Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-11-2022] Sau khi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chế độ Cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông ta đã huy động toàn xã hội, bao gồm cơ quan hành pháp, các viện kiểm sát, tòa án, Trại tạm giam, trường học, và các doanh nghiệp, để tiến hành chính sách triệt hạ của ông ta nhằm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể [các học viên]”. Giang đã từng ra lệnh cho cơ quan hành pháp và lính canh tại các cơ sở giam giữ (gồm các trại lao động cưỡng bức, trại tạm giam, nhà tù và các trung tâm tẩy não) rằng họ có thể báo cáo những trường hợp học viên Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết là do tự tử. Những cảnh sát, lính canh và tù nhân tham gia đánh đập các học viên không những không phải chịu trách nhiệm, mà còn được thăng chức hoặc giảm thời hạn giam giữ.

Theo đó, cảnh sát và lính canh tra tấn các học viên ngày càng trắng trợn. Một số công khai tuyên bố rằng họ là sát thủ còn một số nói rằng họ tuân theo chế độ đánh đập các học viên. Chẳng hạn như, mới đây, ông Bành Thụ Minh, một bác sỹ Trung y ở thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông, đã bị sưng mắt, chảy máu mũi và đau ở xương sườn trong suốt ba tuần sau khi bị lính canh đánh đập ở trại tạm giam. Khi luật sư của ông chất vấn các lính canh vì đã đánh đập ông, họ đáp, “Ông ta đã hồi phục rồi sao?”.

Mặc dù ông Bành đã sống sót sau khi bị tra tấn, có nhiều học viên khác đã không qua khỏi. Để che đậy tội ác, đôi khi các nhà chức trách công bố các học viên bị chết do đau tim hoặc đột quỵ. Rất nhiều gia đình bị ngăn cấm không được nhìn thi thể của các học viên cũng như video giám sát những ngày cuối đời của họ. Thi thể của một số học viên còn bị buộc đem hỏa táng mà không có sự đồng ý của gia đình.

Ngày 14 tháng 12 năm 2022, trang Minghui.org đã xác nhận và công bố cái chết của 4.884 học viên Pháp Luân Công. Tuy nhiên, trên thực tế số người bị chết được cho là cao hơn rất nhiều so với những gì Minghui có thể xác minh do sự kiểm soát thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc.

Dưới đây chỉ là một vài trường hợp tử vong do tra tấn trong hai thập niên vừa qua.

Ông Trương Kiện Hoa

Trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù Cát Lâm, ông Trương Kiện Hoa, cư dân thành phố Du Thụ, đã bị trói vào chiếc giường kéo căng với thân thể lơ lửng trên không. Bàn tay và bàn chân của ông đã phải chịu những cơn đau dữ dội. Đồng thời, lính canh còn bức thực ông dã man. Do ông từ chối hợp tác, lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân phủ chăn lên người ông và đánh ông khiến vùng ngực và bụng của ông bị sưng lên. Bất chấp tình trạng đó của ông, các lính canh vẫn tiếp tục trói ông vào chiếc giường kéo căng và sốc điện khắp người ông. Họ tiếp tục trói ông qua đêm. Khi các tù nhân đến kiểm tra ông vào ngày hôm sau, ngày 22 tháng 1 năm 2004, tức ngày mồng 1 Tết, ông đã qua đời từ lâu.

831b022c14eeb257cf8ac3e788590af9.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Giường kéo căng

Ông Vương Khải Ba

Ông Vương Khải Ba, ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm bị bắt giữ phi pháp vào ngày 13 tháng 7 năm 2002, sau đó bị kết án bảy năm tù trong Nhà tù Cát Lâm. Các tù nhân đã giám sát ông suốt ngày đêm và bắt ông phải ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong ít nhất 14 giờ mỗi ngày mà không được cử động. Đồng thời, họ còn đá vào lưng và dùng gậy tre đánh vào cánh tay ông. Ngày 28 tháng 3 năm 2007, nhà tù tuyên bố rằng ông Vương đã bị đột quỵ và ra lệnh cho gia đình đến nhà tù để thăm ông.

Theo lời kể của gia đình ông, đồng tử của ông Vương đã bị giãn. Trong miệng, lỗ mũi và trên quần áo của ông đều có máu. Ông đã qua đời vài giờ sau đó ở tuổi 47. Nhà tù không cho phép gia đình được chụp hình thi thể của ông và đã cưỡng ép hỏa táng thi thể ông.

Cô Trương Đức Trân và cô Lưu Thục Phân

Cô Trương Đức Trân là giáo viên sinh học tại trường Trung học số 6 huyện Mông Âm, tỉnh Sơn Đông. Cô bị bắt vào ngày 19 tháng 9 năm 2002, và bị giam giữ tại trại tạm giam Mông Âm. Các lính canh đã đá cô và đánh cô bằng dùi cui cao su. Họ cũng bức thực cô khi cô tuyệt thực để phản đối.

Cô Trương đã qua đời sau khi bị tiêm thuốc độc vào ngày 29 tháng 1 năm 2003. Theo lời kể của anh trai cô, cơ thể cô đã bị cuộn tròn và có đầy các vết bầm tím và thương tích. Cô đã vô cùng tiều tụy. Khi anh trai cô từ chối ký giấy đồng ý hỏa táng, cảnh sát đã đánh anh để ép anh phải đồng ý.

Một học viên khác, cô Lưu Thục Phân, cũng đã bị đánh đến chết tại trại tạm giam trong cùng ngày. Phòng 610 đã đe dọa người nhà của cô rằng sẽ không có cách nào để họ có thể đi tìm công lý cho cô ở bất cứ đâu.

Bà Vương Thục Khôn

Bà Vương Thục Khôn, bác sỹ nội khoa 66 tuổi ở thành phố Hải Lâm, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị ra lệnh ép từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công vào cuối tháng 6 năm 2020. Do bà từ chối tuân theo, cảnh sát đã đánh bà trong nhiều giờ. Bà bị đau nhói ở chân nên đã xin cảnh sát để cho bà đi. Họ đồng ý nhưng đe dọa sẽ quay lại bắt bà sau vài ngày.

Bác sỹ Vương phải bò lên cầu thang để trở về căn hộ của bà. Chồng bà để ý thấy bà có những vết bầm tím trên cơ thể. Xương bánh chè của bà bị gãy và toàn thân bà ướt đẫm mồ hôi. Chiều ngày 1 tháng 7, bà cảm thấy rất chóng mặt, buồn nôn và xuất hiện các triệu chứng xuất huyết não. Bà đã ra đi oan uổng vào khoảng 4 giờ 25 phút sáng ngày 2 tháng 7.

Ông Lữ Quan Như

Ông Lữ Quan Như ở thành phố Đại Khánh tỉnh Hắc Long Giang bị bắt vào ngày 9 tháng 11 năm 2018. Khi đang bị giam trong trại tạm giam Đại Khánh, cảnh sát đã thẩm vấn ông và bắt ông phải đeo cùm trong nhiều giờ. Khi ông Lữ tuyệt thực để phản đối việc bức hại, lính canh đã bức thực ông, khiến ông bị nôn ra máu và bị suy tim. Ông đã nhiều lần cận kề cái chết và phải hồi sức tại bệnh viện.

Ông Lữ đã bị kết án 7 năm tù với khoản tiền phạt 40.000 nhân dân tệ vào ngày 1 tháng 7 năm 2019. Ông bị chuyển đến Nhà tù Thái Lai vào tháng 11 năm 2019. Nhà tù ra lệnh quản ông một cách nghiêm ngặt và biệt giam ông trong một tháng. Ông Lữ qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 2021, thọ 69 tuổi.

Ông Công Phi Khải

Ông Công Phi Khải, nguyên là Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn Pháo binh Phòng không Dự bị tỉnh Sơn Đông. Ngày 20 tháng 7 năm 2018, ông bị kết án bảy năm rưỡi tù tại Nhà tù Sơn Đông ở Tế Nam.

Nhà tù Sơn Đông khét tiếng trong việc tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Rất nhiều học viên đã bị tra tấn đến mức bị thương, tàn tật, hoặc tử vong trong nhà tù này. Bị các lính canh xúi giục đánh các học viên, một số tù nhân nói, “Chúng tôi được ra lệnh là không được giết các người, nhưng phải khiến các người sống như trong địa ngục trần gian – để các người thấy thà chết còn hơn phải sống”.

Do chịu áp lực tinh thần khủng khiếp từ cuộc bức hại, ông Công đã bị huyết áp rất cao (260/100 mmHg). Có những lúc huyết áp của ông lên cao tới mức không thể đo được nữa. Ông cũng bị từ chối không cho sử dụng nhà vệ sinh và bị ép ngồi trên một chiếc ghế đẩu trong nhiều giờ. Các lính canh đã bỏ đói ông và không cho ông mua thêm đồ ăn. Đồng thời, họ ép ông phải ngồi xem những video tẩy não với âm lượng tối đa.

Ông Công đã qua đời trong nhà tù vào ngày 12 tháng 4 năm 2021, ở tuổi 66. Gia đình ông trông thấy đầu ông sưng vù và ướt sũng bởi các vết thương. Tai ông còn bị chảy máu.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/11/30/452533.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/16/205203.html

Đăng ngày 03-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share