Bài viết của Trí Chân
[MINH HUỆ 20-07-2008] Quan niệm làm chính trị trong văn hóa truyền thống nước ta là lấy đức làm chính trị, bao gồm “kính Trời, kính đức, bảo vệ người dân” v.v., cũng chính là duy hộ Thiên lý, luân lý, giữ mình trong sạch yêu thương người dân, cho rằng, lòng người hướng về hay trái ngược, sẽ quyết định đến sự thịnh suy, hưng vong của quốc gia. Tư tưởng đức trị này đã được các nhà tư tưởng, các nhà chính trị các thời đại giảng thuật và phát triển, nội hàm càng thêm phong phú và sâu sắc, rất đáng để người đời sau học tập và tham khảo.
1. Người làm chính trị là tu thân làm sáng đức
Người làm chính trị trước tiên phải bắt đầu từ việc tu thân, làm tấm gương đạo đức cho dân chúng, đó là tiền đề và nền tảng của việc làm chính trị.
Khổng Tử từ khá sớm đã đề ra tư tưởng người làm chính trị phải “tu dưỡng bản thân”, ông nói: “tu kỷ nhi an bách tính” (tu dưỡng bản thân mà bách tính yên vui) (Luận Ngữ – Hiến vấn); “kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành” (bản thân mình chính thì không ra lệnh, mọi người vẫn thực hiện) (Luận Ngữ – Tử Lộ); “khắc kỷ phục lễ” (khắc chế ham dục của bản thân để lời nói, hành vi phù hợp với quy phạm của lễ) (Luận Ngữ – Nhan Uyên) v.v. Khổng Tử cho rằng, người làm chính trị tu dưỡng bản thân là cực kỳ quan trọng, cần không ngừng trừ bỏ những tư tâm và tạp niệm, tuân thủ các quy định của lễ, thì mới có thể trở về với Thiên lý, dân chúng mới có thể kính úy. Tu dưỡng bản thân, quy chính bản thân, thì mới có thể quy chính người khác được, mới khiến bách tính yên vui được.
Mạnh Tử đề ra tư tưởng “Chính quân nhi quốc định” (Quy chính quân vương thì quốc gia yên vui, ổn định). Ông nói:
“Quân nhân, mạc bất nhân; quân nghĩa, mạc bất nghĩa; quân chính, mạc bất chính. Nhất chính quân nhi quốc định hĩ”
(Quân vương nhân đức thì không có người nào bất nhân; quân vương có nghĩa thì không có người nào bất nghĩa; quân vương chính thì không có người nào bất chính. Một khi quân vương quy chính bản thân, thì quốc gia ắt sẽ yên vui ổn định).
“Quân tử chi thủ, tu kỳ thân nhi thiên hạ bình”.
(Người quân tử giữ gìn tiết tháo, bắt đầu từ việc tu dưỡng bản thân, sau đó là khiến thiên hạ thái bình).
(Mạnh Tử – Tận tâm hạ)
Mạnh Tử cho rằng, người làm chính trị cần phải không ngừng hoàn thiện tu dưỡng tư tưởng lấy luân lý đạo đức làm nội hàm, cần phải bồi dưỡng chính khí hạo nhiên trong tâm. Chỉ có người có loại chính khí hạo nhiên tràn đầy trong trời đất này, thì mới có thể đảm đương nổi trọng trách coi việc thiên hạ là trách nhiệm cá nhân.
Tuân Tử đề ra tư tưởng quân chủ làm mẫu mực, ông cho rằng, quân vương cần làm gương cho dân, giống như cột chỉ đường và cái bóng ảnh của nó. Cột thẳng thì bóng mới thẳng. Quân chủ cần lấy mình làm gương, lấy mình làm mẫu, là tấm gương cho dân chúng.
Đường Thái Tông đề ra tư tưởng “chính thân”, ông nói: “Nếu muốn thiên hạ yên vui ổn định, thì ắt phải quy chính bản thân mình trước, không có chuyện thân chính mà hình bóng cong vẹo, không có chuyện trên trị sửa mà dưới loạn. Trẫm mỗi lần nghĩ người bị tổn hại tấm thân không phải do ngoại vật, đều do sở thích ham dục mà thành tai họa. Nếu đam mê mùi vị, vui thích thanh sắc, ham dục nhiều thì tổn thương cũng lớn, vừa tổn hại đến chính sự, lại vừa nhũng nhiễu dân chúng”. (Trinh Quán chính yếu – Quân đạo). Ông cho rằng, làm quân chủ, có đạo hay vô đạo là cực kỳ quan trọng, ắt phải làm được quy chính bản thân. Ông nghiêm khắc tự giác kỷ luật, theo việc thiện, là mẫu mực cho hậu thế.
Tư Mã Quang đề ra tư tưởng “làm vua phải có đức sáng”, ông cho rằng, mỗi lời nói, mỗi hành vi của quân chủ đều rất quan trọng, đức của quân chủ chiếu sáng, thì bề tôi mới có thể tận trung. Làm quân chủ, cần cấm bạo trừ hại, thưởng thiện phạt ác, thì mới có thể khiến đức của quân chủ chiếu sáng, bách tính an định, quốc gia thịnh trị.
Nhị Trình (Trình Hạo, Trình Di) đề ra quan điểm “Trời tức là đạo lý”, và tư tưởng “thứ kỷ cập nhân” (mở rộng cái tâm khoan thứ bản thân đến khoan thứ cho người khác), cho rằng, người làm chính trị cần phải tuân theo Thiên lý, cẩn thận giữ cương thường, nhân nghĩa với người dân và yêu thương vạn vật, thực hiện chính sách nhân nghĩa. Lấy việc lòng người vui vẻ tâm phục làm căn bản, khiến người dân trong bốn biển đều nhận được ân trạch.
Chu Hi đề ra tư tưởng “nội vô vọng tư, ngoại vô vọng động” (nội tâm không có suy nghĩ cuồng vọng, biểu hiện bên ngoài không có hành vi cuồng vọng); “nhật tỉnh kỳ tâm, hữu tắc cải chi, vô tắc gia miễn” (ngày ngày xem xét kiểm điểm bản thân, nếu có lỗi lầm thì sửa đổi, nếu không có thì càng cố gắng hơn); “chính quân tâm” (quy chính cái tâm của quân chủ). Ông cho rằng, người làm chính trị phải lấy việc tu thân chính tâm làm gốc, tức là trong tâm phải có Thiên lý, trừ bỏ các loại dục vọng và tư tâm của con người, trong lòng chứa đựng thiên hạ, làm sáng tỏ chính nghĩa.
2. “Người làm chính trị phải nhân nghĩa với dân, yêu thương dân”
Dân là nền tảng của quốc gia, người làm chính trị cần phải coi việc nhân nghĩa với dân, yêu thương dân là việc quan trọng hàng đầu, đó mới là then chốt của việc làm chính trị.
Khổng Tử cho rằng, người làm chính trị cần lấy nhân đức làm nền tảng, yêu thương dân, làm giàu cho dân, khoan sức dân. Yêu thương dân là cơ điểm xuyên suốt. Ông nói “nhân giả ái nhân” (người nhân đức yêu thương mọi người), cần phải đứng ở lập trường của bách tính, hiểu lòng dân, thuận ý dân, cùng vui buồn với dân, yêu quý sức dân, tạo dựng chữ tín trong dân. Ông cho rằng, gốc rễ của việc thực hành chính trị nhân đức là thực hiện giáo hóa đạo đức và lễ nghi cho dân chúng, như “đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ” (dùng đạo đức để dẫn dắt người dân, dùng lễ nghi để giáo hóa người dân); “huệ dân lợi dân” (làm lợi cho dân, tạo thuận lợi cho dân); “phú chi giáo chi” (làm cho dân giàu lên, sau đó giáo hóa họ)… khiến đạo đức đi vào nhân tâm, dân phong thuần hậu, xã hội hài hòa.
Mạnh Tử nói: “việc của dân thì không thể trì hoãn”, coi dân chúng ở vị trí quan trọng hàng đầu, cho rằng, việc của dân chúng thì không thể trễ nải. Thực thi chính sách nhân đức thì có thể được nhân dân ủng hộ, khiến người ở gần thì an cư lạc nghiệp, khiến người ở xa tìm đến theo về, thì có thể vô địch thiên hạ. Ông chỉ ra rằng, người làm chính trị “lạc dân chi lạc giả, dân diệc lạc kỳ lạc; ưu dân chi ưu giải, dân diệc ưu kỳ ưu” (Người vui với niềm vui của người dân, thì người dân cũng vui với niềm vui của họ; người lo với nỗi lo của người dân, thì người dân cũng lo với nỗi lo của họ); “đắc đạo giả đa trợ, thất đạo giải quả trợ” (người có đạo thì được mọi người trợ giúp, người vô đạo thì ít người trợ giúp); “nhân giả vô địch” (người nhân đức thì thiên hạ vô địch) (Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng) v.v.
Tuân Tử kế thừa tư tưởng yêu thương dân của Khổng Tử và Mạnh Tử, đề ra chủ trương “bình chính ái dân” (chính sách công bằng và yêu thương dân). Ông cho rằng, quan hệ giữa vua và dân như thuyền với nước, nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền, ắt phải làm được chính sách công bằng và yêu thương dân, thì mới có được sự ổn định của giang sơn xã tắc.
Đường Thái Tông nói: “Nhân dân là gốc rễ của quốc gia, đạo đức là gốc rễ làm người; một người nếu tích đức dày thì vĩnh viễn khiến người ta nhớ thương và cảm phục. Người dân có được cuộc sống an cư lạc nghiệp thì quốc gia tự nhiên được củng cố, an toàn”. Ông đề ra “Dân vi bang bản” (dân là gốc của quốc gia), và răn dạy quần thần rằng: “Xây dựng quốc gia thì trước tiên phải nuôi dưỡng người dân. Làm quốc gia giàu có thì trước tiên phải làm cho người dân có dư ăn dư mặc. Oán hận của dân mà không được giải trừ thì trở thành đại họa của quốc gia, các thứ khác đều không có gì đáng kể”. Ông khoan hậu yêu dân, cung kính tiết kiệm sử dụng, chế định ra nhiều biện pháp làm lợi cho dân tạo thuận lợi cho dân, khiến dân giàu nước mạnh, lịch sử gọi là “Trinh Quán chi trị”.
Tư tưởng yêu dân của Nhị Trình giảng rằng: “Vi chính chi đạo, dĩ thuận dân tâm vi bản, dĩ hậu dân sinh vi bản, dĩ an nhi bất nhiễu vi bản” (Đạo làm chính trị, lấy thuận lòng dân làm gốc, lấy tạo thuận lợi cho dân sinh làm gốc, lấy việc yên dân, không quấy nhiễu dân làm gốc) (Trình Thị văn tập). Vấn đề quan trọng hàng đầu quản lý quốc gia là khiến cho lòng dân an định, sức dân đầy đủ, cuộc sống dân chúng giàu có. Hai ông đề ra, người làm chính trị cần phải “thị dân như thương”, tức là coi bách tính như người đang bị thương chịu thống khổ để quan tâm chăm sóc dân, thể hiện ra lòng yêu thương dân sâu sắc.
Tư tưởng yêu thương dân của Chu Hi chủ yếu là “thương xót dân”. Chu Hi cho rằng, gốc rễ quản lý quốc gia là được sự ủng hộ của nhân dân, là người làm chính trị thì phải yêu dân như con, quan tâm quốc gia thương xót dân, phát triển những việc lợi, trừ những việc hại cho dân, đúng như ông đã nói “Đại thể làm quan thì trước tiên cần phải liêm khiết, cần cù, yêu thương người dân, các việc khác thì khó luận trước được”.
3. “Việc quan trọng nhất của làm chính trị chỉ là đắc nhân tâm”
Người làm chính trị cần phải làm được tôn kính và trọng dụng người hiền đức, đây là sự đảm bảo cho nền chính trị nhân đức của quốc gia.
Khổng Tử đề ra tư tưởng “tiến cử sử dụng hiền tài” (Vi chính), ông chủ trương trọng dụng hiền tài, cho rằng sử dụng người chính trực thì dân chúng mới tín phục, trái lại, sử dụng người không hiền đức, thì dân chúng không phục. Ông nói: “Lời thiện không được nói ra thì chính sự không minh bạch. Cần phải nghe được lời thiện, cần phải trọng dụng hiền tài. Xung quanh nhiều người hiền thì sẽ nghe được nhiều lời thiện. Xung quanh nhiều tiểu nhân thì chỉ nghe được nhiều danh lợi”. Tư tưởng trọng dụng hiền tài của Khổng Tử được các nhà tư tưởng đời sau kế thừa và phát huy.
Mạnh Tử đề ra tư tưởng “tôn kính người hiền sử dụng người tài”, ông nói “Tôn kính người hiền sử dụng người tài, tuấn kiệt tại vị”; “Người hiền tại vị, người tài tại chức” (Mạnh Tử – Công Tôn Sửu thượng). Ông chủ trương, bổ nhiệm quan lại cần phải tôn kính chuộng người hiền, sử dụng người tài, khiến cho họ nắm các chức vị, thì mới dùng chính đạo, chính nghĩa dẫn dắt mọi người được.
Tuân Tử đề ra tư tưởng “sùng thượng người hiền sử dụng người tài”, chú trọng nói rõ tư tưởng sử dụng người hiền, ông cho rằng, cần tôn kính sùng chuộng người hiền, sử dụng người tài, không phải người hiền đức thì không thể trao cho chức quan.
Đường Thái Tông đề ra tư tưởng “Điều trọng yếu của làm chính trị là chỉ có đắc được nhân tâm”, coi việc sử dụng hiền tài là quan trọng nhất trong những việc quan trọng của việc quản lý quốc gia. Ông nói: “Cái gốc để đạt được an định duy nhất là đắc được nhân tâm”. Chính vì Đường Thái Tông có đức làm chính trị yêu tài trọng hiền, giỏi nhìn nhận và sử dụng người thế này, khiến cho thời kỳ Trinh Quán, nhân tài nườm nượp, cao nhân hiền sĩ khắp triều đình, ai nấy phát huy khả năng của mình, tận tâm tận lực, đảm bảo nền chính trị quốc gia trong sáng và thúc đẩy các chính sách nhân đức.
Tư Mã Quang cũng đề ra tư tưởng sử dụng hiền tài, ông nói: “Điều cốt yếu của việc làm chính trị là sử dụng người” (Thái hoàng thái hậu sớ). Ông căn cứ vào tình hình tài đức của mỗi người, phân chia thành: Có đủ cả tài lẫn đức là “Thánh nhân”; cả tài và đức đều không có là “người ngu”; đức lớn hơn tài là “quân tử”; tài lớn hơn đức là “tiểu nhân”. Khi tuyển chọn sử dụng người, quan điểm của Tư Mã Quang là ắt phải trọng dụng Thánh nhân, quân tử, nếu không có Thánh nhân, quân tử, thì thà dùng người ngu chứ nhất định không dùng tiểu nhân, bởi vì sự nguy hại của tiểu nhân đối với quốc gia là cực lớn.
Nhị Trình đề ra tư tưởng “tuyển chọn sử dụng người hiền năng tuấn kiệt”, cho rằng, quân chủ nhất định phải tuyển chọn sử dụng người hiền năng, coi việc tuyển chọn sử dụng người hiền năng tuấn kiệt là đại sự căn bản cần phải làm, sau khi có được người hiền tài thì mới có thể cùng nhau quản lý quốc gia. Ông cho rằng, sự bảo đảm căn bản của việc quản lý quốc gia chính là để người hiền tại vị, người tài nắm chức.
Chu Hi cũng chủ trương sử dụng những người có đức hạnh cao thượng, cho rằng, người hiền dám trực ngôn can gián, tiểu nhân thì a dua xu nịnh. Ông chỉ ra rằng, người làm chính trị cần phải “quang minh chính đại, coi trọng nghĩa lý, tạo lập kỷ cương, thân cận hiền thần, xa rời tiểu nhân, ngăn chặn những con đường tư đường tà, thì mới có lợi cho việc trị quốc an bang”.
Thực tiễn chứng minh, người làm chính trị có thể thực hiện nền chính trị nhân đức được hay không liên quan đến việc lòng dân hướng về hay trái lại. Nhìn khắp các bậc Thánh vương minh quân và quan lại thanh liêm cổ kim Đông – Tây, đều là đạo đức nhân hậu, nhân đức với người dân, yêu thương vạn vật, con dân như người bị thương đang cần quan tâm chăm sóc. Chỉ có trên thuận Thiên ý, dưới ứng lòng dân, thì mới thực sự tạo phúc cho bách tính, mới có thể khiến dân phong chính, vạn sự hưng, thiên hạ thái bình.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2008/7/20/182288.html
Đăng ngày 10-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.