Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Philadelphia
[MINH HUỆ 22-07-2022] “Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại bức hại Pháp Luân Công ôn hòa? Đó là bởi vì ĐCSTQ rất sợ tự do tư tưởng,” ông Mark Thomas, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học La Salle, phát biểu trong một sự kiện tại Khu phố Tàu của Philadelphia vào hôm 16 tháng 7.
Các học viên đã tổ chức một cuộc mít-tinh bên cạnh địa danh cổng vòm nổi tiếng để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp bắt đầu ở Trung Quốc vào ngày 20 tháng 7 năm1999. Chánh văn phòng của Thượng nghị sỹ Christine Tartaglione, Carmen Sousa cũng đến ủng hộ sự kiện này.
Bà Carmen Sousa (thứ tư từ trái sang), Chánh văn phòng của Thượng nghị sỹ Christine Tartaglione, tham gia một cuộc mít-tinh để vạch trần cuộc bức hại ở Trung Quốc, hôm 16 tháng 7 năm 2022.
“Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ”
Giáo sư Thomas chỉ ra rằng sự kiện được tổ chức rất gần nơi khai sinh ra nền độc lập của Mỹ và các địa danh như Hội trường Độc lập, Chuông Tự do, và Trung tâm Hiến pháp Quốc gia. Vậy nên, điều quan trọng là phải truyền tải thông điệp một cách rõ ràng và vang dội.
Ông phát biểu, “Chúng tôi ở đây hôm nay để nói với mọi người về thảm kịch đã và đang xảy ra ở Trung Quốc. Việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng của những người vô tội để bán rồi thu lợi nhuận là hành động đáng phẫn nộ. Nó vi phạm nhân phẩm tôn nghiêm nhất của con người. Đồng thời, nó cũng chà đạp lên luật pháp quốc tế và các công ước nhân quyền. Chúng ta phải chấm dứt cuộc thảm sát này! Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ. Khi một phần của cộng đồng chúng ta bị bức hại một cách vô tội vạ, đó cũng là cuộc đàn áp đối với tất cả chúng ta.”
Giáo sư Mark Thomas từ Đại học La Salle, phát biểu tại sự kiện.
“Chúng tôi ở đây còn để nâng cao nhận thức của mọi người về việc chính phủ Trung Quốc bắt người vô tội, mổ lấy nội tạng trái với ý muốn của nạn nhân và sau đó bán cho người trả giá cao nhất! Cách làm như vậy thật đáng ghê tởm!” ông cho biết thêm.
Thông qua việc lắng nghe các bài phát biểu và trò chuyện với các học viên, bà Carmen Sousa đã nắm được quá trình các học viên ở Trung Quốc bị ngược đãi vì niềm tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Bà cho hay bà sẽ chia sẻ thông tin với nhiều người hơn và hy vọng bi kịch này sẽ sớm kết thúc.
Lời khai của nhân chứng
Trong cuộc mít-tinh, ba học viên đã kể lại những câu chuyện của họ từ việc tra tấn, cưỡng bức lao động, đến thu hoạch nội tạng.
Bà Điền Trung Phượng suýt trở thành nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Bà Điền Trung Phượng, 78 tuổi, bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1995. Sau khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999, bà đã bị đưa đến các trung tâm tẩy não bốn lần và bị giam giữ tại các trung tâm tẩy não ba lần, ở đó bà bị tra tấn thậm tệ.
Khi bị giam trong trại lao động vào năm 2006, bà đã phải trải qua khám sức khỏe và lấy mẫu máu. Điều này chỉ được thực hiện với những tù nhân là học viên. Bà bị biệt giam và có một y tá ép bà phải tiêm mỗi ngày rồi báo cáo với cấp trên vào mỗi buổi sáng rằng bà vẫn khỏe mạnh. Mãi cho đến khi bà Điền tình cờ nghe được một lính canh nói về mình, bà mới nhận ra mình là một người tiềm năng hiến tạng.
Khi bà Điền kêu gọi sự giúp đỡ từ các bệnh nhân và nhân viên y tế, một bác sỹ tốt bụng sau khi biết sự thật về Pháp Luân Công đã đề nghị giúp bà. Cô ấy đã kê một loại thuốc khiến bà Điền không thích hợp để trở thành một người hiến tạng. Mặc dù các quan chức đã bỏ qua bà, nhưng họ vẫn tiêm thuốc độc cho bà trước khi bà được thả. Bà Điền cho biết, sau khi trở về nhà, bà đã hồi phục sức khỏe bằng cách luyện các bài công pháp và đọc các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp. Bà đã có thể sống sót sau cuộc bức hại.
Bà Trầm Lệ Xuân phát biểu tại sự kiện.
Trước khi tu luyện Đại Pháp, bà Trầm Lệ Xuân từng mắc nhiều chứng bệnh. Ngay cả vào mùa hè, bà cũng phải mặc áo khoác và quần bông để tránh gió. Vào tháng 7 năm 1995, bà đã tham dự một khóa giảng Pháp kéo dài 9 ngày do nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp thuyết giảng. Ngay sau đó, tất cả các bệnh tật của bà đều biến mất. Thế nhưng, vì đức tin của mình, bà đã bị đưa đến các trại lao động và nhà tù, và bà đã bị giam giữ gần 11 năm.
Ngoài việc bị giam giữ và tra tấn, bà Trầm cho biết bà còn bị buộc phải lao động khổ sai để kiếm tiền cho các quan chức. “Chúng tôi thường đi ngủ vào lúc 2 giờ sáng, rồi 4 hoặc 5 giờ sáng đã bị gọi dậy để đi làm,” bà nhớ lại, “Chúng tôi đã phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Nếu không hoàn thành công việc được giao, chúng tôi sẽ bị sốc điện.”
Dưới áp lực nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần, cộng với thức ăn chất lượng kém, bà Trầm trở nên chóng mặt, tức ngực và mất trí nhớ. Hơn nữa, huyết áp không ổn định và bụng chướng lên khiến bà không thể cúi xuống. Cuối cùng, bà bị bức hại đến mức bị suy tim và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và được truyền thuốc nitroglycerin.
Bà Trương Xuân Anh kêu gọi thả các học viên bị giam giữ.
Một diễn giả khác là bà Trương Xuân Anh đến từ tỉnh Hắc Long Giang. Bởi vì bà Trương tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, bà đã bị sách nhiễu và giam giữ nhiều lần. Bà cảm ơn chính phủ Mỹ đã tạo điều kiện để bà có thể tự do thực hành đức tin của mình tại đây.
Bà lo lắng cho các học viên ở Trung Quốc, những người vẫn bị bức hại vì đức tin của họ. Vào ngày 22 tháng 6 năm 2022, bảy học viên ở quê của bà đã bị kết án và bị phạt tiền. Họ là Lý Lực Tráng, Hoắc Hiểu Huy, Lý Diễm Thanh, Đinh Yến, Tiêu Kì Hoa, Triệu Lệ Hoa.
Lý Lực Tráng, 48 tuổi, là bác sỹ phẫu thuật chính của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân. Bởi vì anh ấy tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, anh ấy đã bị đưa vào trại lao động hai lần và bị bỏ tù một lần. Có lần lính canh còng tay anh vào một chiếc ghế kim loại trong phòng biệt giam. Sau đó, họ còn trói anh ấy lại trong một thời gian dài. Anh cũng bị cấm ngủ trong 8 ngày ròng. Các lính canh đã sử dụng nhiều hình thức tra tấn khác nhau đối với anh để giải trí.
Bà nói: “Tôi kêu gọi những người hảo tâm lưu ý đến vấn đề này và trợ giúp giải cứu các học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ và kết án bất hợp pháp ở Trung Quốc đại lục.”
“Đừng mù quáng nghe theo ĐCSTQ”
Nhiều người dân và khách du lịch đã dừng lại để theo dõi sự kiện và trò chuyện với các học viên.
Người qua đường tìm hiểu về Pháp Luân Công và ký các bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Anh Khalio trợ giúp các học viên bằng cách căng một biểu ngữ.
Anh Khalio cho biết anh đã nghe nói về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại 8 tháng trước. Sau khi nghe lời khai của các nhân chứng ngày hôm đó, anh đã quyết định ở lại và trợ giúp họ. Anh đã căng một biểu ngữ trong khoảng một giờ và sau đó nán lại để lắng nghe tất cả các bài phát biểu cho đến khi sự kiện kết thúc.
Ông Tiêu, hiện trên 80 tuổi, đã sống tại Khu phố Tàu hơn 20 năm. Nói về việc ĐCSTQ đàn áp người dân trong nhiều cuộc vận động chính trị trước đây, ông đã rớt nước mắt, “Anh trai tôi là một sỹ quan của Học viện Quân sự Hoàng Phố. Vì điều này mà một số người thân trong gia đình tôi đã bị ĐCSTQ giết hại.” ông nhớ lại,“ Từ Nạn đói lớn đến Cách mạng Văn hóa, gia đình tôi đã phải chịu đựng hết lần này đến lần khác”. Ông Tiêu giải thích rằng nỗi đau mà gia đình ông trải qua không thể diễn tả hết được, vậy nên, ông hiểu sâu sắc những gì mà các học viên Pháp Luân Đại Pháp đang phải gánh chịu.
Dưới danh nghĩa Mặt trận Thống nhất, ĐCSTQ tấn công các gia đình như gia đình ông Tiêu rồi sau đó quay ra giả vờ cộng tác với họ nhằm tạo ra “hình ảnh tích cực” cho người ngoài. Những người dân thường thường bị lừa bởi điều này và những người Hoa ở nước ngoài, đặc biệt là những người trong các tổ chức hoặc hiệp hội khác nhau, thường bị biến thành những đặc vụ làm việc cho ĐCSTQ. Ông cho biết thêm, “Tôi hy vọng những người này có thể nhìn vào sự thật và minh bạch ra. Nghe theo ĐCSTQ một cách mù quáng sẽ chẳng dẫn chúng ta đến đâu cả.”
Trong sự kiện ngày hôm đó, 22 người Trung Quốc đã đồng ý làm tam thoái sau khi nhận ra sự thật. Nhiều người qua đường đã ký tên vào bản kiến nghị nhằm loại bỏ ĐCSTQ và kêu gọi chấm dứt sự tàn bạo đối với các học viên trong đó có nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì và tại sao ĐCSTQ lại bức hại pháp môn này?
Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) lần đầu tiên được Đại sư Lý Hồng Chí truyền xuất ra công chúng ở Trường Xuân, Trung Quốc, vào năm 1992. Môn tu luyện này hiện được thực hành tại hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Hàng triệu người đã học các bài giảng dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và năm bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp, đã có những chuyển biến tích cực về sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhìn nhận sự phổ biến ngày càng lớn của Pháp Luân Đại Pháp là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của Đảng nên đã ra lệnh cấm môn tu luyện này vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.
Trang Minghui.org đã xác nhận cái chết của hàng nghìn học viên bị bức hại trong 23 năm qua. Con số tử vong thực tế chắc chắn cao hơn nhiều. Số người bị cầm tù và tra tấn vì đức tin còn cao hơn nữa.
Có bằng chứng xác thực cho thấy ĐCSTQ hậu thuẫn cho việc giết hại và thu hoạch nội tạng từ các học viên bị giam cầm làm nguồn cung cho ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức an ninh ngoài vòng pháp luật, được trao quyền lực vượt trên ngành an ninh và tư pháp, có chức năng duy nhất là tiến hành cuộc bức hại đối với Pháp Luân Đại Pháp.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/22/446629.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/24/202408.html
Đăng ngày 26-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.