Bài viết của Tiểu Mai, học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-04-2023] Cha tôi, năm nay 69 tuổi, nổi tiếng là người cố chấp và cộc cằn. Ông kiêu ngạo và luôn cho rằng mình là đúng. Cha nghĩ mẹ ngốc vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, cha cố gắng buộc mẹ ngừng tu luyện vì sợ ĐCSTQ.

Kẻ bạo ngược trong gia đình

Các chị em và tôi đều sợ cha từ khi chúng tôi còn nhỏ. Chúng tôi không thể giải thích với ông và ông từ chối lắng nghe bất cứ ai bởi ông nghĩ mình biết hết mọi thứ. Nếu chúng tôi cố gắng tranh luận với ông, ông sẽ mất bình tĩnh và nói lớn tiếng đến mức người ở ngoài cũng nghe thấy.

Cha tôi cũng có tính cách rất lạ. Ông không nói ra những gì ông nghĩ mà bảo chúng tôi đoán. Nếu chúng tôi đoán sai, ông sẽ mất bình tĩnh. Ví dụ, khi mẹ hỏi cha bữa tối muốn ăn món gì, ông luôn trả lời: “Ăn gì cũng được“. Nhưng nếu đó không phải là món ông thích thì ông sẽ nổi giận. Nếu mẹ dám lên tiếng, cha sẽ đập bàn và hất ghế. Mọi chuyện trong gia đình đều phải do cha quyết định. Chúng tôi lớn lên trong nỗi sợ hãi cha.

Mẹ tôi hoàn toàn ngược lại. Bà bình tĩnh, thiện lương và là người nội trợ truyền thống. Mẹ làm hết mọi việc nhà và chịu đựng tính khí nóng nảy của cha. Chúng tôi hiếm khi thấy mẹ mỉm cười vì mẹ luôn chịu áp lực, không biết lúc nào cha sẽ bùng nổ. Chúng tôi phải rất cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, lúc nào cũng như đứng trên lớp băng mỏng, lo sợ phập phồng.

Pháp Luân Công đã cứu gia đình tôi

Mọi việc bắt đầu cải biến từ khi mẹ tu luyện Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa của Trung Quốc. Nụ cười đã xuất hiện trên gương mặt bà. Khi cha mất bình tĩnh, mẹ không còn buộc bản thân phải nén giận, mà mẹ thực sự không để tâm. Bà có thể giữ bình tĩnh.

Kỳ lạ là, khi mẹ thay đổi, cha cũng thay đổi. Ông vẫn còn mất bình tĩnh nhưng không nhiều như lúc trước. Như thể gia đình chúng tôi bất ngờ chuyển từ một vùng hoang vu phủ đầy tuyết trắng thành một đồng cỏ xanh tươi dưới ánh mặt trời. Mẹ bảo tôi đó bởi vì “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh”. (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân). Mặc dù tôi không hiểu lắm nhưng cảm thấy Pháp Luân Đại Pháp là tốt.

Nhờ Pháp Luân Đại Pháp, mẹ đã mỉm cười từ tận đáy lòng. Thay vì oán hận và bất bình trong tâm, bà đã có thể tìm thấy niềm vui và bình yên thực sự. Bầu không khí gia đình trở nên đầm ấm, hài hoà.

Mong ước của mẹ

Mẹ tôi tu luyện Pháp Luân Công đã 25 năm và bà luôn muốn cha tôi cũng bước vào tu luyện. Tôi nghĩ điều này là không thể nào vì cha tôi tính tình độc đoán, tự cao tự đại, và hay tranh cãi. Hơn nữa, sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, ông tin vào những lời tuyên truyền và coi thường các học viên. Ông nghĩ thật ngốc khi chống lại ĐCSTQ, mẹ tôi và các đồng tu của mẹ là những kẻ ngốc và đi sai đường.

Mọi việc càng tệ hơn sau năm 2021 khi một đồng tu của mẹ bị bắt và kết án vì phân phát các tài liệu Pháp Luân Công. Chứng kiến hiện thực của cuộc bức hại, cha sợ rằng mẹ sẽ chịu chung số phận. Ông nổi đoá và thử mọi cách có thể để ngăn cản bà tu luyện. Ông phá huỷ pháp tượng của Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Công), xé các sách của Đại Pháp, ném máy nghe nhạc MP3 có các bài giảng Pháp của Sư phụ và nhạc luyện công. Mẹ tôi khóc vì đã không bảo vệ được các tài liệu Đại Pháp và vì cha tôi đã tạo tội nghiệp rất lớn.

Cha chẳng hề quan tâm. Ông tiếp tục xúc phạm Pháp Luân Đại Pháp. Từ các bài giảng Pháp, sau này mẹ hiểu ra, nói rằng: “Sư phụ chưa từng từ bỏ một sinh mệnh ngay cả khi sinh mệnh đó đã phạm rất nhiều việc xấu. Miễn là sinh mệnh vẫn còn thiện niệm và biết hối lỗi, Sư phụ sẽ ban cho cơ hội. Nếu Sư phụ không từ bỏ anh ấy, con cũng sẽ không từ bỏ“.

Trong cái rủi có cái may

Cha tôi luôn tự hào có sức khoẻ tốt. Nhưng từ đầu năm nay, sức khỏe của ông sụt giảm nghiêm trọng. Ông than rằng chân yếu và đau lưng. Ông hoảng sợ và không thể ngủ được.

Chúng tôi đưa cha đến bệnh viện để kiểm tra toàn diện, nhưng ông không gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Ông thấy mình sắp chết, và đề cập di chúc với chúng tôi nhiều lần. Lần đầu tiên, chúng tôi thấy cha trở nên bất lực.

Tính cách nóng nảy của ông biến mất do vấn đề sức khỏe. Ông không còn sức để tức giận nữa. Ông thực sự quá yếu để nói chuyện. Nhưng ông lại tra tấn chúng tôi theo cách khác. Ông gọi cho chúng tôi mỗi khi ông cảm thấy khó chịu và chúng tôi phải đưa ông vào bệnh viện ngay lập tức, bất kể chúng tôi đang làm việc hoặc trong lúc nửa đêm. Việc này khiến chúng tôi kiệt sức.

Mẹ cố gắng thuyết phục cha tu luyện Pháp Luân Công, nhưng ông không tin sẽ có tác dụng. Có lẽ vì không có phương pháp nào hiệu quả và ông thực sự bị bệnh tật dày vò nên một ngày nọ, cuối cùng cha cũng nói: “Được rồi, anh sẽ thử”. Tôi hết sức ngạc nhiên. Trong ký ức của tôi, đây là lần đầu tiên ông thay đổi ý định.

Nhưng ông gọi cho chúng tôi vào tối hôm sau và nói ông muốn vào bệnh viện. Tôi không thể chịu nổi và thấy khó chịu, nhưng cố gắng giữ bình tĩnh, tự nhắc nhở bản thân: “Mình là học viên. Đây là cơ hội tốt để mình tu Nhẫn. Cha đang bệnh và hành xử như một đứa trẻ. Mình không nên mất kiên nhẫn với cha“.

Khi em gái và tôi đến nơi, cha đã thay đồ, chuẩn bị đến bệnh viện. Tôi hỏi cha gặp vấn đề gì.

Ông nói: “Như mọi khi thôi, cha thấy trong lòng bất an, không khoẻ, và mất ngủ. Không chỉ vậy, có thứ gì đang quay trên đầu của cha, cha còn thấy có một luồng gió mát thổi vào đầu gối”.

Tôi hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra: “Cha ơi, đây là điều tốt. Sư phụ đang tịnh hoá cơ thể cho cha đó!” Ông sững người một lúc.

Mẹ cũng nhận ra và nói với tôi: “Tối hôm qua cha của con quỳ gối trước Pháp tượng của Sư phụ và thú nhận mọi lỗi lầm với Đại Pháp, cha hứa sẽ tu luyện“. Sư phụ không từ bỏ cha tôi, và bắt đầu tịnh hoá cơ thể cho cha. Sư phụ thật từ bi biết bao!

Tôi nói với cha: “Cha ơi, có hai con đường cho cha lựa chọn. Một là con đường bình thường sinh lão bệnh tử, con đường thứ hai là tu luyện, vốn vượt trên chuyện sinh tử. Nếu cha chọn con đường thứ nhất, chúng con sẽ đưa cha vào bệnh viện. Nếu cha chọn con đường thứ hai, vậy thì cha phải tín tâm vào Sư phụ và Đại Pháp, để Sư phụ cứu cha nhé”. Ông nói: “Cha muốn tu luyện“.

Tôi tiếp tục nói: “Con biết cha tin tu luyện là tốt, nhưng cha không tin Pháp Luân Đại Pháp. Cha có nhớ không? Lúc đầu, cha và mẹ cùng tu luyện Đại Pháp. Nhưng sau sáu tháng, cha đã chuyển sang thứ khác bởi vì cha cho rằng tiến triển quá chậm. Mẹ đã tu luyện Pháp Luân Công suốt 25 năm qua. Mẹ luôn khoẻ mạnh nhưng cha phải đến bệnh viện thường xuyên. Cha nghĩ xem, ai đi sai đường nào?”

Mẹ tôi nói: “Khỏi bệnh khỏe người không phải là mục đích tu luyện Pháp Luân Công. Chúng ta phải đề cao tâm tính theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Nhiều người tu luyện Pháp Luân Công đã nhiều thập niên không phải vì họ ngu ngốc mà là vì bản thân họ được thụ ích cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Tôi thêm vào: “Cha à, thực ra không phải ai cũng có cơ hội tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đâu cha. Nếu cha muốn tu luyện, vậy hãy tu luyện tinh tấn. Đừng suy nghĩ về vấn đề sức khỏe, hãy xem nó như tiêu trừ nghiệp lực và cha sẽ không sao“.

Cha tôi bị thuyết phục và nói ông hạ quyết tâm tu luyện. Cha luyện công và học Pháp cùng mẹ. Kể từ đó, tôi không hề nghe cha than phiền về sức khỏe nữa. Ông ngày càng khoẻ hơn. Sau rất nhiều năm, cuối cùng cha tôi cũng trở thành học viên Đại Pháp.

Việc cha đắc Pháp là kỳ tích đối với tôi. Một người cố chấp như cha tôi có thể cải biến nhờ Pháp Luân Đại Pháp là một minh chứng cho thấy sự từ bi vô lượng của Sư phụ.

Nhìn thấy cha hiện giờ khoẻ mạnh hơn, cha có lẽ vẫn chưa biết mình may mắn đến thế nào, cũng như cơ hội tuyệt vời mà Sư phụ đã ban cấp cho cha. Tôi hy vọng nhiều người hơn nữa sẽ được thụ ích từ việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp như cha tôi.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/3/445848.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/14/209881.html

Đăng ngày 24-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share