Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-05-2022] Trong suốt 22 năm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp của mình, tôi thường xúc động trước những câu chuyện cảm động của các đồng tu. Có những học viên tôi chỉ gặp một lần, và gần như không nhớ được tên của họ. Những câu chuyện này giống như những viên ngọc, rải rác trong sâu thẳm ký ức của tôi, sáng lấp lánh, tôi nhặt một vài trong số đó, xâu thành chuỗi và chia sẻ với mọi người.

Chăm sóc cho nhau trong trại giam

Tháng 7 năm 1999, lãnh đạo tà đảng Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp, và kích hoạt cỗ máy đàn áp, tung tin đồn, vu khống Pháp Luân Đại Pháp và Sư phụ Lý Hồng Chí. Nhiều đệ tử Đại Pháp nghĩ rằng chính phủ không biết chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp, nên họ muốn dùng kinh nghiệm tu luyện cùng trái tim nhân hậu để giảng rõ chân tướng về Đại Pháp cho mọi người.

Rất nhiều học viên Đại Pháp lần lượt đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa, họ muốn nói cho chính phủ và mọi người biết rằng: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân–Thiện–Nhẫn hảo!“ Kết quả là, những học viên này đã bị bức hại, tra tấn, bỏ tù, và một số thậm chí bị giết hại.

Các học viên Đại Pháp của tỉnh nào đến thỉnh nguyện cho Pháp Luân Đại Pháp, thì các quan chức ở tỉnh đó sẽ bị cách chức. Vì vậy, nhiều nhân viên cấp tỉnh đã đến Bắc Kinh để chặn các học viên đến đó thỉnh nguyện. Họ thường trả cho cảnh sát ở Bắc Kinh từ 3.000 đến 5.000 nhân dân tệ để cảnh sát không liệt kê các học viên đến từ khu vực của họ. Tất nhiên, số tiền này sẽ được cảnh sát ở tỉnh quy về cho các học viên và gia đình của họ, một số học viên thậm chí còn bị tống tiền hàng chục nghìn nhân dân tệ. Cảnh sát Bắc Kinh đã kiếm được nhiều tiền từ tình huống này. Đây là lý do tại sao cảnh sát ở Bắc Kinh đã làm tất cả những gì có thể để lấy được tên và địa chỉ của các học viên Đại Pháp.

Để tránh liên lụy đến các quan chức địa phương và nơi công tác, nhiều học viên Đại Pháp đã không cung cấp tên và địa chỉ của họ. Do đó nhiều người đã trở thành những con số trong cơ sở dữ liệu của ĐCSTQ.

Tôi và chị gái của mình đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Đại Pháp vào tháng 6 năm 2000. Chúng tôi bị bắt và bị giam giữ tại trại giam Thất Lý Cừ ở ngoại ô Bắc Kinh. Sau khi bị các nữ cảnh sát khám xét, chúng tôi chẳng còn gì ngoài bộ quần áo đang mặc trên người. Quản lý nhà tù không bán cho chúng tôi bất kỳ nhu yếu phẩm hàng ngày nào, và thậm chí không có chăn ga gối đệm trong phòng giam. Các điều kiện sinh hoạt rất khắc nghiệt.

Tất cả các buồng giam đều chật kín học viên vì khi ấy có rất nhiều học viên Đại Pháp đến Bắc Kinh. Có khoảng 20 học viên Pháp Luân Công bị giam trong một căn hầm dành cho 6 người. Tất cả các học viên đều rất tốt bụng và biết nghĩ cho người khác.

Một học viên lớn tuổi đã đưa chiếc áo lót màu trắng của bà cho những người khác để dùng làm khăn tắm. Chúng tôi chỉ dùng hai cuộn giấy vệ sinh một cách tiết kiệm, vì không biết khi nào mới có thêm. Trong phòng có rất nhiều người nhưng chỉ có vài chiếc giường nên hầu hết mọi người phải nằm ngủ trên nền gạch lạnh lẽo, hoặc bên cạnh nhà vệ sinh bốc mùi, và nhường giường cho những người khác. Một số ngồi dựa tường ngủ để nhường chỗ cho người khác có thể duỗi chân khi ngủ.

Muỗi ở ngoại ô thì to và mang nhiều mầm bệnh. Cảnh sát đã cố tình tháo bỏ tất cả các tấm màn che trong buồng giam. Kết quả là ánh sáng ban đêm đã thu hút thêm nhiều muỗi hơn. Chúng tôi bị muỗi đốt khắp người. Tất cả đều gãi trong khi ngủ đến nỗi chảy cả máu. Một bác học viên cao tuổi thấp người ngủ rất ít mỗi đêm, vì bận vung áo đuổi muỗi cho người khác, cố gắng giúp họ ngủ ngon hơn.

Học viên rơi nước mắt khi cảnh sát đã đánh bà

Có một học viên lớn tuổi với thân hình cao ráo và đôi má hồng đào. Không ai có thể nghĩ rằng bà có nhiều bệnh tật trước khi bà tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bà trông tràn đầy năng lượng và trẻ trung. Nếu không ai cho tôi biết bà đã 72 tuổi thì tôi sẽ nghĩ rằng bà chỉ khoảng 60 tuổi.

Bà đã khóc sau khi bị thẩm vấn. Chúng tôi lo lắng và hỏi xem liệu bà có bị đánh không, vì điều này thường hay xảy ra. Bà cho hay có một cảnh sát trẻ hỏi về nơi ở của bà. Thay vì trả lời câu hỏi bà đã kể cho anh ấy nghe về việc tu luyện Đại Pháp của bà. Bà nói rằng bà đã khỏi mọi bệnh tật sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bà cũng nói rằng bà trở thành một người tốt nhờ chiểu theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, và gia đình bà đã trở nên hòa thuận.

Bà không muốn cung cấp tên và chỗ ở của mình vì các quan chức sẽ bị ảnh hưởng nếu như học viên ở địa phương của họ tham gia thỉnh nguyện cho Đại Pháp. Tuy nhiên, viên cảnh sát này không muốn nghe và bắt đầu đấm đá bà. Người học viên nhìn vào khuôn mặt hằn học của viên cảnh sát và cảm thấy tội nghiệp cho anh, bà nói trong nước mắt: “Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, và còn lớn tuổi hơn cả mẹ của cháu. Cháu đang làm một việc xấu khi đối xử như thế này với một người tu luyện. Nghiệp tạo bây giờ, sau này làm sao cháu hoàn trả?” Tất cả chúng tôi đều thở dài và thấy thương cho người cảnh sát đồng thời ngưỡng mộ tâm từ bi của người học viên lớn tuổi này.

Đi chân trần ba ngày đến Bắc Kinh

Lần đầu khi tôi mới gặp vị học viên này, cô ấy đã ôm ngực vì đau. Cảnh sát ở Thiên An Môn đã đánh và đá cô, làm cô bị thương ở xương sườn. Cô mặc trên người bộ quần áo rẻ tiền nhất ở sạp bán hàng, và để lộ dấu vết của những năm tháng dài lao động. Tôi nghĩ cuộc sống của cô phải rất khó khăn.

Cuộc trò chuyện sau đó của chúng tôi đã xác nhận những suy nghĩ của tôi. Cô ấy sống ở một vùng núi. Để đến Bắc Kinh cô đã phải vay 80 nhân dân tệ làm lộ phí. Cô mang theo mình một ít lương khô tự làm và đi bộ hàng chục dặm ra khỏi vùng núi để đón xe buýt. Số tiền 80 nhân dân tệ cô mượn không đủ để trang trải toàn bộ chuyến đi đến Bắc Kinh. Sau khi xuống xe buýt, cô đã đi bộ ba ngày bằng chân trần và không ăn gì. Cuối cùng cô đã đến được Quảng trường Thiên An Môn và tất cả những gì cô muốn làm là nói với mọi người rằng “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”

Cô gái trẻ: “Tôi đến vì tôi cần đến”

Trong khi bị giam giữ, tôi đã gặp một cô gái trẻ là học viên đến từ miền nam Trung Quốc. Cô rất ít nói và dịu dàng. Con của cô mới hơn hai tuổi. Một hôm tôi hỏi cô xem có nhớ con không. Cô gật đầu. Cô ấy nói rằng cô ấy sợ và muốn ở bên các đồng tu để gia trì chính niệm của mình. Tôi hỏi cô: “Nếu cô sợ, tại sao cô lại đến Bắc Kinh?” Cô ấy nói: “Tôi cảm thấy bản thân là một học viên nên tôi cần phải đến; nên tôi đã đến.”

Chúng tôi quyết định tuyệt thực để phản đối việc giam giữ tùy tiện. Tuyệt thực là cách thức mang lại nguy hiểm vì cảnh sát thường dùng hình thức bức thực để tra tấn các học viên Pháp Luân Công, họ sẽ luồn một ống cao su qua lỗ mũi để đưa vào bụng. Chúng tôi nghe nói có nữ học viên đã chết vì ngạt thở trong khi đang bị bức thực. Tuy nhiên chúng tôi đã không thay đổi quyết định.

Đến ngày thứ tư, cảnh sát đã bức thực chúng tôi. Cảnh sát còng tay chúng tôi vào cạnh giường. Có vài tù nhân nam cũng ở đó để hỗ trợ họ bức thực chúng tôi.

Khi đến lượt mình, tôi tiếp tục nghĩ “Không cho lọt vào. Không cho lọt vào.” Kết quả là họ cứ nhét đi nhét lại cái ống, nhưng mãi vẫn không đưa được cái ống vào trong người. Tôi không thể chịu được nữa bèn nghĩ: “Khi nào thì chuyện này mới kết thúc?” Khi vừa nghĩ xong, thì họ đã nhét vào được. Tôi đã hét lớn vì đau đớn. Và chợt nhận ra nếu mình có niệm “Dừng lại ngay!” thì có thể họ sẽ bỏ cuộc.

Khi quay lại phòng giam, tôi nhìn thấy một dấu chân lớn trên chiếc áo phông màu hồng của cô gái trẻ. Cô ấy nói với tôi: “Tôi nghe thấy tiếng hét của chị trong phòng bức thực. Tôi đã sợ vì không biết có chuyện gì xảy ra với chị không. Khi đến lượt tôi, tôi bảo với họ rằng tôi đã ăn rồi, hy vọng họ sẽ không ép tôi ăn. Tuy nhiên, một người đàn ông mặc áo choàng trắng vẫn bức thực tôi.” Cảnh sát đã dùng cách bức thực để ép cô ấy nói ra quê quán của cô. Cô ấy nói rằng cô ấy sợ nhưng không nói gì để các quan chức ở địa phương của cô không bị liên lụy. Sau đó người đàn ông này đã đá cô một cách tàn nhẫn.

Vài ngày sau, danh tính của tôi bị phát hiện, và tôi bị đưa về quê và bị giam giữ ở đó. Những học viên Đại Pháp không khai ra danh tính và địa chỉ sau khi bị thẩm vấn trong một thời gian dài sẽ bị đưa đến một nơi không xác định bằng xe buýt. Vài năm sau, nạn thu hoạch nội tạng sống, một tội ác chưa từng có, đã bị phanh phui. Tôi đoán rằng số học viên được đưa đi bằng xe buýt có thể bị giam giữ trong các trại tập trung bí mật hoặc bệnh viện ngầm và trở thành nạn nhân vô tội của nạn mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ.

Hơn 20 năm trôi qua, tôi chưa một lần nào được gặp lại những học viên này, hoặc có bất kỳ thông tin nào về họ. Mỗi khi nghĩ đến họ tôi lại thành tâm mong rằng họ vẫn còn sống và bước tiếp trên con đường tu luyện.

Các học viên từ bi và vị tha

Khi mới bắt đầu tu luyện tôi thực sự không hiểu từ bi nghĩa là gì. Tôi cứng nhắc và thờ ơ. Tôi nghĩ từ bi có nghĩa là lịch sự với mọi người, ra tay giúp đỡ khi được nhờ, và không làm điều xấu. Tuy nhiên, qua việc tương tác giữa các đồng tu, tôi ngộ được từ bi chân chính nghĩa là gì và ý nghĩa của lòng vị tha.

Ngày 1 tháng 10 năm 2000, khi bị giam giữ tại một trại tạm giam địa phương, một quan chức từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật đến kiểm tra trung tâm. Vài người trong chúng tôi đã gửi một lá thư giảng chân tướng đến ông ấy và yêu cầu được trả tự do vô điều kiện.

Sau đó trại tạm giam bắt đầu khám xét các phòng giam để trả đũa. Họ lấy đi hết tất cả thức ăn của chúng tôi, thậm chí cả dưa chua được gia đình chúng tôi gửi đến, nói rằng họ sẽ vứt chúng đi. Tôi khó chịu và phàn nàn rằng họ làm lãng phí thức ăn. Em gái tôi, học viên bị giam giữ cùng tôi, bình tĩnh nói: “Không sao đâu. Em có nghe nói họ đã ăn hết thức ăn của chúng ta và không hề vứt chúng đi.” Khi nghe được sự việc này tôi liền phẫn nộ và nói: “Được, vậy thì xem như là cho chó ăn.” Khi em gái của tôi nghe hết câu của tôi nói liền trả lời lại bằng một giọng ôn hòa: “Chị ơi, cảnh sát cũng là con người. Thức ăn không bị lãng phí cho dù là ai đã ăn.” Tôi lập tức cảm nhận được lòng từ bi của em gái và ngộ được ý nghĩa của sự “từ bi.”

Tôi không đi làm công việc người thường vì cần khá nhiều thời gian cho hạng mục trong năm 2016. Khi gặp khó khăn về tài chính, một đồng tu đã mang đến cho tôi một bao gạo. Cô ấy nói rằng cô được người thân cho rất nhiều gạo và không thể ăn hết chỗ gạo đó. Tôi biết cô ấy nói vậy để tôi đồng ý nhận. Tôi cảm nhận được từ bi của cô ấy. Gần Tết cô ấy để ý thấy trong nhà tôi không có nhiều thức ăn. Cô ấy liền nhờ em gái của mình mang đến cho tôi ít thịt heo và cá, nói rằng biếu tôi ít quà để ăn Tết. Tôi cảm động bởi tấm chân tình của các đồng tu. Cô ấy giúp tôi ngộ được rằng thế nào là làm người tử tế.

Tôi được trả tự do vô điều kiện sau khi tuyệt thực để phản bức hại vào tháng 12 năm 2000. Tôi từng có một công việc tốt, nhưng bị yêu cầu phải viết bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp thì mới được tiếp tục làm việc, do vậy tôi đã từ chối. Kể từ đó, tôi phải làm những công việc bán thời gian để kiếm sống. Nhiều người thấy tiếc vì tôi đã từ bỏ công việc nhưng tôi không hối hận. Đại Pháp đã tái tạo cuộc đời tôi, thức tỉnh tâm tôi hướng thiện và giúp tôi khỏe mạnh. Tôi có thể từ bỏ công việc và thậm chí cả sinh mệnh của mình nhưng tôi không thể từ bỏ lương tâm. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ Đại Pháp vì đó là điều mà tôi đã tìm kiếm cả đời.

Cách đây vài năm khi tôi gặp khó khăn về tài chính, một học viên đã đưa cho tôi hai chiếc máy tính trị giá 6.000 nhân dân tệ để tôi làm các hạng mục Đại Pháp. Một học viên khác đã cho tôi mượn 10.000 nhân dân tệ để trang trải cuộc sống. Tôi không muốn dùng tiền của đồng tu khác nên tôi đã chi 200 tệ mỗi tháng cho một hạng mục điện thoại và 6.000 tệ cho một hạng mục khác.

Khi người học viên cho tôi mượn 10.000 tệ biết được kế hoạch của tôi, cô ấy đã cho tôi mượn thêm 6.000 tệ khác. Khi tôi để dành được đủ số tiền để trả nợ cho cô ấy, cô ấy nói: “Tôi sẽ quên hết số tiền mà tôi đã cho chị mượn, vì chị đã dùng nó để làm hạng mục.”

Tôi cảm nhận được sự chân thành của cô ấy. Tôi đáp: “Tôi sẽ cho chị xóa nợ nếu trong tương lai tôi kiếm được đủ số tiền để trả nợ nhưng nếu tôi có thể trả được cho chị, thì chị sẽ phải nhận lại nó.”

Cô ấy đáp lại bằng một giọng chân thành rằng: “Tiền không quan trọng, chúng sinh và việc tu luyện mới quan trọng. Xin đừng nghĩ về nó nữa.”

Sau này, tôi có thể trả lại cho cô ấy từng chút từng chút một. Bất cứ khi nào tôi trả nợ cho cô ấy, cô ấy đều nói, “Ồ, chị đã trả hết cho tôi rồi nha. Xin đừng trả nữa.” Tôi biết cô ấy không bao giờ nhớ cô ấy đã cho tôi mượn bao nhiêu tiền, nhưng tôi thì nhớ. Tôi luôn biết ơn những người đã giúp tôi khi tôi gặp khó khăn.

Nhận hỗ trợ từ các học viên và gia đình của họ

Nhiều bạn bè người thân của các học viên đã bảo vệ học viên khỏi bị bức hại sau khi họ minh bạch chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp và vẻ đẹp của tu luyện.

Mùa đông năm 2001, có khoảng 10 học viên đã về nông thôn để phân phát tài liệu thông tin Đại Pháp. Họ đã bị ai đó tố cáo và bị bắt giữ. Cảnh sát đã xem đó như vụ việc đặc biệt nhất của họ. Họ đã thẩm vấn các học viên bằng cách đánh đập, còng tay ra sau lưng và các phương pháp khác. Một học viên đã bị tra tấn đến tàn tật. Người tài xế, không phải là học viên, và con trai của một học viên, vốn cũng không phải học viên, cũng bị tra tấn tàn bạo và bị giam giữ. Tuy nhiên họ không nói với cảnh sát bất cứ điều gì về các học viên.

Cá nhân tôi không biết người lái xe hay cậu con trai của học viên đó, nhưng tôi có thể hình dung được việc họ đã bị tra tấn như thế nào.

Anh trai của một học viên nọ là một nhân viên bán hàng. Anh ấy sử dụng tiền giấy có in thông điệp về Pháp Luân Đại Pháp trên đó trong trao đổi mua bán và khuyến khích người khác sử dụng. Anh ấy luôn đưa tiền cho học viên và nhờ in thông điệp của Đại Pháp lên đó, số tiền từ 1.000 tệ đến 3.000 tệ. Đôi lúc anh ấy đưa 5.000 tệ.

Có lần anh ấy lại đến đổi tiền giấy, chỉ hai ngày sau khi tôi đưa anh. Tôi ngạc nhiên về tốc độ mà anh dùng tiền. Hóa ra là anh ấy đi đến một cửa hàng và nói cho chủ cửa hàng biết sự thật về Pháp Luân Đại Pháp, sau đó hỏi xem liệu người chủ cửa hàng có muốn dùng tiền giấy có thông điệp về Pháp Luân Đại Pháp in trên đó không. Người chủ cửa hàng đã gật đầu đồng ý và đổi 500 tệ sau khi minh bạch chân tướng về Đại Pháp.

Khi đi du lịch, anh ấy nói với các hành khách ngồi cạnh anh chân tướng về Đại Pháp mà không sợ hãi. Khi anh gặp các học viên giảng chân tướng, anh ấy vui vẻ nói với họ rằng: “Anh trai tôi cũng tu luyện Đại Pháp!”

Bà của tôi và hai dì của tôi đã minh bạch chân tướng về Đại Pháp. Họ đã ủng hộ và bảo vệ các học viên Đại Pháp. Họ đã thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

Bà tôi thường nói với bạn bè và người thân của bà rằng em của tôi và tôi là những đứa cháu tốt nhất của bà. Bà nói chúng tôi biết kính trọng, thấu hiểu và nhân từ với người khác. Nếu bà nghe bất cứ tin gì về cuộc bức hại bà sẽ bảo với chúng tôi ngay và thường nhắc chúng tôi nên bảo trọng và giữ an toàn. Có lần bà bảo chúng tôi nên nói với các học viên khác đừng đi xe buýt vì sở cảnh sát địa phương yêu cầu nhân viên giao thông công cộng theo dõi nơi ở của các học viên địa phương và sẽ báo cáo lại khi thấy họ đi xe buýt.

Trong những năm bị bức hại này, bà tôi cũng phải chịu rất nhiều áp lực. Vào một năm nọ, quận của tôi phát động một cuộc truy bắt toàn quận đối với tất cả các học viên địa phương. Họ đã đến nhà của bà tôi đầu tiên. Bà tôi vội gọi về nhà tôi ngay sau khi họ đi khỏi, nhưng bà quá sợ và lo lắng đến mức không bấm được số chính xác. Nên không gọi được cho tôi. Cuối cùng, nhà tôi đã bị lục soát và em của tôi phải rời nhà để tránh bị bức hại. Bà tôi đã tự trách mình vì không gọi được cho chúng tôi.

Khi được 85 tuổi bà tôi có làm phẫu thuật để cắt bỏ khối u não. Bác sĩ phẫu thuật nói rằng họ không thể cắt bỏ khối trên dây thần kinh não cho bà và nói rằng bà chỉ có thể sống thêm nhiều nhất là một hoặc hai năm. Bà tôi đã niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân–Thiện–Nhẫn hảo!

Bà bị mất thị lực ở tuổi 89 do ảnh hưởng của khối u và phải đi viện một lần nữa. Vị bác sĩ từng làm phẫu thuật cắt bỏ một phần khối u não cho bà đã nhận ra bà và nói với gia đình tôi rằng: “Ủa bà vẫn còn sống à?“ Dựa trên tình trạng của bà khi ấy thì bà chỉ có thể sống nhiều nhất là khoảng một hoặc hai năm, tuy nhiên đã 4-5 năm trôi qua rồi.

Sau khi bị mất thị lực, bà thường khóc do những cản trở trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, Đại Pháp thường triển hiện cho bà thấy những cảnh tượng kỳ diệu. Bà thường nhìn thấy đủ các loại hoa đua nở trong nhà thông qua thiên mục. Bà nói bà không biết chúng là loại hoa gì nhưng đơn giản là chúng rất đẹp và mọc thành từng chùm từng chùm. Bà thường mơ thấy mình đang bay trong hạnh phúc. Bà ra đi thanh thản ở tuổi 91.

Cả hai dì của tôi đều ủng hộ Đại Pháp và thấu hiểu chúng tôi. Họ đã giúp chúng tôi bằng mọi cách có thể. Chồng của một trong hai người dì đã dùng xe máy chở em tôi trốn thoát ra khỏi thị trấn. Dì tôi đã đến thăm em tôi khi em bị bắt và bị cầm tù, nhưng các quan chức nhà tù không cho dì gặp em tôi. Trong những năm đó, cả hai dì của tôi đều để dành tiền cho em tôi. Cách đây 4 năm, ngôi nhà gỗ của dì ở vùng sâu vùng xa bất ngờ bị phá bỏ và đền bù bằng hai căn hộ. Tôi biết dì đã được ban phúc nhờ bảo vệ các học viên Đại Pháp trong hoàn cảnh khó khăn.

Còn có nhiều câu chuyện khác nữa cũng làm tôi xúc động. Trong suốt hơn 20 năm qua, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã kiên trì giảng chân tướng cho toàn thế giới bất chấp áp lực và nguy hiểm. Tôi hy vọng tất cả những người tốt sẽ biết sự thật về Pháp Luân Đại Pháp và được bình an.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/16/437190.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/6/204168.html

Đăng ngày 05-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share