Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Singapore

[MINH HUỆ 11-01-2023]

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!

Xin chào các đồng tu!

Tôi đã tu luyện được 28 năm, tôi đắc Pháp vào tháng 8 năm 1994 khi tham gia khóa giảng Pháp của Sư phụ. Trước khi bước vào tu luyện, tôi thích đọc đủ loại sách, ngay cả sách triết học dày cộp tôi cũng đọc từ đầu đến cuối dù không hiểu.

Tôi có rất nhiều câu hỏi mà không tìm được câu trả lời. Tôi còn nhớ có lần sau giờ học ở trường, một số bạn cùng lớp trò chuyện với một giáo viên dạy lịch sử văn học Anh và Mỹ trong lớp. Tôi bèn hỏi thầy: “Nhân sinh là gì ạ?” Thầy nói: “Nhân sinh chính là tu luyện.” Câu trả lời này đã in đậm trong trí nhớ của tôi. Chỉ sau khi tôi đắc Pháp, tôi mới nhận ra rằng điều tôi đang tìm kiếm là Đại Pháp, và cuộc sống của tôi là tu luyện Đại Pháp.

Tu luyện trong hạng mục truyền thông

Tôi đã tham gia vào hạng mục truyền thông được hơn 10 năm. Ban đầu, tôi không biết gì về công việc truyền thông cả, vậy nên tôi đã phải học mọi thứ từ đầu. Tôi cho rằng người điều phối có nền tảng chuyên môn, kỹ thuật tốt, làm việc hiệu quả cao, thông minh và có năng lực. Tôi đã hỏi anh ấy rất nhiều câu hỏi, và lần nào anh ấy cũng đều cố gắng trả lời. Sau đó, tôi được biết ban ngày anh ấy làm việc và chỉ tham gia hạng mục được vào ban đêm, do vậy tôi không dám làm phiền anh ấy nữa.

Có hai đồng tu lâu năm đã kiên nhẫn chỉ bảo cho tôi nhiều điều. Tôi đã từng nghĩ rằng tôi nên xứng đáng với thời gian mà các đồng tu đã dành cho tôi, và tôi cần làm việc chăm chỉ gấp đôi cho hạng mục. Một đồng tu lâu năm phụ trách cũng đã hướng dẫn riêng cho chúng tôi, điều đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều, tôi hiểu rằng chúng tôi phải giữ thái độ nghiêm túc và tận tâm đối với công việc truyền thông.

Những ngày đầu, mạng lưới không đủ người trực, tôi hầu như trực một mình, khối lượng công việc nặng nề, nhiều khâu bảo trì, tôi luôn trong tình trạng căng thẳng suốt mấy tiếng đồng hồ. Vào thời điểm đó, mọi người đều cho đi một cách vị tha, và kiên định trợ Sư chính Pháp, cứu độ chúng sinh. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi phải tin tưởng lẫn nhau.

Tôi nhớ lại một vài người và sự việc hồi đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, khiến tôi cảm thấy cần phải trân trọng hạng mục này, trân trọng quá khứ, trân trọng những đồng tu đã ở bên, và càng trân quý hoàn cảnh mà Sư tôn đã khai sáng cho chúng ta.

Sau khi tham gia một thời gian, tôi cảm thấy hạng mục truyền thông đã dần thay đổi, văn hóa đảng cũng có nhiều hơn. Nhiều người không chú trọng đến chất lượng công việc mà chạy theo số lượng truy cập một cách mù quáng. Họ đã quá háo hức để đạt thành công nhanh chóng. Tôi cảm thấy hoang mang và xuất hiện tâm oán giận với ban quản lý, tôi làm việc một cách thụ động và trở nên tuyệt vọng. Tôi chỉ để mắt đến sự thiếu sót bên ngoài mà không kịp thời loại bỏ những vật chất đằng sau trạng thái tiêu cực của mình, cũng như không loại bỏ được nhân tâm.

Trên thực tế, sau khi tham gia vào hạng mục truyền thông, tôi đã đặt công việc lên hàng đầu trong một thời gian khá dài và tôi đã chấp trước vào việc Chính Pháp kết thúc. Sự tu luyện của tôi không theo kịp và chính niệm của tôi không đủ. Ngẫm kỹ lại, đằng sau sự bất mãn đó là tâm xem thường người khác, cũng như tâm tranh đấu và đố kỵ.

Tôi dần dần học cách hạ thấp kỳ vọng và coi bản thân như một chú tiểu nhóm lửa nấu cơm, lặng lẽ làm tốt công việc. Một lần, một đồng tu tìm gặp tôi bảo rằng có người không hài lòng về tôi. Lúc ấy, ở bề mặt tôi đã kiềm chế được bản thân, nhưng vẫn bày tỏ sự không đồng tình với lời nói đó. Sau đó, tôi cảm thấy bất bình và thầm nghĩ chăm chỉ nghiêm túc làm việc cũng là sai sao. Chẳng phải họ đang hùa với nhau và kéo mọi người xuống sao? Càng nghĩ trong lòng tôi càng cảm thấy bất công hơn, tâm tranh đấu của tôi nổi lên.

Sau khi học Pháp, tôi nhận ra rằng tôi đã không chịu buông bỏ nó. Đây chẳng phải là nhân tâm sao? Chẳng phải tu luyện là loại bỏ chấp trước của con người sao? Tôi nhận thấy những người khác đã mang danh và lợi ích cá nhân để làm việc, nhưng điều đó liệu có nói lên tôi không có tâm danh lợi vì tôi không nhận một xu nào không? Tôi nhận thấy việc tôi không hài lòng với chất lượng công việc của người khác bao gồm cả tâm oán hận, tâm cầu danh và tâm coi thường họ.

Tôi đã tập trung vào quan điểm cá nhân và cho rằng mình đúng. Tôi hiểu ra ngay cả khi người khác sai, tôi cũng không thể nói mình đúng. Tu khứ nhân tâm mới là điều then chốt. Không bỏ qua khi bản thân mình đúng cũng chỉ là lý của người thường. Tôi có đạt tới tiêu chuẩn của Pháp và hoàn toàn vì người khác không? Tôi thấy rằng các đồng tu quả thực phải chịu áp lực, đồng thời, họ cũng chăm chỉ nỗ lực giữa bộn bề công việc. Thực tế thì họ đã đảm nhận nhiều công việc hơn. Sau khi bình tĩnh lại, tôi thấy như không có chuyện gì xảy ra.

Năm ngoái, hạng mục truyền thông yêu cầu nhân viên thực hiện các bài kiểm tra về hiệu đính, ngữ pháp, và viết bản tin. Khi nhận tài liệu tập huấn, tôi thấy nội dung nhiều mà thời gian có hạn nên trong lòng rất lo lắng. Một mặt, tôi thấy bắt buộc phải thi để nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng công việc, theo đó mọi người cũng cần nghiêm khắc yêu cầu bản thân. Nhưng mặt khác, tôi cảm thấy mình thiếu tự tin. Làm sao tôi có thể nhớ được nhiều thứ như vậy? Tôi không biết bài kiểm tra sẽ được thực hiện như thế nào và liệu các câu hỏi của bài kiểm tra có khó không. Trong thâm tâm tôi đã bài xích nó. Khi đã bình tĩnh lại, tôi tự hỏi: “Nếu đây là kiến ​​thức cơ bản nhất cần phải nắm vững, tại sao mình không học?”

Tôi cố gắng đơn giản hóa cuộc sống hàng ngày của mình, sắp xếp để chúng trở nên dễ dàng hơn và chuẩn bị một kế hoạch học tập. Sau khi bình tĩnh lại, tôi đọc lại những gì mình lượm lặt được từng chút một, nhưng đôi khi tôi thực sự học không vào. Khi tôi không thể đọc hiểu tài liệu, tôi sẽ cố gắng đọc nó nhiều lần. Đồng thời, tôi buông bỏ tâm lo lắng về được và mất. Tôi nghĩ rằng ngay cả khi tôi trượt kỳ thi, nó sẽ chỉ ảnh hưởng đến cá nhân tôi; còn nếu tôi sai sót trong công tác truyền thông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công chúng. Vậy nên, kỳ thi trở nên không quan trọng bằng công việc hàng ngày của tôi. Nếu tôi nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, giữ tâm cho chính, tôi sẽ không quá chú trọng đến kết quả. Cuối cùng tôi đã vượt qua tất cả các kỳ thi một cách suôn sẻ, điều này cũng đã giúp tôi tự tin hơn.

Trong môi trường tin tức, khi chú ý đến động thái của thế giới, từ Pháp tôi lý giải rằng sau khi phía tu luyện tốt được tách ra, thì bên con người vẫn đang tu luyện, và do đó bên con người sẽ dễ dàng bị dẫn động bởi các yếu tố khác nhau, và sẽ dễ tự bảo vệ bản thân. Có ai không bao giờ phạm sai lầm? Vì vậy, nếu một người luôn có thể quy chính cơ điểm làm việc, thì người đó sẽ ít có khả năng đi lạc đường.

Tu luyện trong khi đưa tin cho Minh Huệ

Tôi đã tham gia đưa tin về các hoạt động địa phương cho Minh Huệ Net được hơn 10 năm. Trong quá trình này, đã có rất nhiều khó khăn, nhưng cũng cho phép tôi dần loại bỏ chấp trước vào bản thân; và cũng có nhiều điều kỳ diệu nhờ sự gia trì từ Sư phụ khiến tôi cảm ân không nguôi.

Khi viết lách, đôi lúc tôi thiếu ý tưởng, có lúc tư duy mở ra nhưng lại phải đi lo việc khác, rồi quay lại làm thì đầu óc lại mụ mẫm. Khi tôi có những ý tưởng đến trong tích tắc, tôi cần ghi lại chúng ngay lập tức. Thực ra, sau khi vào trạng thái làm việc, tôi rất sợ bị quấy rầy. Một ngày nọ, trong khi tôi đang gấp rút viết tin bài, một đồng tu đã gọi điện nhiều lần để hỏi về một vấn đề. Tôi đã cố gắng hết sức để thông cảm cho đồng tu, biết rằng đồng tu ấy có những vấn đề cấp bách cần giải quyết và trả lời đồng tu theo khả năng hiểu biết của tôi, và nhiều lần giải thích rằng tôi đang bận, nhưng đồng tu cứ gọi cho tôi từ sáng đến chiều. Đến tối, đồng tu lại gọi, cơn giận của tôi đột nhiên sôi lên, cảm thấy không đủ bao dung nữa. Tuy đồng tu không gọi nữa, nhưng tôi đã làm mất một phần lớn bản thảo mà tôi đã viết mà chưa lưu lại.

Trước khi hoàn thành bản thảo hoặc cần thực hiện một số cuộc phỏng vấn trước, tôi sẽ lên kế hoạch đại khái về thời gian và điều chỉnh trạng thái của mình, nhưng trong quá trình này, một vài lần thời gian của tôi bị xáo trộn và tôi thực sự cảm thấy rất cay đắng. Ban đầu, tôi luôn nghĩ rằng mục đích là để hợp tác và làm việc này thành công, vậy nên tôi cố gắng hết sức nhẫn nại trong suốt quá trình, nhưng tôi vẫn bực bội vào giây phút cuối cùng. Giờ đây nhìn lại, tôi nghĩ: “Phải rồi, nếu mọi việc luôn suôn sẻ thì đã không khó khăn như vậy. Điều này chẳng phải để mình chịu đựng nhiều hơn sao? Trong buổi đào tạo về truyền thông, giảng viên đã đề cập đến việc một nhà văn nói về chìa khóa để viết thành công là “đọc, đọc, đọc; viết, viết, viết; nhẫn, nhẫn, nhẫn.” Việc viết lách không dễ, việc viết lách thật gian nan, sự dày vò trong quá trình viết là trở ngại đối với các biên tập viên, nhà xuất bản và nhà phê bình. Tôi cảm thán rằng ngay cả người thường cũng đã nhận ra sự cần thiết của nhẫn.

Một lần, tôi có bất đồng với một đồng tu, và mỗi người chúng tôi đều khăng khăng giữ quan điểm của mình. Tôi cảm thấy vị đồng tu kia không hiểu nhưng lại nói rằng mình hiểu và đổ lỗi cho tôi về những gì người khác làm chưa tốt, điều đó có phần áp đảo người khác. Ngay trước khi điều này xảy ra, có hai đồng tu đã thì thầm với tôi rằng họ không hài lòng với đồng tu này. Nếu tôi theo dòng suy nghĩ này, rõ ràng là đối phương đã sai.

Ngẫm lại, tôi cảm thấy dung lượng của mình không đủ, còn cố cãi lại, chấp trước vào bản thân, tôi không muốn người khác chỉ trích mình và không đủ thiện tâm. Chỉ khi người kia có vẻ vô lý thì tôi mới thể hiện cái nhẫn của người tu luyện. Khi tôi cảm thấy có thể phóng hạ nhân tâm và muốn phối hợp, Sư phụ sẽ cho tôi nhìn thấy mặt tốt của các đồng tu.

Khi một bài viết được đăng, đôi khi tôi nhận được lời khen ngợi từ các đồng tu. Tất nhiên, được công nhận là điều đáng khích lệ, nhưng cũng nên cảnh giác với tâm hiển thị và tâm hoan hỉ. Chính trong những lúc suy sụp, tôi càng có thể nhận ra chấp trước ẩn giấu muốn chứng thực bản thân.

Trong mấy năm qua, tôi nhận ra rằng Sư phụ đã ban cho tôi nhiều hơn khi tôi có thể dụng tâm. Có rất nhiều chuyện, ngẫm lại đã là kỳ tích rồi, Sư phụ đã mở đường cho tôi rất nhiều sự việc. Một lần, tôi nghĩ rằng sẽ thật tuyệt nếu tôi tìm được một nhân chứng để viết về sự kiện ngày 25 tháng 4. Khi tôi xoay người lại, một đồng tu lâu năm đang đứng phía sau tôi. Sau khi hỏi han, đồng tu ấy trả lời: “Tôi đã ở đó, bạn muốn biết điều gì?”

Một lần khác, khi tôi không biết phải làm gì, tôi đã gặp hai đồng tu kể cho tôi nghe về những trải nghiệm cảm động của họ trước năm 1999 [trước khi cuộc bức hại bắt đầu], đó chính là điều tôi đang tìm kiếm. Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày Đại Pháp hồng truyền khắp thế giới. Khi tôi gặp ba đồng tu lâu năm và mời họ chia sẻ câu chuyện của mình, tôi đã không nghĩ nhiều đến việc viết bài. Chỉ trong cuộc phỏng vấn, tôi mới biết tất cả họ đều đắc Pháp vào đầu mùa xuân năm 1995, đó là thời điểm Sư phụ bắt đầu hồng truyền Đại Pháp ra nước ngoài. Sau khi tôi hoàn thành bản thảo, tôi càng cảm thấy việc gặp được họ thật tuyệt. Năm tháng trôi qua là một kỷ niệm quý giá, và có những bức ảnh cũ làm cho bài viết trở nên hoàn hảo. Còn nhiều ví dụ khác mà tôi không tiện kể ra.

Tôi thường cảm động trước lòng từ bi của Sư phụ, và xúc động trước mong muốn chứng thực Pháp của các đồng tu bằng cách chia sẻ những câu chuyện tu luyện của họ. Tấm lòng vàng của họ tỏa ra năng lượng và khích lệ tôi tinh tấn trong tu luyện.

Tu luyện trong môi trường gia đình

Môi trường gia đình là nơi dễ buông lơi nhất, dễ bộc lộ thiếu sót nhưng cũng là nơi tốt để tu luyện. Mỗi cử chỉ, mỗi lời nói và mỗi hành động đều có thể phản ánh thiện hay ác, dù anh ta có để ý đến tiểu tiết hay không và liệu anh ta có nghĩ đến người khác hay không, thật khó để tránh mâu thuẫn.

Một lần, tôi hỏi chồng một vấn đề về máy tính. Anh ấy nói bằng tiếng Anh, và tôi không hiểu. Anh thản nhiên nói: “Em ngay cả cái này cũng không hiểu, chúng ta làm sao giao tiếp được?” Lúc đầu tôi cảm thấy hơi tổn thương, nhưng tôi ngay lập tức nhận ra rằng đây chính là những gì tôi từng nói trong quá khứ. Trên thực tế, chồng tôi chỉ nêu ra một sự thật và không có gì hơn. Tôi cảm thấy lời nói của tôi trong quá khứ thường chứa đựng những lời phàn nàn, ích kỷ và gây tổn thương cho người khác.

Một lần khác, có một chút mâu thuẫn, và tôi nghĩ rằng mình nhất định phải nhẫn. Không lâu sau, khi tôi nghe băng ghi âm các bài giảng của Sư phụ, và Sư phụ giảng về “Chân Phong”, tôi hiểu rằng người mắc chứng điên thực sự đang tự làm khổ chính mình. Đầu óc tôi trở nên sáng tỏ, và tôi đột nhiên hiểu được một tầng nội hàm của Nhẫn.

Có một đoạn thời gian, gia đình tôi tỏ ra không hài lòng với tôi, nhưng tôi không coi trọng điều đó. Tôi nghĩ rằng ở tuổi của tôi, cằn nhằn một chút là điều bình thường và tôi chỉ nói như vậy với những người thân thiết với mình. Khi sự bất mãn này lại xuất hiện, tôi nhận ra rằng mình đã sai rồi.

Sự nóng lòng muốn thể hiện bản thân, ngắt lời người khác và giành các cuộc trò chuyện đều có tư tâm mạnh mẽ đằng sau. Tôi không nghĩ đến người khác mà chỉ quan tâm đến cảm xúc cá nhân của mình. Trong việc trút giận và tìm kiếm sự ấm lòng có tình rất nặng. Tôi hồi tưởng lại nhiều năm trước, và nhiều điều hiện ra trong tâm trí tôi. Tôi đã không làm tốt chúng, mà còn coi đó là một vấn đề nhỏ. Tôi thực sự xấu hổ. Tôi không biết mình đã làm tổn thương bao nhiêu người khi tôi mở miệng. Tôi tự trách bản thân và rất hối hận. Trong thời gian đó, cơ thể tôi cũng có vấn đề, và tôi đột nhiên cảm thấy mất tự tin, thậm chí không biết nói chuyện như thế nào.

Tôi nhớ một đồng tu từng viết trong một bài chia sẻ: “Bởi vì tôi là một người tu luyện, trong các cuộc xung đột tôi cần phải vô điều kiện nói với bản thân rằng ‘mình sai rồi’, oan tâm thấu cốt tu luyện bản thân. Sau nhiều năm kiên trì, tôi dần dần đã có thể nhận ra trong những tập tính, bản tính và quan niệm ẩn sâu của sinh mệnh có mang theo nhiều những thứ dơ bẩn và vị tư của cựu vũ trụ.” Đoạn chia sẻ này đã có ảnh hưởng sâu sắc với tôi, giúp tôi đào sâu vào từng tư, từng niệm vị tư của vũ trụ cũ và từ bỏ những thói quen đi ngược lại truyền thống.

Rất nhiều lúc, lời vừa nói ra tôi đã phát hiện ra mình lại sai rồi, trong lời nói đó hàm chứa tư tâm. Cứ như vậy, tôi đã ma luyện chính mình, chính lại bản thân hết lần này đến lần khác. Trong gia đình có nhiều chuyện lặt vặt, việc nhà nhiều vô kể, cần phải cân bằng tốt bên trong và ngoài gia đình, nếu bị hãm sau vào đó thì rất dễ bộc lộ tâm ủy khuất, phàn nàn, oán hận, nóng vội, an dật, v.v. Nếu tôi muốn làm tốt, cách duy nhất là hướng nội tìm khi có mâu thuẫn. Tôi nhận ra rằng khi tôi chỉ tập trung vào bản thân mình, tôi sẽ cảm thấy những người khác luôn bất công với tôi; khi tôi thực sự quan tâm đến người khác, hoàn cảnh sẽ chuyển biến theo hướng tốt hơn.

Lời kết

Vì bản thân còn nhiều thiếu sót, lâu nay tôi không muốn viết, suýt chút nữa đã bở qua cơ hội chia sẻ này. Khi tôi hiểu rõ rằng quá trình viết bài chia sẻ là một quá trình tu luyện, một quá trình tổng kết quá khứ, tìm ra những thiếu sót, chính lại bản thân và cũng là để chứng thực Pháp, tôi đã bắt đầu viết.

Sư phụ giảng:

“Dù sao đi nữa, điều mà Sư phụ muốn nói nhất ấy là, hình thế đang biến hoá, các đệ tử Đại Pháp về [phương diện] tu luyện là không thể thuận theo hình thế biến hoá. Nhất định là trong bất kể tình huống nào cũng đều bất động! Đều như một đệ tử Đại Pháp, đụng phải bất kể vấn đề gì thì đều tu bản thân mình.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)

Tình thế hiện nay đang thay đổi nhanh chóng. Tôi sẽ ghi nhớ lời căn dặn của Sư phụ, tu luyện bản thân cho tốt và bước đi thật tốt trên con đường tu luyện.

Trên đây là bài chia sẻ của tôi. Nếu có điều gì không phù hợp, kính mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

Con xin tạ ơn Sư phụ, cám ơn các đồng tu!

(Bài chia sẻ trình bày tại Pháp hội Singapore năm 2022)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/11/454673.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/16/206197.html

Đăng ngày 03-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share