Hầu bắt đầu tuyệt thực ở trong Trại tạm giam Số 1 thành phố Thái Nguyên. Ông vẫn tiếp tục tuyệt thực sau khi bị đưa đến Nhà tù Tấn Trung.

Bà Khang cho biết gần đây gia đình ông Hầu ở Trung Quốc đã nhận được một cuộc điện thoại từ phía nhà tù, thông báo rằng tình trạng của ông rất nghiêm trọng và họ chuẩn bị đưa ông đến bệnh viện. Gia đình vội vàng tới bệnh viện. Họ nói rằng tóc của ông Hầu đã bạc trắng và ông chỉ còn nặng khoảng 50 kg. Ông không thể tự đi lại mà phải nhờ hai tù nhân dìu đi. Ông Hầu nói với người thân rằng một lính canh họ An từng bắt ông phải đứng trong 30 phút, bất chấp tình trạng sức khỏe của ông.

20 năm sống lưu lạc để tránh bị bức hại

Ông Hầu từng làm bảo vệ cho Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Thái Nguyên. Tháng 1 năm 2000, ông đã đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị kết án 2 năm trong trại cưỡng bức lao động. Ông đã thụ án trong 3 trại cưỡng bức lao động, gồm Trại Lao động Cưỡng bức Trấn Thành (ở Thái Nguyên), Trại Lao động Cưỡng bức Ngu Hương (ở thành phố Vĩnh Tế) và Trại Lao động Cưỡng bức Tân Điếm (ở Thái Nguyên). Bản án của ông bị gia hạn thêm 4 tháng và ông được trả tự do vào tháng 5 năm 2002.

Ông Hầu và mẹ ông là bà Khang Thục Cầm (cũng tu luyện Pháp Luân Công) đã bị bắt trong một vụ bắt giữ tập thể 64 học viên địa phương. Ông bắt đầu tuyệt thực tại Đồn Công an Vạn Bách Lâm. Sau hơn 3 tháng bị giam giữ, ông đã trốn thoát và sống lưu lạc trong 2 thập kỷ tiếp theo để tránh bị bức hại.

Mẹ của ông Hầu đã bị kết án 11 năm tù. Cảnh sát tiếp tục theo dõi cuộc sống hàng ngày của bà sau khi bà được trả tự do. Họ không chỉ bố trí nhân viên cộng đồng theo dõi bà mà còn cài đặt các thiết bị nghe lén ở trong nhà bà. Bà đã không thể gắng gượng trước cuộc bức hại và đã qua đời vào năm 2020. Sự ra đi của bà đã giáng một đòn nặng nề lên chồng bà, một người vốn đã bị đột quỵ và mất khả năng lao động. Việc ông Hầu bị bắt gần đây lại càng khiến tình trạng sức khỏe của ông trầm trọng hơn, và cuối cùng, ông đã qua đời vào ngày 23 tháng 6 năm 2023.

Luật sư Ngô cho biết: “Trường hợp của ông Hầu Lợi Quân là một ví dụ điển hình về sự bức hại mang tính chính trị của ĐCSTQ nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Mặc dù Hiến pháp của quốc gia này tuyên bố rằng công dân Trung Quốc có quyền tự do tôn giáo, nhưng đó chỉ là lời nói suông mà thôi. Trên thực tế, chính quyền này đã triệt để tước bỏ quyền thực hành tôn giáo của người dân Trung Quốc“.

Bản án 10 năm tù

Ngày 12 tháng 5 năm 2023, ông Hầu bị Tòa án quận Vạn Bách Lâm kết án 10 năm tù mà không thông qua xét xử. Không có lời khai của nhân chứng hoặc bằng chứng hợp lệ nào được liệt kê trong phán quyết. Ông Hầu quá phẫn nộ trước bản án này và đã xé nát nó thành nhiều mảnh.

Ngày 16 tháng 5, ông Hầu kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Thái Nguyên. Ông viết: “Phán quyết không dựa trên bất kỳ lời khai của nhân chứng hay vật chứng nào. Tôi yêu cầu tòa phúc thẩm xét xử lại vụ án của tôi”.

Ngày 30 tháng 5, tòa án cấp cao hơn đã ban hành phán quyết giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với ông Hầu. Phán quyết viết: “Sự thật trong vụ án này đã rất sáng tỏ. Chúng tôi quyết định sẽ không tổ chức xét xử và vụ án và quyết định này là quyết định cuối cùng”.

Luật sư Ngô cho rằng: “Phán quyết này rõ ràng là kết quả của những âm mưu phía sau tòa án. Tòa phúc thẩm đã không giải quyết được mối quan ngại của ông ấy cũng như không có nhân chứng hoặc vật chứng hợp lệ khi họ ra quyết định giữ nguyên phán quyết ban đầu. Chính quyền cộng sản tùy tiện bức hại các học viên Pháp Luân Công, không dựa trên sự thật, không dựa trên chứng cứ, mà chỉ dựa vào lập trường chính trị của họ“.

“Bởi họ tu luyện Pháp Luân Công, cho nên ngay cả khi họ không thực sự phạm tội, thì [chính quyền] vẫn [xem họ là] có tội. Điều này cho chúng ta thấy cuộc bức hại này hoàn toàn được tiến hành dựa trên động cơ chính trị. Điều 300 của Luật Hình sự mà chính quyền vin vào để kết án các học viên Pháp Luân Công là trái với quy định của Hiến pháp về việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo của công dân Trung Quốc. Chính quyền cộng sản dùng mọi lý do để tước đoạt nhân quyền tối cơ bản nhất của họ [các học viên Pháp Luân Công]”.

Luật sư Ngô nói thêm: “Trong hầu hết các vụ kháng cáo, thẩm phán thường sẽ mở phiên tòa xét xử, rất ít có ngoại lệ. Nhưng đối với các vụ án Pháp Luân Công, các thẩm phán lại thường giữ nguyên phán quyết ban đầu mà không tổ chức xét xử, đặc biệt là ở các tỉnh thuộc khu vực phía bắc. Thái độ của các thẩm phán là: ‘Nếu đó là một vụ án Pháp Luân Công, tôi sẽ không tổ chức xét xử’.”

Kêu gọi cộng đồng quốc tế giải cứu người thân ở Trung Quốc

Bà Khang cho biết ông Hầu luôn hòa đồng với bạn bè và bạn học cùng lớp khi còn trên ghế nhà trường. Sau khi ông đi làm, đồng nghiệp của ông cũng khen ngợi ông là một người tốt. Khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, một số người trong đó đã không màng an nguy của bản thân để bảo vệ ông. Bà kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do cho ông Hầu ngay lập tức. Bà cũng lên án họ vì đã bắt giữ và kết án ông.

Một người dì khác của ông Hầu là bà Khang Thục Mai và con trai của bà, anh Trương Hỗ, đã bị bắt vào ngày 31 tháng 10 năm 2022 vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công.

Bà Khang Thục Mai đang bị giam trong trại tạm giam Số 4 thành phố Cổ Giao và anh Trương Hỗ bị giam trong trại tạm giam Số 1 thành phố Thái Nguyên. Cả hai đều bị tước quyền thăm thân.

Ngoài ông Hầu, bà Karen Kang cũng đang kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp giải cứu cả cháu trai và người em gái khác của bà.

Bài liên quan:

Một công dân Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do cho những người thân yêu của bà, trong đó có người cháu trai đang tuyệt thực 48 ngày

Tỉnh Sơn Tây: Người đàn ông bị bắt giữ sau 20 năm sống lưu lạc hiện đang tuyệt thực hơn 1 tháng

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/29/462475.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/3/210146.html

Đăng ngày 28-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share