Bài viết của Tịnh Tuệ, một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-08-2022] Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 26 năm và đã chịu đựng rất nhiều từ cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi đã bị giam giữ trong một trại lao động cưỡng bức và ở tù trong mười năm. Tôi đã từng sợ phải chịu khổ, cũng không muốn chịu khổ, biểu hiện là ngại chuyện phiền phức, làm việc qua loa chiếu lệ, luyện công đả tọa sợ đau, được chăng hay chớ, lười nhác. Trong hai năm qua, tôi đã dần học được cách tu luyện bản thân và hiểu tầm quan trọng của việc chuyển biến quan niệm. Gần đây, tôi đã có một số đột phá trong tu luyện. Tôi muốn chia sẻ về cách tôi đã thay đổi quan niệm của mình như thế nào.

Hiểu rõ Pháp lý và tu luyện vững chắc

Sư phụ giảng:

“Thực ra, lý tại xã hội nhân loại là phản lý trong vũ trụ. Con người có nạn, có thống khổ là để con người hoàn trả nghiệp, từ đó có tương lai hạnh phúc. Còn người tu luyện chính là chiểu theo chính lý mà tu luyện. Chịu khổ chịu nạn là cơ hội rất tốt để tiêu trừ nghiệp lực, tiêu trừ tội lỗi, tịnh hoá nhân thể, đề cao cảnh giới tư tưởng, và thăng hoa tầng thứ; đó là việc rất tốt; Pháp lý chân chính là như vậy. Tuy nhiên, trong tu luyện thực tế, khi thống khổ đến, khi mâu thuẫn xung kích đến tim gan, đặc biệt là khi xung kích chạm tới những quan niệm ngoan cố kia của con người, thì quả là khó vượt quan được; thậm chí biết rõ rằng đó là khảo nghiệm mà vẫn không vứt bỏ được chấp trước. Nhất là các đệ tử Đại Pháp lại là đang tu luyện trong cái gọi là xã hội hiện thực vốn đầy rẫy những điều mê hoặc này, thì cải biến quan niệm là khó khăn hơn, và cũng là trọng yếu hơn.” (Càng về cuối càng tinh tấn, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

“Trong tu luyện, dù chư vị gặp phải sự việc hay hay sự việc dở, đó đều là việc tốt cả, bởi vì chính là chư vị tu luyện rồi thì [chúng] mới xuất hiện. Người tu luyện không thể mang theo tâm con người, mang theo nợ nghiệp, mang theo chấp trước mà viên mãn. Thời gian sẽ khiến vàng ròng càng đánh càng sáng.” (Gửi Pháp hội Chicago, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Khi tôi hiểu được Pháp của Sư phụ, tôi đã yêu cầu bản thân không ngừng tu luyện tâm tính và chân chính nhận thức rõ sự nghiêm túc của tu luyện. Khi mâu thuẫn xảy ra, tôi nên xem đó là hảo sự, nắm bắt mọi cơ hội để tu sửa, đề cao bản thân và không ngừng đồng hóa với Pháp. Đồng thời yêu cầu chính mình trong quá trình thực tu nhất định phải thanh tỉnh nhận thức được rằng: khi những khó khăn và mâu thuẫn xảy đến chạm tới nhân tâm của tôi, chính là lúc cần xem lại mình đã tu luyện vững chắc chưa và hiểu rằng mâu thuẫn này đã được Sư phụ an bài để giúp tôi đề cao. Khi tôi suy nghĩ như vậy, những quan niệm của người thường rất dễ bị loại bỏ và được thay thế bằng chính niệm.

Trong quá khứ, tôi đã vượt qua các khảo nghiệm một cách thụ động bằng cách nhẩm niệm “Cật khổ đương thành lạc ” (“Khổ kỳ tâm chí”, Hồng Ngâm). Nhưng bây giờ tôi cố gắng tu luyện chân chính dựa trên các Pháp lý. Tôi cảm thấy mình may mắn biết bao khi được Sư phụ cứu độ và được Đại Pháp thành tựu. Sư phụ đã dạy cho chúng ta Pháp lý về mất và được, điều này đã giúp tôi đối mặt với những khó khăn bằng cách mỉm cười và vượt qua chúng một cách dễ dàng.

1. Tôi không còn sợ mỏi tay trong khi luyện bài công pháp thứ hai hay sợ đau khi đả tọa. Tôi vô cùng quý trọng cơ duyên tu luyện mà Sư phụ đã cấp và kéo dài cho đệ tử. Luyện công là điều thiêng liêng và tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhưng khi tôi thực hiện các bài công pháp, tôi vẫn chưa tập trung và đôi khi cảm thấy buồn ngủ. Tôi sẽ vượt qua điều này.

2. Tôi đã cố gắng hết sức để giải cứu các đồng tu bị giam giữ mà không sợ khó khăn, rắc rối hay phiền hà. Tôi không để ý đến việc lợi ích cá nhân của mình có bị tổn hại hay không. Khi đồng tu N bị bắt, sau khi phát chính niệm lúc 6 giờ sáng, tôi nhanh chóng đạp xe đến nhà cô ấy mặc dù nhà tôi cũng đang bị cảnh sát theo dõi. Thấy nhà cô ấy cũng có người theo dõi (trong nhà cô còn có đồng tu cao tuổi). Tôi bèn leo cầu thang thật nhanh lên trên để nắm bắt tình hình. Vì để tìm cách giải cứu đồng tu, vào ngày mưa gió bão bùng, người ngồi trên xe đạp có thể bị hất văng đi, nhưng tôi vẫn mạo hiểm đạp xe đến nhà cô ấy. Trên đường có nhiều cành cây rớt ngổn ngang, quần áo tôi ướt sũng. Một lần khác, bất chấp cái nắng thiêu đốt, tôi đến nhà cô ấy ba lần một ngày cho đến khi tôi gặp được người nhà cô ấy. Tôi không cảm thấy khổ, mà cảm thấy đó là trách nhiệm của tôi, và cũng là điều mà Sư phụ muốn tôi làm. Vậy nên đó là điều đương nhiên.

3. Từ khi còn nhỏ tôi đã hầu như không làm việc nhà như quét và dọn dẹp nhà cửa vì tôi từng rất ốm yếu. Em gái tôi đã làm việc đó nhiều hơn tôi. Mẹ tôi nói rằng mười ngón tay của tôi bị dính với nhau, có thể thấy tôi ở tình trạng như thế nào. Tuy nhiên, sau khi tu luyện, đến lúc tôi phải bỏ chấp trước này thì việc nhà đột nhiên cứ xuất hiện trước mắt tôi khiến tôi phải đảm nhận. Đối với người không muốn chịu khổ như tôi, thì điều đó thật khó khăn, thống khổ không kể xiết, ma luyện tôi trong suốt một thời gian dài. Nhưng khi tôi thay đổi quan niệm, việc làm việc nhà đã giúp tôi đề cao tâm tính. Đó cũng là một cơ hội tốt để tôi trở nên viên dung với gia đình mình hơn. Do vậy, tôi vui vẻ làm việc nhà mà không cảm thấy khổ sở nữa, mặc dù người tôi đầm đìa mồ hôi.

Hướng nội tìm và trừ bỏ những ngộ nhận trong tu luyện

Nói ra thì thật xấu hổ, trong nháy mắt tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 26 năm. Trong 26 năm qua, tôi đã vấp ngã đi đến hôm nay, tất cả là nhờ Sư phụ từ bi vĩ đại đã không bỏ rơi tôi và luôn động viên, chỉ dẫn cho tôi vào thời khắc quan trọng. Quá trình tu luyện của tôi tràn ngập lòng từ bi và sự hy sinh của Sư phụ.

Tôi là một người bất cẩn và không làm mọi việc một cách nghiêm túc. Lúc nào tôi cũng bận rộn nhưng lại làm ba việc một cách hời hợt, không tốt được việc gì. Khi tiếng chuông báo phát chính niệm vang lên vào buổi sáng, tôi đã không thể tỉnh dậy. Tâm trí tôi nghĩ lung tung trong khi luyện công và phát chính niệm. Đôi khi tôi ngủ thiếp đi khi đang đả tọa. Khi học Pháp, tôi cũng thường ngủ mê và đánh rơi sách Đại Pháp. Tôi không dám phát các tờ chân tướng hoặc giảng chân tướng trực tiếp cho mọi người. Vấn đề lớn nhất với tôi là tôi không biết cách tu luyện bản thân.

Nhìn bên ngoài, người khác tưởng rằng tôi rất tinh tấn. Khi đồng tu khác có việc gì, tôi đều giúp đỡ. Khi các đồng tu khác bị công an sách nhiễu, tôi phát chính niệm cho họ. Khi các đồng tu gặp các khảo nghiệm về tâm tính, tôi có thể chia sẻ với họ dựa trên Pháp. Khi các đồng tu trải qua nghiệp bệnh, tôi sắp xếp cho các đồng tu thay phiên nhau học Pháp tại nhà của họ. Khi các đồng tu bị bắt, tôi đã phối hợp với các đồng tu khác để giải cứu họ. Tôi đã cố gắng hết sức để giúp đỡ họ mọi mặt kể cả tài chính.

Khi các đồng tu khác có chấp trước, tôi nhìn thấy rất rõ ràng liền cảm thấy tiếc cho họ và nghĩ rằng họ đã bỏ lỡ cơ hội tu luyện và đề cao bản thân. Tôi đã không nhận ra rằng tôi cũng giống như những đồng tu đó. Tôi lo lắng cho họ vì tôi nghĩ rằng họ không ở trong trạng thái tu luyện tốt. Tôi không nhận ra rằng bản thân mình đang ở trong tình trạng tu luyện còn tệ hơn cả họ. Tôi đã giúp đỡ các đồng tu khác tu luyện, nhưng tôi hiếm khi tu luyện bản thân. Tôi chỉ tu luyện bản thân một cách hời hợt trên bề mặt, điều này đi ngược lại với lời dạy của Sư phụ.

Ngẫm lại quá khứ, tôi nhận ra Sư phụ cứu tôi khó khăn biết chừng nào. Sư phụ chắc hẳn đã lao tâm khổ tứ vì tôi. Tôi cảm thấy có lỗi vì đã làm cho Sư phụ thất vọng, nước mắt tôi không ngừng tuôn rơi.

Sư phụ liên tục an bài để tôi đề cao trong tu luyện. Ví như, tôi có thể viết tốt, vì vậy Sư phụ đã an bài cho tôi gặp các đồng tu tinh tấn để giúp họ viết bài chia sẻ tâm đắc thể hội. Nhìn bên ngoài thì tôi đã giúp chỉnh sửa bài chia sẻ của họ, nhưng thông qua quá trình này, Sư phụ cho tôi thấy những thiếu sót của mình để tôi đề cao. Các đồng tu mà tôi giúp đỡ thường ở độ tuổi tám mươi và chín mươi, họ làm ba việc một cách vững chắc và hoàn thành sứ mệnh của họ. Họ rất đáng khâm phục và quả thực họ đã làm mọi việc rất tốt.

Chẳng hạn, nhóm học Pháp của chúng tôi có một đồng tu tên G đã ngoài tám mươi tuổi và không biết chữ. Bà đã và đang làm ba việc rất tinh tấn, nhưng bà không thể buông bỏ tâm oán hận đối với chồng, con trai và con dâu (cũng là đồng tu). Thấy rõ tình trạng của bà, nhưng tôi trước tiên đã không tự xem lại bản thân, mà chỉ một mực giúp bà. Đồng tu G có tâm oán hận rất lớn và không nghĩ rằng mình có vấn đề. Một ngày nọ, khi tôi đang đả tọa, một ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi: Tại sao đồng tu G lại chấp mê bất ngộ mãi vậy? Mình đang đổ lỗi cho đồng tu G? Đó chẳng phải là tâm oán hận sao? Tôi nên tu sửa bản thân trong khi giúp đỡ đồng tu. Tại sao tôi không chú ý đến việc tu luyện của chính mình? Tôi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội mà Sư phụ đã khổ tâm an bài để tôi tu sửa và để cao bản thân.

Hiện giờ, tôi hiểu rằng mọi việc xảy ra xung quanh tôi đều là cơ hội mà Sư phụ an bài để tôi đề cao tâm tính. Tôi trước tiên cần phải tu chính mình. Tôi biết Sư phụ thông qua quá trình vượt quan và biểu hiện của các đồng tu để giúp tôi nhận ra những thiếu sót của bản thân, nhận ra tôi cũng có những chấp trước đó và có những lời nói, hành vi không phù hợp với tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn.

Chuyển biến quan niệm và nhận thức người thường

1. Đầu gối trái của tôi bị đau trong một thời gian dài. Khi tôi đả tọa ở tư thế song bàn, hai chân của tôi dần trở nên lỏng lẻo và sau đó rớt xuống. Tôi hướng nội tìm để xem liệu tôi có vấn đề nào về tâm tính hay không. Tôi đã buông lơi việc tu luyện cá nhân, vì vậy tôi yêu cầu bản thân phải tập trung phóng hạ chấp trước nhiều hơn. Nhưng chân tôi vẫn đau và rớt xuống; vấn đề vẫn chưa giải quyết được. Thỉnh thoảng tôi phải kéo chân lên trong khi ngồi thiền nên không thể tĩnh lại được. Sau đó, tôi quấn chân bằng một sợi dây thừng trong hơn một năm, nhưng chân của tôi lại trở nên tồi tệ hơn. Tôi đã dùng quan niệm người thường để cân nhắc, dùng phương pháp người thường để xử lý nên kết quả càng trở nên không tốt. Trạng thái tu luyện và tư thế đả tọa của tôi trở nên tồi tệ hơn.

Tôi ngộ ra rằng tôi không nên chờ Sư phụ tiêu trừ nghiệp lực cho mình; đã đến lúc tôi phải thực sự đề cao bản thân. Tôi phát chính niệm để giải thể các yếu tố bất hảo từ bên trong. Vì vậy, tôi đã vứt sợi dây đi. Tôi nói với đôi chân của mình rằng cơ chế mà Sư phụ cấp cho tôi là tư thế song bàn đả tọa nên chân tôi không được rớt xuống, và mọi tế bào trong chân tôi phải tuân theo mệnh lệnh và điều khiển của tôi. Đồng thời, tôi cũng phát chính niệm để giải thể tất cả tà ác và các nhân tố can nhiễu tôi làm ba việc. Từ đó, chân của tôi không còn rớt xuống khi ngồi thiền nữa. Tôi đã trải nghiệm sự huyền diệu của việc minh bạch Pháp lý, tu luyện bản thân một cách vững chắc và phát chính niệm.

2. Vì tôi không hợp tác với yêu cầu của quản giáo, tôi đã bị phạt bằng cách phải đứng trong một thời gian dài. Hai bắp chân của tôi trở nên thâm đen do chảy máu mao mạch. Tôi đã không thấy vấn đề này nghiêm trọng cho đến một ngày sau tám năm chịu đựng tôi mới nhận ra rằng chân tôi nên phải hồi phục bởi Pháp Luân Đại Pháp là công pháp tính mệnh song tu. Làn da của tôi đã trở nên mềm mịn và hồng hào. Tôi nói với chân của mình rằng nó cũng phải hồi phục, điều này sẽ chứng thực sự kỳ diệu của Đại Pháp và nó phải trở nên mịn hơn và hồng hào. Đồng thời, tôi chăm chỉ luyện công để chuyển hóa bản thể. Hiện giờ, từng mảng da bắp chân và bàn chân của tôi chuyển sang màu trắng, các nốt xuất huyết mao mạch cũng dần mờ đi.

Qua hai sự việc này, tôi nhận ra rằng tôi nên phát chính niệm để giải thể can nhiễu và bức hại. Tôi không nên chịu đựng nó hoặc cho phép nó tồn tại. Tôi phải chịu trách nhiệm làm sạch trường không gian của mình. Các đệ tử Đại Pháp phải chứng thực Pháp thật tốt và để Pháp Luân Đại Pháp triển hiện được uy lực phi thường.

Con xin tạ ơn Sư phụ vì sự từ bi cứu độ của Ngài!

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/13/443465.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/28/204487.html

Đăng ngày 29-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share