Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 08-06-2022] Kể từ năm 2015, bà Trương Tú Hoa, một giáo viên nghỉ hưu 75 tuổi ở Bắc Kinh, đã liên tục bị chính quyền sách nhiễu vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Thêm vào đó, kể từ tháng 4 năm 2022, lương hưu của bà cũng bị đình chỉ, cũng chỉ vì bà kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Bà Trương Tú Hoa từng giảng dạy tại Trường Trung học Số 1 thành phố Bắc Kinh. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998. Một năm sau, sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà đã ngừng tu luyện trong vài năm và nhiều bệnh của bà, trong đó có bệnh nhiễm trùng thận và bệnh Meniere vốn đã khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Công, lại tái phát. Đến năm 2006, bà khôi phục tu luyện Pháp Luân Công và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Kể từ năm 2015, các chính quyền bắt đầu sách nhiễu bà một cách thường xuyên. Trước những ngày kỷ niệm lớn liên quan đến Pháp Luân Công, trường học sẽ cảnh báo bà không được ra ngoài để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, thỉnh thoảng họ còn đến nhà sách nhiễu bà.
Ngày 14 tháng 3 năm 2020, sáu cảnh sát đã lục soát nhà của bà Trương, tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính, máy nghe nhạc, thẻ nhớ máy tính và thậm chí cả khung đỡ của một cuốn lịch để bàn (được cảnh sát tính là một cuốn lịch đầy đủ). Cảnh sát đã ra quyết định giam giữ bà 5 ngày, nhưng được thụ án tại nhà.
Trong một cuộc sách nhiễu khác xảy ra vào ngày 2 tháng 3 năm 2021, một số cảnh sát còn xông vào phòng ngủ của bà để lục tìm các vật phẩm có liên quan đến Pháp Luân Công.
Bên dưới chi tiết về một số vụ sách nhiễu xảy ra trong thời gian gần đây.
Sách nhiễu trong dịp lễ Tết Trùng Cửu
Vào ngày 14 tháng 10 năm 2021, đúng vào Tết Trùng Cửu (ngày 9 tháng 9 Âm lịch hàng năm, một lễ hội truyền thống lâu đời dành cho người cao tuổi), năm người của trường học nơi bà Trương giảng dạy trước kia và văn phòng giáo dục địa phương đã sách nhiễu bà Trương tại nhà vì bà không tham dự sự kiện mà trường tổ chức cho những cựu giáo chức.
Đầu tiên họ tỏ vẻ quan tâm, hỏi hàng ngày bà làm gì. Hai nam giáo viên từ văn phòng giáo dục địa phương lấy cớ muốn xem những bông hoa mà bà trồng để lẻn vào phòng của bà dù không được bà cho phép. Sauu đó khi nhìn thấy bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, một giáo viên nói: “Điều này không được phép. Bà sẽ gặp rắc rối nếu cảnh sát nhìn thấy bức ảnh này. Họ sẽ vài ngày lại đến sách nhiễu bà một lần, sẽ rất phiền phức!”
Người giáo viên hỏi bà tại sao lại tu luyện Pháp Luân Công. Bà nói với họ những lợi ích sức khỏe mà bà đã đắc được, cũng như sự đề cao tâm tính của bà sau khi theo học pháp môn. Bà nói: “Chúng tôi sống theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn và chúng tôi không đánh trả khi bị đánh hoặc bị chửi bới.”
Người giáo viên đó lại hỏi: “Làm thế nào bà có thể làm được điều đó?”
Bà Trương hỏi tên của người giáo viên. Anh ta nói: “Tôi không thể nói cho bà biết, tôi sợ bà sẽ gửi tên tôi tới các kênh truyền thông nước ngoài ở] Mỹ”
Bà Trương đã cố gắng giảng chân tướng Pháp Luân Công cho họ. “Pháp Luân Công là Đại Pháp cao đức, dạy các học viên tập trung vào việc nâng cao tâm tính của họ và không ngừng hướng nội để xem bản thân còn điều gì chưa tốt và cố gắng làm tốt hơn nữa”.
Bà tiếp tục: “Các anh có biết rằng Pháp Luân Công không có trong danh sách tà giáo do Quốc vụ viện và Bộ Công an công bố không? Và Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm các của sách Pháp Luân Công vào năm 2011? Vì vậy, việc tu luyện Pháp Luân Công là hoàn toàn hợp pháp ở Trung Quốc. Tại sao các anh không cho tôi tu luyện?“
Người giáo viên nói: “Đó là chỉ thị từ cấp trên, chúng tôi cũng hết cách.”
Sách nhiễu trong chiến dịch “Xóa sổ”
Năm 2020, sau khi chính quyền cộng sản ra lệnh thực hiện chiến dịch sách nhiễu “Xóa sổ” nhằm buộc mọi học viên có tên trong danh sách của chính quyền phải từ bỏ Pháp Luân Công, bà Trương cũng không ngoại lệ.
Phòng 610 quận Hoài Nhu (Phòng 610 là một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập để bức hại Pháp Luân Công) đã liên tục gọi điện cho con gái bà và ra lệnh cho cô ép bà Trương phải từ bỏ Pháp Luân Công hoặc thay mặt bà ký vào bản tuyên bố từ bỏ tu luyện. Họ đe dọa rằng nếu bà Trương không từ bỏ Pháp Luân Công, công việc của vợ chồng cô và việc học đại học sau này của con trai họ sẽ bị ảnh hưởng.
Ngày 6 tháng 12 năm 2020, con gái của bà Trương đã gọi cho bà và nói với bà về việc sách nhiễu. Dưới áp lực khủng khiếp, cô đã yêu cầu bà Trương từ bỏ đức tin của mình.
Ngày 8 tháng 12, Chung Á Lâm, trưởng phòng bảo vệ của trường, đã gọi cho bà Trương và yêu cầu bà xuống tầng dưới để ký tên vào bản tuyên bố. Bà đã từ chối và yêu cầu Chung ngừng sách nhiễu con gái mình. Bà nói: “Anh đừng gọi điện cho con gái tôi nữa. Gia đình nó vốn đang hòa thuận, nhưng cả ngày các anh gọi điện đến quấy rầy khiến nó sống không được yên. Con rể tôi đang đòi ly hôn với nó, cả ngày nó khóc lóc sầu muộn. Con bé hàng ngày phải đi làm, phải chăm lo việc ăn học cho bọn trẻ, lại còn lo tôi sẽ bị bắt giữ. Anh không thể để nó sống một cuộc sống bình thường được sao?“
Ngày 11 tháng 12, con gái của bà Trương đã đến thăm bà và nói rằng cảnh sát đã liệt tên bà Trương vào danh sách đen. Họ định bắt giữ bà nếu bà không hợp tác với họ. Cô nói: “Lẽ nào mẹ muốn thấy chúng con ly hôn, mất việc và cháu trai của mẹ không tìm được việc làm sao?”
Bà Trương nói với con gái: “Sẽ không có gì xảy ra với con. Mẹ sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ con. Là họ làm điều sai trái khi lôi các con vào cuộc bức hại này.”
Sách nhiễu vào dịp Tết Nguyên đán
Đầu năm 2022 trước kỳ nghỉ đông, Chung của phòng bảo vệ của trường lại gọi điện cho bà Trương và nói rằng anh ta sẽ đến nhà bà vào chiều hôm sau. Sau đó, anh ta cúp máy và không trả lời điện thoại khi bà Trương gọi lại.
Sáng hôm sau, Chung gọi cho bà Trương và nói rằng anh ta lùi lịch đến nhà bà vì có một cuộc họp quan trọng. Bà Trương nói với anh ta rằng không cần anh đến, vì bà sẽ không ký vào bất kỳ bản tuyên bố (từ bỏ tu luyện) nào.
Vài ngày trước Tết Nguyên đán, và ngày 1 tháng 2, các lãnh đạo nhà trường lại đến sách nhiễu bà Trương, viện cớ là họ đang đi thăm hỏi các giáo viên đã nghỉ hưu.
Người giáo viên trước đó sách nhiễu bà Trương trong Tết Trùng Cửu mà từ chối tiết lộ danh tính cũng đến. Lần này, bí thư Lưu của trường giới thiệu anh ta là “giáo viên Hạ”.
Lưu nói với bà Trương: “Tôi là bí thư trường, tôi phải hoàn thành công tác mà bên trên giao cho. Bà đang khiến mọi thứ trở nên khó khăn cho tôi. Tôi hy vọng bà có thể giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ công tác này của mình”.
Bà Trương đáp: “Nếu tôi hợp tác với ông và ký vào bản tuyên bố đó thì tức là tôi đã phản bội lại Sư phụ của mình. Trước đây tôi đã mắc rất nhiều bệnh hiểm nghèo, nhưng đều đã khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Công”.
Lưu nói: “Tôi biết điều đó, luyện Pháp Luân Công là tốt, nhưng vì có người tu luyện Pháp Luân Công có vấn đề nên nhà nước mới không cho luyện.”
Bà Trương bác bỏ: “Đó không phải là quyết định của nhà nước, mà là quyết định của cá nhân Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Trung Quốc). Vì lúc đó có cả 100 triệu người học Pháp Luân Công, nhưng chỉ có 70 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Giang tật đố với sự phổ biến của Pháp Luân Công, nên ông ta đã ra lệnh bức hại.”
“Để biện minh cho quyết định của mình, cá nhân ông ta đã bôi nhọ Pháp Luân Công trên một hãng truyền thông của Pháp và cũng ra lệnh cho bè phái của ông ta dựng lên Vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn để bôi nhọ Pháp Luân Công.“
Tiếp đó, bà Trương bà chỉ ra một số điểm mâu thuẫn trong đoạn video tuyên truyền của ĐCSTQ về vụ tự thiêu cho thấy đây là một trò lừa bịp. Ví dụ, kẻ tự thiêu giả Vương Tiến Đông toàn thân bị lửa thiêu cháy đen, thế nhưng tóc của ông ta và chiếc vỏ chai nhựa đựng xăng lại không mảy may tổn hại. Lưu Tư Ảnh nói là mới làm phẫu thuật cắt mở khí quản, mà đã có thể cất tiếng hát trong khi trên người vẫn quấn đầy băng gạc, điều này là trái với y học thông thường.
Một người khác nói chen xào: “Ai nói vụ tự thiêu này là giả thì là đang chống lại ĐCSTQ.”
Lưu nói thêm: “Chúng ta không nói về những vấn đề liên quan tới Pháp Luân Công nữa. Chính quyền đã có quyết định rồi.”
Bà Trương nhấn mạnh một lần nữa rằng Pháp Luân Công là hợp pháp và chưa bao giờ nằm trong danh sách các tổ chức tà giáo của chính quyền và việc xuất bản sách Pháp Luân Công hiện đã được cục xuất bản Trung Quốc cho phép.
Lưu đã cố gắng buộc tội bà Trương bằng cách nói rằng tiêu chuẩn “Nhẫn” của Pháp Luân Công là vi phạm pháp luật, nhưng bà ta không thể cung cấp bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho tuyên bố này.
Sau đó, trưởng phòng bảo vệ Chung bước tới và hỏi liệu chồng của bà Trương có thể thay mặt bà ký tên vào bản tuyên bố hay không. Bà Trương nói: “Ông ấy không thể đại diện cho tôi”.
Thấy không thể thuyết phục bà Trương, Lưu ra hiệu cho những lãnh đạo của trường học cùng rời đi. Trước khi đi, giáo viên họ Hà nói với bà Trương: “Chúng tôi còn đến nữa! Đến rất thường xuyên!”
Bà Trương nói với họ: “Tôi không hoan nghênh các vị! Tôi không mở cửa.”
Một tháng sau, nhà trường gọi điện cho chồng bà Trương và yêu cầu ông xuống nhà để tên ký vào bản tuyên bố từ bỏ tu luyện thay cho bà, nhưng ông từ chối. Không lâu sau, có người đến gõ cửa và bà Trương đã ra mở cửa. Vừa nhìn thấy có hơn 10 viên chức đang đứng trước cửa, bà liền đóng cửa lại ngay lập tức. Thấy bà thực sự không chào đón họ, các viên chức này đã rời đi.
Bắt giữ và đưa đến đồn công an
Ngày 15 tháng 3 năm 2022, bảy cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà Trương. Đồn phó Lưu Ngôn Đào của Đồn Công an Toàn Hà nói với bà: “Bà đang khiến tôi bị mất mặt đấy! Hai năm trước, tôi đã hứa với người khác rằng bà sẽ không gây rắc rối cho chúng tôi nữa, nhưng bây giờ bà lại mắc những sai phạm tương tự”.
Có người hỏi bà Trương: “Tối qua bà đã làm gì?”
Bà bảo các cảnh sát: “Trước hết các anh phải tắt camera gắn trước ngực đi đã.”
Một cảnh sát nói: “Chúng tôi phải mở camera, đây là quy định.”
Khi bà Trương đang chuẩn ghi lại số thẻ cảnh sát của họ, thì họ lấy ra cho bà xem một lệnh khám xét và bắt đầu lục soát nhà của bà.
Cảnh sát đã tịch thu các sách Pháp Luân Công và các tài sản cá nhân khác của bà Trương. Sau đó, họ đưa bà đến nơi bà phân phát tài liệu và yêu cầu bà xuống xe để chụp ảnh. Tuy nhiên, bà đã không làm theo, nên cảnh sát chỉ chụp ảnh địa điểm đó.
Sau đó, họ đưa bà đến bệnh viện để khám sức khỏe và kết quả là bà bị huyết áp cao nguy hiểm.
Sau khi đưa bà đến trại tạm giam địa phương, họ yêu cầu bà tháo thắt lưng và mẩu kẽm kẹp ở phần mũi của chiếc khẩu trang. Ba cảnh sát ra lệnh cho bà ngồi vào một chiếc ghế kim loại và bắt đầu thẩm vấn bà.
Bà Trương xem đây là một một cơ hội để giảng chân tướng Pháp Luân Công cho cảnh sát. Bà kể rằng sức khỏe của bà đã hồi phục và đạo đức của bà được nâng cao ra sao khi tu luyện Pháp Luân Công.
Nghe xong một cảnh sát hỏi bà: “Bà đang nói chính sách hiện tại khiến đạo đức của con người tuột dốc và xã hội trở nên bất ổn?”
Bà Trương nói: “Tôi không nói như vậy. Thế nhưng một số người đạo đức xác thực là rất bại hoại, họ có thể làm bất cứ điều gì chỉ vì tiền, chẳng hạn như sản xuất các sản phẩm sữa và sữa công thức độc hại dành cho trẻ em. Không một ai tu luyện Pháp Luân Công mà lại làm điều như vậy cả. Pháp Luân Công là một miền tịnh thổ.“
Cảnh sát thắc mắc: “Chính phủ cấm, tại sao bà còn luyện?”
Bà Trương cho biết việc bà tu luyện Pháp Luân Công không hề vi phạm bất kỳ luật nào. Mặt khác, việc bà thực hành đức tin của mình vốn là quyền được Hiến pháp bảo vệ.
Cảnh sát cũng hỏi tại sao bà phân phát tài liệu và bà lấy tài liệu ở đâu.
Bà trả lời rằng các học viên Pháp Luân Công dùng tiền bạc và thời gian của bản thân họ để làm tài liệu và họ phân phát chúng, với thiện ý giúp mọi người biết rõ sự thật. Bà nói rằng là một người tu luyện Pháp Luân Công, bà thấy mình có trách nhiệm phải làm như vậy.
Cảnh sát đã thả bà Trương vào buổi tối do bà bị huyết áp cao. Họ lại đưa bà đến nơi bà phân phát tài liệu vào ngày hôm sau và yêu cầu bà nhận “tội” phân phát tài liệu của mình, nhưng bà từ chối. Sau đó cảnh sát đưa bà đến một phòng thẩm vấn khác. Căn phòng này có một cửa sổ, cho phép những người ở phòng bên cạnh có thể nhìn thấy bà rõ ràng, nhưng bà không thể nhìn thấy họ.
Cảnh sát cho biết họ sẽ tạm giam hình sự bà 3 ngày và cố gắng gây áp lực buộc bà phải nhận tội. Bà khẳng định mình không vi phạm bất kỳ luật gì.
Khi cảnh sát đưa bà Trương đến trại tạm giam, bác sĩ đã từ chối tiếp nhận bà do bệnh huyết áp cao và cảnh sát đồng ý cho bà tại ngoại với điều kiện bà không được rời khỏi quận Hoài Nhu nơi bà đang sinh sống.
Ngày 17 tháng 3, bà Trương lại bị đưa đến đồn công an và cảnh sát đã thu thập lại dấu vân tay và quét võng mạc của bà, vì sinh trắc học mà họ thu thập trước đó không hợp lệ. Sau khi thực hiện xong, phó cảnh sát trưởng nói với bà: “Tôi không có ý định thay đổi tín ngưỡng của bà, nhưng đó là một lệnh từ cấp trên mà tôi không thể không chấp hành.”
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/8/444644.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/29/202018.html
Đăng ngày 12-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.