Bài viết của Mông Ân, một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 21-05-2021] Pháp Luân Đại Pháp đã hồng truyền tại thế gian 30 năm, tôi bước vào tu luyện Đại Pháp cũng đã được 28 năm.

28 năm trước, tôi đã tham dự ba khóa giảng Pháp và hai lần hội thảo giới thiệu do Sư phụ tổ chức ở Trung Quốc. Tôi thật may mắn khi có cơ hội trực tiếp nghe Sư phụ giảng Pháp.

Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành đàn áp Pháp Luân Công nhưng trong những năm qua tôi chưa bao giờ dao động đức tin của mình. Đại Pháp đã bén rễ trong trái tim tôi và không gì có thể thay đổi được điều đó.

Một số trải nghiệm đặc biệt trước khi đắc Pháp

Tôi sinh ra vào những năm 1960. Tuổi thơ của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Các bậc trưởng bối trong gia đình tôi, vì cái gọi là “vấn đề lịch sử” mà có người bị ĐCSTQ đàn áp, có người trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ bị đấu tố mà dẫn đến tự sát. Bố mẹ tôi buộc phải về quê. Trước những xáo trộn trong cuộc sống, tôi lớn lên với thân thể suy nhược, tính cách hướng nội.

Suýt mất mạng

Khi 14 tuổi, tôi bị ốm nặng. Tôi sống với mẹ ở quê và đi học ở đó. Ở đây họ tổ chức một chương trình gọi là “vừa học vừa làm,” học sinh được yêu cầu tham gia lao động nông nghiệp.

Đôi khi công việc là cắt cỏ và vận chuyển đất; đôi khi chúng tôi được yêu cầu hái rau ở ao để làm thức ăn cho gia súc. Lúc đó, tôi mới dậy thì nhưng vẫn phải xuống ao hái rau trong kỳ kinh nguyệt. Sau đó, kinh nguyệt của tôi kéo dài hơn một tháng và rồi tôi bị ra máu kéo dài. Uống thuốc hay tiêm cũng không có tác dụng. Bị chảy máu không ngừng, tôi phải xin nghỉ ốm.

Tôi rất yếu. Mặt tôi tái mét đến mức ai nhìn cũng thấy sợ. Mẹ tôi lo lắng tìm người có thể giúp tôi. Một ngày nọ, khi biết một bác sĩ Trung y lớn tuổi có thể điều trị cho tôi, bà đã nhờ người đưa tôi đến đó bằng một chiếc xe ba bánh. Nhưng khi đến nơi, ông ấy lại không có nhà. Mẹ tôi gục xuống đất và bắt đầu khóc. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ khóc như thế. Thật đáng sợ. Những người khác đến để an ủi mẹ tôi. Bà nói với họ: “Con tôi sắp chết. Tôi phải làm sao bây giờ?“

Khi rời phòng khám ngày hôm đó, mẹ tôi hỏi tôi có thích gì không. Bà khóc và hứa sẽ mua cho tôi bất cứ thứ gì mà tôi muốn. Hồi đó gia đình tôi nghèo lắm. Khi nghe mẹ nói vậy, tôi nghĩ rằng mình sẽ chết sớm. Vậy nên, tôi nói với mẹ rằng tôi muốn có một cuốn sách.

Chúng tôi đã đến hiệu sách duy nhất trong thị trấn. Chỉ có một vài cuốn sách ở đó. Tôi nhìn thấy một cuốn sách có ba nhân vật và muốn mua nó. Người bán sách nói rằng đó là một cuốn triết học và không biết tôi đọc có hiểu không. Tôi nói với cô ấy rằng tôi không biết mình thực sự muốn gì, nhưng tôi biết chắc hẳn cuốn sách đó có ý nghĩa sâu sắc. Chúng tôi cầm sách và trở về nhà.

Tôi lặng lẽ nằm xuống giường, nhìn vào cuốn sách. Đó không phải là cuốn sách tôi muốn. Tôi đã đóng cuốn sách lại và nằm chờ chết. Tôi không cảm thấy sợ hãi, nhưng tôi chưa sẵn sàng để ra đi. Tôi cảm thấy có lỗi với mẹ, người đã làm việc rất vất vả vì tôi mà tôi vẫn chưa báo đáp được công ơn của bà. Đột nhiên tôi cảm thấy có điều gì đó khác lạ và một ý nghĩ đến với tôi rằng tôi vẫn khỏe.

Tôi từ từ đứng dậy và đi vào phòng tắm. Tôi thấy mình không còn ra máu nữa. Tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con khỏe rồi.” “Thật không con? Nhưng con vẫn chưa uống thuốc mà. Đã xảy ra chuyện gì thế?” Tôi không biết phải trả lời mẹ như thế nào. Làm sao tôi có thể khỏe trở lại? Ai đã cứu tôi?

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ

Một lần, tôi đi xe buýt đường dài để tới thăm bà ngoại. Đó là vào những năm 1970. Xe buýt không đủ để chở khách, trong khi mọi người không chịu xếp hàng. Mọi người đều ùa lên xe khi xe buýt đến. Lúc đó là mùa hè và thời tiết rất nóng. Tôi bị đẩy tới đẩy lui và cuối cùng dạt tới chỗ gần cửa sổ và có một người tình cờ bước xuống xe. Tôi ngồi xuống ghế một cách thoải mái.

Ngay sau đó, tôi nhận thấy một người phụ nữ lớn tuổi, gầy gò đang đứng gần tôi. Bà ấy có bàn chân nhỏ bị bó buộc lại. Tôi định nhường chỗ ngồi của mình cho bà ấy, nhưng khi nhìn thấy xe buýt đông đúc, tôi không nhúc nhích và quay mặt về phía cửa sổ.

Bà ấy lẩm bẩm: “Ngôi chùa có thể đổ nát, nhưng Đức Phật vẫn còn.” Bà ấy lẩm bẩm thêm vài câu nữa. Tôi đột nhiên cảm thấy bất an và đứng dậy, nhưng bà ấy đã không còn ở đó nữa. Xe buýt không dừng, vậy bà ấy có thể đi đâu được nhỉ? Thật kỳ lạ? Mặc dù tôi không hiểu bà có ý gì: “Ngôi chùa có thể đổ nát, nhưng Đức Phật vẫn còn ở đó,” nhưng câu nói này đã ám ảnh tôi trong một thời gian dài.

Lớn lên, cuộc đời tôi đầy những thăng trầm. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi và cay đắng khi tranh giành với người khác vì lợi ích cá nhân. Tôi thường nhìn lên bầu trời và tự hỏi: Vì sao tôi đến với cuộc sống này? Ai đang quản mọi thứ ngoài kia? Tôi tìm kiếm câu trả lời trong những cuốn sách, nhưng không thể tìm thấy điều gì.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Pháp Luân Công

Một ngày nọ, vào năm 1993, mẹ tôi, vốn là người rất thích tập khí công để rèn luyện sức khỏe, đã nói với tôi về Pháp Luân Công và cuốn sách chính của pháp môn này. Đọc xong cuốn sách, tôi thấy rất xúc động. Thời đó, chủ nghĩa duy vật đang phổ biến trong xã hội. Mọi người đều chạy theo tiền bạc và tính toán mưu kế. Nhưng cuốn sách này lại giảng về cách tu dưỡng tâm tính và trở thành một người tốt!

Tôi là người đã bị giáo dục thuyết vô thần của ĐCSTQ. Khi đọc được cuốn sách nói rằng con người có thể tu luyện đến cảnh giới của Thần Phật, tôi đã rất ngạc nhiên. Nó như một tia sáng xuyên qua bóng tối và chạm đến tận đáy lòng tôi: Hóa ra con người có thể trở thành những sinh mệnh cao thượng đến như vậy!

Ngày hôm đó, khi tôi nhìn thấy mẹ tôi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, những động tác của bà thật nhẹ nhàng. Một cảm giác vui sướng trào dâng tận đáy lòng. Khi tôi thử luyện các bài công pháp, tôi cảm thấy có thứ gì đó đang quay.

Sau đó, tôi cảm thấy như mình đang được dẫn dắt, tôi bắt đầu chú ý đến Pháp Luân Công. Tôi nghe nói rằng ông Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, đã mở các khóa giảng Pháp trên khắp cả nước. Ngài đã dạy mười ba khóa ở Bắc Kinh. Nhiều người đều mong đợi Ngài quay trở lại Bắc Kinh.

Cuối năm 1993, cuối cùng tôi cũng nghe nói Ngài đến Bắc Kinh và đang chữa bệnh cho mọi người tại Hội Sức khỏe Đông Phương cùng với các đệ tử của Ngài, và kết quả vô cùng kỳ diệu. Một người bị liệt đã đứng dậy khỏi xe lăn ngay tại chỗ, một người phụ nữ khác bị gù lưng chín mươi độ đã thẳng lưng trở lại!

Mẹ tôi đã rất khó khăn mới mua được một vé cho buổi hội thảo thứ ba mà Sư phụ Lý vừa bổ sung thêm vào chương trình của Hội chợ Sức khỏe Đông Phương. Đây là sự kiện đặc biệt có mời Sư phụ đến tham dự. Buổi thuyết giảng của Sư phụ quá mới mẻ nên một phiên không thể đáp ứng đủ nhu cầu, vì vậy ban tổ chức quyết định bổ sung thêm nhiều phiên, trong đó có một phiên vào ngày bế mạc. Đó là buổi học cuối cùng, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Sư phụ Lý. Vào thời điểm đó, ở Bắc Kinh Ngài rất được kính trọng. Đó là vào buổi sáng và chúng tôi trực tiếp đến khán phòng. Hội trường chật kín người. Tôi dắt mẹ đi bộ lên hàng ghế đầu. Có một số ghế ở hàng thứ tư và thứ năm cạnh cánh cửa đang treo đầy quần áo. Tôi bước đến, cởi áo khoác ngoài, rồi cùng mẹ ngồi xuống.

Tôi đã nghĩ rằng đó có thể các nhân viên đã để quần áo ở đó để giữ chỗ cho người thân của mình. Tôi không quan tâm, sau đó tôi ngồi xuống. Một lúc sau có hai người phụ nữ đi tới, tìm quần áo của họ. Tôi nói với họ rằng việc họ giữ chỗ như vậy là không nên. Họ không tranh cãi với tôi và bỏ đi. Sau đó, tôi được biết rằng họ là những người tình nguyện phục vụ cho sự kiện này. Sau đó, khi tôi nghe thấy tiếng vỗ tay từ khán phòng ồn ào, tôi nhìn lên và thấy Sư phụ đang đứng ở lối vào của khán phòng, nhìn chúng tôi. Tôi chợt giật mình: Người này thật là uy nghi và chính trực!

Sư phụ trông trẻ hơn trong ảnh. Ngài có dáng người cao và rắn rỏi. Ngài ăn mặc giản dị nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Khuôn mặt của Ngài hiền hậu nhưng uy nghiêm. Ai nhìn thấy Ngài cũng phải kính trọng. Nhiều người xung quanh tôi đều đưa tay ra bắt tay với Sư phụ, còn tôi thì đứng sững sờ và không nhúc nhích. Sư phụ mỉm cười và bắt tay mọi người trong khi bước lên bục.

Ngay khi Sư phụ bắt đầu giảng, khán phòng lập tức trở nên yên lặng. Sư phụ nói rằng hầu hết chúng tôi đến đây để chữa bệnh. Tôi nghĩ trong đầu rằng mình chỉ muốn nghe các Pháp lý. Sau đó Sư phụ nhìn chúng tôi và nói rằng vẫn có những người muốn đến nghe các Pháp lý. Tôi ngạc nhiên: “Sư phụ biết chúng tôi đang nghĩ gì!”

Sau đó, tôi đã bị thu hút bởi những gì Sư phụ giảng. Tất cả những băn khoăn và nghi hoặc trong cuộc sống không thể giải đáp của tôi đã được Sư phụ giải khai từng chút một, từ văn hóa tiền sử là gì, con người trước đây tốt đẹp như thế nào, con người không phải do khỉ vượn tiến hóa thành. Trước đây tôi chưa từng tham gia bất kỳ lớp học khí công nào, tôi rất ấn tượng với những nguyên lý thâm sâu của khí công. Ngay khi tôi đang nghĩ đến việc tham gia các lớp khí công khác, Sư phụ đã giảng:

“Tôi nói rằng chư vị nhất định chớ có đến, [nếu] nghe thì những điều không tốt sẽ rót từ tai chư vị mà vào. Độ một người rất khó, cải biến tư tưởng của chư vị rất khó, điều chỉnh thân thể chư vị cũng rất khó. Khí công sư giả rất nhiều; [ngay cả] khí công sư chính truyền chân chính, hỏi khí công sư ấy có làm tịnh được không? Có những con động vật rất hung dữ, những thứ ấy không gắn lên họ được, nhưng họ cũng không tống khứ chúng đi được. Họ không có năng lực thách thức những thứ ấy trên một diện rộng, nhất là học viên của họ; họ phát công ở kia, lẫn lộn đủ những thứ ấy vào trong đó. Bản thân họ thật sự rất chính, nhưng học viên của họ không chính, mang theo các chủng phụ thể, cái gì cũng có. (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Tôi chợt hiểu ra và quyết định học Pháp Luân Công của Sư phụ Lý.

Đến cuối bài giảng, Sư phụ yêu cầu mọi người trong khán phòng đứng dậy. Ngài nói sẽ yêu cầu chúng tôi giậm chân trái hoặc chân phải và bảo chúng tôi hãy làm theo. Khi Sư phụ nói “giậm chân”, tay của Ngài vẫy khắp khán phòng. Đối với tôi, dường như cánh tay của Sư phụ rất dài và cử động của Ngài rất nhanh nhẹn và mạnh mẽ. Sau khi vẫy tay, Ngài bước ra phía sau sân khấu như thể đã nắm được thứ gì đó. Ngài bước đến phía sau bục, cúi người, mở tay ra như thể đặt thứ gì đó xuống rồi khua tay trong không khí.

Buổi thuyết giảng kéo dài hai tiếng ngày hôm đó đã trôi qua rất nhanh. Tôi vẫn mong được nghe tiếp và chưa muốn rời đi, tôi tự hỏi khi nào Sư phụ sẽ giảng tiếp. Đúng lúc tôi chần chừ như vậy, Sư phụ quay lại chỗ micro và nói rằng Ngài sẽ tổ chức một lớp học ở Thiên Tân và những ai ở Bắc Kinh có thể đến nghe, chỗ chúng tôi có thể mua vé. Tôi ngay lập tức quyết định sẽ đi, dù lớp học tổ chức ở xa thế nào đi nữa. Ngày hôm đó, tôi đã nhận được một tấm vé tham dự buổi giảng Pháp ở Thiên Tân. Khi bước ra khỏi hội trường ngày hôm đó, tôi cảm thấy rất thoải mái và nhẹ nhàng như sắp bay lên. Sau này tôi nhận ra rằng đó là nhờ sự gia trì từ bi của Sư phụ!

Tham dự lớp giảng Pháp đầu tiên ở Thiên Tân

1. Môn công pháp siêu thường

Đối với một người chưa từng tập khí công và dưới sự giáo dục vô thần luận của ĐCSTQ đã mất đi những tư tưởng về văn hóa truyền thống như tôi, đây quả là một quá trình chuyển biến rất lớn về cả tâm lẫn thân.

Ngày đầu tiên của lớp học, Sư phụ Lý, nhà sáng lập của Pháp Luân Đại Pháp, đã điều chỉnh thân thể cho tôi. Tôi cảm thấy rất thư thái và thoải mái. Vào ngày hôm sau khi Sư phụ giảng về khai thiên mục, tôi cảm thấy như có một chiếc tua-bin nhỏ ở vị trí trán của tôi, mỗi ngày nó đều xoáy vào bên trong. Rồi có một hôm trong lớp học, tôi đột nhiên thấy thân thể của Sư phụ đang phát ra những luồng ánh sáng vô tận, xuyên qua mái nhà. Tôi tự hỏi: “Đây chẳng phải là Phật sao?” Sư phụ giảng cho chúng tôi vào ngày hôm sau:

“Bắt đầu từ hôm nay, có người sẽ cảm thấy toàn thân phát lạnh, giống như mắc cảm mạo nặng, có thể xương cốt đau khắp cả. Đại đa số sẽ cảm giác có chỗ khó chịu [trong người], chân nhức, đầu choáng váng. Chỗ mà trước đây chư vị mắc bệnh có thể cho rằng đã từng luyện khí công mà khỏi, cũng có thể đã có khí công sư chữa khỏi, nhưng [nay bệnh] lại xuất hiện trở lại. Đó là vì họ không chữa hết cho chư vị, chỉ trì hoãn lại về sau; còn tại vị trí ấy, chư vị nay không mắc [bệnh], mà tương lai mắc [bệnh]. Chúng tôi đều moi nó lên, đều đẩy nó hẳn ra, gỡ bỏ nó ra từ gốc rễ.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Những trạng thái mà Sư phụ đề cập đến đều đã xuất hiện trên thân thể của tôi, chẳng hạn như đau chân, nhức đầu và ớn lạnh như mắc cảm mạo. Thời gian đó tôi đang mắc chứng băng huyết, nhưng nó đã biến mất một cách kỳ diệu, kinh nguyệt cũng đã đều đặn trở lại.

Lúc ấy tôi không còn bị ra máu trong kỳ kinh nguyệt nữa nhưng kinh nguyệt của tôi không đều, thường là hai hoặc ba tháng một lần. Sư phụ đã điều chỉnh cơ thể cho tôi ngay tại lớp học. Kinh nguyệt của tôi đã rất đều đặn kể từ đó. Cho đến tận bây giờ, khi tôi đã gần 60 tuổi, tôi vẫn còn kinh nguyệt.

Giống như lần trước tôi tham gia buổi thuyết giảng của Sư phụ, lần này Sư phụ cũng biết tất cả những điều tôi đang nghĩ. Khi Sư phụ nói về “Pháp thân”, tôi ngây thơ tự hỏi liệu Pháp thân có theo tôi như một cái bóng không và sẽ bất tiện ra sao nếu tôi phải đi vệ sinh. Sau đó Sư phụ nói rằng Pháp thân sẽ không theo học viên theo cách đó. Khi Sư phụ nói về các bài công pháp, tôi nghĩ: Mình có nên mặc quần bó khi luyện công không nhỉ? Sau đó Sư phụ nói: Chúng ta nên mặc quần áo rộng rãi khi luyện công.

Vào thời điểm đó, khi nhắc đến Sư phụ, tôi thích gọi Ngài là Thầy Lý, bởi vì tôi không biết đến danh hiệu “Sư phụ.” Khi tôi thấy một học viên gọi Ngài là Sư phụ, tôi đã nghĩ rằng nó cũng giống như cách gọi các “bậc thầy” trong các công xưởng. Tôi nghĩ rằng gọi Ngài là “Thầy Lý” nghe văn minh và nhã nhặn hơn.

Một ngày trước khi lớp học bắt đầu, các học viên đang trò chuyện bên ngoài giảng đường. Vì không biết ai nên tôi đứng ở cổng một mình, đợi lớp học bắt đầu.

Đột nhiên tôi nhận thấy Sư phụ từ bên ngoài đi tới, và khi Ngài đi ngang qua tôi, tôi nhẹ nhàng gọi: “Thầy Lý!” Tôi thấy Sư phụ dừng lại và từ từ quay lại nhìn tôi. Sư phụ không nói gì, chỉ làm động tác đơn thủ lập chưởng ở phía trước ngực. Vẻ mặt Ngài nghiêm nghị. Lúc đó tôi hơi lo lắng, nghĩ đến việc chào đáp lễ. Nhưng tôi không biết phải làm gì, vì thế tôi chỉ bắt chước Sư phụ và giơ tay lên. Sư phụ không nói gì, chỉ quay người đi vào hội trường.

Trong lớp học, Sư phụ giảng: Hợp thập là một nghi thức của Phật giáo. Tôi có thể đơn thủ lập chưởng, nhưng mọi người thì không thể đơn thủ lập chưởng với tôi.

Mọi người phá lên cười. Tôi cảm thấy mặt mình nóng ran và muốn tìm một vết nứt nào để chui xuống. Sư phụ đã phải lao tâm khổ tứ khi gặp những học viên không có nền tảng trong tu luyện như tôi!

Tiếp đó, trước khi bắt đầu lớp học, Sư phụ kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện tu luyện của Đạo gia. Vào lúc đó, tôi vẫn đang nghĩ về cuộc gặp gỡ đáng xấu hổ của mình với Sư phụ và không hiểu rõ được hàm nghĩa của câu chuyện mà Sư phụ vừa kể. Hơn 20 năm sau, vào một ngày nọ, khi tôi thất vọng vì cảm thấy mình làm không tốt, tôi nhớ lại câu chuyện này. Tôi đột nhiên hiểu ra hàm nghĩa của nó và tín tâm của tôi lại được củng cố.

Trong lớp học, tôi cũng trở nên rất hay khóc. Có vài lần trở về nhà sau buổi học tôi cảm thấy vô cùng kích động, có một lần còn khóc nức nở đến mức trái tim như muốn rơi ra ngoài. “Con đã tìm kiếm từ rất lâu và rất khó khăn mới tìm được Ngài!” Tôi không biết tại sao khi đó tôi vốn là người không dễ rơi nước mắt, cha mẹ tôi còn nói rằng tôi là người cứng rắn, nhưng khi nhìn thấy Sư phụ, tôi không thể kìm được nước mắt.

Đôi khi tôi nhìn Sư phụ trong lớp và lục lại trí nhớ để tìm xem trước đây tôi đã gặp Ngài ở đâu. Tôi không thể nhớ bất cứ điều gì, nhưng tôi cảm thấy rằng tôi đã tìm kiếm Sư phụ trong một thời gian dài và cuối cùng hôm nay tôi đã tìm thấy Ngài.

Lúc đó tôi vừa mới đắc Pháp, vì vậy một cách rất tự nhiên tôi không thể ngờ được rằng trong nhiều cuộc kỳ ngộ trong đời này của tôi, Đại Pháp đã sớm bảo hộ cho tôi rồi, càng không thể ngờ rằng vào thời thiếu niên cuốn sách có nội hàm bác đại tinh thâm mà tôi tìm kiếm trong khi đang ở bờ vực của cái chết lại là cuốn Chuyển Pháp Luân.

2. Bước vào một miền tịnh thổ

Khi Sư phụ tổ chức một lớp học chín ngày, học phí của mỗi học viên chỉ là 50 tệ, trong khi vé xem một buổi hòa nhạc ở Bắc Kinh năm đó đã tốn vài trăm tệ. Thật khó để mô tả sự vĩ đại của tất cả những gì mà Sư phụ đã ban cho chúng tôi!

Tham dự lớp học của Sư phụ giống như bước vào một miền tịnh thổ, tránh xa mọi bộn bề của thế giới bên ngoài. Được nghe những lời giảng của Sư phụ cũng giống như được uống giọt sương mai ngọt ngào và trái tim tôi được thanh lọc.

Nếu ai đó có tâm oán hận trong cuộc đời này, sau khi nghe Pháp của Sư phụ, người ấy sẽ không còn mang tâm oán hận nữa; nếu ai đó cảm thấy cuộc sống và xã hội bất công, thì sau khi nghe Sư phụ giảng, người ấy sẽ không còn cảm thấy như vậy nữa.

Cũng giống như những gì Sư phụ đã giảng:

“Đa thiểu nhân gian loạn sự
Lịch kinh trùng trùng ân oán
Tâm ác nghiệp đại vô vọng
Đại Pháp tận giải uyên nguyên” (Giải Đại Kiếp, Hồng Ngâm II)

Sư phụ thực sự có trách nhiệm với con người và có trách nhiệm với xã hội. Trong lớp luôn có những tấm gương người tốt việc tốt như trả lại đồ đạc cho chính chủ, âm thầm dọn nhà vệ sinh, giữ gìn vệ sinh, chủ động giúp đỡ các bạn mới học có hoàn cảnh khó khăn… Cả lớp học tràn ngập sự bình hòa.

Lúc ấy, trong tâm tôi thường cảm thấy: “Cho dù trái tim con người có lạnh lùng và cứng rắn đến đâu, khi đọc những lời dạy của Phật cũng sẽ tan chảy.” Kể từ ngày ấy, trái tim phiêu bạt của tôi đã có bến đỗ và nhân sinh mê mờ của tôi đã tìm được hướng đi.

Vào ngày cuối cùng của lớp học, Sư phụ đã giải đáp câu hỏi của các học viên. Tôi không nhớ gì vào lúc đó. Nhưng tôi nghe nội dung của một câu hỏi cũng giống như điều tôi muốn hỏi: Tình yêu đối với mẫu thân có phải là chấp trước không? Bởi vì cái tình của tôi với mẹ rất lớn, mẹ đã quan tâm đến tôi rất nhiều, tôi luôn cảm thấy có nghĩa vụ phải trả ơn mẹ. Vì vậy, tôi cũng muốn biết liệu mình có quá chấp trước vào cái tình với mẹ hay không.

Sư phụ trả lời đại ý rằng: Là những người tu luyện, tình yêu của chúng ta nên rộng lớn hơn, và chúng ta nên yêu thế giới như yêu mẹ của mình. Nước mắt tôi lăn dài trên má khi nghe được câu trả lời này. Những lời của Sư phụ đã vang vọng trong tâm tôi rất lâu. Tôi thật sự vô cùng may mắn khi gặp được một Sư phụ vĩ đại đến như vậy!

Lớp học đã kết thúc và tôi đã trở thành một sinh mệnh được Đại Pháp tịnh hóa. Kể từ ngày đó, tôi đã học được cách trở thành một người tốt. Tại nơi làm việc, tôi tha thứ cho những người thường xuyên mâu thuẫn với tôi và ngừng đấu tranh vì lợi ích cá nhân; trong xã hội, tôi buông bỏ việc trả thù những người đã làm hại mình, không còn mưu cầu lợi ích cá nhân; ở nhà, tôi đã hàn gắn lại mối quan hệ với cha tôi, và giới thiệu Đại Pháp cho người thân và bạn bè của tôi.

Khi có mâu thuẫn, khi tôi cảm thấy bị tổn thương và khi mất đi lợi ích cá nhân, tôi sẽ tự hỏi bản thân: “Tôi cần phải làm gì nếu người kia là mẹ tôi?” Lúc đó tôi chưa biết cách hướng nội, nhưng tôi hiểu rằng trái tim yêu thương mẹ là trái tim thuần khiết nhất của tôi vào thời điểm đó và rằng tôi nên đối xử với người khác bằng trái tim thuần khiết nhất và vị tha với tất cả chúng sinh.

Cổ nhân có câu: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ,” “Kính người già yêu trẻ nhỏ của những gia đình khác giống như họ là người trong gia đình mình,” tôi nghĩ đó là mong ước tốt đẹp của giới văn nhân cổ đại và rất khó để thực hiện nó. Nhưng sau khi tham dự các khóa giảng của Sư phụ, tôi thấy rằng đây đều là những đức tính cao quý có thể đạt được khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Là một học viên thì còn cần làm tốt hơn thế. Sư phụ đang dạy chúng ta trở thành người tốt, và Pháp Luân Đại Pháp đang tạo ra những điều kỳ diệu.

(Còn tiếp)

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/21/【庆祝513】忆师恩-万载难遇的机缘(上)-442904.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/25/201509.html

Đăng ngày 11-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share