Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-08-2022]

Tên: Lâm Hiển Thần (林显臣)
Giới tính: Nam
Tuổi: 70
Thành phố: Trường Xuân
Tỉnh: Cát Lâm
Nghề nghiệp: Không
Ngày mất: Tháng 12 năm 2021
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: Ngày 22 tháng 8 năm 2018
Nơi giam giữ cuối cùng: Nhà tù Cát Lâm

Ngày 14 tháng 9 năm 2021, ông Lâm Hiển Thần ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã được thả khi đang ở bên bờ vực của cái chết, sau khi rơi vào tình trạng nguy kịch trong thời gian thụ án 5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã qua đời ba tháng sau đó, hưởng thọ 70 tuổi.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ngày 22 tháng 8 năm 2018, ông Lâm Hiển Thần bị bắt tại nhà. Cảnh sát đã lục tung ngôi nhà của ông và ném những thứ mà họ không thấy “hữu dụng” ra sân trước nhà của ông. Họ tịch thu các cuốn sách Pháp Luân Công của ông, ảnh của Nhà sáng lập pháp môn, hai máy tính và tài liệu thông tin Pháp Luân Công.

Ngày 21 tháng 8 năm 2019, Tòa án Quận Khoan Thành đã tổ chức hai phiên tòa xét xử và kết án ông Lâm 5 năm tù và phạt tiền 10.000 Nhân dân tệ. Đến ngày 1 tháng 11 năm 2019, ông bị đưa vào Nhà tù Cát Lâm và 13 ngày sau các nhà chức trách mới thông báo cho gia đình ông.

Ông Lâm thường bị cưỡng chế ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ từ sáng sớm cho đến tận 12 giờ đêm. Vào ngày 2 tháng 6 năm 2021, nhà tù thông báo cho gia đình rằng ông đã nhập viện. Hai tuần sau, vào ngày 17 tháng 6, bác sỹ xác nhận ông bị ung thư gan. Lính canh vẫn còng tay và cùm chân ông bất chấp tình trạng sức khỏe của ông.

Tuy nhiên ba tháng sau nhà tù mới phê chuẩn tạm tha y tế cho ông. Ông được về nhà vào ngày 14 tháng 9 năm 2021, lúc đó ông đã vô cùng tiều tụy. Thời gian đầu ông vẫn có thể ăn uống được một chút, nhưng sau đó ông không thể ăn được gì nữa. Ông qua đời vào tháng 12 năm 2021.

Sự bức hại trong quá khứ

Năm 1998, ông Lâm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và ông tin rằng môn tu luyện này đã chữa khỏi bệnh dạ dày, chứng tê cứng vai và bệnh thấp khớp của mình.

Năm 2000, một năm sau khi cuộc bức hại nổ ra, ông đi đến Bắc Kinh để kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, nhưng đã bị bắt ngay sau khi ông mua được vé tàu ở Ga xe lửa Trường Xuân. Ông bị đưa đến cơ quan công an địa phương và bị giam ở đó 15 ngày. Tiền và những vật dụng có giá trị ông mang theo người đều bị tịch thu. Sau khi trở về nhà, hai con bò của ông đã bị bí thư thôn dắt đi. Sau đó, vào tháng 4 năm 2001, ông bị bắt phải nộp 800 Nhân dân tệ để lấy lại hai con bò của mình.

Ngày 12 tháng 3 năm 2002, cảnh sát đã tịch thu sách và băng ghi âm những bài giảng Pháp Luân Công của ông Lâm.

Ngày 14 tháng 3, cảnh sát lại đột nhập vào nhà ông và bắt hai vợ chồng ông đến Đồn Công an Khánh Dương. Sau 15 ngày bị giam trong Trại tạm giam Cửu Đài, ông bị kết án lao động cưỡng bức 1 năm. Trong thời gian đó, cảnh sát thường xuyên sách nhiễu vợ ông, buộc bà phải sống xa nhà trong 1 năm.

Trong thời gian thụ án tại Trại Lao động Cưỡng bức Ẩm Mã Hà, ông Lâm bị tẩy não, lao động cưỡng bức và tra tấn bằng nhiều hình thức. Ông cũng bị yêu cầu viết “báo cáo tư tưởng” mỗi tháng. Toàn bộ răng của ông đều lung lay sau khi bị lính canh Chu Khải Minh đánh đập.

Ngày 7 tháng 9 năm 2002, lính canh cởi bỏ áo khoác của ông Lâm và dùng ống nhựa đánh ông trong nửa giờ đồng hồ, khiến cơ thể ông đầy rẫy vết bầm tím. Tuy nhiên ngày hôm sau, lính canh lại đánh ông. Da thịt trên lưng ông bị dập nát. Sau đó, các vết thương bị nhiễm trùng và phát triển thành ghẻ lở, ngứa ngáy khủng khiếp.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/14/447636.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/15/202801.html

Đăng ngày 22-09-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share