Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 28-10-2007] Đạo đức là quan niệm và chuẩn mực làm người mà Thần truyền cho con người, người có đức hạnh cao khiết thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều giữ được tiết tháo của mình. Cho dù thân trong nghịch cảnh, chỉ cần đức hạnh không đổi, thì sự tình cũng sẽ có bước ngoặt. Câu chuyện Vương Bột, thi nhân nổi tiếng đời Đường, được Trung Nguyên Thủy Quân tương trợ, đến Đằng Vương Các viết bài tựa, vẫn luôn được lưu truyền đến ngày nay.

Vương Bột thuở nhỏ đã thông hiểu 9 bộ kinh điển, đầy bụng thi thơ, được ca ngợi là Thần đồng. Năm 14 tuổi, cậu từ Sơn Tây đi thăm phụ thân, người bị giáng đày đến Giao Chỉ, Nam Hải làm quan, đường đi trải qua muôn núi ngàn sông. Khi cậu đi thuyền đến dưới chân núi Mã Đương ở sông Trường Giang, bỗng nhiên gặp cuồng phong sóng lớn, thuyền sắp lập. Mọi người trên thuyền đều hoảng sợ, duy chỉ có Vương Bột ngồi ngay ngắn trên thuyền, không hề có chút dáng vẻ sợ hãi nào, vẫn đọc sách vang vang. Nhà thuyền thấy lạ hỏi cậu: “Mọi người trên thuyền có thể sẽ chết trong phút chốc, tại sao cậu hoàn toàn không có chút dáng vẻ sợ hãi nào?” Vương Bột cười và trả lời rằng: “Sống chết do Trời, sao có thể tránh được? Mọi người đừng hoảng sợ, tôi đang cứu mạng những người này.” Nói xong, cậu viết một bài thơ và ném xuống sông, chốc lát mây mù tan biến, sóng yên gió lặng. Bài thơ đó viết rằng:

“Đường Thánh phi cuồng Sở,
Giang uyên dị Mịch La.
Bình sinh trượng trung tiết,
Kim nhật nhậm phong ba.”

Tạm dịch:

Đường Thánh khác Sở ma
Trường Giang khác Mịch La
Bình sinh trọng trung tiết
Ngày nay mặc phong ba

Lúc này mọi người trên thuyền đều chúc mừng khen rằng: “Thiếu niên quả bậc kỳ tài, có thể động đến Thần Sông, giải tai họa đuối nước cho mọi người.”

Đến núi Mã Đương, mọi người đều lên bờ. Vương Bột thấy bên đường có một ngôi miếu cổ, trên đó có viết: “Sắc ban Trung Nguyên Thủy Quân phủ hành cung”, hai bên viết: Che chở dân, bảo vệ nước, gió mưa đến theo thời. Vương Bột đến trước tượng Thần, thắp hương cầu nguyện xong. Bỗng nhiên thấy trên ghế đá có một ông lão gầy gò, tóc trắng, gương mặt như trẻ thơ, tướng mạo như Thần Tiên. Vương Bột vội vàng chắp tay hành lễ. Ông lão nói: “Cậu là Vương Bột phải không?” Vương Bột kinh ngạc nói: “Đúng ạ, cụ sao mà biết được?” Ông lão nói: “Ta từ lâu đã nghe cậu có thiện niệm cứu người, và làm thơ có thể thấy nghĩa lý. Sao cậu không đi thi?” Vương Bột đáp: “Cháu nhà nghèo, thiếu kinh phí.” Ông lão nói: “Ngay mai là tiết Trùng Cửu (mồng 9 tháng 9 âm lịch), Đằng Vương Các có hội đăng cao, nếu cậu đến đó làm văn, thì sẽ lưu danh thiên cổ, và sẽ có được lộ phí.” Vương Bột nói: “Nơi này cách Đằng Vương Các mấy trăm dặm, ngày mai sao có thể đến kịp được?” Ông lão nói: “Ta giúp cậu một cánh buồm gió mát, ngày mai nhất định đến được.” Vương Bột kinh ngạc, lại bái tạ và nói: “Cháu vẫn là đứa trẻ mới cao ba thước, một Nho sinh nghèo, phàm trần mắt thịt, mạo phạm đến tôn Thần, xin đừng trách tội.” Ông lão bảo Vương Bột lên thuyền, Vương Bột chỉ thấy mây lành thấp thoáng, chớp mắt như đã đi trăm dặm.

Vương Bột đến Đằng Vương Các, đúng vào buổi sáng ngày Trùng Cửu, các danh Nho Giang Nam đều đã vào chỗ ngồi, Vương Bột ngồi ở ghế cuối. Thái thú Diêm Công nói: “Hôm nay xin các bậc đại tài làm “Đằng Vương Các ký”, khắc đá làm bia, lưu danh vạn thế”. Diêm Công vốn cho rằng, con rể ông là Ngô Tử Chương có tài cao hơn người, nên chuẩn bị để con rể vang danh. Các tân khách đều biết ý đồ của ông, bèn giả bộ khiêm tốn chối từ. Vương Bột không biết sự tình, liền cầm bút viết. Mọi người thấy Vương Bột là người lạ, lại tuổi nhỏ, nhưng vung bút như gió, thì vô cùng kinh ngạc. Diêm Công lệnh cho thuộc hạ: “Quan sát anh ta sáng tác, về báo cáo.” Khi nghe đến câu “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” (Ráng chiều rơi xuống, cùng cái cò đơn chiếc đều bay; làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc), Diêm Công khen rằng: “Cậu thiếu niên này hạ bút như có Thần trợ giúp, quả là bậc thiên tài”. Khi mọi người nghe đến: “Thiên cao địa huýnh, giác vụ trụ chi vô cùng; hứng tận bi lai, thức doanh hư chi hữu số” (Trời cao, đất xa, biết vũ trụ rộng vô cùng. Hứng hết, buồn về, hiểu đầy vơi là có số); “Sở lại quân tử an bần, đạt nhân tri mệnh. Lão đương ích tráng, ninh di bạch thủ chi tâm? Cùng thả ích kiên, bất trụy thanh vân chi chí” (Nhờ được: người quân tử vui cảnh nghèo; bậc đạt nhân biết rõ mệnh. Tuổi già càng phải mạnh hơn, nên hiểu lòng ông đầu bạc. Lúc cùng hãy nên thêm vững, không rớt chí đường mây xanh), thì không ai là không vỗ bàn khen tuyệt.

Vương Bột đem bài văn trình lên Diêm Công, và xin mọi người dạy bảo, các nhà Nho không dám bàn một chữ. Lúc này, Ngô Tử Chương cao giọng nói: “Đứa trẻ cao 3 thước lấy bài văn của bậc tiên Nho ngụy xưng là sáng tác mới của mình, lừa dối mọi người”. Vương Bột nghe vậy thì kinh ngạc. Diêm Công hỏi: “Làm sao có thể biết như thế?” Ngô Tử Chương nói: “E các nhà Nho không tin, tôi thử nói ra một lượt.” Lập tức tụng thông một lượt từ đầu đến cuối, không một sai khác nào, mọi người đều nghi ngờ. Vương Bột nghe xong rồi nói: “Xem tài ghi nhớ của ngài, quả là không kém tài học của Dương Tu, tài xem của Trương Tùng. Nhưng ngài có biết sau bài văn có thơ không?” Ngô Tử Chương nói: “Không có thơ.” Vương Bột vung bút như bay, viết bài thơ rằng:

“… Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
Cách trung đế tử kim hà tại?
Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu.”

Dịch thơ:

“… In đầm, mây vẩn vơ trôi.
Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu.
Đằng vương trong gác giờ đâu?
Trường Giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.” (Bản dịch của Trần Trọng San)

Ngô Tử Chương vô cùng xấu hổ. Vương Bột nói: “Trí nhớ của ngài quả là vô cùng phi phàm.” Hai người cùng cười. Các tân khách đều nói với Vương Công rằng: “Sáng tác của Vương Bột, trí nhớ của lệnh tế đều hiếm có trong thiên hạ, quả xứng là song bích vậy.” Mọi người đều hoan hỷ, Diêm Công lệnh cho người đem bài “Đằng Vương Các tự” của Vương Bột khắc lên bia, và thưởng vàng và lụa, trị giá khoảng nghìn lượng vàng, và đưa đến tận chân núi Mã Đương.

Vương Bột đem vàng và lụa đến miếu, bày trước tượng Trung Nguyên Thủy Quân, khấu đầu bái tạ. Đi bộ ra nam môn, muốn mua lễ rượu sinh lao (bò dê lợn) để hiến lễ. Bỗng nhiên mây lành bao trùm miếu đường, thấy một ông lão ngồi trên ghế đá, chính là Trung Nguyên Thủy Quân. Vương Bột đến bái tạ và nói: “Hôm trước được Thượng Thánh trợ giúp một cánh buồm gió mát, khiến con làm văn thành công. Con thấy trước điện chất đầy tiền vàng, muốn chuẩn bị lễ rượu sinh lao đem đến miếu, bái tạ tôn Thần.” Ông lão nghe xong cười và nói: “Ta đâu có thể vì một cánh buồm mà lại nhận lễ hiến của cậu. Hơn nữa Thủy phủ của ta lấy hiếu sinh làm đức, sát sinh cúng tế, ta không dám hưởng, càng không để cậu nhọc sức lo liệu. Cậu vừa rồi nói trên điện có tiền, đó chính là những người tham lợi cầu xin, là loại người tư tâm hại vật, tổn hại người, lợi cho mình, lấy của mọi người làm của nhà mình. Những người này vọng cầu không phải là phúc, Thần không gây nguy hại cho họ, mà tự tâm họ gây nguy hại cho mình, do đó họ xin hiến cho miếu. Đây là vật sai trái, giống như tang vật, ta sao dám dùng. Mong cậu không phụ sở học bình sinh, vì nước vì dân, dốc sức làm việc thiện, phúc đức tự nhiên theo về.” Vương Bột lại bái tạ thọ giáo, ông lão liền biến thành cơn gió mát bay đi.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/10/28/165423.html

Đăng ngày 30-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share