[MINH HUỆ 13-01-2002] Tôi tên là Hạ Tổ Dung. Chồng tôi và tôi đều là học viên Pháp Luân Đại Pháp. Tôi là mẹ của Long Cương, người đã nhảy xuống sông tự tử. Cái chết của con tôi được Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) báo cáo trong “1.400 trường hợp tử vong” được bịa đặt để đổ lỗi cho việc tập luyện Pháp Luân Công. Chúng tôi sống ở số 70, đường Song Kiều, xã Song Trạch, quận Vĩnh Xuyên, thành phố Trùng Khánh.

Là bậc cha mẹ, chúng tôi biết rất rõ về tình trạng của con trai mình, và cháu thật sự có vấn đề về tâm thần. Cháu bị rối loạn tinh thần tại thời điểm nhảy xuống sông, nên cái chết của cháu không liên quan gì đến Pháp Luân Công. Là cha mẹ của cháu, chúng tôi phải nói lên sự thật. Chúng tôi không thể [trái với lương tâm của mình] khi chứng kiến chính phủ sử dụng con trai của chúng tôi để phỉ báng Đại Pháp.

Sau cái chết của con trai chúng tôi, một phóng viên họ Đỗ đã đến phỏng vấn con dâu tôi, và yêu cầu cháu xác nhận rằng chồng của mình là một học viên Pháp Luân Công. Người phóng viên này đã viết một vài điều phỉ báng Pháp Luân Công và yêu cầu cháu đọc chúng, đồng thời ép buộc cháu nói những ngôn từ chống lại Đại Pháp. Vào thời điểm đó, con dâu của tôi đã bị khuất phục trước áp lực của họ và đã làm những gì cháu được bảo phải làm. Ngày hôm sau, cháu nhận được 200 nhân dân tệ bằng tiền mặt. Những người làm điều ác thường dùng tiền để mua chuộc lương tâm của con người và lôi kéo người ta làm điều ác. Cháu trai của tôi (con của người con trai đã qua đời của tôi) thậm chí còn được dạy vu khống Đại Pháp. Đây là cách mà “tin tức” được đưa lên TV.

Để giúp người dân không bị lừa gạt và quay sang chống lại Đại Pháp, chúng tôi đã nói lên sự thật cho các quan chức chính phủ: Pháp Luân Công không gây nên cái chết của con trai chúng tôi, mà đó là do bệnh tâm thần gây ra.

Ngày 13 tháng 01 năm 2000, tôi lên tàu đến Bắc Kinh, chuẩn bị để kháng cáo với chính phủ và nói với họ sự thật về cái chết của con trai mình. Bởi vì tôi đọc Chuyển Pháp Luân trên tàu, nên tôi bị cảnh sát bắt giữ và áp giải tới đồn cảnh sát ở thành phố Tây Xương. Sau đó, tôi bị chuyển tới Trại giam Tây Xương và toàn bộ số tiền của tôi (3.600 nhân dân tệ) đã bị tịch thu. Một sỹ quan cảnh sát từ đồn cảnh sát Song Thạch đã áp giải tôi quay trở lại đó vào ngày 18 tháng 01, và ngày hôm sau tôi bị đưa đến một trại giam và bị giam giữ ở đó trong 31 ngày. Sau đó, tôi bị chuyển đến đồn cảnh sát Cơ San ở quận Vĩnh Xuyên, nơi tôi bị giam giữ trong ba ngày. Tiếp sau đó, tôi bị giam giữ tại trung tâm cai nghiện trong 10 ngày. Cuối cùng, tôi bị chuyển tới trại cưỡng bức lao động nữ ở thành phố Trùng Khánh, nơi tôi bị giam giữ trong khoảng một năm. Tôi tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công trong khi bị giam giữ trong trại lao động, và vì thế tôi được đưa đến gặp Giám đốc trại, ông Lý. Tôi nói với ông ấy rằng: “Đừng nói rằng Pháp Luân Công là xấu nữa, và đừng tin những lời dối trá của đài truyền hình. Cái chết của con trai tôi không liên quan gì đến Đại Pháp. Nó là do bệnh tâm thần của cháu khiến cháu nhảy xuống sông. Điều tôi nói là sự thật.” Sau đó, ông Lý yêu cầu một cảnh sát nữ tên là Hoàng Diễm còng tay tôi trong chín ngày.

Nhiều lần, chính quyền xã Song Thạch đã đến gặp con dâu cũ của tôi, người hiện giờ đã tái hôn. Họ dùng lời nói để đe doạ cháu và yêu cầu cháu phải cộng tác với họ để báo cáo chỗ ở của tôi cho họ; nếu không họ nói rằng họ sẽ đóng cửa việc kinh doanh của cháu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2002/1/13/23085.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2002/1/20/17934.html

Đăng ngày 09-03-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share