Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 15-04-2009] Vương Cao, tự Cửu Cao, người huyện Diêm Sơn, Hà Bắc, là viên quan thanh liêm của 5 triều Minh Thành Tổ, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông, Cảnh Đế. Ở trong quan trường mấy chục năm, tuy vị cao quyền trọng, nhưng ông vẫn luôn giữ được phẩm chất công chính, liêm khiết, lấy thân mình làm mẫu mực, làm tấm gương cho quần thần, để lại rất nhiều mẩu chuyện có ý nghĩa sâu sắc.

Làm quan công tâm, lòng như gương sáng

Minh Sử ghi chép rằng: Vương Cao làm Thượng thư Bộ Lại, coi việc “dùng người hiền đức báo đáp quốc gia là trách nhiệm của mình”, ông biết sâu sắc rằng, sử dụng quan lại hiền đức có quan hệ đến việc quốc gia thịnh trị hay loạn lạc. Ông không bao giờ dùng quyền lực trong tay để giao dịch trao đổi. Đối với tất cả những lời nhờ vả nâng đỡ của những kẻ quyền thế, ông đều “cương nghị cự tuyệt, nghiêm mặt từ chối”. Do đó, trong thời gian ông nhậm chức, “Trong nhà không có cuộc gặp riêng, quyền thế nhờ cậy không dám làm”.

Tiến cử quan lại, ông coi phẩm đức là hàng đầu. Ông thường khêu đèn đọc tài liệu thấu đêm, chỉ sợ không cẩn thận. Mỗi lần lựa chọn đề bạt quan viên, nếu hoàng đế triệu kiến, thì ông giao cho cấp phó xử lý giúp, sau khi trở về, tuy đã muộn, ông vẫn dành thời gian cẩn thận xem xét lại, chỉ sợ lựa chọn người không thích hợp. Ông tuân thủ nguyên tắc “bàn luận việc tiến cử thì không để cho người khác biết”, khi tiến cử nhân tài với hoàng đế hoặc lựa chọn đề bạt quan viên, ông đều xuất phát từ công tâm, không bao giờ mong đợi sự báo đáp của người được tiến cử, đề bạt. Làm quan nhiều năm, những quan lại mà ông tuyển chọn, rất nhiều người đều trở thành những danh thần hiền năng.

Do Vương Cao có tài văn thao võ lược và có công lao, nên Cảnh Đế phong cho ông là “Thiên quan Bộ Lại”, người nhà Vương Cao đều vui mừng, nhưng bản thân ông lại trầm tư không nói năng gì. Thì ra hoàng đế còn ban cho ông đất phong, ban cho ông một con tuấn mã, bảo ông lên ngựa vung roi, ngựa chạy đến đâu thì đất ở đó thuộc sở hữu của ông. Vương Cao không muốn vì mình được phong đất mà khiến cho bách tính tăng thêm gánh nặng, nhưng nếu không làm theo thì lại là kháng chỉ, là trái nghịch, phạm thượng. Cả đêm ông không ngủ, ngày hôm sau, ông chuẩn bị sợi dây thừng dài 100 trượng, cưỡi con tuấn mã vua ban, đến bãi đất trũng nhiễm mặn ở Diêm Sơn quanh năm cỏ không mọc, lệnh cho người đóng một cái cọc thép, dùng dây thừng dài buộc vào cương ngựa, con tuấn mã chạy xung quanh chiếc cọc thép. Bách tính trong thấy không biết là chuyện gì, bèn hỏi sai dịch. Sai dịch nói: “Vương Thiên quan để ngựa chạy xung quanh bãi lầy ngập mặn này”. Sau khi biết chuyện, bách tính đều vô cùng khâm phục. Từ đó, bãi đất nhiễm mặn chưa đầy hai, ba trăm mét, ở phía Đông núi Diêm Sơn này được mọi người gọi là “Đất Thiên quan”.

Ngôi cao quyền trọng, liêm khiết cần kiệm tự răn mình

Vương Cao là người trung hậu, chú trọng danh tiết, đối với tiền tài thì “coi nhẹ không ham”. Khi trấn thủ Liêu Đông, ông từng làm việc cùng một vị giám quân, hai người sống với nhau rất tốt. Sau này ông được thăng làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, trước khi khởi hành, vị giám quân này tặng ông 4 viên minh châu của Tây, Vương Cao kiên quyết không nhận. Vị giám quân khăng khăng muốn tặng, ông ấy khóc và nói: “Những viên minh châu này không phải có được nhờ nhận hối lộ, mà là Tiên đế ban cho, tôi được 8 viên, nay đem một nửa tặng ông làm kỷ niệm. Ông cũng vốn biết là tôi không ham tài vật mà”. Vương Cao đành phải nhận, nhưng lại đem 4 viên minh châu này khâu vào bên trong lớp áo lót. Sau này, Vương Cao phụng mệnh trở về triều đình cai quản Bộ Lại, vị giám quân này đã chết. Vương Cao tìm đến hậu nhân của ông ấy, tháo lớp áo lót ra, lấy ra 4 viên minh châu đó đem tặng lại cho họ, chỉ thấy ấn niêm phong ban đầu vẫn còn nguyên vẹn như cũ.

Vương Cao tuy nắm quyền lớn trong tay, lại được hoàng đế tín nhiệm, nhưng ông yêu cầu đối với bản thân rất nghiêm khắc, và sống rất đơn giản. Hoàng đế ban cho ông rất nhiều đai vàng ngọc và y phục gấm thêu, nhưng ông luôn “tự thực hành tiết kiệm, chất phác”, mặc y phục cũ phổ thông, cho đến đi ra ngoài, mọi người hoàn toàn không hề biết ông là một vị đại quan của triều đình. Ngôi nhà mà ông ở đã có lịch sử hơn 30 năm rồi, vô cùng cũ nát. Cảnh đế một lần mặc quần áo thường dân đi vi hành trên phố, có người chỉ cho vua rằng, ngôi nhà cũ nát kia chính là nhà của Thượng thư Bộ Lại đương triều. Cảnh Đế tận mắt nhìn thấy cảnh này, trong tâm rất chấn động, trở về triều liền hạ lệnh xây cho ông một ngôi nhà, nhưng Vương Cao vẫn kiên quyết ở trong ngôi nhà cũ nát đó.

Lấy thân mình làm gương, nghiêm khắc quản lý gia đình

Vương Cao thanh liêm không chỉ biểu hiện ở tận trung với chức phận, mà còn thể hiện ở việc quản lý gia đình có phép tắc, đối với người trong gia đình, ông cũng yêu cầu rất nghiêm khắc. Vương phu nhân cũng thường ra ngoại thành đón con gái trở về thăm gia đình, mỗi lần như thế, con rể đều oán trách: “Nhạc phụ là Thượng thư Bộ Lại, nắm quyền điều động đề bạt quan viên, điều con đến kinh thành dễ như rung cây rụng lá, thì đâu có phải nhiều phiền phức như thế này”.

Cháu nội của Vương Cao là Vương Huy nhờ phúc ấm mà được vào Thái học. Một năm vào kỳ thi mùa thu, Vương Huy cũng muốn dự thi, mong muốn có tên bảng vàng. Anh nói với ông nội rằng: “Cháu muốn tham gia kỳ thi mùa thu”. Vương Cao nghe xong thì nghiêm khắc nói: “Cháu thực sự có chân tài thực học thì sao ông có thể mai một tài học của cháu được? Nhưng nền tảng sách vở của cháu thế nào, ông lại không biết sao. Nếu gặp quan chủ khảo hồ đồ, cháu thi đỗ, như thế sẽ thực sự mai một một người thực sự có tài năng, và trở ngại con đường tiến thân của học trò nghèo. Nhưng cháu lại chưa có đủ tài năng, chỉ là để có được công danh”. Vương Cao ngăn việc cháu nội tham gia kỳ thi lần này, và căn dặn cháu: “Việc cháu hiện nay đầu tiên cần phải làm là học tập thiết thực, bồi dưỡng đức hạnh. Đường đường chính chính, danh xứng với thực tài, đó là bản sắc của trang nam nhi, mới khiến người ta cảm thấy tôn kính cao thượng”.

Vương Cao cả đời thanh liêm chính trực, tuân thủ lễ nghĩa phép tắc, cẩn thận và hoàn thiện bản thân, làm quan công tâm, liêm khiết, chất phác, những sự tích của ông được mọi người ca ngợi. Những thanh quan, quan tốt trong lịch sử, xưa nay đều được mọi người kính ngưỡng, bởi vì họ có chính khí to lớn của bậc nhân đức không sợ hãi, có quan niệm tôn sùng đạo đức và yêu thương người dân.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/4/15/199019.html

Đăng ngày 23-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share