Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-12-2022] Bà Bành Kim Hương (còn gọi là Bành Tiểu Muội) ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam hiện đang nằm liệt giường và không thể tự chăm sóc bản thân sau nhiều lần bị chính quyền bắt, giam giữ và tra tấn vì tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công ( còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một pháp môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ tháng 7 năm 1999.

Bất chấp tình trạng hiện tại của bà, cảnh sát và viện kiểm sát địa phương vẫn tiếp tục sách nhiễu bà và gia đình qua điện thoại.

Bà Bành (69 tuổi) từng làm việc trong phòng y tế của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc trước khi nghỉ hưu. Dưới đây sẽ để cập đến những thống khổ mà bà đã phải chịu đựng trong hai năm qua:

Ngày 13 tháng 5 năm 2021, khoảng 12 giờ 40 chiều có người đến gõ cửa nhà bà Bành. Tưởng đó là người quen nên bà vội ra mở cửa. Ba người lạ mặt (hai nam và một nữ) xông vào và bắt đầu lục soát nhà bà. Họ không xuất trình giấy tờ tùy thân nhưng bà Bành nhận ra hai người đàn ông là cảnh sát Lý Tông Căn và Vương của Đồn Công an Tân Hà. Người phụ nữ ghi hình cuộc đột nhập bằng camera gắn trên người. Khoảng 10 phút sau, cảnh sát họ Lý lấy ra trát hầu tòa và lệnh khám xét có tên và địa chỉ cư trú của bà Bành cùng con dấu của một đồn công an ở trên đó.

Họ muốn bắt bà đi nhưng bà không hợp tác. Bà cố gắng giảng chân tướng Pháp Luân Công nhưng họ từ chối lắng nghe. Bà muốn gọi điện cho anh trai của mình đến nhưng cảnh sát đã ngăn bà lại và đoạt lấy hai chiếc điện thoại di động trong khi bà cố gắng chụp hình họ bằng một trong những chiếc điện thoại này.

Cảnh sát đã gọi xe cấp cứu đến để đo huyết áp của bà Bành khi họ thấy sắc mặt của bà trông có vẻ bất thường. Khi bà Bành từ chối hợp tác, cảnh sát đã gọi điện cho phó cảnh sát trưởng Từ Tuấn đến. Khi đến nơi, Từ nói: “Còng tay bà ta lại và đưa vào xe. Nếu bà ta từ chối hợp tác, hãy giẫm lên ảnh chân dung của Sư phụ Pháp Luân Công.” Từ cũng nói rằng ông ta đã giẫm chân lên các bức ảnh như vậy hai lần trong các vụ bắt giữ khác. Khi nghe điều này, bà Bành đã bật khóc và xin họ đừng làm như vậy. Để bảo vệ bức ảnh chân dung ở nhà, bà đồng ý đi cùng họ đến đồn công an. Hai cảnh sát ở lại tiếp tục lục soát ngôi nhà trước khi rời đi với bốn chiếc túi chứa một máy tính xách tay, 60 cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp và các tài liệu khác.

Bà Bành đã bị thẩm vấn bởi Lý Ký, đội trưởng Đội Điều tra Hình sự của Công an quận Khai Phúc. Cảnh sát tra hỏi bà đã làm những gì vào ngày 14 tháng 6 năm 2020, ngày bà bị trình báo vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Mặc dù vụ án năm 2020 đã khép lại, nhưng Lý đã truy hỏi bà ấy nguồn xuất xứ của các tài liệu và nơi bà ấy đã phân phát chúng. Lý cũng dùng vũ lực để lấy dấu vân tay và dấu chân của bà, đồng thời bắt bà phải làm xét nghiệm mống mắt và máu. Sau đó bà đã bị nhốt ở trong phòng chờ.

Đến 11 giờ đêm, bà Bành bị đưa đến bệnh viện và bác sỹ chẩn đoán bà bị cao huyết áp. Bà nói với cảnh sát rằng sức khỏe của bà trở nên yếu đi sau khi bà bị bắt vào sáng hôm đó. Bà ở trong phòng quan sát một đêm và bị đưa đến trại tạm giam địa phương vào sáng hôm sau. Trại giam đã từ chối tiếp nhận bà sau khi bà không vượt qua cuộc kiểm tra sức khỏe. Bà bị đưa trở lại đồn công an vào lúc 4 giờ chiều. Một tiếng sau, cảnh sát đã cho bà tại ngoại và giám sát bà tại nhà.

Ngày 23 tháng 6 năm 2022, đồn công an đã gọi điện cho bà Bành và đưa cho bà lệnh triệu tập của Tòa án thành phố Lưu Dương. Bà từ chối ký vào lệnh triệu tập.

Ngày 24 tháng 9, ba viên cảnh sát đến gõ cửa nhà bà Bành và yêu cầu bà đến bệnh viện để khám sức khỏe vì họ cần nộp báo cáo y tế của bà cho viện kiểm sát. Khi bà không ra mở cửa, cảnh sát đã gọi một thợ khóa đến cạy cửa và xông vào. Bà bị còng tay và lôi đi khi bà từ chối hợp tác với họ. Bệnh viện đã yêu cầu làm một số xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm máu phải được thực hiện khi bụng đói. Cuối cùng, bà Bành đã được đưa về nhà lúc 5 giờ chiều.

Khoảng nửa đêm ngày 16 tháng 10, bà Bành nghe thấy có người gõ cửa và tự xưng là đến đó để khảo sát tình hình dịch COVID, và bà đã đánh thức chồng mình dậy. Chín cảnh sát mặc thường phục xông vào sau khi cửa được mở. Phó cảnh sát trưởng Từ nói với bà Bành rằng ông ta sẽ phụ trách vụ án hiện tại của bà và đưa cho bà xem lệnh khám xét và trát gọi hầu tòa. Bà bị buộc tội “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật“ (một cái cớ tiêu chuẩn thường được chính quyền sử dụng để buộc tội các học viên Pháp Luân Công). Trát gọi hầu tòa do Công an quận Khai Phúc ban hành nhưng không có chữ ký của trưởng công an. Từ cho biết lệnh khám xét cũng đã được ban hành bởi Công an quận Khai Phúc.

Sau đó, họ bắt đầu lục soát nhà của bà Bành và thậm chí còn lục lọi cả máy giặt và tủ quần áo của bà một cách kỹ lưỡng. Hai cảnh sát đã theo sát chồng bà Bành để ngăn không cho ông di chuyển.

Cảnh sát đã tịch thu đơn khiếu nại mà bà Bành đã chuẩn bị để phản đối việc làm của các thủ phạm, tài liệu Pháp Luân Công và các vật dụng cá nhân, mà không cho bà xem danh sách các đồ vật bị tịch thu. Toàn bộ quá trình mất một giờ 20 phút, máy nghe nhạc và máy tính xách tay của bà ấy đã bị phá hỏng. Khi bà Bành muốn tố cáo họ, họ đã đe dọa và lấy đi điện thoại cùng sổ danh bạ của bà.

Bà Bành đã bị bắt đi sau cuộc đột kích. Trên đường đến đồn công an, cảnh sát nói với bà rằng họ nhìn thấy bà qua một camera giám sát gần quận Tứ Phương Bình. Hôm đó, bà Bành đã đẩy một chiếc xe đẩy đi mua rau ở chợ. Do những hạn chế về đại dịch, không có nhiều người đi lại trên đường phố và bà tình cờ gặp một học viên là bà Tiêu Đức Ngọc. Hai người họ đã đi cùng nhau một đoạn trước khi tách ra.

Bà Bành bị đưa đến Bệnh viện Số 1 thành phố Trường Sa để khám sức khỏe và được chẩn đoán là bị cao huyết áp.

Ngày 16 tháng 10, một cảnh sát họ Lý từ Công an quận Khai Phúc đến thẩm vấn bà. Bà hỏi mình đã vi phạm điều luật nào mà bị bắt giữ, nhưng Lý không trả lời mà thay vào đó cố gặng hỏi bà ấy sử dụng phương tiện giao thông nào và tuyến đường nào để đến quận Tứ Phương Bình, liệu bà ấy có lên kế hoạch trước để gặp bà Tiêu, và liệu bà ấy có biết địa chỉ nhà của bà Tiêu hay không. Bà Bành trả lời mình không biết. Viên cảnh sát cũng hỏi một số câu hỏi về Pháp Luân Công và ra lệnh cho bà ký vào biên bản thẩm vấn. Sau đó bà viết: “Vụ án này không liên quan gì đến tôi. Cảnh sát bẻ cong luật pháp vì lợi ích cá nhân của họ và tự ý định tội. Các công tố viên hãy điều tra cảnh sát.” Sau đó Lý đã lấy máu, dấu vân tay, giọng nói, chiều cao và dấu chân của bà… dù bà không đồng ý.

Hai ngày sau, bà Bành bị đưa đến trại tạm giam thành phố Trường Sa. Bất chấp chứng huyết áp cao của bà, trưởng công an thành phố lạnh lùng buông lời rằng nếu bà chết, ông ta cũng muốn nhìn thấy bà chết trong trại tạm giam. Trong khi bị giam giữ, bà Bành đã viết một lá thư khiếu nại và cảnh sát đã tịch thu nó vì sợ bị truy cứu trách nhiệm.

Sáng ngày 21 tháng 10, bà Bành không thể cử động toàn thân, cảm thấy chóng mặt, tay chân bà tê bì và không còn chút sức lực nào. Huyết áp của bà ấy không thể đo được. Bà đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại. Sau đó bà được đưa đến bệnh viện và huyết áp của bà vẫn ở mức cao sau ba ngày nhập viện.

Đồn công an sợ phải chịu trách nhiệm và đã gọi điện cho gia đình bà vào ngày 24 tháng 10 để đưa bà về nhà. Họ đưa cho bà Bành một thông báo giám sát nhà nhưng bà từ chối ký vào đó. Được gia đình ở bên và hỗ trợ, bà trở về nhà vào tối hôm đó nhưng vẫn chưa thể hồi phục. Bà ấy không thể tự chăm sóc bản thân.

Cùng lúc đó, bà Tiêu cũng bị bắt bởi Công an quận Khai Phúc. Khi làm xét nghiệm PCR, bà rất yếu và cảnh sát phải dìu bà. Mặc dù vậy, bà không được truyền dịch và một số cảnh sát bảo rằng bà ấy đang giả bệnh. Bà đã tuyệt thực trong ba ngày và hiện đang bị giam giữ ở trong trại tạm giam thành phố Trường Sa.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/23/453460.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/2/205933.html

Đăng ngày 20-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share