Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-06-2023] Hai vợ chồng học viên Pháp Luân Công ở Mỏ dầu Liêu Hà, thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh đã bị đình chỉ lương hưu kể từ tháng 8 năm 2020 chỉ vì họ tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.

Họ đã đệ đơn kiện các cơ quan hữu quan và bị thua kiện. Sau đó, họ đệ đơn kháng cáo và tòa án cấp cao hơn đã ra phán quyết hủy bỏ phán quyết của tòa sơ thẩm và yêu cầu xét xử lại.

Phiên tòa xét xử lại đã được lên lịch vào lúc 9h30 ngày 26 tháng 6 năm 2023.

Bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công

Ông Thôi Trung Tân (86 tuổi) và vợ ông, bà Tề Quốc Tân (81 tuổi) đều là cán bộ hưu trí của Công ty Khoan Số 1 Mỏ dầu Liêu Hà. Ông Thôi từng làm việc trong bộ phận đào tạo, còn vợ ông từng là bác sỹ tại bệnh viện trực thuộc công ty.

Sau khi nghỉ hưu, ông Thôi đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và được một bệnh viện ung bướu địa phương chẩn đoán mắc bệnh viêm teo dạ dày ăn mòn. Ông đã phẫu thuật nhưng không cải thiện được mấy.

Năm 1996, phụ huynh của một học sinh cũ của ông Thôi đã tặng ông cuốn sách Chuyển Pháp Luân (gồm các bài giảng chính của Pháp Luân Công). Ông đọc xong cuốn sách trong 13 tiếng và nhanh chóng khỏi mọi bệnh tật. Ông có thể đạp xe và không cảm thấy mệt mỏi khi leo cầu thang. Vợ ông, ban đầu nghi ngờ về tác dụng chữa bệnh của Pháp Luân Công, thay đổi suy nghĩ khi chứng kiến ​​sự hồi phục thần kỳ của ông Thôi. Một năm sau, bà cũng bước vào tu luyện Pháp Luân Công và bệnh viêm gan, viêm thận của bà nhanh chóng biến mất.

Liên tục bị bức hại và bị đình chỉ lương hưu

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông Thôi và bà Tề đã nhiều lần bị chính quyền nhắm đến vì kiên định đức tin.

Cả hai đều bị cưỡng bức lao động và bị đình chỉ lương hưu

Ngày 1 tháng 10 năm 2000, ông Thôi và bà Tề đi tới Bắc Kinh để Thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt trên Quảng trường Thiên An Môn. Cả hai đều bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức và bị đình chỉ lương hưu trong thời gian bị giam cầm. Ông Thôi bị tra tấn ở trong Trung tâm Giáo dục Lao động Bàn Cẩm.

Tháng 8 năm 2005, bà Tề tiếp tục bị bắt và cưỡng bức lao động thêm 2 năm nữa. Trong thời gian đó, lương hưu của bà lại bị đình chỉ. Bà cũng bị tra tấn tàn bạo ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Bàn Cẩm.

Đội phó họ Giả thường xuyên lăng mạ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, trong đó có bà Tề, sau mỗi lần uống rượu. Ông ta bắt họ phải gập người xuống, xoạc hai chân ra hoặc làm những tư thế không tự nhiên (gây đau đớn) khác trong thời gian dài.

Một lần, bà Tề không nhớ được một đoạn tuyên truyền của ĐCSTQ trong thời gian quy định. Lưu Đại Hán, một đội phó khác, đánh bà 3 lần bằng dùi cui, để lại những vết hằn trên cơ thể bà mà nhiều ngày sau vẫn còn hằn rõ. Ông ta cũng đe dọa sốc điện bà bằng dùi cui điện.

Bà Tề bị bắt lao động không công, bao gồm cả dọn dẹp các điểm sản xuất dầu cho mỏ dầu. Vào mùa đông giá rét, bà phải ngồi ngoài trời, run rẩy vì lạnh. Vào mùa hè nóng bức, bà phải chạy nhiều vòng ngoài trời dưới cái nắng như thiêu như đốt. Mồ hôi trên mặt đọng thành một lớp muối trắng. Bà cũng bị cấm ngủ và chịu nhiều hình thức nhục hình khác nữa.

Hai vợ chồng đều bị kết án 3 năm tù

Ngày 4 tháng 4 năm 2012, bà Tề và ông Thôi trở về quê nhà của họ ở huyện Thái An, tỉnh Liêu Ninh để tảo mộ vào Tiết Thanh minh. Họ dự định ở lại đó vài tuần, nhưng đã bị cảnh sát Đội An ninh Nội địa huyện Thái An bắt vào sáng ngày 17 tháng 4 năm 2012.

Bà Tề được tại ngoại vào buổi chiều cùng ngày còn ông Thôi bị đưa đến Trại tạm giam huyện Thái An. Cả hai sau đó đều bị kết án 3 năm tù, ông Thôi (khi đó 75 tuổi) bị đưa đến Nhà tù Bàn Cẩm và bà Tề (khi đó 70 tuổi) bị đưa đến Nhà tù Nữ Thẩm Dương.

Bà Tề bị cưỡng bức lao động không công ở trong nhà tù khiến sức khỏe của bà ngày một suy giảm. Cả hai mắt của bà đều không thể nhìn thấy gì và được chẩn đoán là có “lỗ hoàng điểm” ở mắt. Bà được phẫu thuật nhưng thị lực không cải thiện nhiều. Tại thời điểm được thả, bà chỉ có thể nhìn thấy một chút ánh sáng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng nghe băng ghi âm các bài giảng của Pháp Luân Công, bà đã lấy lại được thị lực.

Sau khi hai vợ chồng học viên được trả tự do khi mãn hạn tù, các con trai của ông bà nói rằng họ bị lừa khi cố gắng sử dụng các mối quan hệ để giúp cha mẹ mình được trả tự do sớm hơn. Họ không chỉ sử dụng hết số tiền trợ cấp hưu trí của hai vợ chồng trong thời gian bị cầm tù, mà còn vay mượn thêm tiền. Gia đình phải mất 1 năm để trả hết nợ nần.

Lần đình chỉ lương hưu gần nhất

Cuối tháng 8 năm 2020, Văn phòng Hưu trí Mỏ dầu Liêu Hà gọi điện thông báo cho vợ chồng ông Thôi rằng lương hưu của họ sẽ bị đình chỉ kể từ tháng 9 năm đó.

Hai vợ chồng đến Văn phòng An sinh Xã hội Mỏ dầu Liêu Hà và hỏi lý do vì sao lương hưu hợp pháp của họ lại bị đình chỉ. Họ được cho biết rằng theo một chính sách do chính quyền tỉnh ban hành, những người về hưu bị kết án sẽ bị cắt lương hưu trong thời gian họ ngồi tù.

Ông Thôi và bà Tề được chi trả tổng cộng 270.000 nhân dân tệ tiền lương hưu trong 3 năm bị giam cầm. Văn phòng An sinh Xã hội tìm cách đòi lại “khoản nợ lương hưu” bằng cách đình chỉ các khoản lương hưu trong tương lai của hai vợ chồng ông Thôi. Họ cho biết sau khi “khoản nợ lương hưu” này được trả hết, họ sẽ tiếp tục phát lương hưu cho hai vợ chồng. Họ cũng nói rằng nếu vợ chồng ông Thôi có đủ tiền để trả một lần khoản “nợ” 270.000 nhân dân tệ thì sẽ không cần phải đình chỉ lương hưu.

Hai vợ chồng cho biết họ không có tiền để trả bất kỳ “khoản nợ lương hưu” nào, đặc biệt là khi chưa trả hết khoản nợ mà các con trai họ đã vay mượn trong thời gian họ bị giam cầm vì cố gắng tìm cách để họ được trả tự do.

Sau đó, văn phòng an sinh xã hội đề nghị cấp cho hai vợ chồng một khoản trợ cấp hàng tháng để trang trải sinh hoạt phí nếu họ đồng ý trả một phần trong “khoản nợ lương hưu” 270.000 nhân dân tệ.

Hai vợ chồng từ chối lời đề nghị vì họ nhận ra việc văn phòng an sinh xã hội đình chỉ lương hưu của họ là vi phạm Hiến pháp Trung Quốc, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Lao động và Bảo vệ Quyền và Lợi ích của Người cao tuổi – những điều bảo vệ phúc lợi hưu trí của người về hưu.

Đặc biệt, Điều 73 Luật Lao động quy định “Người lao động khi nghỉ hưu được hưởng phúc lợi bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Điều kiện và tiêu chuẩn để người lao động được hưởng phúc lợi bảo hiểm xã hội là do pháp luật quy định. Phúc lợi bảo hiểm xã hội mà người lao động được hưởng phải được chi trả đầy đủ, đúng thời hạn.”

Điều 34 Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích Người cao tuổi quy định: “Lương hưu, chăm sóc y tế và các đãi ngộ khác mà người cao tuổi được hưởng theo quy định của pháp luật phải được bảo đảm. Các cơ quan hữu quan phải chi trả đầy đủ và đúng hạn, không được giữ lại, không được không thanh toán hoặc biển thủ các khoản tiền đó.”

Tìm kiếm công lý

Cả hai vợ chồng khiếu nại lên các cơ quan nhà nước khác nhau, yêu cầu lập tức khôi phục các khoản lương hưu của họ và trả lại tiền lương hưu bị đình chỉ trong thời gian họ bị giam giữ tại lao động cưỡng bức.

Họ gửi đơn khiếu nại tới người đứng đầu hai cơ quan chính quyền trung ương, ba cơ quan chính quyền cấp tỉnh và ba cơ quan địa phương, bao gồm:

Bộ Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội và Phòng Phục vụ Lương hưu của Bộ Dân chính;

Văn phòng thỉnh nguyện tỉnh Liêu Ninh, Phòng Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội tỉnh Liêu Ninh và Cục An sinh Xã hội tỉnh Liêu Ninh (thuộc sự giám sát của Phòng Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội tỉnh Liêu Ninh);

Cơ quan Thăm dò Dầu khí Liêu Hà (cơ quan giám sát Mỏ dầu Liêu Hà), Văn phòng thỉnh nguyện Mỏ dầu Liêu Hà và Văn phòng An sinh Xã hội mỏ dầu Liêu Hà.

Chỉ có một cơ quan duy nhất là Bộ Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội phản hồi và yêu cầu hai người làm việc với các cơ quan địa phương để giải quyết sự việc.

Cơ quan Thăm dò Dầu khí Liêu Hà, Văn phòng thỉnh nguyện Mỏ dầu Liêu Hà và Văn phòng An sinh xã hội Mỏ dầu Liêu Hà từ chối khôi phục lương hưu cho hai vợ chồng họ. Sau đó, ông Thôi và bà Tề đệ đơn kiện lên Tòa án Mỏ dầu Liêu Hà, nhưng không được tiếp nhận cho đến khi họ phải thực hiện 4 lần sửa đổi đơn kiện theo yêu cầu của tòa án. Tòa án nhanh chóng ra phán quyết chống lại vợ chồng ông Thôi.

Hai vợ chồng nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp mỏ dầu Liêu Hà và cơ quan này đã ra quyết định hủy bỏ quyết định của tòa sơ thẩm và yêu cầu xét xử lại.

Ông Thôi và bà Tề bổ sung thêm một bị cáo mới vào vụ tái thẩm của họ, đó là Trung tâm Phụ vụ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Liêu Ninh (cơ quan giám sát Văn phòng An sinh Xã hội Mỏ dầu Liêu Hà và là một bộ phận của Phòng Nhân sự và An sinh Xã hội tỉnh Liêu Ninh). Vì sự thay đổi này, tòa án trung cấp yêu cầu Tòa án Vận tải Đường sắt Thẩm Dương xử lý vụ tái thẩm.

Ông Thôi và bà Tề đã nộp các giấy tờ cần thiết cho tòa sơ thẩm mới và nhận được thông báo xét xử vào 6 tháng sau. Phiên tòa dự kiến ​​diễn ra tại phòng xử án số 2 của Tòa án Vận tải Đường sắt Thẩm Dương vào ngày 26 tháng 6 năm 2023.

Giả Y Ni được chỉ định làm chủ tọa phiên tòa, thư ký Cao Hàm và trợ lý thẩm phán Đỗ Giai (+86-24-62042748).

Tòa án Vận tải Đường sắt Thẩm Dương: +86-24-62043758, +86-24-6204118, +86-24-62043341, +86-24-62042000

Bài liên quan:

Hệ thống trại lao động cưỡng bức và những tội ác của nó tại Trung Quốc vẫn tiếp diễn

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/17/462064.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/23/210017.html

Đăng ngày 17-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share