Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-06-2022] Ngày 6 tháng 6 năm 2022, một người dân ở huyện Thông Hoá, tỉnh Hắc Long Giang đã ra toà vì đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà Mã Kế Anh, 68 tuổi, bị bắt vào ngày 19 tháng 10 năm 2020 khi đi qua cổng kiểm tra an ninh ở Nhà Ga Huyện Phương Chánh. Bảo vệ nhà ga đã tịch thu một máy tính xách tay trong túi của bà cũng như một số thẻ nhớ máy tính và các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát cũng lục soát nhà bà vào cùng ngày và tịch thu hai điện thoại di động cùng 30 tập sách về Pháp Luân Công. Bà đã bị giam một tháng trong Trại tạm giam Số 2 Thành phố Cáp Nhĩ Tân và sau đó được thả.

Toà án Thành phố Cáp Nhĩ Tân đã triệu hồi bà nhiều lần trong năm 2022. Sau khi một hàng xóm gần đây tố cáo bà tu luyện Pháp Luân Công, cảnh sát đã cài đặt những camera giám sát bên ngoài nhà bà.

Toà án Thành phố Cáp Nhĩ Tân đã bắt giữ bà vào ngày 6 tháng 6. Chi tiết về vụ án của bà vẫn chưa rõ.

Bức hại trong quá khứ

Từ khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Mã đã bị bắt giữ liên tục vì kiên định đức tin của mình. Bà đã lãnh hai án trại lao động với tổng cộng bốn năm và cũng bị kết án 12 năm. Bà đã phải chịu nhiều hình thức bức hại. Chỉ vài ngày sau khi bà được thả ra khi kết thúc án lao động lần hai, chồng đã ly dị bà.

Bị bắt và bị sách nhiễu

Tháng 9 năm 1999, nhiều viên chức làng đã bắt giữ bà Mã tại nhà người hàng xóm của bà. Bà đã bị đưa đến chính quyền thôn và bị ép tham gia một cuộc lên án Pháp Luân Công. Dù bà từ chối đọc những tuyên bố lăng mạ Pháp Luân Công, đài truyền hình địa phương đã ghi lại cảnh bà tham gia và phát sóng vào bản tin buổi tối.

Ngày 25 tháng 10 năm 2000, ngay khi bà Mã làm việc trên đồng rồi trở về nhà, hai cảnh sát đã xông vào nhà bà và lệnh cho bà từ bỏ Pháp Luân Công. Bà đã từ chối. Sau đó họ tố cáo bà. Sáu người khác sớm đến nơi và ở lại nhà bà để gây áp lực cho bà đến tận 11 giờ tối mới rời đi.

Ngày 26 tháng 10 năm 2000, nhiều viên chức làng lại sách nhiễu bà và cố ép bà từ bỏ Pháp Luân Công. Bà kiên quyết không từ bỏ và bị bắt đưa đến trại tạm giam Huyện Thông Hoá vào buổi trưa. Bà đã bị giam ở đó 16 ngày và bị tống tiền 2.000 nhân dân tệ.

Trong khi bị giam, bà đã thấy nhiều học viên khác, gồm ông Khổng Tường Vỹ, vợ và mẹ ông, cũng như vợ chồng ông Lý Cửu Thành, họ đã bị bắt vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Họ bị tống tiền từ 10.000 đến 30.000 nhân dân tệ trước khi được thả.

Bà Mã đã đi Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tối ngày 13 tháng 12 năm 2000 dù bị giám sát chặt chẽ. Bà đã đến Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 16 tháng 2 năm 2001. Trong thời gian này, học viên từ khắp nơi trên đất nước cũng lần lượt xuất hiện tại Quảng trường Thiên An Môn và bị cảnh sát bắt đưa đi.

Khi bà Mã chưa làm gì cả, một cảnh sát đã đến và hỏi bà có tu luyện Pháp Luân Công không. Bà không trả lời. Sau đó anh ta hỏi Pháp Luân Công có tốt không. Khi bà nói tốt, bà đã bị bắt và bị đưa vào xe cảnh sát.

Bà Mã đã bị giam tại ba cơ sở giam giữ rồi bị đưa đến trại tạm giam Huyện Thông Hoá. Chính quyền đã cố gắng tống tiền gia đình bà 8.000 nhân dân tệ để chi trả cho chi phí các cảnh sát đến Bắc Kinh đưa bà về nhưng gia đình đã từ chối hợp tác.

Hai án lao động cưỡng bức

Sau khi bị giam 20 ngày ở một trại tạm giam địa phương, bà Mã bị đưa đến Trại Cưỡng bức Lao động Vạn Gia để thụ án một năm. Vì bà không từ bỏ Pháp Luân Công, các lính canh đã còng tay bà ra sau lưng và sau đó là các ống dẫn nhiệt suốt cả đêm. Bà không thể đứng hay ngồi xuống

Vì bà vẫn kiên định đức tin nên các lính canh đã treo bà lên bằng cổ tay trong ba giờ. Nhiều học viên khác mà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công cũng bị tra tấn tương tự. Một số bị treo lên trong nhiều ngày và ba người đã bị tra tấn đến chết.

409a43ea624ae349480e73cc72c11e8c.jpg

Minh hoạ tra tấn: Treo lên bằng cổ tay

Bà Mã phải ở chung phòng với 35 tù nhân khác. Do điều kiện sống bẩn thỉu nên họ đều bị ghẻ lở. Một số bị nặng đến nỗi tay họ không thể cầm đũa.

Sau gần một năm ở trại lao động, bà Mã đã được thả để điều trị y tế vào tháng 2 năm 2002.

Hai tháng sau, vào ngày 12 tháng 4 năm 2002, trước khi bà thức giấc, hai cảnh sát mặc thường phục đã xông vào và tịch thu các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin và những băng đĩa hướng dẫn luyện công của bà. Ngay sau khi bà dùng bữa sáng, một cảnh sát khác đã đến và lệnh cho bà viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà đã từ chối và bị bắt đưa đến trại tạm giam Huyện Thông Hoá lần nữa.

Bà Mã đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Các lính canh đã bắt bà đeo xích chân nặng gần 25kg trong một tuần. Họ cũng đánh đập và lăng mạ bà sau khi bà bị tố giác vì tập Pháp Luân Công.

Bà Mã lại bị tố cáo vào tháng 5 năm 2002 vì dạy người khác hát các bài hát về Pháp Luân Công. Đằng Chấn Tân, giám đốc trại tạm giam, đã đưa bà đến văn phòng riêng rồi tát vào mặt và đập đầu bà vào tường. Mặt bà sưng phồng lên. Bà cũng bị ép mang xích chân nặng khoảng 11kg thêm 20 ngày nữa.

Khi thời tiết ấm dần lên, các lính canh vẫn ép bà mặc quần áo dày mà bà đã mặc trong lúc bị bắt. Bà có chí đang sinh sản trên người. Nhưng các lính canh đã làm ngơ và cũng sắp xếp các tù nhân bị bệnh tâm thần tra tấn bà.

Ba tháng sau, bà Mã bị kết án ba năm cưỡng bức lao động vì bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng”.

Ngay khi vừa đến trại cưỡng bức lao động Vạn Gia vào ngày 1 tháng 8 năm 2002, bà đã bị các tù nhân đá vào thân dưới, véo bên trong đùi và đánh vào ngực.

Bốn học viên từ chối từ bỏ Pháp Luân Công cũng bị ép phải ngồi xổm nhiều ngày liên tục ngay cả khi dùng bữa. Các lính canh không cho họ muỗng đũa và ép họ phải ăn bốc. Bà Mã bị ép ngồi xổm 20 ngày.

288e1679735e5429f1e31e9a78d641fe.jpg

Minh hoạ tra tấn: đánh đập

Có lần một lính canh thấy bà Mã đọc một bài giảng của Pháp Luân Công. Họ đã treo bà lên bằng cổ tay rồi sốc điện bà bằng dùi cui điện nhằm cố tìm ra nơi bà lấy bài giảng. Tra tấn khiến bà bị khó thở. Sợ rằng bà sẽ chết do bị tra tấn nên các lính canh đã đưa bà xuống nhưng tát vào mặt bà và tra hỏi bà nơi lấy bài giảng.

Các lính canh liên tục tra tấn bà ba lần trong một ngày. Bà Mã hoàn toàn mất cảm giác ở tay. Bà không tự chủ được và làm bẩn quần của mình. Bà bị ép tham gia một phiên chỉ trích vào hôm sau.

Trong án lao động lần hai, trưởng thôn liên tục gây áp lực chồng bà phải ly dị bà. Sợ bị liên luỵ trong cuộc bức hại, sáu ngày sau khi bà được thả vào tháng 11 năm 2004, ông đã ly dị bà.

Án tù 12 năm

Bà Mã bị bắt lần tiếp theo vào tối ngày 17 tháng 7 năm 2007. Bà và một học viên khác đang thăm bà là bà Trương Ngọc Chi đã bị bắt và bị thẩm vấn trong Sở Cảnh sát Huyện Thông Hoá. Năm máy in, hai máy tính, 2.000 đĩa DVD trắng, 10 hộp giấy in cùng những vật dụng văn phòng và tài sản cá nhân khác trị giá 30.000 nhân dân tệ của bà đã bị tịch thu.

Một ngày sau, cảnh sát đã bắt hai con rể của bà và thẩm vấn họ trong một ngày. Bà Mã cũng bị thẩm vấn trong những ngày tiếp theo.

Hai tháng sau, bà Trương được thả sau khi bị tống tiền 20.00 nhân dân tệ, còn bà Mã vẫn bị giam trong trại tạm giam Huyện Thông Hoá và bị kết án bí mật 12 năm mà gia đình không biết.

Sau khi bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 20 tháng 12 năm 2007, bà bị ép ngồi trên một ghế đẩu nhỏ từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối. Không thể chịu nổi tra tấn nữa, bà buộc phải viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng các lính canh vẫn tiếp tục ép bà xem các video tuyên truyền lăng mạ Pháp Luân Công.

Ngày 23 tháng 10 năm 2010, bà Mã đã viết một nghiêm chính thanh minh tuyên bố quay trở lại tu luyện Pháp Luân Công. Bà cũng từ chối lao động cưỡng bức để phản đối. Các lính canh đã trả thù bằng cách cấm bà tham gia các hoạt động ngoài trời

Sau tám năm bị tra tấn, bà Mã đã được thả vào năm 2015, sớm hơn thời hạn bốn năm.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/9/444669.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/27/201989.html

Đăng ngày 14-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share