Bài của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-01-2022] Vào năm 2013, bốn cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, trong đó có bà Bành Học Bình, đã bị kết án từ 7,5 đến 10 năm tù vì phát tặng đĩa DVD có nội dung về văn hóa truyền thống Trung Hoa và thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động.

Dưới đây là lời kể của bà Bành về những bức hại mà bà đã trải qua khi ở trong Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam sau khi được trả tự do vào tháng 8 năm 2019.

———

Tôi tên là Bành Học Bình 44 tuổi và tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2003. Sau nhiều năm kết hôn tôi vẫn chưa có con. Không lâu sau khi học Pháp Luân Công, tôi đã mang thai. Tôi được thụ ích rất nhiều cả về thể chất lẫn tinh thần từ Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện dạy người ta hướng thiện, chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn để làm người tốt. Tôi rất vui mừng khi gặp được Pháp Luân Công trong thời kỳ mà đạo đức nhân loại đang trượt dốc.

Tuy nhiên, sau khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công kể từ năm 1999, nhiều người dân Trung Quốc đã bị lừa dối bởi những lời tuyên truyền. Để giúp nhiều người hơn nữa biết rõ sự thật, tôi bắt đầu phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công để phơi bày cuộc bức hại này.

Bị bắt giữ và thẩm vấn

Ngày 20 tháng 12 năm 2012, tôi cùng ba học viên khác phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công tại các thôn làng ở huyện Lộc Phong thuộc Châu tự trị dân tộc Di Sở Hùng ở tỉnh Vân Nam. Tài liệu mà tôi phát chủ yếu gồm một đĩa DVD chương trình Dạ hội Năm mới Toàn cầu với các tiết mục vũ đạo và âm nhạc về văn hóa truyền thống Trung Hoa. Chương trình còn phơi bày cách thức mà chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công và việc các học viên Pháp Luân Công, với niềm tin kiên định, đã lên tiếng chống lại sự bạo quyền này như thế nào. Thật không may, chúng tôi bị báo cáo và bị Đồn Công an Thỏa An Hương bắt giữ.

Cảnh sát túm tóc tôi và học viên Nhiễm Hiểu Mạn, bẻ ngoặt tay chúng tôi ra sau lưng rồi tống chúng tôi lên xe ô tô của tôi rồi chở chúng tôi đến đồn công an. Họ tiếp tục kéo tóc để lôi chúng tôi ra khỏi xe.

Tôi đã rất bất ngờ khi thấy mẹ chồng tôi là bà Lưu Thúy Tiên cũng đang ở đó. Mẹ chồng tôi cũng bị bắt vì phân phát đĩa DVD. Bà đã cố gắng ngăn cảnh sát đánh đập tôi nhưng họ đã tát vào mặt và đá bà ngã lăn ra đất. Cảnh sát bắt chúng tôi ngồi xổm trên sàn nhà.

Sau đó, cảnh sát đưa từng người chúng tôi vào phòng riêng để thẩm vấn. Tôi vì quá sợ hãi nên đã nói dối là tôi được trả tiền để chở các học viên đi. Không lâu sau, nhiều đặc vụ của Đội An ninh Nội địa Huyện Lộc Phong đã đến lục soát chúng tôi. Họ tịch thu những đĩa DVD còn lại ở trong xe ô tô của tôi và bắt chúng tôi điểm chỉ vào danh sách đồ vật tịch thu. Chúng tôi không được ăn uống hay sử dụng nhà tắm cho đến nửa đêm.

Đột nhập vào nhà và tống giam phi pháp

Ngày hôm sau, cuộc thẩm vấn tiếp tục từ khoảng 6 giờ sáng. Chúng tôi không nói danh tính và địa chỉ nhà cho họ. Cảnh sát chụp ảnh chúng tôi và đưa cho các cán bộ thôn lân cận. Các cán bộ thôn đã đến từng nhà để hỏi người dân có nhận được tài liệu Pháp Luân Công nào không và ai đã đưa cho họ.

Cuộc thẩm vấn kết thúc vào lúc 7 giờ tối và chúng tôi bị đưa đến bệnh viện huyện để kiểm tra sức khỏe. Khoảng 11 giờ tối, chúng tôi bị đưa đến trại tạm giam Huyện Lộc Phong.

Trong khi giam giữ chúng tôi, cảnh sát đã lục soát nhà tôi và nhà của mẹ chồng tôi.

Bị cấm gặp luật sư và kết án oan sai

Gia đình tôi đã thuê một luật sư nhân quyền từ Bắc Kinh đến để bào chữa cho tôi, nhưng trại tạm giam đã không cho luật sư vào gặp tôi trong cả hơn 10 lần ông ấy đến trại. Luật sư cũng không được phép xem hồ sơ vụ án của tôi.

Đến cuối tháng 4 năm 2013, Tòa án Huyện Lộc Phong đã mở phiên xét xử đầu tiên cho vụ án của chúng tôi. Chúng tôi thấy cảnh sát vũ trang đứng ở hai bên đường khi chúng tôi được đưa đến tòa. Khi bước vào phòng xử án, tôi thấy luật sư của tôi bị chấp hành viên đẩy ra khỏi phòng. Họ tuyên bố rằng luật sư của tôi đã vi phạm thủ tục pháp lý.

Chúng tôi yêu cầu thẩm phán cho hoãn phiên xét xử nhưng vô ích. Do không có đại diện pháp lý, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác nên đã tự bào chữa vô tội cho mình.

Vài ngày trước phiên xét xử thứ hai (diễn ra vào ngày 31 tháng 5 năm 2013), chủ tọa Lý Lương Thăng, thẩm phán Dương Dược Minh và Chu Yến đã đến trại tạm giam và cho chúng tôi biết rằng các luật sư được chúng tôi thuê không thể bào chữa cho chúng tôi nữa, và thẩm phán có thể chỉ định luật sư đại diện cho chúng tôi miễn phí. Tôi hỏi họ: “Luật sư do các ông chỉ định có biện hộ cho chúng tôi vô tội không?” Họ trả lời là không. Tôi không chấp nhận người luật sư này.

Trong phiên tòa thứ hai, tôi đề nghị nhân chứng ra trước tòa để đối chất nhưng không có ai xuất hiện. Tôi còn yêu cầu tòa án mở đĩa DVD mà chúng tôi đã phân phát, nhưng yêu cầu này cũng bị bác bỏ.

Kết thúc phiên tòa, chủ tọa kết án tôi 8 năm tù với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật“, một cái cớ được quy chuẩn để khép tội các học viên Pháp Luân Công. Xe ô tô của tôi cũng bị tịch thu.

Tháng 6 năm 2013, tôi đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Châu tự trị dân tộc Di Sở Hùng. Ngày 10 tháng 10, Tòa án Trung cấp đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của tôi. Ngày 1 tháng 11 năm 2013, tôi bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Vân Nam.

Bị tra tấn trong Nhà tù Nữ Tỉnh Vân Nam

Đây là nhà tù duy nhất của tỉnh Vân Nam giam giữ các nữ học viên Pháp Luân Công. Trong nhiều năm qua, họ đã lập ra một hệ thống tra tấn bài bản để cưỡng chế các học viên từ bỏ đức tin của mình. Tôi bị giam trong khu số 9, nơi được thiết kế chuyên biệt để giam giữ học viên Pháp Luân Công.

f65d6ba7dddf7d8a551ec933b70f3829.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong thời gian dài

Lúc đầu, tất cả học viên bị phân đến khu số 9 đều sẽ bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong hơn 10 tiếng liên tục. Bề mặt ghế gồ ghề và chúng tôi phải ngồi thẳng lưng, không được phép dựa vào bất kỳ thứ gì, cũng như không gục đầu hay nhắm mắt. Chúng tôi chỉ được phép uống một ly nước mỗi ngày và tắm một tuần một lần chỉ với một chậu nước. Chúng tôi phải viết đơn cho cai ngục và nêu rõ chúng tôi đã phạm tội gì nếu chúng tôi muốn mua nhu yếu phẩm hàng ngày. Ngay cả khi đơn được chấp thuận, chúng tôi cũng chỉ có thể mua được một ít đồ không quá 50 Nhân dân tệ. Chúng tôi cũng bị tước quyền thăm thân, gọi điện thoại hay viết thư cho gia đình.

Tôi trải qua bốn tháng trong khu số 9 và cảm thấy mỗi ngày trôi qua dài tựa một năm. Vì lo lắng cho con cái và không thể chịu đựng nổi sự bức hại, tôi đã viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý nguyện của mình. Tôi đã rất hối hận vì điều đó. Nhân đây, tôi tuyên bố những lời nói và hành động mà tôi đã đưa ra dưới áp lực của cuộc bức hại khi ở trong nhà tù lúc đó đều vô hiệu.

Tôi bị chuyển đến khu số 5 và bị phân làm công việc may quần áo. Tôi bị tù nhân giám sát 24/24. Hàng ngày, họ ghi chép lại mọi thứ mà tôi làm và báo cáo cho lính canh tù. Bất cứ khi nào tôi nói chuyện với các học viên khác, họ đều báo cáo với lính canh. Có lần lính canh Trương Doanh Tân ra lệnh cho tôi viết báo cáo tư tưởng nhưng tôi đã từ chối. Sau đó, Trương ra lệnh cho tù nhân tên Bảo Vượng viết thay cho tôi và tôi hoàn toàn không biết cô ta đã viết những gì.

Trong khi may quần áo, chúng tôi phải tập trung cao độ vào công việc bởi vì chỉ cần hơi sơ suất là cũng sẽ có thể bị kim đâm vào móng tay. Đôi khi, chúng tôi phải làm việc hơn 10 tiếng một ngày. Một số tù nhân đặt vỏ hạt hướng dương vào giữa các mí mắt để tránh bị ngủ gật. Hầu như mỗi người trong đội đều từng bị kim đâm, nhưng hầu hết mọi người đều giấu vết đâm đó để không bị lính anh chửi mắng hoặc không bị mất điểm để được giảm án. Xưởng may rất nhiều bụi khiến tôi bị viêm mũi nặng.

Ở khu số 5, tôi được phép gặp thân nhân. Mặc dù vậy, cuộc gặp của chúng tôi đều bị giám sát và ghi hình toàn bộ. Để phản đối bức hại, tôi đã nhiều lần từ chối gặp mặt người nhà cho đến khi cai ngục dừng việc ghi hình chúng tôi.

Bị sách nhiễu sau khi được trả tự do

Tôi được trả tự do vào tháng 8 năm 2019. Một lính canh đã chụp tôi vài tấm ảnh tại cổng nhà tù. Cảnh sát từ Đồn Công an Tông Thụ Doanh ở thành phố Côn Minh đã đưa tôi về đồn. Họ lấy dấu vân tay và mẫu máu của tôi và còn theo tôi đến tiệm tóc và lấy một sợi tóc của tôi. Họ vào nhà tôi trước cả tôi và chụp ảnh mọi ngóc ngách của ngôi nhà. Lúc đó, chị gái tôi tình cờ có mặt tại nhà tôi và đã chứng kiến tất cả những gì họ làm.

Ngày hôm sau, cảnh sát của Đồn Công an Hồng Sơn (phụ trách khu dân cư nơi tôi sinh sống) đã đến kiểm tra tình hình của tôi. Một người nói rằng anh ta có thể đến tìm tôi bất cứ lúc nào. Vài ngày sau, họ gọi cho chồng tôi và yêu cầu tôi đến đồn công an. Tôi không làm gì sai, vì thế tôi quyết định đối diện với họ một cách công khai và thẳng thắn. Khi họ yêu cầu chụp ảnh tôi và bảo tôi ký tên vào một văn bản, tôi đã từ chối.

Đầu năm 2020, tôi cùng với mẹ chồng, chồng và con trai tôi đến thăm mẹ tôi ở huyện Lộc Phong. Tôi đã không gặp mẹ kể từ sau khi bị giam giữ. Tuy nhiên, trên đường trở lại ga xe lửa, chúng tôi bị một toán cảnh sát bao vây. Họ nói rằng họ nhận được chỉ thị của cấp trên và cần phải lục soát chúng tôi. Sau khi không tìm thấy gì, họ đã để chúng tôi đi.

Sau khi tôi trở về nhà được hai ngày, hai cảnh sát từ Đồn Công an Hồng Sơn lại đến nhà tôi lần nữa. Tôi phản đối hành động sách nhiễu này và nói với họ rằng những gì họ đang làm là bất hợp pháp.

Tôi hy vọng tất cả nhưng ai tham gia vào cuộc bức hại này hãy tỉnh táo mà suy nghĩ một chút và hãy dùng lương tri của họ để đo lường về những gì mà họ đã làm. Tôi hy vọng họ có thể liễu giải chân tướng Pháp Luân Công và có trách nhiệm với xã hội và với bản thân họ.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/19/436995.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/12/199160.html

Đăng ngày 29-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share