Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại New Zealand
[MINH HUỆ 04-12-2022] Ngày 1 tháng 12 năm 2022, hội thảo chuyên đề về nạn thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được tổ chức tại Đại học Auckland, New Zealand. Một số chuyên gia đã phát biểu tại hội thảo và kêu gọi chấm dứt tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng dã man này.
Chủ trì hội thảo là Tiến sỹ Treasa Dunworth, Phó Giáo sư Luật tại Đại học Auckland. Luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada David Matas, nghiên cứu sinh Matthew P. Roberson của Đại học Quốc gia Úc và cựu Ủy viên Hội đồng Thành phố New Zealand Wellington Tony Brunt đã tham gia hội thảo.
Họ vạch trần tội ác thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ từ các học viên Pháp Luân Công để kiếm lời, kêu gọi chính phủ New Zealand thông qua luật cấm người New Zealand đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng, và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, và các tín đồ tôn giáo khác.
Hội thảo chuyên đề tại Đại học Auckland, New Zealand vào ngày 1 tháng 12 năm 2022 tập trung vào nạn thu hoạch nội tạng tù nhân lương tâm dưới sự hậu thuẫn của ĐCSTQ
Luật sư Nhân quyền: Chấm dứt tội ác của ĐCSTQ là ưu tiên hàng đầu của thế giới
Ông David Matas, luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada, cho biết vào năm 2006, một phụ nữ Trung Quốc có bút danh là Annie đã tiết lộ rằng chồng cũ của cô, một bác sỹ phẫu thuật não tại Bệnh viện Thẩm Dương, đã kể về việc anh đã tham gia vào tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ cầm tù vì đức tin của họ như thế nào. Ông Matas đã bị sốc trước sự tiết lộ này.
Ông cho biết thêm rằng vì lý do này, ông và ông David Kilgour, cựu Ngoại trưởng (Châu Á-Thái Bình Dương) của Canada, đã bắt đầu một cuộc điều tra kéo dài một thập kỷ, để nghiên cứu và kiểm tra các bằng chứng. Kết quả là tất cả các bằng chứng đều xác nhận nạn thu hoạch nội tạng sống là sự thật với số lượng nạn nhân rất lớn. Riêng số học viên Pháp Luân Công bị giam giữ đã vượt quá một triệu người. Chế độ ĐCSTQ là chính phủ duy nhất trên thế giới trực tiếp tham gia và thực hiện tội ác thu hoạch nội tạng sống từ những người không đồng ý hiến tạng, trong trường hợp này là các tù nhân lương tâm.
Ông Matas chỉ ra rằng việc chấm dứt một tội ác nhân quyền nghiêm trọng như vậy là điều cấp bách nhất trên thế giới hiện nay và việc cấm người New Zealand đến Trung Quốc để ghép tạng là điều cấp thiết.
Cựu Ủy viên Hội đồng Thành phố: Người dân New Zealand không được đồng lõa với nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ
Ông Tony Brunt, cựu Ủy viên Hội đồng Thành phố Wellington, New Zealand, đã phát biểu tại hội thảo. Ông cho biết sau khi đọc xong báo cáo dài 680 trang của ông Matas, ông Kilgour, và nhà báo điều tra độc lập Ethan Gutman, ông đã rất kinh hoàng. Báo cáo này tiết lộ rằng mỗi năm ĐCSTQ đã thu hoạch từ 60.000 đến 100.000 nội tạng từ người sống.
Ngày 8 tháng 11 năm 2019, ông Brunt đọc trang web của Ban Y tế Quận Waitemata ở New Zealand và biết rằng ban này vừa chính thức ký thỏa thuận hợp tác y tế với Ủy ban Y tế tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông đã ngay lập tức gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ban Y tế, trong đó trích dẫn báo cáo điều tra thu hoạch sống và nêu tên Bệnh viện Tề Lỗ, Bệnh viện Thiên Phật Sơn, Bệnh viện Duy Phường Nhân Hòa, và các bệnh viện khác thuộc Ủy ban Y tế Tỉnh Sơn Đông là những nơi bị tình nghi đã thực hiện một số lượng lớn các ca cấy ghép với nội tạng không rõ nguồn gốc, chúng rất có thể tới từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Thỏa thuận sơ bộ được ký kết giữa Ban Y tế Quận Waitamata và Ủy ban Y tế Tỉnh Sơn Đông bao gồm sự hợp tác giữa chính quyền, bệnh viện, viện nghiên cứu và các trường đại học.
Trong thư, ông Brunt đã cảnh báo Ban Y tế rằng họ không nên tự đặt mình vào vũng lầy đạo đức này. Ông chỉ ra rằng nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ liên quan đến nhiều lĩnh vực của hệ thống y tế.
Vài tháng sau, ông Brunt nhận được một bức thư từ Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ban Y tế khu vực Waitamata, nói rằng sau nhiều lần thảo luận và xem xét khuyến nghị của cơ quan tư vấn pháp lý, Hội đồng quản trị đã quyết định lập tức chấm dứt hợp tác với Ủy ban Y tế Tỉnh Sơn Đông .
Ông Brunt đã nhiều lần nghẹn ngào khi nói về nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Cựu ủy viên hội đồng thành phố cũng đã gửi thư tới Công ty Bảo hiểm Southern Cross của New Zealand và khoa giải phẫu của một số trường đại học ở New Zealand, yêu cầu họ xác nhận rằng họ không trả tiền cho các bệnh nhân New Zealand sang Trung Quốc để ghép tạng và rằng không có xác chết nào bị thu hoạch tạng được sử dụng cho việc giảng dạy trong các trường đại học. Ông nói, “Tôi muốn đảm bảo rằng bàn tay của người dân New Zealand không nhuốm máu tội ác của ĐCSTQ.”
Các bác sỹ y khoa ở Trung Quốc đã trở thành đao phủ
Anh Matthew P. Robertson là nghiên cứu sinh của Trường Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc gia Úc và là một thành viên của Chương trình Trung Quốc tại Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản ở Washington DC.
Trong một bài báo xuất bản vào tháng 11 năm nay, anh Robertson giải thích rằng những người hiến tạng cho cấy ghép trên khắp thế giới thường là tự nguyện và Trung Quốc (được biết đến) là quốc gia duy nhất sử dụng các cơ quan nhà nước để thu hoạch và bán nội tạng của tù nhân một cách có hệ thống để phục vụ cho hàng chục ngàn ca cấy ghép mỗi năm. Anh cũng giải thích trong bài báo của mình rằng các cơ quan có liên quan của Trung Quốc đã làm sai lệch dữ liệu.
Kết quả nghiên cứu của anh Robertson cho thấy ở Trung Quốc, bác sỹ đã trở thành đao phủ. Điều này không chỉ vi phạm nguyên tắc cơ bản của ngành cấy ghép tạng — đó là tạng chỉ được lấy khi người hiến tạng đã chết. Anh nói rằng điều thậm chí còn đáng ngại hơn là Trung Quốc đang sử dụng một bộ máy nhà nước cực kỳ tinh vi để tiến hành các hoạt động cướp đoạt và buôn bán nội tạng phi pháp.
Nhân viên nhân đạo: Tôi muốn đánh thức mọi người mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn
Cô Carlene Louise (bên phải) và bạn bè tham dự hội thảo chuyên đề
Cô Carlene Louise, người làm việc trong một tổ chức nhân đạo, đã cùng một số người bạn tham dự hội thảo chuyên đề. Cô đã phát trực tiếp toàn bộ cuộc hội thảo trên phương tiện truyền thông xã hội. Cô nói: “Chính phủ New Zealand phải nâng cao nhận thức của người dân và cho mọi người biết những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, đồng thời phải thông qua luật cấm người dân đến Trung Quốc để ghép tạng và cấm mọi hoạt động buôn bán nội tạng hợp pháp hoặc bất hợp pháp. New Zealand cần phải là quốc gia ngăn chặn không cho những điều này xảy ra.”
Khi biết nhiều học viên Pháp Luân Công là nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng, cô Louise nói: “Tôi đã nghe nói về Pháp Luân Công. Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn mà các học viên tuân theo là những giá trị mà mỗi người trên thế giới nên yêu mến. Chúng tôi đã tham dự một số cuộc diễu hành của các học viên Pháp Luân Công và ký bản kiến nghị để ủng hộ họ. Tôi cũng cố gắng đánh thức lương tâm của thế giới theo cách riêng của mình.”
Cô cho biết thêm: “Mọi người cần biết nó (thu hoạch nội tạng) nghiêm trọng, đen tối, đáng ghét và xấu xa như thế nào. Hội thảo này cho tôi dũng khí để làm việc chăm chỉ hơn tích cực hơn để thức tỉnh và nâng cao nhận thức cho mọi người. Cần bắt đầu từ những người thân trong gia đình, sau đó lan tỏa đến cộng đồng và khuyến khích họ làm theo.”
Cuối cùng, cô nói: “Tôi thực sự biết ơn các học viên Pháp Luân Công. Hãy tiếp tục đấu tranh. Sẽ có nhiều người trong chúng ta thức tỉnh và đứng về phía các bạn.”
Chuyên gia pháp lý: Làm ngơ là hành vi đồng lõa
Bà Isabella Smith, một người Maori bản địa ở New Zealand am hiểu luật pháp, đã tham dự hội thảo chuyên đề. Bà nói: “Hội thảo chuyên đề hôm nay cho tôi biết tình hình nhân quyền ở Trung Quốc tồi tệ như thế nào. Biết bao nhiêu người dân vô tội đã bị sát hại. Một hội thảo chuyên đề như thế này nên được tổ chức ở mọi quận của Auckland và mọi người nên tham gia. Chúng tôi ở New Zealand đây hầu như chẳng biết gì cả. Mọi người nên đến để tìm hiểu về những sự thật này và tìm hiểu thêm về tội ác của ĐCSTQ. Nếu chính phủ của chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước điều này, thì điều đó tương đương với sự đồng lõa.“
Bà Smith nói thêm: “Tôi thực sự không biết có nhiều người Trung Quốc đã bị sát hại đến vậy. Tôi thường thấy Pháp Luân Công biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc, và tôi vẫy tay chào họ. Nhưng trước đây tôi thực sự không biết nhiều. Tôi rất muốn nói với họ rằng: hãy tiếp tục cố gắng, mọi người cần biết nhiều hơn về sự thật; một ngày nào đó mọi thứ sẽ thay đổi, đừng bao giờ bỏ cuộc.”
Cả thế giới nên ủng hộ Pháp Luân Công
Anh Victor Edwards
Anh Victor Edwards làm việc trong lĩnh vực xây dựng cho biết: “Hội thảo này rất có ý nghĩa. Tôi đến đây vì tôi không biết nhiều về những điều đang xảy ra ở Trung Quốc. Hội thảo chuyên đề này rất hữu ích. Những gì đã xảy ra ở Trung Quốc thật khủng khiếp! Nó thực sự đáng sợ! Điều đó không nên xảy ra chút nào, nhưng nó đã xảy ra.”
“Như vị giáo sư vừa nói, tất cả chúng ta nên làm gì đó, và các tổ chức quốc tế nên tham gia điều tra xem điều gì đã xảy ra ở đó. Cả thế giới nên ủng hộ họ (các học viên Pháp Luân Công) để nhiều người hơn nữa biết được sự thật.”
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/4/452695.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/8/205086.html
Đăng ngày 12-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.