Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 03-04-2022] Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, vô số học viên đã bị sách nhiễu, lục soát nhà, bắt bớ, giam giữ, hoặc thậm chí cưỡng bức mổ cướp nội tạng. Trong khi đối mặt với cuộc bức hại, một số thành viên trong gia đình của các học viên đã lên án cảnh sát và đứng ra bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của những người thân yêu của họ.

Dưới đây là năm câu chuyện trong số đó.

“Các vị chẳng khác gì thổ phỉ”

Năm 2002, một học viên đã đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và kể từ đó học viên này liên tục bị sách nhiễu. Khi sắp đến Tết, đội trưởng Đội An ninh Nội địa địa phương và hai cảnh sát đã kéo đến văn phòng làm việc của cô ấy và dự định bắt cô, nhưng cô ấy đã xoay sở trốn thoát được.

Vài ngày sau, đội phó của Đội An ninh Nội địa đã gọi điện cho quản lý đơn vị nơi học viên đó công tác, yêu cầu ông ấy phải đưa nữ học viên đến cục công an. Người quản lý đã từ chối phục tùng.

Cảnh sát không bỏ cuộc và đến lục soát nhà cô ấy vào ngày 22 tháng 3 năm đó. Người học viên nói: “Các vị đáng lý ra phải là cảnh sát nhân dân mới đúng, nhưng các vị lại đến để bắt người tốt thay vì đi bắt người xấu. Điều này thực sự rất nực cười!”

Một cảnh sát hỏi: “Cô đã dán câu đối ở bên ngoài cửa nhà cô phải không?”

Chồng của người học viên phản pháo lại: “Câu đối có đầy trên đường phố, đều là cô ấy dán hết chắc?“

Cảnh sát không nói được gì bèn rút đi.

Không lâu sau, cảnh sát trưởng đưa một số cảnh sát đến sách nhiễu người học viên này. Khi bước vào nhà, ông ta nói: “Lần trước thái độ của cô không tốt lắm, và cô còn đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Lần này chúng tôi phải tịch thu một số tài liệu [làm bằng chứng chống lại cô].”

Khi họ bắt đầu lục soát nhà, người chồng của học viên đó nói: “Các vị chẳng khác gì thổ phỉ”.

Nghe vậy, những cảnh sát kia đã thôi phách lối. Họ rời đi và không bao giờ đến gây quấy rối học viên nữa.

“Các vị ai còn dám đến đây?”

Một ngày trong năm 2001, một học viên đã bị ủy ban thôn lừa đến trụ sở chính quyền xã. Mặc dù họ nói hai giờ sau bà ấy có thể về nhà, nhưng vừa tới đó, bà ấy liền bị nhốt lại.

Sau đó, bà ấy và một học viên khác đã trốn thoát, rồi đi đến Bắc Kinh để kháng nghị. Sau khi trở về nhà, các viên chức của ĐCSTQ đã sách nhiễu bà vài lần và chồng bà đã chất vấn họ: “Bà ấy đã phạm tội gì? Các vị không để cho chúng tôi sống một cuộc sống bình thường à? Các vị ai còn dám đến đây thì tôi ta sẽ đánh gãy chân người đó!”

Một lần khác, học viên này bị báo cảnh sát và bị bắt giữ vì nói với mọi người về Pháp Luân Công tại một quảng trường. Chồng của bà ấy đã đến đồn công an và mắng cho người trình báo bà ấy một trận trước khi đón bà về nhà. Cảnh sát không bao giờ sách nhiễu họ nữa.

“Bà ấy sẽ ký cho các vị sao?”

Năm 2021, một số nhân viên chính quyền đã đến nhà của con trai một học viên để ép học viên này ký vào bản tuyên bố từ bỏ đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Con trai bà nói: “Các vị đã giam một người phụ nữ lớn tuổi trong nửa tháng và bà ấy vẫn không chịu ký tên vào các giấy tờ đó. Giờ các vị lại đến tìm tôi để yêu cầu tôi thuyết phục bà ấy, nhưng liệu bà ấy sẽ ký cho các vị sao?”

Người học viên (đã được về nhà) hỏi các nhân viên đó: “Tôi đã phạm luật gì? Tôi đã làm việc xấu nào?”

Các nhân viên đó nói: “Bà đã không làm gì cả. Chúng tôi chỉ muốn bà ký tên vào tài liệu này thôi. Xem ra bà sẽ không ký rồi.”

Người học viên trả lời: “Tôi đã 80 tuổi rồi. Anh hãy nhìn xem tôi đang khỏe mạnh ra sao. Tôi không cần uống thuốc hay nằm viện. Tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí y tế và các con tôi không phải lo lắng cho tôi. Giờ các ông muốn tôi ký cái gì nào?”

Khi các nhân viên chính quyền muốn rời đi, người học viên nói: “Hãy khoan đi, tôi vẫn chưa nói với các ông chân tướng Pháp Luân Công.”

Họ trả lời: “Không cần đâu, chúng tôi biết cả rồi. Chúng tôi sẽ không đến nữa đâu.”

“Các vị muốn ‘chuyển hóa’ bà ấy thành như thế nào?”

Mùa đông năm ngoái, các nhân viên chính quyền đã tổ chức một phiên tẩy não nhằm nỗ lực “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công địa phương. Họ đã đến nhà của một học viên và sách nhiễu bà ấy. Chồng bà nói với các nhân viên đó: “Vợ tôi tuổi tác đã cao. Bà ấy đã không dùng bất kỳ loại thuốc nào kể từ khi tu luyện Pháp Luân Công, và chưa bao giờ đổ bệnh. Tính tình của bà ấy cũng được cải thiện tốt lên. Các ông muốn ‘chuyển hóa’ bà ấy thành như thế nào?”

Các nhân viên chính quyền nhượng bộ và nói rằng họ sẽ không bắt bà ấy đến lớp tẩy não.

Trước khi rời đi, họ chỉ vào câu đối Pháp Luân Công ở trước cửa nhà học viên này và nói: “Phải xé câu đối này xuống.”

Người chồng trả lời: “Câu đối của chúng tôi có gì không tốt chứ? Thông điệp trên đó nói rằng Pháp Luân Công dạy người ta thành người tốt, và chúng tôi mong muốn mọi người có một tương lai tốt đẹp”.

Các nhân viên chính quyền không nói lời nào bèn rời đi.

“Đừng đến nhà tôi quấy rối nữa”

Khi biết chồng và con trai của một học viên không có ở nhà, cảnh sát đã kéo đến nhà bà và bắt giữ bà. Sau khi biết bà đã bị đưa đến trung tâm tẩy não, con trai bà đã liên tục gọi cho cảnh sát trưởng, yêu cầu thả bà. Cảnh sát không còn cách nào khác là phải đưa bà ấy về nhà và sau đó cố gắng đưa cho bà ấy một hộp mì ăn liền và sữa bột. Khi bà từ chối nhận chúng, họ nói: “Chúng tôi không thể hoàn thành công việc của mình và báo cáo lên cấp trên nếu bà không nhận chúng.”

Con dâu của bà cầm gói mì và sữa bột ném vào xe cảnh sát và nói: “Chúng tôi không thèm đồ của các ông. Đừng đến nhà chúng tôi quấy rối nữa!”

“Thật là làm xằng làm bậy!”

Một học viên đi chăm cháu ngoại của bà ấy ở vùng khác. Khoảng hai hoặc ba ngày sau khi trở về nhà, cảnh sát đã sách nhiễu và lục soát nhà bà.

Chồng bà bèn đi đến văn phòng chính quyền xã và nói với các quan chức ở đó: “Chúng tôi đều là dân gốc ở đây. Bà ấy vừa mới trở về nhà thì các vị đã đến quấy rối và lục soát nhà. Thời buổi này mà vẫn còn có người tham gia vào cuộc bức hại sao? Cán bộ đi trước đã làm ngơ trước chính sách bức hại, các vị là người mới nhậm chức, tại sao các vị phải theo sát cuộc bức hại này đến vậy? Thật là làm xằng làm bậy!”

Người học viên này bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công cách đây không lâu, bà ấy có một người cháu trai đang làm việc cho chính quyền thị trấn. Một ngày nọ, anh ta nói với bà: “Hiện giờ trông dì rất trẻ và khỏe mạnh. Pháp môn này tốt thì dì hãy ở nhà mà luyện, đừng ra ngoài nói với người khác. Cách đây không lâu họ đã tổ chức một phiên tẩy não để ‘chuyển hóa’ một số học viên. Dì đừng ra ngoài nữa, nếu không dì sẽ bị bắt đó.“

Người học viên đó hỏi lại người cháu: “Dì nghe nói các nhân viên ĐCSTQ đến nhà học viên và thậm chí còn tặng quà cho họ quà [để thuyết phục họ từ bỏ đức tin của mình].”

Người cháu trai trả lời: “Đúng là có chuyện đó. Nhưng không có học viên nào nhận quà hay đồng ý đi tới trung tâm tẩy não.”

Anh ta nói thêm rằng các quan chức của chính quyền xã đã nói một cách riêng tư rằng: “Đây không phải là điều chúng ta có thể xử lý. Hãy tránh xa nó ra.”

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/4/3/家人正气抵制迫害-440636.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/8/200226.html

Đăng ngày 08-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share