Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-07-2022]

Tên:Chu Thụ Toàn (周树全)
Giới tính: Nam
Tuổi: 55
Huyện: Huyện Loan
Tỉnh: Hà Bắc
Nghề nghiệp: Nông dân
Ngày mất: 9 tháng 12 năm 2021
Ngày bị bắt gần đây nhất: Tháng 9 năm 1999
Nơi giam giữ gần đây nhất: Không rõ

Kể từ năm 2002, ông Chu Thụ Toàn và vợ của ông đã bị buộc phải rời xa nhà sống trôi dạt để tránh bị bắt giữ vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Họ liên tục phải thay đổi chỗ ở từ nơi này sang nơi khác, làm những công việc nặng nhọc với mức lương tối thiểu để sinh tồn. Cuộc sống khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của ông. Ông qua đời vào ngày 9 tháng 12 năm 2021, ở 55 tuổi.

Tu luyện Pháp Luân Công

Ông Chu ở huyện Loan, tỉnh Hà Bắc là một người rất thiện lương và chịu thương chịu khó. Khi ông kết hôn và ra ở riêng, cha mẹ đã chia một phần nợ cho hai vợ chồng ông gánh vác. Ông đã không hề oán thán mà làm việc chăm chỉ để trả nợ.

Lúc mới vừa ngoài 30, ông Chu mắc bệnh tim nặng. Ông thường xuyên cảm thấy chóng mặt và tức ngực. Ông không thể làm bất cứ điều gì khi phát bệnh. Không có khả năng chi trả cho việc điều trị y tế, ông đã phải chịu đựng căn bệnh này, tuy nhiên những cơn đau đến ngày một thường xuyên hơn.

Năm 1998, ông Chu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và các chứng bệnh của ông nhanh chóng biến mất. Ông tràn đầy sức lực và làm nhiều công việc cho gia đình hơn. Ông đã trả hết số nợ và cảm thấy tương lai tràn đầy hy vọng.

Bắt giữ và tra tấn

Thế nhưng, cuộc sống yên bình của ông Chu đã tan vỡ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công một năm sau đó.

Tháng 7 năm 1999, các quan chức của thôn đã đến từng nhà của học viên Pháp Luân Công ở địa phương để yêu cầu họ nộp sách và tài liệu Pháp Luân Công, cũng như viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Những người không tuân thủ sẽ bị bắt giữ. Nhân viên chính quyền cũng lấy đi giấy tờ tùy thân của các học viên để ngăn họ đi ra khỏi địa phương. Bất cứ ai đi ra ngoài hoặc qua đêm bên ở vùng khác đều phải xin phép và sau khi trở về phải cáo báo với chính quyền.

Tháng 9 năm 1999, ông Chu lại bị bắt. Các cán bộ thôn yêu cầu cảnh sát trói ông lại. Sau một hồi họ lại thắt chặt dây trói. Sự tra tấn này khiến ông đau đớn tột cùng và ông gần như ngất xỉu. Ông bị mất cảm giác ở tay và chân, và có những vết bầm tím ở một số nơi trên cơ thể.

2004-12-12-mianyang-8--ss.jpg

Tái hiện tra tấn: Trói chặt

Ngoài việc tra tấn bằng cách trói chặt, cảnh sát còn đánh, tát vào mặt và giật tóc ông. Một cảnh sát dí điếu thuốc đang cháy vào cổ tay ông, để lại một vết sẹo lớn vĩnh viễn trên đó.

Khi gia đình đến đưa đồ ăn cho ông vào buổi tối, họ thấy ông không còn chút sức lực, không thể cử động hay ăn uống được gì. Lúc đó, cảnh sát trưởng đi tới, ông Chu đã dồn hết sức lực đứng dậy và cố gắng giảng chân tướng Pháp Luân Công cho ông ấy. Cảnh sát trưởng không nghe mà còn tát ông Chu trước mặt gia đình ông.

Mẹ, vợ và chú của ông Chu đã đôn đáo khắp nơi nhờ cậy, cuối cùng, sau khi được thả, ông bị đau lưng kéo dài và thường không ngủ được vào ban đêm. Phải mất hơn 40 ngày, ông mới có thể bình phục.

Buộc phải sống trôi dạt để tránh bị bức hại

Sau đó, chính quyền đã tịch thu giấy tờ tùy thân của ông Chu và phái người theo dõi ông suốt ngày đêm. Những người thân của ông cũng xa lánh ông. Không muốn sống trong cảnh bị bức hại như vậy, ông quyết định rời xa gia đình vào cuối năm 2002.

Chính quyền tìm kiếm ông khắp nơi. Gia đình cũng không thể sống một cuộc sống bình thường do thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu.

Thỉnh thoảng ông Chu trở về nhà vào lúc nửa đêm để biết tình hình của con gái. Sau đó con gái đã không màng khó khăn theo họ sống cuộc sống nay đây mai đó. Khi cuẩn bị vào cấp 3, cô bị từ chối nhập học vì không có hộ khẩu tại địa phương, điều này đã khiến cô bị tổn thương tinh thần nặng nề.

Không có giấy tờ tùy thân, ông Chu phải làm thuê làm mướn đủ mọi công việc kiếm sống, bao gồm chăn nuôi lợn, bốc vác và giao hàng. Gia đình ở trong một căn nhà đơn sơ, giống như một ngôi nhà di động, không có đèn chiếu sáng. Vào mùa đông, họ không có tiền để mua thiết bị sưởi ấm, và phải để nguyên tất cả quần áo và giày dép vốn mặc vào ban ngày để đi ngủ.

Mẹ qua đời vì quá sợ hãi

Nhiều năm qua, ông Chu và gia đình đã liên tục thay đổi chỗ ở để trốn thoát khỏi bàn tay của các nhân viên chính quyền. Năm 2012, họ thuê một căn phòng nhỏ, lúc đó, mẹ ông đã ngoài 80 tuổi và phải chống chọi với căn bệnh sỏi thận nặng. Bà cụ gặp khó khăn khi uống nước và đi vệ sinh. Để chăm sóc cho bà, ông Chu đã đưa bà đến nơi thuê trọ của mình, nhưng sau đó một người quen biết gia đình đã theo dõi và báo cảnh sát.

Sáng sớm ngày 9 tháng 6 năm 2012, một nhóm cảnh sát đã đột nhập vào nơi ở của họ. Vì ông Chu chưa đi làm ca đêm về, cảnh sát đã bắt vợ ông và đưa bà đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Thạch Gia Trang hai tuần sau đó.

Ông Chu lại buộc phải sống xa gia đình. Mẹ của ông đã bị cảnh sát làm cho kinh hãi và đã sớm qua đời không lâu sau đó. Cô con gái tuổi thiếu niên của ông sau đó bị bỏ lại ở nhà một mình và phải vật lộn để tự lo cho bản thân. Tình cảnh của họ thật thê lương.

Nhiều năm bị bức hại rời xa quê hương, những ngày tháng gian khó không có nơi ở cố định đã khiến ông Chủ vô cùng đau khổ, sức khỏe ngày một sa sút. Một ngày trong tháng 12 năm 2021, ông Chu đã đột ngột bị ngất khi đang đi bộ trên phố. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng vài ngày sau ông đã qua đời vào ngày 9 tháng 12.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/21/446554.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/23/202387.html

Đăng ngày 05-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share