Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-08-2022]

Tên: Lưu Tư Thanh (刘思清)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 59
Thành phố: Nam Sung
Tỉnh: Tứ Xuyên
Nghề nghiệp: Chuyên gia kỹ thuật của một nhà máy muối
Ngày mất: Ngày 4 tháng 5 năm 2022
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: Ngày 1 tháng 3 năm 2010
Nơi giam giữ cuối cùng:Nhà tù Nữ Giản Dương

Vì kiên định đức tin của mình vào Pháp Luân Công, bà Lưu Tư Thanh đã hai lần bị lĩnh án lao động và một án tù. Tại thời điểm ra tù năm 2014, bà gần như mất hoàn toàn thị lực do bị tra tấn trong thời gian thụ án. Bà đã phải vật lộn với tình trạng sức khỏe kém trong những năm sau đó, đồng thời đối mặt với áp lực triền miên hòng ép bà từ bỏ đức tin của mình từ phía chính quyền. Cuối cùng, vào ngày 4 tháng 5 năm 2022, bà đã qua đời ở tuổi 59. Thậm chí chỉ vài tháng trước khi bà qua đời, các nhà chức trách địa phương vẫn kéo tới nhà sách nhiễu bà ba lần.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Dưới đây là một số nội dung trích từ lá đơn của bà Lưu tố cáo tội ác của Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Trung Quốc) tội ra lệnh và bức hại Pháp Luân Công. Bà kể lại chi tiết một số hình thức tra tấn mà bà đã phải chịu đựng trong suốt nhiều năm.

_

Tôi thường làm việc ca đêm và việc này làm bào mòn hệ thống miễn dịch của tôi. Tôi thường xuyên bị cảm lạnh, cảm thấy chóng mặt hoặc phải khổ sở với những vấn đề sức khỏe khác. Trên đường đi làm vào năm 1997, tôi thấy nhiều người luyện Pháp Luân Công. Với mong muốn cải thiện sức khỏe, tôi cũng tham gia cùng họ. Sau một thời gian, tôi không còn bị cảm lạnh nữa và tràn đầy năng lượng.

Ngày 28 tháng 4 năm 2000, một năm sau khi bắt đầu cuộc bức hại, tôi đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Cha tôi tên là Lâm Khắc Tương, ông cũng tu luyện Pháp Luân Công, đã đi cùng tôi. Sau khi chúng tôi trở về nhà, cảnh sát Điền của Đội An ninh Nội địa đã đến bắt chúng tôi và đưa đến Đồn Công an Bắc Tháp để thẩm vấn.

Sau đó, cảnh sát lục soát nhà tôi và yêu cầu nhà máy nơi tôi làm việc tổ chức một cuộc họp để phê bình tôi. Tôi đã bị giáng chức và điều xuống làm lao công. Gia đình tôi buộc phải trả 10.000 nhân dân tệ làm tiền bảo lãnh tại ngoại cho tôi và cha tôi.

Sau đó, người cấp trên của tôi đã sắp xếp cho tôi dọn dẹp những thứ bẩn nhất. Tôi chỉ được trả 150 nhân dân tệ một tháng. Trong những ngày kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công hoặc các ngày lễ tết, họ biệt nhốt tôi trong các khách sạn địa phương, lâu nhất là hai tuần.

Ngoài việc bức hại tôi, họ còn cấm chồng tôi đi làm và ra lệnh cho ông ấy phải giám sát tôi. Họ cũng đình chỉ lương hưu để kích động ông thù hận tôi. Ngay khi nhìn thấy tôi luyện Pháp Luân Công ở nhà, chồng tôi liền túm tóc và đập đầu tôi vào tường. Ông ấy đã từng cầm một con dao chĩa vào bả vai tôi và nói: “Nếu tôi giết bà, tôi sẽ chỉ việc nói rằng bà đã tự tử vì tu luyện Pháp Luân Công là xong.”

Một đêm, ông ấy xé các cuốn sách Pháp Luân Công của tôi và đẩy tôi ra khỏi nhà. Ông ấy đóng cửa lại và để mặc tôi trong cái lạnh buốt giá suốt cả đêm, dù ngày hôm sau tôi vẫn phải đi làm. Không thể sống một cuộc sống bình thường, tôi đã phải ly hôn với chồng.

Thực ra, chồng tôi là một người thật thà, nhưng nỗi sợ bị bức hại đã lấn át khiến ông ấy trở nên vô lý và hành động cực đoan như vậy.

Ngay cả cha mẹ tôi cũng bị liên lụy. Khi nhà riêng của họ đang xây dựng, họ chuyển đến ở tạm với chúng tôi. Tuy nhiên, người quản lý của chồng tôi tại nơi làm việc đã đuổi họ ra ngoài. Mỗi khi họ tới ở nhờ nhà ai, cảnh sát sẽ đến lục soát nhà người đó. Cuối cùng, không ai dám cho họ ở nhờ và họ buộc phải sống lang thang.

Ngày 18 tháng 1 năm 2001, khi tôi đang nấu ăn sau khi tan làm, cảnh sát kéo đến bắt giữ và đưa tôi vào Trại tạm giam Cao Bình. Lính canh bắt tôi phải cởi quần áo và khám xét người tôi. Họ cũng trói tôi, bắt tôi đeo tấm bảng có nội dung nhục mạ tôi và bắt tôi đi diễu phố.

Ở trong trại tạm giam, lính canh đã cùm chân tôi vào chân của một học viên khác và cưỡng bức chúng tôi lao động khổ sai. Sau đó tôi bị giam một năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Nam Mộc Tự, ở đó tôi bị lột trần truồng và bị khám người, đồng thời buộc phải lao động không công và đọc thuộc lòng nội quy nhà tù.

Ngày 18 tháng 4 năm 2007, tôi lại bị bắt khi đang đi gặp một người bạn. Họ lột quần áo của tôi để khám xét người tôi và không cho tôi tắm nước nóng mặc dù thời tiết lạnh giá. Sau 30 ngày ở trong Trại tạm giữ quận Gia Lăng, tôi bị kết án lao động 15 tháng.

Lần bắt giữ tiếp theo của tôi xảy ra vào ngày 1 tháng 3 năm 2010, sau khi bị báo cảnh sát vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công với học viên Đỗ Tú Vân. Cảnh sát đánh rất mạnh và tàn bạo vào đầu, mặt và người của ông Đỗ. Tôi cũng bị đánh và toàn thân đầy những vết bầm tím. Mắt tôi đỏ hoe. Sau 7 ngày bị nhốt, tôi bị chuyển đến trại tạm giam Hoa Phượng và sau đó bị Tòa án quận Gia Lăng kết án 4 năm tù.

Tại Nhà tù Nữ Giản Dương, lính canh Hoàng Diễm Bình thường chửi mắng tôi. Cô ta nói: “Ở đây chỉ có lính canh tù và kẻ xấu, và các bà là những kẻ xấu”.

Cô ta bắt tôi mỗi khi bước một bước lại phải hô lớn: “Tôi là người xấu”. Tôi cũng bị bắt phải đọc lại nội quy nhà tù và lao động cưỡng bức. Áp lực tinh thần to lớn đã ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi. Tôi rơi vào trạng thái hốt hoảng và luôn cảm thấy rất lo lắng. Tôi bị cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim. Thị lực của tôi suy giảm nhanh chóng. Thức ăn họ cung cấp cho chúng tôi vô cùng nghèo nàn và không bao giờ tôi được ăn đủ no.

Hai bản án lao động của tôi cũng giáng một đòn nặng nề lên cha mẹ tôi. Cha tôi sau đó đã qua đời. Khi mẹ tôi tiếp tục phải chứng kiến sự bức hại mà tôi phải chịu đựng, bà đã từng nói rằng nỗi thống khổ mà bà phải chịu đựng không lời nào có thể diễn tả được.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/11/447490.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/12/202756.html

Đăng ngày 19-09-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share