Bài viết của Đông Mai, Đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-06-2022]

Chú thích của Ban Biên tập: Những tuyên truyền về “1.400 cái chết” đã trở thành công cụ trung tâm để bôi nhọ và kích động lòng thù hận và kỳ thị đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Mặc dù Pháp Luân Công đã được đón nhận rộng rãi ở Trung Quốc từ những năm 1990, nhưng chỉ sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, chính quyền Trung Quốc mới cáo buộc “tập luyện Pháp Luân Công gây ra cái chết của hơn 1.400 người”. Tuyên bố này được báo chí và các phát ngôn viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát đi phát lại, theo đó làm xói mòn sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công, biến họ thành nạn nhân thường xuyên của những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Mặc dù các nhà chức trách của ĐCSTQ có trách nhiệm đưa ra bằng chứng cho cáo buộc này, song đến nay họ vẫn chưa đưa ra được bằng chứng nào. Quan trọng hơn, không có một cuộc điều tra độc lập nào được phép tiến hành. Bất cứ ai cố gắng điều tra lại phát hiện ra rằng các trường hợp bị cáo buộc là “cái chết” do Pháp Luân Công gây ra đều là bịa đặt, và không có “cái chết” nào như vậy từng xảy ra bên ngoài Trung Cộng, nơi Pháp Luân Công được tự do tập luyện.

Vậy “cáo buộc về 1.400 cái chết” được dựng lên như thế nào? Minghui.org gần đây đã có được thông tin của người trong cuộc về một trong những trường hợp này – cái chết của con gái thứ hai của ông Thạch Tăng Sơn ở thôn Thạch Gia Thủy, thị trấn Đào Khư, huyện Mông Âm, thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông.

Sau tám năm phục vụ trong quân đội, Thạch Tăng Sơn xuất ngũ về làm kế toán kiêm bí thư đảng ủy trong thôn. Sau đó, ông nghỉ việc vì bị bệnh tim và viêm dạ dày. Vợ ông là Mã Thanh Lan bị viêm dạ dày, viêm ruột, viêm khớp và u tử cung. Bà được phẫu thuật vào năm 1995, nhưng vết mổ không lành, tạo thành ổ viêm sưng to, gây đau đớn ở vết mổ. Lúc nào bà cũng có cảm giác gió lùa lạnh bụng, hè cũng như đông, đều phải mặc áo lót ôm kín bụng, việc nhà cũng không làm được.

Ngày 28 tháng 1 năm 1997, cả Thạch và vợ đều xem các bài giảng trong chín ngày của Pháp Luân Công khi được một người bạn giới thiệu. Đến ngày thứ năm, vết mổ chưa lành của bà Mã không còn đau nữa, ổ viêm sưng cũng tiêu hết; bệnh tim và viêm dạ dày của ông Thạch cũng biến mất. Những trải nghiệm cá nhân tuyệt vời này đã khiến hai ông bà quyết định tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công.

Bảy tháng sau khi nổ ra cuộc bức hại, ngày 16 tháng 2 năm 2000, Lý Trường Tường, Phó trưởng Đồn Cảnh sát Đào Khư, cùng hai cảnh sát đã ập vào nhà ông Thạch để bắt ông. Hai viên cảnh sát vặn cánh tay ông Thạch quặt ra sau và ghì cổ ông, rồi tống ông vào xe cảnh sát. Con gái thứ hai của ông Thạch, bị bệnh tim bẩm sinh, đang ở đó, bị sốc mà ngất đi, rồi được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi, ba ngày sau thì tử vong.

Ban tuyên truyền của huyện Mông Âm, vì muốn lập công, đã tổ chức một nhóm chuyên viên biên tạo cáo buộc, vu khống rằng con gái của ông Thạch tu luyện Pháp Luân Công bị chết vì có bệnh nhưng không được cho tiêm và uống thuốc. Họ yêu cầu ông Thạch hợp tác với đài truyền hình địa phương, đọc kịch bản này và thu âm để phát sóng.

Ban đầu, ông Thạch không đồng ý vì không muốn phản bội lương tâm và nói dối. Để khiến ông phải phục tùng, chính quyền huyện đã cho một nhóm người đánh đập ông. Họ lột quần áo ông Thạch và lấy ghế gỗ đập ông, mạnh đến nỗi khiến chiếc ghế bị gãy. Họ tiếp tục lấy thanh gỗ đánh ông Thạch cho đến khi ông bất tỉnh. Ông Thạch bị gãy xương sườn, mặt mày tím bầm, mắt rướm máu, khắp người bị thương, đến nỗi không tự nằm xuống hay đứng dậy nếu không có sự trợ giúp. Khi không thể chịu đựng thêm được những đòn đánh đập, ông đành thỏa hiệp và hợp tác với đài truyền hình, vì thế mà phải sống trong ân hận, dằn vặt khôn nguôi.

Vài tháng sau khi đoạn video bịa đặt được Đài Truyền hình Mông Âm và Sơn Đông phát sóng vào tháng 7 năm 2000, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã cử một phóng viên họ Uông tới thôn của ông Thạch làm phóng sự về con gái ông, hòng dùng đó làm bằng chứng để quy kết “Pháp Luân Công không cho mọi người uống thuốc và tiêm thuốc”.

Khi nhận được thông báo phóng viên CCTV sẽ đến phỏng vấn, ông Thạch đã bỏ đi vì không chịu đựng được việc nói dối thêm nữa về Pháp Luân Công. Nhờ tu luyện Đại Pháp, ông đã lấy lại được sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, bởi vậy, lương tâm ông không cho phép ông phạm lỗi một lần nữa. Các cán bộ của thị trấn hoảng sợ khi biết ông Thạch bỏ đi, vì họ có thể gặp rắc rối nếu phóng viên không thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Phóng viên bèn gửi điện trả lời Đài Truyền hình Trung ương: “Ông ta trốn đi rồi, từ chối phỏng vấn”, sau đó nhận được điện đáp “Tìm ông ta bằng mọi giá!” Phóng viên đành đợi ba ngày, chờ cán bộ thôn đi tìm ông Thạch khắp nơi: ngày thứ nhất tìm ở gần nhà; ngày thứ hai tới nhà họ hàng, bạn bè ông Thạch tìm; ngày thứ ba đến tìm ở nhà họ hàng, bạn bè xa nhà ông Thạch. Mấy ngày hôm đó nóng bức tột độ, đến nỗi các cán bộ thôn phải tìm chỗ mát để nghỉ.

Tranh thủ thời gian đó, Mã Lan Thanh, vợ ông Thạch, bèn giãi bày thực hư với phóng viên:

“Nhân dân tin tưởng nhất là phóng viên, muốn gặp nhất là phóng viên, mà phóng viên tới rồi, sao lại né tránh? Bởi vì vụ việc về gia đình tôi là giả, là bị bức hại, đánh đập để ép nói dối, ép phạt 16.000 tệ. Con gái tôi là bị họ làm cho kinh hãi mà chết, chúng tôi không muốn lại tiếp tục lừa dối nhân dân, không muốn lại làm việc có lỗi với Sư phụ.”

Mã Lan Thanh nói mà mắt ứa lệ, phóng viên nghe cũng cố kìm nước mắt. Phóng viên nói: “Chị àm tôi tin chị nói thật.” Mã Lan Thanh nói: “Bọn họ vì muốn đả kích Pháp Luân Công mà điên đảo thị phi, đánh đập chúng tôi, bức ép chúng tôi làm ra việc trái lòng, thiên lý không dung. Tôi nói thật với chị, chị có dám đưa ra ánh sáng không?” Phóng viên đáp: “Tôi nhớ rồi, tôi chẳng qua cũng chỉ là bát cơm của Đảng cộng sản thôi, hãy chờ thời cơ đi.”

Cuối cùng, sau khi tìm được Thạch Tăng Sơn, phóng viên chỉ viết vài dòng cho phóng sự: “Nhìn mảnh vườn cây ăn quả này, người đàn ông thật thà có tên Thạch Tăng Sơn vừa vui vừa buồn, vui vì trái cây được mùa, buồn vì không còn được nhìn thấy con gái thứ đáng yêu của ông nữa rồi.”

Vợ chồng Thạch Tăng Sơn còn nói với phóng viên: “Pháp Luân Đại Pháp rất tốt.” Phóng viên nói: “Tôi biết mà. Khu nhà tôi cũng có ông lão luyện Pháp Luân Công, các cụ đều nói là công pháp chỉ có trăm điều lợi mà không có đến một điều hại.”

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/17/444803.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/22/201919.html

Đăng ngày 01-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share