Bài viết của Nhất Ngôn
[MINH HUỆ 16-01-2023] Trong mắt nhiều người Trung Quốc, hiện có hai phiên bản Trung Quốc tùy thuộc vào tiêu điểm của từng người đặt vào đâu: một là quốc gia vẫn đang bị đại dịch tàn phá nếu đặt tiêu điểm vào các bệnh viện và lò hỏa táng quá tải; hai là là một quốc gia đã thoát khỏi đại dịch và trở lại bình thường nếu nhìn vào những con phố đông đúc và các điểm du lịch.
Phiên bản thứ hai là điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn cho người dân Trung Quốc và toàn thế giới thấy bằng cách chấp nhận để xảy ra phiên bản thứ nhất. Nói cách khác, chính quyền cộng sản muốn có nhiều người nhiễm bệnh càng nhanh càng tốt để đạt được miễn dịch cộng đồng, từ đó cho phép đất nước quay lại các hoạt động bình thường. Tính đến nay, đã có gần một tỷ người Trung Quốc bị nhiễm bệnh. Cho dù có 10 triệu người chết thì tỷ lệ tử vong cũng chỉ là 1%, là tỷ lệ mà ĐCSTQ và thậm chí nhiều người Trung Quốc sẽ coi là tương đối thấp. Như vậy, sẽ không có cú sốc lớn nào đối với xã hội.
Trong khi nhiều báo cáo của các phương tiện truyền thông phương Tây tập trung vào các bệnh viện và lò hỏa táng của Trung Quốc, họ có thể sẽ phải suy nghĩ lại khi chuyển sự chú ý sang các đường phố, cửa hàng hoặc điểm du lịch nhộn nhịp. Họ có thể nghĩ các ca nhiễm và tử vong có thể chỉ là một sự cố nhỏ trong quá trình Trung Quốc trở lại bình thường sau đại dịch.
Tuy nhiên, đây là sự ảo tưởng mà ĐCSTQ tạo ra, đó là Trung Quốc đang thịnh vượng dưới sự cai trị của “ĐCSTQ vinh quang”. Khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, người dân Trung Quốc đã có một ảo tưởng như vậy. Để thực sự biết sự thật, người Trung Quốc cần phải xem người thân, họ hàng, đồng nghiệp và những người khác trong cộng đồng của họ thực sự sống như thế nào. Thông tin này đáng tin cậy hơn nhiều so với “tin tức” do các phương tiện truyền thông nhà nước cung cấp cho họ, hoặc những gì họ tiếp nhận được như những người hoàn toàn xa lạ về cuộc sống của chính họ. Rốt cuộc, từ dưới 600 triệu dân vào năm 1950 lên 1 tỷ vào năm 1982, và 1,4 tỷ vào năm 2016, Trung Quốc luôn là quốc gia đông dân nhất thế giới, năm 2022 vẫn vậy. Kết quả là, nếu một tỷ lệ rất thấp người dân mất tích hoặc chết do sự đàn áp hoặc các chính sách khác của chính phủ, người ta có thể không nhận ra cho đến khi chính họ, người thân hoặc bạn bè của họ gặp phải thảm kịch tương tự.
Những con số bị lãng quên
Khi ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào các nhà tư bản và tịch thu tài sản của họ một cách tàn nhẫn trong các chiến dịch Tam phản, Ngũ phản vào những năm 1950, nhiều chủ doanh nghiệp cảm thấy vô vọng đến mức họ đã tự sát để khỏi bị đàn áp thêm. Trần Nghị, thị trưởng Thượng Hải lúc bấy giờ, trong khi thưởng thức bữa trà chiều đã hỏi thư ký của mình: “Hôm nay có bao nhiêu lính dù [những thương gia nhảy lầu tự tử]?”
Đây là một trong vô số bi kịch mà mọi người đã lãng quên. Tương tự, nhiều địa chủ ở nông thôn đã bị sỉ nhục và giết hại, vợ và con gái của họ bị hãm hiếp, nhưng những người sống ở Bắc Kinh không biết. Trong cuộc vận đống Chống Cánh hữu (1957-1959), ở một số khu vực, 5% trí thức đã bị tấn công theo chỉ thị của Mao Trạch Đông, nhưng không có trường hợp nào được đăng lên báo vào thời điểm đó. Thay vào đó, các phương tiện truyền thông đã công khai tuyên truyền của ĐCSTQ nhằm kích động lòng thù hận đối với giới trí thức.
Lịch sử kiểu tẩy não tiếp tục lặp lại trong những năm gần đây. Bất kể có bao nhiêu người chết trong đại dịch SARS năm 2003, mọi người có thể không chú ý khi nhìn vào đường phố Thượng Hải. Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999 và ra lệnh giết hại các học viên vô tội để lấy nội tạng của họ. Các bệnh viện và bác sỹ phẫu thuật biết về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, nhưng dân chúng không biết – cho đến khi một số người phát hiện ra con cái của họ bị mất tích, có thể là mục tiêu của nạn thu hoạch nội tạng.
Đây là thảm kịch thực sự: mọi người làm ngơ trước những mất mát của người khác, chứ chưa nói đến việc giúp đỡ. Sau Cách mạng Văn hóa (1966-1976), một lượng lớn các đảng viên trung thành của ĐCSTQ đã bị đưa đến các vùng sâu vùng xa và bị hành quyết bí mật, nhưng dân chúng có thể không nhận thấy, vì số người trên đường phố vẫn gần như không thay đổi.
Trong đại dịch hiện nay, ĐCSTQ hiếm khi cho phép nêu COVID là nguyên nhân tử vong trong giấy chứng tử, và nhiều người nhà của những người đã khuất phải im lặng, không dám chất vấn chính quyền. Họ đã học cách duy trì cuộc sống như bình thường để được “an toàn” trước sự trả thù hoặc bức hại của chính quyền này.
Trung Quốc tự hào có dân số đông nhất thế giới. Ngay cả khi hàng triệu hay hàng chục triệu người chết trong một chiến dịch chính trị, thì đó vẫn là một phần tương đối nhỏ trong tổng dân số. Dưới sự tẩy não lâu dài bằng tuyên truyền thù hận đối với các nhóm mục tiêu, công chúng không biết hoặc không quan tâm đến sự đau khổ của nạn nhân – cho đến khi chính họ trở thành nhóm nạn nhân tiếp theo.
Cuộc sống và tương lai của chúng ta
Nhưng trong quá khứ Trung Quốc không như vậy. Vào thời cổ đại, con người tin vào lòng tốt, sự trung thực, và tôn trọng lẫn nhau, cho đến khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949. Trong hàng nghìn năm, người dân tin vào việc hướng thiện, cải thiện bản thân và đạt được sự hài hòa giữa Thiên-Địa-Nhân.
Chính ĐCSTQ đã nhồi nhét hệ tư tưởng cộng sản giả-ác-đấu, giết hại thường dân Trung Quốc vô tội, đe dọa thế giới và hủy hoại tương lai của con em chúng ta. Đã đến lúc lùi lại, tìm lại lương tâm và quay trở lại con đường của chúng ta.
Trong các nền văn hóa, người ta tin rằng bệnh dịch nhắm vào những người hành ác trong kiếp này hoặc kiếp trước, chẳng hạn như những tội ác liên quan đến cuộc đàn áp tôn giáo của Đế chế La Mã. Khi ĐCSTQ đã vươn lên trở thành một nền kinh tế lớn trên thế giới, nó cũng đã xâm nhập vào nhiều quốc gia khác và xuất khẩu cuộc đàn áp các nhóm tín ngưỡng của nó, như đối với các học viên Pháp Luân Công. Giờ đây, điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải loại bỏ ĐCSTQ để đảm bảo một tương lai lành mạnh và an toàn.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/16/455068.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/17/206212.html
Đăng ngày 26-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.