Bài viết của phóng viên Minh Huệ Vương Anh

[MINH HUỆ 18-11-2022] Ngày 14 tháng 11, Ủy ban Điều hành Quốc hội về vấn đề Trung Quốc (CECC) đã công bố báo cáo thường niên năm 2022 trong đó nêu rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện vẫn tiếp tục đàn áp Phật tử Tây Tạng, người Hồi giáo, học viên Pháp Luân Công, và các nhóm thiểu số khác.

Người điều hành ủy ban cho biết: “Các học viên Pháp Luân Công phải đối mặt với sự bức hại tàn bạo, trong đó có những cái chết trong khi bị giam giữ, án tù dài hạn và sách nhiễu. Một nghiên cứu đã được bình duyệt xác thực những câu chuyện kinh hoàng trong nhiều năm về các tù nhân Pháp Luân Công bị hành quyết bằng cách thu hoạch nội tạng của họ.”

Cuộc bức hại được thúc đẩy bởi các quy định và chính sách

Cụm từ “Pháp Luân Công” xuất hiện 65 lần trong bản báo cáo dài 376 trang. Trong mục Tự do Tôn giáo, báo cáo viết rằng cảnh sát Trung Quốc và các cơ quan tư pháp tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công và các nhóm tôn giáo khác bằng cách sử dụng Điều 300 của Bộ luật Hình sự nhằm vào “các giáo phái mê tín dị đoan” và “các hội kín”, trong khi Pháp Luân Công là một phương pháp thiền định công khai giúp công chúng cải thiện tâm trí và thể chất.

“Các tác giả của một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ năm 2022 kết luận rằng rất có khả năng các bác sỹ phẫu thuật cấy ghép ở Trung Quốc đã tham gia vào việc hành quyết tù nhân thông qua “cấy ghép tạng” cho đến gần nhất là năm 2015,” bài báo viết. “Họ cũng đồng tình với các ‘lời chứng phỏng vấn và nguyên bản’ trước đây do các tổ chức liên kết với Pháp Luân Công cung cấp khẳng định hành vi thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm.”

Điều này đã được giải thích thêm trong tiểu mục dành riêng cho Pháp Luân Công. Báo cáo nêu rõ: Chính quyền Trung Quốc tiếp tục truy tố các học viên Pháp Luân Công theo Điều 300 của Luật Hình sự CHND Trung Hoa vốn hình sự hóa việc “tổ chức và sử dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thi hành pháp luật”. “Trang web Minh Huệ trực thuộc Pháp Luân Công đã đưa tin về cái chết của hàng chục học viên Pháp Luân Công do bị bạo hành trong thời gian bị giam giữ và hàng trăm trường hợp học viên Pháp Luân Công bị chính quyền kết án chỉ vì họ có liên hệ với Pháp Luân Công,” báo cáo nhấn mạnh.

Một số trường hợp điển hình

Báo cáo đã trích dẫn một số trường hợp bức hại từ nhiều nguồn khác nhau trong đó có trang Minghui.org.

“Vào tháng 11 năm 2021, Tòa án Quận Tương Dương ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, đã kết án học viên Pháp Luân Công và cựu giáo viên Lương Lập Kiệt ba năm sáu tháng tù,” báo cáo viết. Bà Lương bị bắt giữ vào tháng 10 năm 2020 và sau đó được tại ngoại. Tuy nhiên, vào năm 2021, bà đã bị xét xử và kết án mà không có bất kỳ đại diện pháp lý nào. Sau khi kháng cáo của bà bị từ chối, bà đã bị bắt giam vào ngày 12 tháng 1 năm 2022.”

Một số trường hợp có liên quan đến sự kiểm duyệt thông tin về đại dịch của ĐCSTQ. Vào ngày 16 tháng 1 năm 2022, chính quyền đã kết án 11 học viên Pháp Luân Công bị bắt vào năm 2020 vì chia sẻ các tài liệu liên quan đến COVID-19 với các nguồn tin nước ngoài. “Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã áp đặt bản án 8 năm tù đối với nghệ sỹ Hứa Na, và còn phạt bà 20.000 nhân dân tệ (3.000 USD)”, báo cáo viết. Những bức ảnh mà Hứa chia sẻ với các nguồn tin nước ngoài “cho thấy Bắc Kinh trong những ngày đầu bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc.”

Hệ thống tư pháp – một công cụ chính trị

Trong mục “Pháp quyền trong Hệ thống Tư pháp“, báo cáo viết “Hệ thống tư pháp hình sự vốn là một công cụ chính trị được chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để duy trì trật tự xã hội”. Một số hình thức giam giữ phi pháp liên quan bao gồm cưỡng chế mất tích, nhà tù bí mật, cơ sở tâm thần, giam giữ hành chính và trại tập trung hàng loạt.

Báo cáo dẫn hai ví dụ về ông Cao Trí Thịnh và ông Đường Cát Điền, hai luật sư từng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các học viên Pháp Luân Công. “Tính đến tháng 2 năm 2022, vị luật sư nhân quyền này vẫn mất tích kể từ khi ông mất tích vào tháng 8 năm 2017, sau khi ông viết một cuốn sách kể chi tiết về trải nghiệm bị tra tấn và quan điểm của ông về dân chủ hóa ở Trung Quốc,” báo cáo viết.

Tương tự, các quan chức đã bắt giữ ông Đường vào tháng 12 năm 2021 trước khi ông chuẩn bị ​​tham dự một sự kiện nhân quyền do Liên minh Châu Âu tổ chức. Tính đến tháng 6 năm 2022, vẫn chưa biết ông Đường bị giam giữ ở đâu và “có nguồn tin cho biết ông thường bị xỉu đi bởi sức khỏe sa sút, khiến nhiều người lo ngại rằng ông đã bị ngược đãi.”

Còn rất nhiều trường hợp như vậy. “Tháng 12 năm 2021, các quan chức của Phòng Tư pháp Bắc Kinh đã tước quyền luật sư của bà Hứa Na, ông Lương Tiểu Quân, một phần vì các bài đăng trên mạng xã hội của ông Lương bảo vệ quyền của các học viên Pháp Luân Công,” báo cáo nêu rõ.

Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng

Trong một nghiên cứu được bình duyệt đăng trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ, các tác giả đã chia sẻ những phát hiện của họ từ “đánh giá pháp y của 2.838 bài báo lấy từ bộ dữ liệu gồm 124.770 bài báo khoa học tiếng Trung về cấy ghép” được công bố từ năm 1980 đến 2015, báo cáo của CECC viết.

“Trước việc thường xuyên sử dụng tử tù ở Trung Quốc để thu hoạch nội tạng trong giai đoạn này, các tác giả của nghiên cứu kết luận rằng rất có khả năng các bác sỹ phẫu thuật cấy ghép ở Trung Quốc đã tham gia vào việc hành quyết tù nhân ‘thông qua mổ lấy nội tạng’, vi phạm ‘quy tắc người hiến tặng đã chết’ của lĩnh vực y tế. “Họ cũng mô tả những phát hiện của họ phù hợp với các ‘lời chứng phỏng vấn và nguyên bản’ trước đây do các tổ chức liên kết với Pháp Luân Công cung cấp liên quan đến cáo buộc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm.”

Ngoài ra, bài báo còn phát hiện ra rằng các nhóm thiểu số khác cũng là mục tiêu bị cưỡng bức mổ lấy nội tạng.

Quy trách nhiệm cho thủ phạm

Báo cáo cũng đề cập đến tuyên bố của Thượng nghị sỹ James Lankford, một thành viên của CECC, rằng: “Không có mối đe dọa nào đối với Hoa Kỳ và nền tự do lớn hơn ĐCSTQ. Điều cần thiết là chúng ta phải tập trung vào những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và nghiêm trọng nhất, chẳng hạn như nạn diệt chủng, tội ác chống lại loài người, thuyết ưu sinh và thu hoạch nội tạng đang diễn ra.”

Ngoài các nhóm thiểu số, ĐCSTQ cũng đã phạm “những tội ác không thể kể xiết” đối với “các nhà báo, luật sư bào chữa và những người khác, và họ phải chịu sự ngược đãi nghiêm trọng vì các chính sách đồng hóa cưỡng bức của Trung Quốc”.

Do đó, báo cáo kêu gọi chính phủ Trung Quốc đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho mọi công dân theo nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền và luật pháp CHND Trung Hoa. Cụ thể hơn, báo cáo “đề nghị trả tự do cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và các học viên mà chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ, tạm giam hoặc bỏ tù vì theo đuổi niềm tin tôn giáo của họ một cách ôn hòa.” Điều này áp dụng cho thành viên các nhóm tín ngưỡng khác nhau, như “các học viên Pháp Luân Công Hứa Na và Châu Đức Dũng, cũng như những người bị bắt giữ, tạm giam hoặc cầm tù vì có liên quan đến những công dân đó.”

Báo cáo cũng kiến nghị Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng các luật hiện hành để “bắt các quan chức chính phủ Trung Quốc và những người đồng lõa khác phải chịu trách nhiệm về việc hạn chế nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”. Chúng bao gồm các biện pháp trừng phạt có sẵn trong Đạo luật Truy tố Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (Công luật số 114-328) và Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 (Công luật số 105-292).

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/11/18/452066.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/11/20/204841.html

Đăng ngày 23-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share