Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-01-2022] Ngày 14 tháng 12 năm 2021, một ngày sau Ngày Tưởng niệm Nạn nhân vụ Thảm sát Nam Kinh, cô Tống Canh Nhất, giảng viên trường Cao đẳng nghề Thần Đán ở Thượng Hải, trong một bài giảng đã bày tỏ nghi ngờ về số thương vong thực tế của vụ thảm sát, và mong học sinh suy xét một cách lý trí và đừng ôm hận. Một học sinh đã tách bài giảng của cô khỏi ngữ cảnh và đăng nó lên mạng. Do vậy, cô không chỉ bị những người trẻ tuổi ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên án mà còn bị giới truyền thông Trung Quốc chỉ trích. Cô Tống bị sa thải hai ngày sau đó.

Ngày 17 tháng 12, cô Lý Điền Điền, một giáo viên tiểu học đang mang bầu bốn tháng ở phía Tây tỉnh Hồ Nam, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cô Tống. Hai ngày sau, phòng giáo dục địa phương và gia đình đã đưa cô vào bệnh viện tâm thần. Các phương tiện truyền thông công bố cô đang bị “trầm cảm” nặng và đã tự nguyện nhập viện.

Những trường hợp như vậy không có gì mới đối với xã hội Trung Quốc dưới sự cai trị của chế độ cộng sản. Vào những năm 1960, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, các trường hợp học sinh tố cáo giáo viên hoặc thậm chí tố cáo cha mẹ họ là rất phổ biến. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999 và truyền bá những lời tuyên truyền công kích môn tu luyện này là tà giáo, nhiều người dân Trung Quốc đã quay lưng lại với các học viên ôn hòa và báo cho cảnh sát.

Sau đây là các ví dụ ở tỉnh Vân Nam về việc người dân Trung Quốc, do bị ĐCSTQ tẩy não, đã tố cáo những đồng bào của họ.

Sinh viên tố cáo giáo viên

“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống đạo đức trong văn hóa Trung Hoa. Nhưng ĐCSTQ lại làm ngược lại, cổ xúy “thuyết tiến hóa”, “thuyết vô thần”, “triết học đấu tranh”, “đấu trời, đấu đất, đấu người”, không nói về nhân tính, chỉ nói về đảng tính, làm suy đồi quan niệm đạo đức của con người. Đầu độc học sinh bằng văn hóa tà đảng ghét bỏ Pháp Luân Công và đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ, ngoài ra còn dùng tiền để khuyến khích học sinh sinh viên và toàn xã hội bán rẻ lương tâm đạo đức của họ.

Ngày 7 tháng 7 năm 2004, cô Giang Ngọc Lưu, một giáo viên của trường Trung học Nghề số 2 Côn Minh ở tỉnh Vân Nam, đã nói chuyện với học sinh của mình về nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và đưa cho họ các đĩa DVD về vụ tự thiêu ở Thiên An Môn, trò lừa đảo tuyên truyền lớn nhất của chính quyền nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công. Một học sinh đã báo cáo cô. Do vậy, cô bị bắt và sau đó bị cưỡng bức lao động trong hai năm.

Một học sinh cùng với cha mẹ của mình, đã tố cáo ông Tô Côn, giảng viên khoa học máy tính tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc phòng Vân Nam, vì đã phát các đĩa DVD có thông tin về Pháp Luân Công cho sinh viên vào ngày 6 tháng 12 năm 2004. Ông đã bị bắt và bị cưỡng bức lao động trong ba năm. Trong trại lao động, ông bị tra tấn tàn bạo: ban đêm ông bị kéo đến nghĩa địa để “đánh thức người chết”; ban ngày ông bị ngâm trong ruộng lúa; cai ngục còn ra lệnh cho các tù nhân đánh ông, khiến ông bị rụng hai chiếc răng; và ông bị cấm ngủ trong ba ngày liên tiếp.

Vào tháng 9 năm 2009, cô Thai Huệ, một học viên Pháp Luân Công ở huyện Mãnh Lạp, châu tự trị Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, đã nói chuyện với một số học sinh tiểu học về Pháp Luân Công khi các em đến cửa hàng đồ uống của cô. Một học sinh đã tố cáo cô. Sau đó, cô bị bắt và bị kết án bốn năm tù giam.

Tiến sỹ Trần Tân Văn, phó giáo sư tại Khoa Khoa học Đời sống của Đại học Vân Nam, đã nói với các sinh viên của mình về Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 10 năm 2016, và một sinh viên đã tố cáo ông. Cán bộ nhà trường và cảnh sát thuộc Phòng An ninh Nội địa quận Ngũ Hoa, Côn Minh đã giam ông trong 15 ngày. Ông bị cho thôi việc vào tháng 7 năm 2017.

Những người khỏe mạnh bị đưa đến bệnh viện tâm thần

Tra tấn tinh thần là một trong những phương pháp phổ biến được ĐCSTQ áp dụng đối với các học viên Pháp Luân Công kiên định. Nhiều người đã bị đưa đến bệnh viện tâm thần để “điều trị”. Các nhân viên y tế đã tích cực tham gia vào cuộc bức hại, coi thường đạo đức nghề nghiệp của họ.

Cô Từ Yến, một nhân viên của Công ty Cung ứng và Tiếp thị Kim loại Màu Trung Quốc ở Côn Minh, đã giao nộp các sách Pháp Luân Công của mình cho chính quyền do áp lực căng thẳng trong những ngày đầu của cuộc bức hại. Khi tỉnh ngộ, cô nói với cấp trên của mình muốn tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Lo sợ cô sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế của công ty với chính phủ, một cán bộ quản lý cao cấp của công ty đã thông báo rằng cô Từ bị bệnh tâm thần và lên kế hoạch đưa cô vào bệnh viện tâm thần.

Khi cô Từ đến Phòng An ninh Nội địa Côn Minh để giải thích lý do cô không muốn từ bỏ đức tin của mình, cảnh sát trưởng Khâu Vân Côn đã gọi ba cảnh sát đến bắt cô và đưa cô đến Bệnh viện Tâm thần Côn Minh.

Cô Từ bị tra tấn về thể xác và tinh thần trong bệnh viện tâm thần. Hàng ngày, bốn hoặc năm nhân viên y tế ép cô phải tiêm thuốc, họ còn ép cô uống thuốc ba đến bốn lần. Cô trở nên buồn nôn, nôn mửa và không thể ăn sau khi dùng thuốc. Số thuốc đó đã phá hủy hệ thần kinh trung ương của cô, khiến cô thường xuyên buồn ngủ và hôn mê.

Bà Vương Khải Huệ, một bác sỹ nghỉ hưu của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tỉnh Vân Nam, đã bị giám sát khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Trong “những ngày nhạy cảm về chính trị”, các nhân viên bảo vệ của bệnh viện đã được cử đến nhà bà để theo dõi bà. Bà Vương đã từng bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Côn Minh để “điều trị” vào năm 2002 và bị tra tấn cả về tinh thần và thể chất.

Cô Trương Tinh Diễm, nhân viên thu phí đường cao tốc Côn Minh, đã bị kết án lao động cưỡng bức vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi cô được thả khỏi trại lao động vào tháng 3 năm 2003, các quản lý nhân sự nơi làm việc của cô, bao gồm phó giám đốc Uông Hồng và chính trị viên Lý Triều Tiên, đã liên tục sách nhiễu và cố ép cô từ bỏ Pháp Luân Công. Khi cô từ chối làm như vậy, cô đã bị cho thôi việc và chỉ nhận được khoản tiền bồi thường tối thiểu để sinh sống.

Công ty của cô Trương buộc chồng cô phải có người thân sống tại nhà của họ để theo dõi cô, đồng thời cử một số nhân viên theo dõi cô suốt ngày đêm. Tháng 7 năm 2003, cô Trương định rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm, nhưng trước khi cô có thể rời đi, nhân viên từ công ty của cô, và chồng cô, phối hợp với cảnh sát, đã đưa cô đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vân Nam.

Tại bệnh viện tâm thần, bác sỹ Trương Hồng Hỷ và bác sỹ họ Mạnh (không rõ tên) đã ép cô Trương uống thuốc. Cô bị buồn ngủ, đau bụng, nôn mửa và sau đó bị kích động về mặt tinh thần. Cô bị đau xương và bị tê bì chân tay. Do kháng cự quyết liệt, cô Trương đã được thả sau hơn một tháng bị giam giữ. Gia đình cô đã phải trả tổng cộng hơn 8.000 Nhân dân tệ tiền viện phí.

Bà Dư Quỳnh Hoa, một nhân viên của Nhà máy Đóng hộp Đức Hòa, Côn Minh, bị ngã xe đạp và bị thương vào đêm 5 tháng 5 năm 2019. Một người qua đường đã gọi cho cảnh sát. Khi các nhân viên từ Đồn cảnh sát Nguyệt Nha Đường đến, họ tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trong túi của bà. Thay vì đưa bà Nguyệt đến bệnh viện để điều trị, họ đã giam bà tại Trại tạm giam Số 1 Côn Minh.

Người cha 92 tuổi và người mẹ 79 tuổi của bà, cùng các thành viên khác trong gia đình đã nhiều lần đến đồn cảnh sát để yêu cầu thả bà. Ngày 11 tháng 5 gia đình bà được thông báo đến đồn cảnh sát để đón bà. Tuy nhiên, khi gia đình đến nơi, cảnh sát cho biết bà Nguyệt chưa được về nhà ngay mà phải vào bệnh viện tâm thần một tuần. Nếu gia đình bà không chấp thuận, bà Nguyệt sẽ bị đưa trở lại trại tạm giam. Gia đình bà không còn cách nào khác là phải ký vào bản thỏa thuận.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/21/436965.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/11/199152.html

Đăng ngày 14-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share