Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-12-2022] Ngày 9 tháng 7 năm 2020, 5 cư dân thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã bị hơn 50 cảnh sát bắt giữ vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện tinh thần đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Tất cả họ đều bị kết án vào tháng 12 năm 2020 và bị đưa vào Nhà tù Nữ Hắc Long Giang vào tháng 9 năm 2021.

Năm học viên nói trên cùng với hai học viên khác bị giam trong cùng nhà tù này và hiện đã xác nhận được rằng họ bị tra tấn tàn bạo bằng nhiều hình thức khi bị giam giữ.

Các vụ bắt giữ và án tù

Công an tỉnh Hắc Long Giang, Công an thành phố Đại Khánh và Công an Lâm Điện đã phái hơn 50 cảnh sát đến bắt giữ bà Tiết Lệ Uy, bà Lộ Triêu Ba, bà Đổng Na, bà Trần Vệ Ba và bà Vương Ngọc Hồng vào ngày 9 tháng 7 năm 2020. Cảnh sát còn lục soát nhà của các học viên và thẩm vấn họ.

Bà Lộ được tại ngoại vào ngày hôm sau do có vấn đề về chân và tim mạch. Bốn học viên còn lại bị đưa đến Trại tạm giam huyện Đỗ Mông. Bà Đổng được tại ngoại 10 ngày sau đó. Bà Lộ và bà Đổng lại bị bắt vào ngày 11 tháng 8 năm 2020 và bị đưa đến trại tạm giam huyện Đỗ Mông.

Các học viên bị chuyển đến Trại giam Số 2 thành phố Đại Khánh vào ngày 16 tháng 8 và bị kết án vào ngày 23 tháng 12 năm 2020. Bà Lộ và bà Vương bị kết án 7 năm tù và mỗi người bị phạt 70.000 nhân dân tệ. Bà Trần và bà Tiết bị kết án 4 năm tù và mỗi người bị phạt 40.000 nhân dân tệ. Bà Đổng bị kết án 3,5 năm tù và phạt 30.000 nhân dân tệ.

Bà Vương và bà Lộ đã đệ đơn kháng cáo nhưng đều bị bác bỏ.

Ngày 14 tháng 9 năm 2021, tất cả 5 học viên đều bị đưa đến đội huấn luyện của Nhà tù Nữ Hắc Long Giang.

Sau khi đợt huấn luyện kết thúc vào tháng 10 năm 2021, các học viên bị đưa đến Đội 12 của Khu 8. Các tù nhân bắt họ đứng trong phòng chứa nước, nhà vệ sinh và nhà kho. Các học viên còn bị bắt ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ và liên tục bị yêu cầu phải từ bỏ đức tin của mình.

Bà Tiết bị chuyển đến phòng giam 510 sau khi nhà tù chuyển đến một tòa nhà mới. Bà bị đưa đến phòng giam 509 vào ngày 2 tháng 1 năm 2022, nơi bà Lộ đang bị giam giữ.

Ngoài 5 học viên nói trên, 2 học viên khác đã bị kết án trước đó cũng đang bị tra tấn ở trong Nhà tù Nữ Hắc Long Giang. Bà Trương Thục Chi bị kết án 5,5 năm tù vào ngày 18 tháng 4 năm 2018 và bà Vương Kiến Huy 5 năm tù và khoản tiền phạt 30.000 nhân dân tệ vào ngày 3 tháng 6 năm 2021.

Dưới đây là thông tin chi tiết về những bức hại mà các học viên đã trải qua từ trước đến nay.

Bà Tiết Lệ Uy

Bà Tiết Lệ Uy (48 tuổi) là một giáo viên dạy toán tại Trường Trung học Số 2 huyện Lâm Điện. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2007. Vì đệ đơn kiện cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân tội ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công, bà đã bị bắt vào ngày 22 tháng 10 năm 2015. Bà bị giam trong 15 ngày và bị phạt 1.000 nhân dân tệ.

Vào ngày 2 tháng 9 năm 2019, các viên chức của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL) đã đến trường của bà Tiết và sách nhiễu bà. Họ tra hỏi bà rằng có phải bà đã nói chân tướng Pháp Luân Công với học sinh và giáo viên trong trường hay không.

Bà Lộ Triêu Ba và bà Trần Vệ Ba

Bà Lộ Triêu Ba (51 tuổi) là giáo viên của một trường tiểu học ở huyện Lâm Điện. Bà luôn hành xử chiểu theo các Pháp lý của Pháp Luân Công và được khen ngợi là một giáo viên giỏi.

Bà Lộ bị bắt vào ngày 22 tháng 10 năm 2015 vì đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân. Bà bị giam 15 ngày và bị phạt 1.000 nhân dân tệ.

Bà đã bị cảnh sát Tây Trạm bắt tại một nhà ga xe lửa vào ngày 4 tháng 4 năm 2018 và bị khám người ở trong phòng cảnh sát. Bà được hỏi liệu bà có quen biết với một học viên khác đang bị cầm tù không. Cảnh sát tịch thu đồ đạc cá nhân của bà và lấy chìa khóa xe của bà để lục soát chiếc xe. Toàn bộ quá trình diễn ra trong hơn 2 tiếng.

Bà Lộ bị bắt vào ngày 9 tháng 7 năm 2020 và sau đó bị kết án 7 năm tù và bị đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang. Sau khi nhà tù chuyển đến một tòa nhà mới, bà bị đưa đến Đội 9 và phân vào phòng 509. Người tù nhân phụ trách giám sát các học viên và báo cáo họ với lính canh.

Bà Trần Vệ Ba (46 ​​tuổi) là giáo viên ở huyện Lâm Điện. Bà bị kết án 4 năm và bị giam trong phòng 502 của Nhà tù Nữ Hắc Long Giang sau khi nhà tù này chuyển đến một tòa nhà mới.

Bà Đổng Na

Bà Đổng Na (53 tuổi) là một giáo viên mỹ thuật ở huyện Lâm Điện. Bà bị kết án 3,5 năm tù và phạt 30.000 nhân dân tệ.

Bà Đổng bị đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang vào đầu năm 2021, ở đây bà bị ép phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ khi bà từ chối viết cam kết từ bỏ đức tin của mình. Một tù nhân đã đá vào người bà, các tù nhân khác thì cố ép bà từ bỏ tu luyện. Trong vòng 1 tháng, bà liên tục bị chuyển từ Đội 5 sang Đội 14, và sau đó là Đội 11.

Hai chiếc giường tầng được kê sát vào nhau để sáu tù nhân ngủ chung, ba người ở giường trên và ba người ở giường dưới. Bà Đổng được chỉ định ngủ với hai tù nhân khác ở chiếc giường tầng trên. Hai tù nhân kia được phát xốp và đệm mút, nhưng bà Đổng thì không có gì cả. Một tù nhân sau đó đã đưa cho bà một chiếc chăn nhỏ và rất mỏng, tương đương với kích thước của một chiếc chăn của trẻ sơ sinh.

Bà Đổng phải đợi một trong hai người cùng giường với mình cho phép trước khi bà có thể thông qua giường của họ để leo lên chiếc giường tầng trên. Nếu bất kỳ ai trong số sáu người (cả tầng trên và dưới) phải sử dụng nhà vệ sinh vào ban đêm, mọi người sẽ bị đánh thức do chiếc giường rung lắc. Thấy mọi người mệt mỏi sau cả ngày làm việc, bà không muốn đánh thức họ vào nửa đêm để đi vệ sinh. Kết quả là bà không thể ngủ ngon và bị huyết áp rất cao.

Bà Đổng cũng bị cưỡng bức lao động. Bà được phân công làm sản phẩm mi mắt giả và công việc kéo dài đến mức không có thời gian nghỉ ngơi.

2016-8-10-minghui-beijing-lili-13.jpg

Minh họa tra tấn: Lao động cưỡng bức trong nhà tù

Bà Vương Ngọc Hồng

Bà Vương Ngọc Hồng (55 tuổi) làm kế toán tại một cửa hàng hạt giống ở thành phố Đại Khánh. Bà đã bị bắt nhiều lần và bị giam giữ trong 22 năm qua. Lương của bà cũng bị đình chỉ.

Tháng 12 năm 1999, bà Vương đã bị giam giữ trong 12 ngày vì đã ký tên vào một biểu ngữ có nội dung “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.

Ngày 31 tháng 12 năm 2000, bà bị bắt và giam trong 3 tháng. Bà bị treo lương và cho thôi việc. Cảnh sát đã gia hạn giam giữ bà thêm 3 tháng 5 ngày. Bà được trả tự do vào tháng 7 năm 2001 và bị tống tiền 3.000 nhân dân tệ để được tại ngoại. Công việc của bà không được khôi phục.

Bà Vương bị bắt vào ngày 3 tháng 5 năm 2017 sau khi bà đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân. Bà bị giam 15 ngày và bị phạt 1.000 nhân dân tệ.

Bà lại bị bắt vào ngày 9 tháng 7 năm 2020 và bị kết án 7 năm. Bà bị phạt 7.000 nhân dân tệ và bị đưa đến Nhà tù nữ Hắc Long Giang vào ngày 14 tháng 9 năm 2021.

Bài liên quan:

Người phụ nữ Hắc Long Giang bị kết án bảy năm tù vì đức tin của mình

Kháng cáo bị từ chối, một phụ nữ ở tỉnh Hắc Long Giang phải chịu bảy năm tù giam vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Bà Trương Thục Chi

Bà Trương Thục Chi (72 tuổi) từng mắc một số căn bệnh trước khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Bà nối tiếng là một người phụ nữ tốt bụng.

Bà Trương và con gái bà, cô Hầu Hiểu Diễm, bị bắt vào năm 1999 vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Họ bị giam trong trại tạm giam thành phố Đại Khánh 1 tháng sau khi bị bắt vào ngày 18 tháng 10. Sau đó họ bị chuyển đến trại tạm giam quận Đại Đồng và bị tạm giam 15 ngày.

Tháng 2 năm 2000, bà Trương bị giam tại trại tạm giam huyện Đại Đồng trong vài ngày. Bà lại bị bắt vào ngày 1 tháng 6 năm 2001 vì dán biểu ngữ Pháp Luân Công. Bà bị giam trong Trại Lao động Cai nghiện tỉnh Hắc Long Giang.

Bà Trương bị kết án 4 năm tù ở tỉnh Hắc Long Giang vào năm 2005.

Sau đó bà Trương và cô Hầu bị bắt vào ngày 10 tháng 10 năm 2017 và bị đưa đến trại tạm giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân. Họ đã bị kết án lần lượt là 5,5 năm và 5 năm sau khi bị đưa ra xét xử vào ngày 18 tháng 4 năm 2018. Hiện đang thụ án ở trong Nhà tù Nữ Hắc Long Giang.

Vào ngày đầu tiên khi bà Trương đến Đội 13 của Khu 8, các tù nhân bắt bà ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong phòng chứa nước và nhà kho. Trong những ngày tiếp theo, bà bị bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ để xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Một tháng sau, bà bị đưa đến đội 16 và sau đó là đội 19. Cuộc bức hại khiến cả hai mắt bà Trương bị mờ dần, và gia đình bà phải bỏ tiền để bà phẫu thuật. Hiện bà ấy vẫn bị mờ một bên mắt.

Khi nhà tù chuyển đến tòa nhà mới vào tháng 11 năm 2021, bà Trương được phân vào phòng 604.

Một số tù nhân cưỡng chế tất cả các học viên xem video phỉ báng Pháp Luân Công hàng ngày hoặc nghe hội thảo về các tôn giáo khác. Các học viên, dù khỏe hay không khỏe cũng đều phải tham gia các buổi học và không được cúi thấp đầu hay chớp mắt. Họ cũng cần phải ngồi thẳng lưng nếu không sẽ có nguy cơ bị lăng nhục trước mặt mọi người và báo cáo với đội trưởng, điều này sẽ khiến các tù nhân khác bị liên lụy và bị trừ điểm.

Các học viên cũng bị buộc phải viết báo cáo học tập mỗi tuần một lần.

Bài liên quan:

Mẹ già và con gái thụ án vì tu luyện Pháp Luân Công, gia đình không được phép vào thăm

Bà Vương Kiến Huy

Tháng 2 năm 2022, 20 học viên Pháp Luân Công tại Nhà tù Nữ Hắc Long Giang đã bị tra tấn trong nhà vệ sinh, phòng phơi đồ, phòng chứa nước, phòng tắm và nhà kho. Họ bị bắt ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ, phải đứng lâu, nhịn đi vệ sinh, bắt chịu rét dưới tiết trời buốt giá, bị đánh đập và không được phép ngủ. Trước đây, các học viên được phép phơi đồ hoặc giặt quần áo của họ. Sau khi bị giới hạn, họ chỉ được giặt quần áo và tắm rửa trong phòng giam hoặc phòng vệ sinh. Các tù nhân giám sát họ đã tự ý phơi hoặc lấy quần áo của học viên.

Các học viên bị buộc phải ngồi trong tư thế thẳng người. Trước đây họ được yêu cầu ngồi đối diện với hành lang. Tù nhân phụ trách sẽ hướng dẫn các học viên ngồi đối diện với cửa sổ cho tới khi cửa của hai phòng giam đối diện nhau. Họ không được phép nhìn ra ngoài cửa ngay cả trong giờ ăn, hoặc đi sang các phòng khác.

Phòng giam nào cũng có hai bồn rửa bên ngoài hành lang. Một là để tù nhân rửa bát, rửa mặt hoặc lấy nước, và một bồn để tiểu tiện. Có một căn phòng nhỏ án giữa hai bồn rửa. Một chiếc giường được bố trí trong phòng và một cánh cửa điện tử được điều khiển tự động bởi lính canh. Để các học viên khác không nhìn thấy màn tra tấn, lính canh sẽ điều khiển cánh cửa hạ xuống khi có học viên bị đánh đập hoặc trừng phạt.

2012-8-1-cmh-pohai-kuxing-drawing-04--ss.jpg

Minh họa tra tấn: Bị đánh và đập đầu vào tường

Tòa nhà mới có thiết bị giám sát rất tiên tiến không có điểm mù. Sẽ không có lính canh nào có mặt nếu các học viên bị đánh, nhưng chỉ cần học viên nào hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, cửa điện tử của phòng giam sẽ ngay lập tức đóng lại.

Khi các học viên được lệnh đến sảnh hội trường để xem các video phỉ báng Pháp Luân Công, họ sẽ bị hai tù nhân, một người phía trước và một người phía sau kèm chặt. Nếu hai học viên vô tình đi cùng nhau, đội trưởng quản lý có thể bị trừng phạt. Trước đây, các học viên không bắt buộc phải xem tin tức tuyên truyền hàng ngày của CCTV vào buổi tối, nhưng các quy tắc sau đó đã thay đổi và tất cả mọi người đều phải xem cùng nhau.

Ngày 2 tháng 1 năm 2022, tù nhân Phạm Tú Mai được chỉ định quản lý 100 tù nhân ở tầng sáu thay cho người tiền nhiệm Tôn Tinh, được chuyển đến tầng hai để phụ trách bức hại các học viên.

Do điều kiện sống tồi tệ trong nhà tù, nhiều tù nhân đã tham gia bức hại các học viên bất chấp để đổi lấy việc được giảm thời hạn. Đổi lại họ được thưởng những phần ăn trưa, thức ăn đặt từ cửa hàng bên ngoài, hoa quả và có nhiều thời gian hơn để gọi điện cho gia đình. Lính canh đã nhắm mắt làm ngơ ngay cả khi họ chứng kiến ​​cảnh các học viên bị tra tấn.

Bà Vương Kiến Huy (50 tuổi) là kỹ thuật viên bệnh viện tại Bệnh viện Đa khoa mỏ dầu Đại Khánh. Bà bị bắt vào chiều ngày 22 tháng 11 năm 2020 và bị giam tại trại tạm giam số 2 thành phố Đại Khánh. Bà bị kết án 5 năm và bị phạt 30.000 nhân dân tệ vào ngày 3 tháng 6 năm 2021, sau đó bị chuyển đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang vào đầu năm 2022.

Các học viên đã từng nghe có tiếng ai đó bị đánh trong khi hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo“ và sau đó người này bị kéo đi. Các học viên khác nghi ngờ rằng người đó là bà Vương nhưng họ không biết bà bị đưa đến đâu. Kể từ đó, họ đã không còn gặp lại bà ấy nữa.

Bài liên quan:

Từng bị 9 năm tù giam và chịu đựng sự tra tấn, người phụ nữ Hắc Long Giang lại phải đối mặt với việc bị kết án tù

Các tù nhân tham gia bức hại:

Bạch Anh: Bị kết án 15 năm vì buôn bán ma túy
Trương Dương: Không rõ
Dương Văn Sướng: tù chung thân về tội giết người
Lý Miểu: 5 năm tù vì án kinh tế
Lưu Dương: tù chung thân vì buôn bán ma túy
Vương Xu: không rõ
Hoàng Hiểu Hà: tù chung thân vì buôn bán ma túy
Tôn Tinh: tử hình (nhưng được ân xá) vì tội mua bán ma túy
Cao Văn Đào: Không rõ
Ngô Quế Như: không rõ
Lý Duyên: 15 năm tù vì mua bán ma túy
Nguyên Cánh Phương: tù chung thân vì lừa đảo
Thiệu Tú Bình: tù chung thân về tội giết người
Đổng Tiểu Phiến: tử hình (được ân xá) vì tội lừa đảo
Tân Hiểu Lôi: 15 năm tù vì mua bán ma túy
Lưu Dung: 15 năm tù vì mua bán ma túy
Khổng Khánh Linh: tù chung thân

Bài liên quan:

Người phụ nữ Hắc Long Giang bị kết án bảy năm tù vì đức tin của mình

Mẹ già và con gái thụ án vì tu luyện Pháp Luân Công, gia đình không được phép vào thăm

Từng bị 9 năm tù giam và chịu đựng sự tra tấn, người phụ nữ Hắc Long Giang lại phải đối mặt với việc bị kết án tù

Hắc Long Giang: Sáu người dân bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Kháng cáo bị từ chối, một phụ nữ ở tỉnh Hắc Long Giang phải chịu bảy năm tù giam vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/30/454021.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/11/206127.html

Đăng ngày 08-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share