Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-11-2021] Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi không thấy thoải mái khi được gọi là “người tốt”, bởi vì [lúc đó] từ này được dùng với hàm ý xúc phạm. Người ta cho rằng từ “người tốt” là để chỉ người ba phải, luôn muốn dĩ hòa vi quý mà đồng ý mọi điều, không muốn làm mất lòng ai. Nó đồng nghĩa với từ “vô dụng”. Tôi vốn bản tính thiện lương, nên lúc đó tôi luôn băn khoăn rằng mình có nên làm một “người tốt” hay không. Làm một người tốt có đáng không? Mãi đến khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi mới triệt để thay đổi quan niệm này.

Một “người tốt” bất đắc dĩ

Từ nhỏ tôi đã có một tính cách nhu nhược và tự ti, cảm giác bản thân làm gì cũng không xong. Tôi không dám tham gia bất kỳ hoạt động nào, thậm chí còn không dám chơi nhảy dây một mình cũng như cùng với những đứa trẻ khác. Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không giỏi những việc này bằng những người khác và sẽ bị chê cười. Bạn bè thường giúp đỡ tôi. Mọi người cho rằng tôi chỉ giỏi sách vở, còn kỹ năng sinh tồn rất kém.

Tôi cũng không chủ động giúp đỡ người khác vì không nghĩ rằng mình có khả năng giúp đỡ được ai. Tôi không dám đưa ra ý kiến của mình về bất cứ chuyện gì và chỉ thường phụ họa theo người khác. Tôi bản tính tốt bụng và không làm tổn thương mọi người. Do đó sau lưng tôi mọi người thường gọi tôi là “kẻ ba phải”.

Cuộc sống của tôi khi đó cũng thật bế tắc, trong tâm ngổn ngang phiền não. Tôi sợ mất cái này, sợ mất cái kia. Tôi vốn khinh khi với những hoạt động đồi bại trong xã hội, chẳng hạn như chơi mạt chược và nhảy nhót suốt đêm, nhưng nhiều người mà tôi biết đều nghiện những thứ này và dường như không bao giờ chán chúng.

Đôi khi tôi tự hỏi liệu mình có thanh cao quá khi không hòa theo đám đông hay không. Tôi muốn đi theo cách truyền thống nhưng sợ người khác bảo tôi lạc hậu. Tôi sợ bị bắt nạt nếu tôi tốt bụng. Tôi sợ rằng mình sẽ bị lợi dụng và bị coi là kẻ ngốc nếu không đấu tranh vì lợi ích cá nhân. Tôi thường nghe mọi người nói: “Người tử tế sẽ bị bắt nạt. Đừng bao giờ làm người tốt”.

Tôi đã nghe theo “lời khuyên bảo thật lòng” đó của người ta và cũng vì để bảo vệ bản thân nên tôi đã cố gắng học cách trở nên “ác” một chút và “lợi hại” một chút. Thế là khi tôi vừa mới đi làm, tôi chửi bới và đánh học sinh nếu chúng không nghe lời, tuy nhiên làm vậy không có hiệu quả. Tôi thậm chí còn đánh một học sinh khiến cậu bé bị chảy máu mũi. Tôi sợ hãi và cảm thấy rằng phương pháp này không ổn, nếu các học sinh không nghe lời tôi và phản kháng, tôi sẽ rất mất mặt.

Tôi đã thay đổi phương pháp của mình và bắt đầu khoan dung với các em học sinh nghịch ngợm, bướng bỉnh. Tôi chú ý hơn trong việc chuẩn bị giáo án để làm cho nội dung của các tiết học dễ hiểu hơn, thú vị hơn đối với học sinh, để các em tích cực tham gia vào các tiết học hơn. Theo đó, công tác giảng dạy của tôi ngày càng hiệu quả và điểm số của học sinh cũng được cải thiện rất nhiều. Điều này đã củng cố sự tự tin của tôi. Tôi không thử các phương pháp bất hảo kia nữa. Tuy nhiên sức khỏe của tôi bắt đầu giảm sút và tôi mắc hai căn bệnh. Những năm sau đó sức khỏe của tôi càng tệ hơn và điều này đã gây ra rất nhiều thống khổ và phiền phức cho tôi.

Trong công tác, để không bị mọi người gọi là “kẻ ba phải” nữa, tôi đã cố tình tranh đấu với người khác vì lợi ích cá nhân. Ví dụ, khi tôi cảm giác mình không được trả lương xứng đáng, tôi đã dành gần một năm để tìm gặp và nói chuyện với một số lãnh đạo cho đến khi lương của tôi được tăng một bậc. Sau này, tôi thường giúp đỡ một nhân viên kế toán, và đổi lại, cô ấy sẽ cộng thêm cho tôi khoản phụ cấp chức vụ. Tôi đã kiếm được thêm một chút tiền lương phù hợp với chức vụ đó, nhưng khoản phụ cấp này không phải là thứ mà tôi đủ điều kiện để được nhận với tính chất công việc của mình.

Trong kỳ nghỉ hè sau đó tôi bị một căn bệnh phiền toái. Mỗi tháng tôi đã tiêu tốn 2.000 nhân dân tệ cho chi phí y tế và đã tiêu hết số tiền phụ cấp thêm đó của mình. Chính vào lúc cùng đường bí lối này, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

May mắn đắc Pháp và trở thành người tốt chân chính

Mãi đến khi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi mới minh bạch vì sao người ta phải làm người tốt và người như thế nào mới là người tốt một cách chân chính.

Sư phụ giảng:

“Con người phải phản bổn quy chân, đó mới là mục đích chân chính để làm người.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

“Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận định người tốt xấu” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Ngày ngày tôi học Pháp và đối chiếu với Đại Pháp để tu luyện tâm tính của mình. Tôi cố gắng loại bỏ những tư tưởng bất hảo và tâm tôi trở nên vô cùng an định, vui vẻ. Cuối cùng tôi đã có thể làm người tốt một cách đường đường chính chính, làm một người tốt có đạo đức cao thượng. Tôi cảm thấy thế giới đã trở nên thật tươi đẹp, ngay cả màu sắc của mặt trời trông cũng rất đẹp mắt.

Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau khi tôi bắt đầu tu luyện, tập đoàn lưu manh của Giang Trạch Dân bắt đầu bức hại tàn khốc Pháp Luân Đại Pháp. Trong hơn 20 năm tiếp theo, mặc dù phải chịu rất nhiều áp lực, nhưng tôi chưa bao giờ dao động chính tín của mình đối với Pháp Luân Đại Pháp. Tôi kiên trì yêu cầu bản thân phải hành xử chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi đã cố gắng làm một người tốt, một người tốt hơn và trở thành một người tu luyện chân chính.

Người xưa có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, nhưng Pháp Luân Đại Pháp lại thực sự có thể cải biến tôi, đã thay đổi tôi từ hèn nhát trở nên mạnh mẽ hơn; từ tự ti trở thành tự tin; từ không dám biểu đạt ý kiến đến sẵn sàng nhận trách nhiệm và không ngại bày tỏ ý kiến của mình; tôi trở nên biết suy nghĩ cho người khác và chủ động giúp đỡ người khác mà cần báo đáp. Nhờ có sự chỉ đạo của Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp, tôi đã vượt qua khổ nạn và trở thành một người tốt được các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp và bạn bè khen ngợi, trở thành một người tốt được mọi người khâm phục và tôn trọng.

Vô tư phó xuất cho gia đình

Trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi cũng đối xử tốt với bố mẹ chồng. Nhưng tôi chỉ tốt với họ ở trên bề mặt mà thôi. Tôi cho rằng việc bố mẹ chồng trông nom các con của tôi là điều đương nhiên. Khi có ý định mua một căn hộ mới, tôi đã cố gắng nghĩ cách để họ phải góp thêm tiền. Tôi nói rằng mình muốn mượn họ một số tiền, nhưng trong thâm tâm tôi không có ý định sẽ trả lại số tiền đó.

Tôi không hòa thuận với em gái của chồng vì tôi nghĩ bố mẹ chồng đã cho cô ấy quá nhiều và cô ấy không báo đáp lại họ và không cảm thấy biết ơn họ. Tôi đã tranh luận với cô ấy về những thứ rất nhỏ nhặt. Giờ đây khi nhìn lại, tôi thấy thật khôi hài, nhưng lúc đó tôi còn nghĩ mình đang làm rất đúng và luôn giữ phong thái cao. Tôi luôn so sánh bản thân với những người làm kém hơn mình.

Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi bắt đầu nhận ra tâm ích kỷ, tâm tật đố và tâm lợi ích của mình. Tôi hiểu rằng kỳ thực bố mẹ chồng tôi cũng khá khó khăn. Tôi đã nói chuyện với chồng và trả lại tất cả tiền của họ. Trong thâm tâm tôi nghĩ rằng trước kia họ đã xây nhà cho chúng tôi ở và bây giờ đã đến lúc chúng tôi xây một ngôi nhà mới cho họ ở, chúng tôi không nên tiêu tiền của họ nữa.

Kể từ đó, chồng tôi đưa tiền sinh hoạt cho họ hàng tháng. Tôi cũng cho bố mẹ chồng tiền tiêu vặt. Tôi thấy việc họ giúp trông nom con cái và nấu ăn cho chúng tôi là đủ rồi, chúng tôi không nên bắt họ phải bỏ tiền ra cho chúng tôi. Tôi cũng chăm sóc hai đứa con của hai cô em chồng của tôi giống như các con của mình. Vào các kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, ba đứa trẻ thường ở lại nhà chúng tôi một thời gian dài. Tôi đã chi trả chi phí sinh hoạt cũng như học phí cho các lớp dạy thêm và gia sư tại nhà của các cháu. Tôi cũng không dư giả tiền bạc, và tôi sẽ không thể làm được những điều này nếu tôi không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Mọi người trong nhà đều chứng kiến những thay đổi của tôi và hiểu rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp thực sự là những người tốt. Bởi vậy họ đều tiếp thu những gì tôi nói khi tôi giảng chân tướng cho họ. Người ta thường nói mối quan hệ mẹ chồng, chị/em gái của chồng và nàng dâu là rất khó hòa thuận, nhưng trong nhà chúng tôi lại không còn vấn đề này. Trong những ngày lễ tết, một nhà mười mấy người chúng tôi tụ họp và vui vẻ hòa thuận, mọi người đều suy nghĩ cho nhau. Chúng tôi không có tranh giành tiền bạc hay lợi ích cá nhân. Đây chính là biểu hiện của: “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh”. (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Mấy năm trước, mẹ chồng tôi không may bị ngã từ xe ba bánh xuống. Cánh tay phải và bàn tay trái của bà bị gãy xương. Lúc đầu, bởi bà không thể cử động cánh tay của mình, nên tôi đã chăm sóc bà và ngủ lại với bà vào ban đêm. Tôi giúp bà đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh và tắm rửa. Tôi phải thận trọng vì chỗ bó bột của bà rất nặng và nếu tôi không cẩn thận sẽ khiến bà bị đau. Vào ban đêm, mẹ chồng tôi hay bị thức giấc vì quá đau đớn. Tôi mặc quần áo và đeo lại chiếc đai treo tay cho bà. Cánh tay của bà bị đau do lớp thạch cao và bà còn cảm thấy nóng nực. Mẹ chồng tôi bực dọc khó chịu và phàn nàn rằng bố chồng tôi đã làm ngã bà, khiến bà bị thương, hại bà phải chịu khổ.

Tôi nói với mẹ chồng: “Bố không cố ý làm vậy đâu mẹ. Ông cũng hối hận lắm rồi, mẹ đừng trách cứ bố nữa. Mọi chuyện xảy ra đều không phải là ngẫu nhiên, điều đó có nghĩa là có lẽ chúng ta nên trải qua hoạn nạn này. Khi mẹ phàn nàn và tức giận vì bị đau, thì vết thương của mẹ sẽ khó hồi phục đó”. Tôi liên tục an ủi để mẹ chồng tôi bớt sầu muộn và kể cho bà nghe những câu chuyện thần kỳ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi bảo bà hãy thành tâm kính niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo“. Cuối cùng các vết thương của bà đã lành và bà đã bình phục.

Bố chồng tôi tuổi tác đã cao và lại mắc bệnh mãn tính, thỉnh thoảng ông phải nhập viện. Tôi ở lại bệnh viện chăm sóc ông và mua cháo cùng các món ăn khác cho ông. Tôi bảo bố chồng ăn trước cho nóng, còn dư lại thì tôi sẽ ăn sau.

Khi tâm trạng không tốt ông thường phàn nàn rằng chúng tôi vô trách nhiệm và chỗ này không tốt chỗ kia không tốt. Trước kia tôi sẽ tranh luận và khiến ông càng tức giận hơn. Sau này thì tôi chiểu theo yêu cầu của Đại Pháp và hướng nội tìm thì thấy rằng những gì bố chồng tôi nói quả thực không sai. Bản thân tôi đúng là có vấn đề, tôi không biện giải nữa.Tôi làm theo ý ông nên ông không tức giận nữa. Sự đối đầu giữa chúng tôi đã biến mất.

Khi thấy tôi ở lại viện trông bố chồng tôi qua đêm, các bệnh nhân cùng phòng với ông đã hỏi hỏi tôi tại sao các cô con gái của ông không đến trông ông. Tôi nói với họ rằng một người con gái của ông bận công việc, người còn lại thì sức khỏe không tốt và cũng không tiện xin nghỉ phép.

Trong tâm tôi quả thực không hề oán thán họ, nhưng khi người khác hỏi những câu đó, tôi biết rằng tôi có động tâm, nên những lời nói này chính là để khảo nghiệm tôi. Tôi học Pháp nhiều hơn và cố gắng loại bỏ tâm tật đố và thiếu kiên nhẫn của mình. Tôi tĩnh tâm để có thể chăm sóc bố chồng thật tốt. Khi ông đang truyền dịch, tôi trò chuyện với ông thay vì xem điện thoại di động. Tôi lắng nghe ông nói chuyện về gia đình, họ hàng và những điều đã xảy ra trong thôn trước kia. Tôi kiên nhẫn lắng ông nói và dùng thiện niệm của mình để dẫn dắt ông, dùng những việc làm thiện lương để khích lệ ông. Tôi đã kể cho bố chồng tôi nghe những câu chuyện văn hóa truyền thống và những câu chuyện thần kỳ và tốt đẹp của Pháp Luân Đại Pháp. Dần dần ông không còn tiêu trầm nữa và đã có tín tâm trở lại và cũng nhanh chóng khỏi bệnh.

Nhiều người không quen biết đã hỏi mẹ chồng tôi rằng có phải tôi là con gái của bà không. Họ vô cùng ngạc nhiên khi biết tôi là con dâu của bà. Thực tế mà nói thì tôi nên chăm sóc bố mẹ chồng của mình nhiều hơn. Nhưng vì tôi bận rộn nên họ đã phải quan tâm đến chúng tôi nhiều hơn và phó xuất cho chúng tôi nhiều hơn. Họ biết rằng tôi tốt với họ từ tận đáy lòng, nên họ rất hiểu và tin tưởng tôi. Họ thích nói với tôi mọi chuyện và tôi cố gắng giúp họ nhiều nhất có thể. Nếu không làm được, tôi sẽ nhờ chồng tôi giúp đỡ.

Tôi cũng chăm sóc cho bố mẹ đẻ của mình. Tôi biếu họ tiền tiêu vặt và trò chuyện với họ. Họ có sức khỏe tốt. Nhiều bạn bè ngưỡng mộ và nói rằng tôi thật có phúc. Tôi không chỉ có con gái và con trai song toàn, mà cả bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ của tôi đều đang sống khỏe mạnh.

Bởi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi mới có thể giữ bình tĩnh và giải quyết mọi việc. Tôi giúp đỡ gia đình mình dựa trên các tiêu chuẩn của Pháp Luân Đại Pháp và gia đình chúng tôi đã vượt qua bão tố một cách bình an. Tôi thực sự có phúc. Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là phúc phần lớn nhất của tôi.

Giúp đỡ hàng xóm láng giềng

Vài năm trước, hàng xóm ở lầu trên của tôi đã đón Năm mới (Tết Âm lịch) ở một thành phố khác. Vào cái đêm mà họ rời đi, nước từ căn hộ của họ rỉ xuống phòng tắm của nhà tôi. Chồng tôi đã gọi điện báo cho công ty quản lý tài sản của chúng tôi, và họ phát hiện ra đó là rò rỉ từ hệ thống sưởi ấm. Họ đã tắt van gia nhiệt của hệ thống.

Sau khi liên hệ và được sự đồng ý của chủ nhà, một số người hàng xóm đã nhờ thợ khóa mở cửa để chúng tôi kiểm tra các phòng của căn hộ. Chúng tôi xả nước, lau sạch các mảnh vỡ, mở cửa sổ và thay các ổ khóa mới.

Khi gia đình hàng xóm trở về, họ rất cảm ơn và muốn đưa cho tôi 500 nhân dân tệ để bồi thường thiệt hại. Tôi từ chối và bảo với họ rằng hàng xóm giúp đỡ nhau là điều nên làm. Tôi cũng nói thêm rằng trần phòng tắm của tôi không bị hư hại gì cả, dù nước đã nhỏ xuống trong suốt sáu tiếng đồng hồ.

Trong công tác không tham không chiếm, làm việc chuyên nghiệp và có trách nhiệm

Sau hơn 10 năm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi bắt đầu làm việc trong một đơn vị máy tính. Phòng máy mà chúng tôi quản lý không hề xuất hiện vấn đề gì về phương diện an toàn trong nhiều năm qua. Các thiết bị đã được bảo trì kịp thời và cẩn thận, một số đã được sử dụng hơn 10 năm nên đã giúp công ty tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.

Tôi chưa bao giờ lấy bất cứ thứ gì của công ty về nhà. Có một số nhân viên mới trong bộ phận của chúng tôi và tôi thường nói với họ về Pháp Luân Đại Pháp và đạo lý “bất thất bất đắc”. Họ hiểu và không bao giờ lấy bất cứ thứ gì về nhà.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi không như vậy. Khi tôi thấy các đồng nghiệp khác mang đồ của công ty về nhà, tôi cũng sẽ lấy về. Khi công ty làm ăn không hiệu quả và không thể trả lương cho chúng tôi, tôi đã mang bàn và tủ hồ sơ về nhà. Nhưng tôi vẫn nghĩ mình vẫn tốt hơn mấy vị quan chức tham nhũng kia. Tôi xuôi theo đám đông và không nhận ra rằng mình đã trở thành người xấu.

Kiên định đức tin dưới áp lực to lớn

Tháng 7 năm 1999, tập đoàn tà ác của Giang Trạch Dân bắt đầu cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Đại Pháp. Trong nghịch cảnh, tôi vẫn không từ bỏ tu luyện. Tôi nghĩ rằng Sư phụ Đại Pháp dạy chúng tôi làm người tốt và thiện chí giúp đỡ mọi người, điều này không sai. Tôi kiên trì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và dùng lời nói và hành động của mình để chứng thực rằng Pháp Luân Đại Pháp tốt, là chính nghĩa.

Tôi thiện tâm nói với mọi người xung quanh chân tướng Pháp Luân Đại Pháp để họ không bị lừa dối bởi những lời dối trá, và cũng có thể thụ ích từ Pháp Luân Đại Pháp. Những người đã hiểu chân tướng thì rất kính trọng Đại Pháp. Hoàn cảnh xung quanh tôi cũng thay đổi theo. Tôi bước đi trên con đường tu luyện của mình một cách vững vàng.

Một năm nọ, vào ngày đầu năm của Tết Nguyên đán, tôi đã từ chối hát những bài nhạc đỏ ca ngợi ĐCSTQ do công ty tổ chức. Tôi đã nói với các lãnh đạo công ty rằng thật không tốt khi hát những bài hát như vậy để ca ngợi ĐCSTQ. Nhưng họ không tiếp thu.

Vì không hát những bài hát đó mà công việc của tôi bị ảnh hưởng. Tôi không thể chấp nhận cách xử lý này của họ, nên vẫn luôn tìm lãnh đạo công ty để thiện ý giảng chân tướng Pháp Luân Đại Pháp cho họ. Cuối cùng, họ đã hủy bỏ quyết định khiển trách tôi.

Mặc dù lúc đó tôi hơi sợ và xử lý chưa được tốt, nhưng là một học viên Đại Pháp, tôi phải sống theo lương tri của mình và không đi theo số đông. Tôi có thể ở trong nghịch cảnh mà vẫn suy nghĩ cho người khác, cố gắng thuyết phục họ làm điều đúng đắn. Đây mới chính là một người có trách nhiệm và là một người tốt thực sự.

Uy lực của Đại Pháp khiến tôi trở nên mạnh mẽ và đã giúp tôi có thể kiên định để đi qua cuộc bức hại nghiêm trọng này. Qua đó, những người xung quanh tôi đã biết được chân tướng và thiện đãi đệ tử Đại Pháp. Hoàn cảnh của tôi đã biến đổi và trở nên tốt hơn.

Trong hơn 22 năm qua, vô số học viên Pháp Luân Đại Pháp đã dùng chính những trải nghiệm của mình để nói với thế nhân rằng: Pháp Luân Đại Pháp hảo, và thế giới cần Chân Thiện Nhẫn.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/17/433677.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/12/199154.html

Đăng ngày 25-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share