Bài viết của Vương Anh, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 06-05-2022] Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết vào ngày 5 tháng 5 năm 2022, bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” về hoạt động thu hoạch nội tạng đang diễn ra một cách có hệ thống và vô nhân đạo đối với những người bất đồng chính kiến với chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.

Dưới đây là nội dung của nghị quyết (bấm vào ảnh để phóng to và xem toàn văn bản).

13a8d74bb362b966fe07bd895c10f7d6.jpg
c104e480f9e3e360b129a82cdbe98f59.jpg
b9f5dcd3cedef64317b3aac134d6eeac.jpg

99c7fa89338ecbf3a317485554f3549d.jpg

Báo cáo của Nghị viện Châu Âu về nạn thu hoạch nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc

Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu ngày 5 tháng 5 năm 2022 về các báo cáo về nạn thu hoạch nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc (2022/2657 (RSP))

Nghị viện Châu Âu

– suy xét đến các nghị quyết trước đây về quan hệ EU-Trung Quốc,

– suy xét đến nghị quyết ngày 12 tháng 12 năm 2013 về thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc,

– suy xét đến nghiên cứu mang tên ‘Kỷ yếu Hội thảo về “Thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc” do Ban Quản lý Chính sách Nội bộ ban hành vào ngày 12 tháng 4 năm 2016,

– suy xét đến Hướng dẫn 2010/53 / EU của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu ngày 7 tháng 7 năm 2010 về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn của nội tạng người dùng để cấy ghép,

– suy xét đến Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu năm 1948 và Hiến chương về các Quyền Cơ bản [của con người] của Liên minh châu Âu năm 2009, đặc biệt là Điều 3 trong đó về quyền bảo vệ sự nguyên vẹn [thân thể] của con người,

– suy xét đến Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước Chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Xúc phạm Nhân phẩm Con người, được Trung Quốc phê chuẩn vào ngày 4 tháng 10 năm 1988,

– suy xét đến Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống Buôn bán Nội tạng Cơ thể Người,

– suy xét đến Tuyên bố Istanbul về Du lịch Cấy ghép và Buôn bán Nội tạng,

– suy xét đến Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng do Trung Quốc ký năm 1949,

– suy xét đến tuyên bố của các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc ngày 14 tháng 6 năm 2021 về các báo cáo bị cáo buộc thu hoạch nội tạng nhắm vào cộng đồng thiểu số ở Trung Quốc,

– suy xét đến phiên điều trần ngày 29 tháng 11 năm 2021 về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc do Tiểu ban Nhân quyền tổ chức,

– suy xét đến phán quyết cuối cùng của Tòa án Độc lập về Nạn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng từ Tù nhân Lương tâm ở Trung Quốc (Tòa án Trung Quốc), ban hành ngày 1 tháng 3 năm 2020,

– suy xét đến Quy tắc 144(5) và 132(4) của Quy tắc Thủ tục,

A. Xét thấy việc thúc đẩy và tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền là trọng tâm trong quan hệ của EU với Trung Quốc, phù hợp với cam kết của EU trong việc duy trì các giá trị này trong các hoạt động đối ngoại và cam kết của Trung Quốc trong việc tuân thủ các giá trị đó trong sự phát triển và hợp tác quốc tế của nước này;

B. Xét thấy kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào tháng 3 năm 2013, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc vẫn tiếp tục xấu đi; trong khi Chính phủ Trung Quốc ngày càng trở nên thù địch với vấn đề nhân quyền và pháp quyền;

C. Xét thấy mỗi năm có 10.000 ca cấy ghép nội tạng cơ thể người bất hợp pháp được thực hiện trên toàn thế giới; xét thấy, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hoạt động buôn bán nội tạng người mỗi năm cho lợi nhuận hơn 1 tỷ EUR;

D. Xét thấy nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có tỷ lệ hiến tạng tự nguyện rất thấp do tín ngưỡng truyền thống; xét thấy năm 1984, Trung Quốc thực hiện các quy định cho phép thu hoạch nội tạng của tử tù; xét thấy năm 2015, Trung Quốc tuyên bố đã ngừng sử dụng nội tạng của tử tù và đã triển khai hệ thống hiến tạng trên toàn quốc, song, chưa bao giờ cấm hoàn toàn hoạt động này, mà đến nay vẫn được coi là hợp pháp;

E. Xét thấy hệ thống cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc không tuân thủ các yêu cầu của WHO về tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong lộ trình thu mua nội tạng, và xét thấy Chính quyền Trung Quốc đã chống lại sự giám sát độc lập hệ thống; xét thấy việc đồng thuận một cách tự nguyện khi có đầy đủ thông tin là điều kiện tiên quyết đối với hiến tạng theo nguyên tắc đạo đức;

F. Cưỡng bức thu hoạch nội tạng phải được hiểu là giết một người khi họ chưa đồng ý hiến tạng để cấy ghép cho một người khác; xét thấy thông lệ này phải được coi là vi phạm nghiêm trọng và không thể dung thứ đối với quyền sống cơ bản của con người;

G. Xét thấy Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc và Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc xúc phạm nhân phẩm đã bày tỏ quan ngại về các cáo buộc thu hoạch nội tạng từ tù nhân và đã kêu gọi Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của hệ thống cấy ghép nội tạng và trừng phạt những người gây ra sự lạm dụng này;

H. Xét thấy Tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết cuối cùng vào tháng 3 năm 2020, trong đó kết luận rằng cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được thực hiện nhiều năm ở khắp Trung Quốc với quy mô khá lớn và các học viên Pháp Luân Công là một trong những nguồn cung nội tạng – và có lẽ là nguồn chính; trong khi Chính phủ Trung Quốc từ chối điều trần trước Tòa án;

I. Xét thấy việc phụ thuộc chủ yếu vào tù nhân bị hành quyết và tù nhân còn sống làm nguồn cung nội tạng cho các ca cấy ghép dẫn đến một loạt vi phạm nhân quyền và đạo đức y khoa không thể chấp nhận được;

J. Xét thấy theo các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc trong tuyên bố ngày 10 tháng 6 năm 2021, có thông tin đáng tin cậy cho thấy những người bị giam giữ là người thuộc các nhóm dân tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo/tín ngưỡng thiểu số ở Trung Quốc đã trải qua các cuộc kiểm tra y tế, bao gồm xét nghiệm máu và thăm khám nội tạng như siêu âm và chụp X-quang – một khâu thiết yếu để tìm nội tạng tương thích cho ca cấy ghép, nhưng không có sự đồng thuận của họ trong trạng thái độc lập, tự nguyện và có đầy đủ thông tin;

K. Xét thấy các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã nêu ra vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc vào năm 2006 và 2007; xét thấy các phản hồi của Chính phủ Trung Quốc bị thiếu dữ liệu như thông tin về nguồn nội tạng được sử dụng cho các ca phẫu thuật cấy ghép hoặc hệ thống chia sẻ thông tin để giúp xác định và bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người, cũng như điều tra hiệu quả và truy tố những kẻ buôn người;

L. Xét thấy Chính phủ Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc về nạn thu hoạch nội tạng, đặc biệt là thông qua phản hồi với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, và đã nhiều lần thẳng thừng phủ nhận rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng;

1. Bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các báo cáo về nạn thu hoạch nội tạng vô nhân đạo, có hệ thống và tồn tại dai dẳng dưới sự hậu thuẫn của nhà nước nhắm vào tù nhân ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cụ thể là các học viên Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác như người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), Tây Tạng và Cơ Đốc giáo;

2. Nhắc lại rằng Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Xúc phạm Nhân phẩm, trong đó quy định tuyệt đối nghiêm cấm việc tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và xúc phạm nhân phẩm khác;

3. Cho rằng nạn thu hoạch nội tạng từ tử tù và tù nhân lương tâm còn sống ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể trở thành tội ác chống lại loài người, theo định nghĩa tại Điều 7 của Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế; hối thúc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký và chấp thuận Quy chế Rome;

4. Kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc nhanh chóng phản ứng trước các cáo buộc về thu hoạch nội tạng và cho phép các cơ chế nhân quyền quốc tế, gồm cả Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, giám sát độc lập;

5. Bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu sự giám sát độc lập về việc tù nhân hay người bị giam giữ có đồng ý hiến tạng hay không; lên án chính quyền Trung Quốc vì thiếu thông tin về các báo cáo cho biết gia đình của những người bị giam giữ và tù nhân đã qua đời đang bị ngăn cản không cho nhận thi thể của người thân;

6. Hối thúc các nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu và đảm bảo tù nhân hoặc người bị giam giữ đồng ý hiến tạng trong trạng thái tự do và có đầy đủ thông tin trong các cuộc kiểm tra y tế và áp dụng khuôn khổ luật định, phù hợp với các công ước quốc tế, về một hệ thống hiến tạng tự nguyện và minh bạch;

7. Kêu gọi EU và các Quốc gia Thành viên nêu ra vấn đề thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc trong mọi cuộc Đối thoại Nhân quyền; khẳng định EU và các Quốc gia Thành viên lên án công khai các tình trạng lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc; kêu gọi các Quốc gia Thành viên thực hiện các hành động cần thiết để ngăn chặn công dân nước mình sang Trung Quốc ghép tạng, và nâng cao nhận thức cho công dân nước mình về vấn đề này khi đi du lịch Trung Quốc;

8. Hoan nghênh chuyến thăm của Cán bộ Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet tới Trung Quốc; hối thúc Liên Hợp Quốc tiếp tục điều tra về nạn buôn bán nội tạng trong chuyến thăm này;

9. Kêu gọi EU và các Quốc gia Thành viên nêu vấn đề cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại các hội nghị có sự tham dự của EU với các nước thứ ba, đặc biệt là với các đối tác của EU ở vùng Vịnh, nơi các trung tâm cấy ghép của Trung Quốc quảng cáo ‘nội tạng hợp pháp’ của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Trung Quốc;

10. Kêu gọi Trung Quốc tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của WHO về tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong lộ trình thu mua nội tạng;

11. Kêu gọi các Quốc gia Thành viên đảm bảo rằng các công ước và thỏa thuận hợp tác của họ với các nước không thuộc EU, gồm cả Trung Quốc, trong lĩnh vực y tế và nghiên cứu tôn trọng các nguyên tắc đạo đức của EU liên quan đến việc hiến tạng và sử dụng các bộ phận và vật phẩm của cơ thể người cho mục đích khoa học; kêu gọi các cơ quan hữu quan ở các Quốc gia Thành viên đánh giá và xem xét lại các điều khoản hợp tác của nước mình với các cơ sở y học cấy ghép, nghiên cứu và đào tạo của Trung Quốc;

12. Yêu cầu các nhà chức trách Trung Quốc cho phép Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc và những người được ủy quyền tiến hành các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đến thăm Tân Cương; đề nghị Chính phủ Trung Quốc hợp tác với các tổ chức của Liên Hợp Quốc về vấn đề này; hối thúc Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ưu tiên giải quyết vấn đề cưỡng bức thu hoạch nội tạng;

13. Yêu cầu Chủ tịch của EU chuyển tiếp nghị quyết này tới Hội đồng Châu Âu, Ủy ban Châu Âu, Phó Chủ tịch của Ủy ban / Đại diện cấp cao của Liên minh Chính sách An ninh và Đối ngoại, chính phủ và nghị viện của các Quốc gia Thành viên, Chính phủ và Quốc hội của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán : https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/6/442165.html

Bản tiếng Anh : https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/7/200219.html

Đăng ngày 14-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share