Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-12-2021] Bà Lưu Ngọc Vinh, một cựu giáo viên, ở thành phố Lăng Hải, tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án 6 năm tù vào năm 2008 vì tu luyện Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999. Bà bị ngược đãi trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh và khiến bà bị đột quỵ nặng. Bà được tạm tha y tế vào năm 2013.

Tại thời điểm được thả, bà Lưu đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng bà không được nhận lương hưu. Lý do mà cục an sinh xã hội địa phương đưa ra là vì bà đã bị sa thải trong khi đang ngồi tù. Bà phải kiếm sống nhờ làm những công việc lặt vặt như chăm sóc cho người già.

Ngày 27 tháng 11 năm 2021, bà Lưu đến gặp một học viên lớn tuổi để nhờ giúp đỡ để tìm một công việc tạm thời. Các nhân viên cảnh sát ẩn nấp gần đó để theo dõi ngôi nhà đã bắt giữ bà mặc dù bà bị huyết áp cao và có các biến chứng từ việc bị đột quỵ. Bà bị giam giữ hình sự tại trại tạm giam Nữ Thành phố Cẩm Châu vào tối hôm đó với lý do trước đó bà đã từng tù tội.

Tám học viên cao tuổi khác, trong đó người nhiều tuổi nhất đã 84 tuổi, cũng bị bắt giữ. Sáu người trong số họ là bà Lưu Hương Liên, bà Trương Tố Cầm, bà Trương Thục Viện, bà Khang, bà Vương và bà Lý Thục Phương, đã được trả tự do.

Đội An ninh Nội địa Quận Thái Hòa ở thành phố Cẩm Châu đã tích cực tham gia vào cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công trong nhiều năm qua. Gần đây, họ cũng chỉ đạo cảnh sát địa phương đợi sẵn bên ngoài nhà của một số học viên để bắt các học viên khác — giống như cách mà họ đã làm để bắt giữ bà Lưu. Trong thời gian vừa qua, hơn 10 học viên đã bị bắt và bị giam giữ tại các trại tạm giam khác nhau. Viện Kiểm sát Lăng Hải và Tòa án Lăng Hải đã móc ngoặc với cảnh sát để kết án oan sai gần mười người trong số họ. (Ghi chú: Lăng Hải thuộc quản lý của thành phố Cẩm Châu)

Những người chịu trách nhiệm bức hại các học viên:

Trương Cửu Nghĩa (张久义): Phó trưởng Công an Thái Hòa, + 86-416-5178820, + 86-13940694055
Lưu Tấn (刘晋): Trưởng Đồn Công an Bắc Giao, + 86-416-4685110, + 86-13841638786
Trần Duệ Nhị (陈睿 蕊): Giám đốc trại tạm giam Nữ Thành phố Cẩm Châu
Lý Hoành (李宏): Chánh án Tòa án Lăng Hải, + 86-416-8152001


Thư khiếu nại của bà Lưu gửi lên Cục An sinh Xã hội

Tên tôi là Lưu Ngọc Vinh, 59 tuổi, cư trú tại thị trấn Thúy Nham, thành phố Lăng Hải. Trong suốt sự nghiệp giảng dạy 26 năm của mình, tôi đã dồn hết tâm sức cho các em học sinh ở các bản làng miền núi. Tôi đã làm việc chăm chỉ và nhiều lần được bình chọn là giáo viên ưu tú. Tôi được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh công nhận là giáo viên dạy giỏi.

Trở thành một giáo viên xuất sắc

Tôi sinh ra ở một miền núi nghèo khó thuộc phía tây bắc thành phố Lăng Hải. Gia đình tôi quá nghèo nên ba chị gái của tôi đã thôi học từ bậc tiểu học và bắt đầu làm ruộng từ ​​khi còn nhỏ. Nhưng tôi kiên trì tiếp tục đi học vì ước mơ trở thành một giáo viên, đó là một nghề cao quý.

Tôi tốt nghiệp trung học vào năm 1980 nhưng không đỗ đại học và phải phải vào đội sản xuất để làm nông nghiệp. Sau đó, thị trấn đã tuyển dụng giáo viên dân bạn (giáo viên không thuộc biên chế nhà nước, hiện không còn tên gọi này) và trình độ của tôi đáp ứng yêu cầu. Tôi đăng ký dự thi và đỗ đầu toàn xã vào năm 1984.

Tôi bắt đầu dạy học ở Trường Tiểu học Lưu Gia Câu, cách nhà tôi khoảng hơn 3km. Vì đường đất gồ ghề với những con mương và những nhánh sông cắt ngang nên tôi không thể đi bằng xe đạp mà phải đi bộ đến trường. Vào thời điểm đó, trường học đang trong tình trạng rất tồi tàn. Ngôi trường có một số lớp học được xây bằng đá với đầu hồi như sắp đổ xuống. Không có tường bao quanh khuôn viên trường cũng như bàn ghế học tập trong các lớp học. Cửa sổ được làm từ các tấm nhựa chỉ đủ chắn gió cho chúng tôi.

Không lâu sau tôi lại được chuyển đến Trường Tiểu học Quách Hoang hẻo lánh tương tự. Mặc dù tình trạng các phòng học có tốt hơn một chút, nhưng khuôn viên trường vẫn không có tường rào và một miếng sắt từ đường ray xe lửa bị hỏng được tận dụng làm kẻng báo. Tôi đi bộ đến trường mỗi ngày, rời nhà trước bình minh và trở về lúc chiều tà. Mặc dù tôi đeo khẩu trang và đội mũ trong mùa đông lạnh giá, khuôn mặt tôi vẫn bị băng giá phủ kín khi tôi đến trường và khẩu trang của tôi bị đóng băng cứng ngắc. Vào những ngày hè nắng nóng, tôi bắt đầu đổ mồ hôi ngay khi vừa rời nhà và quần áo ướt sũng khi đến trường. Mặt tôi sẽ lấm lem bùn đất trong những ngày mưa.

Tôi đã làm việc tại đó bốn năm và không từ ngữ nào có thể diễn tả được hết hoàn cảnh khắc nghiệt ở nơi đây. Một cô gái không có ý chí kiên cường sẽ không thể kiên trì, nhưng tôi đã làm được.

Sau đó, tôi được chuyển trở lại trường học ở thôn của tôi và làm giáo viên chủ nhiệm của một lớp cấp hai cho đến khi các em tốt nghiệp. Trong những năm đó, tôi vẫn làm việc siêng năng và có trách nhiệm với công việc của mình. Tôi không chỉ dạy dỗ thật tốt các em khi ở trên lớp, mà còn tự nguyện kèm cặp những em học sinh yếu kém khi rảnh rỗi. Tôi dành nhiều thời gian ở nhà để chuẩn bị giáo án mỗi ngày kể cả cuối tuần.

Học sinh của tôi thường đứng nhất nhì bảng thành tích trong các kỳ thi tổng hợp và các đợt kiểm tra thí điểm toàn xã trong vài năm tôi giảng dạy. Tất cả 30 học sinh của tôi đều vượt qua kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp. Các em học sinh trong lớp mà tôi mới chủ nhiệm cũng đứng thứ ba trong xã. Vì vậy, tôi đã được bầu chọn là giáo viên xuất sắc trong của xã trong vài năm và có chút danh tiếng trong xã.

Tôi giảng dạy với tư cách là một giáo viên dân bạn trong tám năm, sau đó được nhận vào Trường Sư phạm Số 1 Cẩm Châu vào năm 1992. Tôi vừa học đại học, vừa làm giáo viên. Đến năm 1995, tôi tốt nghiệp và trở thành một giáo viên chính thức. Tôi được phân vào Trường Tiểu học Trung tâm và chủ nhiệm lớp 4.

Không lâu sau, Trường Trung học Thúy Nham thiếu giáo viên và tôi được điều chuyển đến đó. Hiệu trưởng yêu cầu tôi dạy môn tư tưởng và đạo đức cho học sinh của mười lớp từ lớp 7 đến lớp 9. Tôi cũng chủ nhiệm một lớp. Tôi tin rằng một giáo viên xuất sắc phải sẵn sàng cháy như một ngọn nến để tỏa ánh sáng và nhiệt lượng tới học sinh. Vì vậy, tôi đã lựa chọn việc giảng dạy làm sự nghiệp của mình. Tôi cáng đáng công việc của hai người, nhưng không một câu oán thán.

Thụ ích từ Pháp Luân Công

Trong thập niên đầu tiên dạy học tôi đã mắc nhiều bệnh tật, chân tay tôi sưng vù, tôi bị đầy hơi và đau dạ dày. Tôi đã đến các bệnh viện lớn ở Cẩm Châu để điều trị, nhưng đều vô ích.

Đến năm 1996, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và đã thụ ích rất nhiều. Chỉ sau một tuần học luyện, mọi vấn đề sức khỏe của tôi đều biến mất hoàn toàn và tôi thực sự cảm nhận được niềm vui sướng của một thân thể vô bệnh. Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ Lý, Nhà sáng lập Pháp Luân Công.

Thông qua việc tu luyện, tôi nhận ra rằng Pháp Luân Công không phải là để chữa bệnh khỏe người, mà chính là Đại Pháp tu luyện thượng thừa của Phật gia, có lịch sử lâu đời. Pháp môn tu luyện này dạy người ta sống chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành người tốt. Bất cứ ai cũng có thể tu luyện và vẫn sống một cuộc sống bình thường. Một người tu luyện chân chính sẽ là một trong những người giỏi nhất và ưu tú nhất trong lĩnh vực của mình.

Pháp Luân Công chỉ đạo trong tu luyện, xử sự, và trong công tác. Là một giáo viên dạy đạo đức, tôi vô cùng cảm khái trước những lời dạy sâu sắc của Pháp Luân Công. Tôi quyết định chiểu theo bộ Đại Pháp này để không ngừng cải thiện bản thân trở thành một người ngày càng cao thượng.

Để tìm hiểu thêm về Pháp Luân Công và kết nối với các học viên khác, tôi đã mua một chiếc máy tính. Điều này cũng giúp tôi giới thiệu môn tu luyện với những người khác.

Kết án tù oan sai

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, tôi tiếp tục tu luyện tinh tấn–điều một học viên nên làm. Tuy nhiên, trước Thế vận hội 2008, các cảnh sát của Đội An ninh Nội địa Lăng Hải đã lục soát nhà tôi, bắt giữ và đưa tôi đến một trại tạm giam. Sau đó tôi bị kết án oan sai sáu năm tù.

Ở trong tù, tôi bị tra tấn tàn bạo đến không thể tả và nhiều lần đổ bệnh và rơi vào tình trạng nguy kịch. Vào ngày 8 tháng 11 năm 2013, tôi bị đột quỵ nghiêm trọng. Thấy rằng bệnh viện nhà tù không thể điều trị cho tôi, nhà tù đã để tôi tại ngoại để chữa bệnh.

Tôi được đưa đến Bệnh viện liên kết Cẩm Châu, một bệnh viện lớn nhất và tốt nhất của miền tây Liêu Ninh. Tuy nhiên họ cũng không đưa ra được phương án điệu trị hiệu quả cho tôi. Họ đã thử tiêm dịch lỏng cho tôi, nhưng căn bản là không thể tiêm vào người tôi, vì vậy ba ngày sau, họ đồng ý để tôi xuất viện về nhà.

Em gái tôi đã thuê một phòng trọ ở Cẩm Châu để tôi ở tạm. Mỗi khi tỉnh táo tôi liền nghe các bài giảng của Sư phụ Lý và sẽ luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công mỗi khi có thể cử động. Cứ như vậy, sức khỏe của tôi đã dần dần chuyển biến tốt lên. Chỉ một điểm này cũng đủ chứng minh sự siêu thường của Pháp Luân Công, và cũng nhờ vậy mà tôi mới có thể viết bức thư này ngày hôm nay.

Khó khăn về tài chính

Trước khi bị kết án tù tôi và mẹ sống nương tựa vào nhau. Bởi quá đau buồn trước việc tôi bị bắt giam mà bà đã sinh bệnh và qua đời hai năm sau đó. Căn nhà của chúng tôi bị phá dỡ để làm hồ chứa và tiền bồi thường phá dỡ căn nhà đã dùng hết vào việc trang trải chi phí sinh hoạt và viện phí của tôi sau khi tôi được thả.

Bị ngược đãi trong tù suốt năm năm rưỡi, tôi đã bị tổn thương nặng nề ở nhiều bộ phận trên cơ thể. Phần thân trái của tôi vẫn còn bị tê bì, tôi bị rụng gần hết tóc và răng, nhưng tôi không có tiền để đi khám nha sỹ. Mặc dù mới ngoài 50 tuổi, nhưng bộ dạng tôi trông như thể một bà lão đã 80 tuổi vậy.

Khi ra tù thì tôi đã đến tuổi hưu theo quy định của pháp luật. Sau khi hồi phục sức khỏe thể chất và tinh thần, tôi đã liên hệ với một số cơ quan chính quyền để hỏi về vấn đề lương hưu, bao gồm Cục Giáo dục, Cục Nhân sự, Cục Lao động và Cục An sinh Xã hội ở địa phương, nhưng tất cả đều nói rằng họ không thể giúp gì cho tôi.

Đến năm 2019, khi tôi trao đổi với Cục An sinh Xã hội một lần nữa, họ cho biết chỉ những người đã đóng bảo hiểm ít nhất 15 năm mới đủ điều kiện nhận phúc lợi hưu trí. Tôi nói với họ rằng tôi đã dạy học trong 26 năm, nó đã vượt qua con số 15 năm. Nhưng họ nói rằng, kể từ khi tôi bị sa thải, một số năm làm việc của tôi đã bị xóa bỏ nên không được tính, do đó, tôi còn thiếu 4 năm 8 tháng so với số năm tối thiểu 15 năm. Cách duy nhất tôi có thể nhận phúc lợi hưu trí là phải đóng bổ sung khoản bảo hiểm của 4 năm 8 tháng còn thiếu kia.

Giờ đây tôi đã gần 60 tuổi rồi và đang sống một mình. Rất ít người mời tôi làm việc vì sức khỏe của tôi không tốt. Tôi không có nguồn thu nhập nào và phải dựa vào người thân để sống trong nhiều năm qua. Tôi chỉ có thể đủ tiền để ăn cháo và thức ăn lỏng, huống hồ là có tiền để đóng bổ sung khoản tiền bắt buộc kia để mà nhận phúc lợi hưu trí.

Giữ lại tiền lương hưu là bất hợp pháp

Việc giữ lại lương hưu của tôi là không có cơ sở pháp lý và vi phạm những điều luật và quy định liên quan được liệt kê dưới đây.

Văn kiện của Cục Lao động và An sinh xã hội tỉnh Liêu Ninh

Theo Điều 4 của Văn bản số 2008-32 “Thông báo về một số ý kiến về việc mở rộng phạm vi bảo hiểm dưỡng lão cơ bản và tăng quỹ thu nhập”:

“Những người đã rời khỏi các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội, doanh nghiệp và tổ chức khác mà không có việc làm trở lại có thể đăng ký với tư cách là người làm việc tự do để tham gia đóng góp BHXH dưỡng lão cơ bản của các doanh nghiệp khu vực thành thị, và khoản đóng góp bổ sung phí bảo hiểm dưỡng lão cơ bản được tính dựa trên tiền lương cơ bản và tỷ lệ của giai đoạn tương ứng. (Trong thời gian thụ án tù hoặc lao động cải tạo không đóng bổ sung bảo hiểm dưỡng lão). Những năm công tác liên tục phù hợp với chính sách và quy định của quốc gia trong thời gian công tác ban đầu trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội, đơn vị sự nghiệp được xem làm cơ sở thời gian để tính lương hưu.”

Tôi là một cựu giáo viên đã giảng dạy gần 26 năm ở thị trấn Thúy Nham thuộc vùng núi xa xôi, vì vậy tôi hoàn toàn đáp ứng được điều kiện này.

Lương hưu được nhiều điều luật bảo hộ

Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) và Luật Lao động bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tôi khi tham gia BHXH và được hưởng các đãi ngộ BHXH.

Luật Lao động đã được Quốc hội thông qua năm 1994 và đã được sửa đổi nhiều lần kể từ đó. Luật BHXH được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc thông qua vào tháng 10 năm 2010 và có hiệu lực vào tháng 7 năm 2011. Hai luật này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân về việc hưởng các đãi ngộ BHXH.

Điều 44 của Hiến pháp Trung Quốc có ghi: “Nhà nước áp dụng chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức của các doanh nghiệp, tổ chức và đối với các cơ quan chức năng của Nhà nước theo luật định. Sinh kế của người đã nghỉ hưu do Nhà nước và xã hội đảm bảo”.

Điều 73 Luật Lao động quy định: “Trong những trường hợp sau đây, người lao động được hưởng các quyền lợi BHXH theo quy định của pháp luật:

“Người lao động được hưởng các đãi ngộ BHXH theo quy định của pháp luật trong những trường hợp sau:

(1) Đang nghỉ hưu;

Điều kiện, tiêu chuẩn hưởng BHXH của người lao động được do pháp luật và pháp quy quy định. Tiền BHXH mà người lao động được hưởng phải được chi trả đúng thời hạn và đầy đủ.”

Điều 16 Luật BHXH quy định: “Cá nhân tham gia bảo hiểm dưỡng lão cơ bản sẽ được hưởng tiền dưỡng lão cơ bản hàng tháng nếu thời gian đóng góp lũy kế của cá nhân đó không dưới 15 năm tính đến tuổi nghỉ hưu theo luật định. Nếu thời gian đóng góp lũy kế của cá nhân đó không đủ 15 năm tính đến tuổi nghỉ hưu theo luật định, cá nhân đó có thể được lĩnh bảo hiểm dưỡng lão cơ bản hàng tháng sau khi cá nhân đã đóng góp bổ sung đủ số tiền cần thiết cho 15 năm theo luật định”.

Chính sách bất hợp pháp

Cục An sinh Xã hội đã trích dẫn một số tài liệu tham khảo, bao gồm “Nhắc nhở về việc thực hiện điều tra bằng văn bản về việc nhận lương hưu cơ bản bất hợp pháp của tù nhân” (văn bản của Viện Kiểm sát Tối cao), “Thư trả lời của Văn phòng Bộ Lao động và BHXH về phúc lợi bảo hiểm hưu trí sau khi người về hưu bị kết án” (của Bộ Lao động và BHXH, văn bản số 2001 – 44), và“ Thư của Văn phòng Bộ Lao động và An sinh Xã hội về giải thích bổ sung cho văn bản số [2001] Số 44” (của Bộ Lao động và An sinh Xã hội, văn bản số 2003 – 315). Nhưng tất cả những tài liệu này đều là bất hợp pháp.

Ví dụ, theo Văn bản số 2001-44: “Đối với những người nghỉ hưu bị kết án tù có thời hạn, hoặc xử phạt hình sự trở lên, sẽ bị đình chỉ lương hưu trong thời gian ngồi tù hoặc cải tạo lao động. Sau khi mãn hạn tù hoặc cải tạo lao động thì vẫn được tiếp tục nhận lương hưu cơ bản theo mức trước khi thụ án tù hoặc cải tạo lao động, và họ sẽ được điều chỉnh lương hưu cơ bản trong tương lai”.

Tuy nhiên trong Luật BHXH không hề có quy định như vậy. Căn cứ vào nguyên tắc luật cấp thấp hơn không được mâu thuẫn với luật của cấp cao hơn, thì chính sách này là vô hiệu. Ngoài ra, nó đã không tuân theo quy trình lập hồ sơ được quy định trong Chương 5 của Luật Lập pháp. Những quy định trong văn bản này mặc dù làm giảm đi quyền lợi của công dân và tăng quyền lực của các cơ quan chính quyền, nhưng nó không có cơ sở pháp lý hoặc có sự hỗ trợ từ các quy định hành chính.

Điều 80 của Luật Lập pháp sửa đổi năm 2015 quy định: “Các quy định của cơ quan hành chính phải nằm trong phạm vi thi hành luật hoặc các quy định, quyết định hoặc mệnh lệnh hành chính của Quốc vụ viện. Các quy định mà cơ quan hành chính được ban hành mà không căn cứ trên luật, quy định hành chính, quyết định hoặc mệnh lệnh của Quốc vụ viện phải không được làm suy giảm quyền lợi của công dân, pháp nhân hoặc các tổ chức khác, cũng như không được làm tăng nghĩa vụ của họ; và không được làm gia tăng quyền lực của cơ quan đó hoặc giảm bớt trách nhiệm của cơ quan đó theo quy định của pháp luật”.

Rõ ràng chính sách này mâu thuẫn với Luật Lập pháp. Ngoài ra, việc lương hưu của tôi bị đình chỉ vào tháng 8 năm 2020, tức là thời điểm mà Luật BHXH đã có hiệu lực. Do đó, tôi nên được hưởng đã ngộ hưu trí theo quy định của pháp luật.

Lương hưu là tài sản hợp pháp của người lao động về hưu

Lương hưu là thứ có được từ sự đóng góp hàng tháng của cả người lao động và người sử dụng lao động. Trên thực tế, nó không phải là khoản phúc lợi mà chính phủ cấp cho ngươi dân. Chính phủ chỉ đơn giản là thực hiện việc quản lý lương hưu. Do đó, lương hưu hoàn toàn là tài sản thuộc về cá nhân và nó không thể bị khấu trừ hoặc giữ lại chỉ vì người về hưu bị bỏ tù. Tức là, lương hưu không thuộc sở hữu của cơ quan BHXH, cơ quan này chỉ quản lý nó mà thôi.

Các nhân viên BHXH đã lạm dụng chức quyền của mình khi không làm theo Luật BHXH

Cục An sinh Xã hội cần phải hoạt động trong phạm vi được pháp luật và các quy định pháp luật hành chính cho phép. Khấu trừ hoặc giữ lại lương hưu là tước đoạt quyền sở hữu tài sản của công dân. Ngay cả các hình thức xử phạt tài sản được quy định trong Luật Xử phạt Hành chính cũng chỉ giới hạn ở phạt tiền và tịch thu tài sản phi pháp chứ tuyệt đối không phải lương hưu. Do đó, việc Cục An sinh Xã hội đình chỉ lương hưu của một người được coi là hành vi lạm dụng chức quyền.

Điều 89 Luật BHXH quy định: “Trường hợp cơ quan BHXH và nhân viên công tác có hành vi vi phạm nằm trong danh sách sau đây, thì cơ quan BHXH cần phải ra lệnh cải chính. Nếu gây tổn thất cho quỹ BHXH, đơn vị sử dụng lao động hoặc cá nhân, thì (những) người này phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Người quản lý trực tiếp hoặc nhân viên có trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

(1) Không thực hiện các nghĩa vụ theo luật định của BHXH;

(3) Khấu trừ hoặc từ chối chi trả đúng hạn đã ngộ BHXH;”

Điều 93 Luật BHXH quy định: “Cán bộ công chức, viên chức nhà nước lạm dụng chức quyền, lơ là nhiệm vụ, gian lận trục lợi, sẽ bị xử phạt theo pháp luật”.

Luật Cán bộ, Công chức, Viên chức sửa đổi có hiệu lực vào tháng 6 năm 2019 đã chỉ ra rằng những công vụ viên có sự sai phạm rõ ràng trong khi thi hành các quyết định, mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm tương ứng theo quy định của pháp luật.

Do đó, việc treo lương hưu của một người là hành vi trái với Hiến pháp, Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Lập pháp và Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích Người cao tuổi.

Các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù oan sai vì chỉ vì kiên định đức tin của họ

Theo Điều 35 của Hiến pháp Trung Quốc: “Công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, diễu hành và biểu tình.”

Điều 36 của Hiến pháp có ghi: “Công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.”

Nhiều học viên đã bị buộc tội vi phạm Điều 300 của Luật Hình sự, trong đó quy định rằng bất kỳ ai lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật sẽ bị truy tố ở mức tối đa theo pháp luật. Trên thực tế không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công hoặc gán nhãn Pháp Luân Công là một tà giáo. Tuy nhiên, các viện kiểm sát và tòa án thường viện dẫn Điều 300 này như là cơ sở pháp lý giải thích tư pháp của Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao, trong đó nói rằng bất kỳ ai tu luyện Pháp Luân Công sẽ bị truy tố ở mức tối đa theo pháp luật. Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao không phải là cơ quan lập pháp và không thể coi diễn giải của họ là luật để kết tội các học viên Pháp Luân Công.

Vài tháng sau khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, ông ta đã gọi Pháp Luân Công là một “tà giáo” trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10 năm 1999. Sau đó, các phương tiện truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát ở Trung Quốc đã hùa theo. Nhưng những nhận xét hoặc bài báo như vậy không có hiệu lực về mặt pháp luật.

Mặt khác, tác dụng tích cực của Pháp Luân Công đã được công chúng biết đến rộng rãi. Một số cuộc khảo sát quy mô lớn, trong đó có cuộc khảo sát do Kiều Thạch, cựu Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc phụ trách, đã đưa ra kết luận: “Pháp Luân Công đối với nước với dân chỉ có trăm phần lợi mà không có một phần hại.“

Thông cáo số 50 của Tổng Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc ban hành vào ngày 1 tháng 3 năm 2011, tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công.

Tóm lại, việc tu luyện Pháp Luân Công của tôi là một quyền hợp pháp được bảo vệ bởi Hiến pháp Trung Quốc và lương hưu của tôi được bảo vệ bởi một số luật. Xin hãy tuân theo luật pháp và đừng làm hại một người phụ nữ vô tội như tôi. Việc đình chỉ lương hưu sẽ không có gì là tốt cho tôi, cho các vị hoặc cho xã hội của chúng ta.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/18/434988.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/19/198199.html

Đăng ngày 24-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share