Bài viết của Lý Lị, học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc (Bài viết được đăng tải sau khi tác giả qua đời)

[MINH HUỆ 19-04-2021] Cô Lý Lị người gốc tỉnh Hắc Long Giang. Cô phải trải qua một cuộc sống đầy khó khăn, năm 1992 mẹ cô qua đời vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân và năm 1994 thì đến lượt em trai bị u não. Năm 1981, cô kết hôn nhưng không may lại trở thành nạn nhân của nạn bạo hành gia đình trong suốt cuộc hôn nhân của mình. Chồng cô ngoại tình, và cuối cùng đã ly hôn với cô vào năm 1996, không lâu sau anh lại tái hôn với vợ của người em quá cố của cô.

Bất chấp những khó khăn và đau buồn, cô Lý vẫn chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn, và thậm chí chồng cũ của cô đã bảo vệ cô sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999. Một phóng viên truyền hình, một người bạn của anh ấy, định phỏng vấn anh và muốn anh đổ lỗi cho Pháp Luân Đại Pháp đã làm đổ vỡ cuộc hôn nhân của anh với cô Lý. Nhưng anh đã kiên quyết từ chối lời mời phỏng vấn của bạn mình. Trong thời gian cô Lý bị bắt giam phi pháp vì tín ngưỡng của mình, anh đã giúp cô cất giữ các cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp ở một nơi an toàn. Sau khi được trả tự do, cô vẫn buộc phải sống xa nhà để tránh bị bắt giữ lần nữa, anh đã thay cô chăm sóc cho con trai của họ chu đáo.

Sau đó, cô Lý qua đời vì bị bức hại. Dưới đây là loạt 10 bài viết được biên tập dựa trên lời kể của cô.

Mặc dù trải qua đau khổ và bất hạnh, nhưng tôi vẫn vui vẻ và đối xử tốt với những người đã ngược đãi tôi.

(Tiếp theo Phần 6)

Đại Pháp ban cho tôi sức mạnh

Ngay sau Tết Nguyên đán năm 1994, tôi đã nhận được một bức thư báo tin bệnh ung thư của em trai tôi lại tái phát. Các bác sĩ chỉ có thể cắt bỏ một phần nhỏ bằng phương pháp phẫu thuật phóng xạ dao Gamma vì tính mạng của em trai tôi sẽ gặp nguy hiểm nếu bị cắt bỏ nhiều hơn.

Tôi đã bắt một chuyến tàu đến khoa nội trú của bệnh viện Ung thư Cáp Nhĩ Tân để chăm sóc em trai. Các bác sĩ khuyên không nên tiếp tục phẫu thuật và gia đình chúng tôi đồng ý bảo trì trị liệu để duy trì sự sống cho em ấy. Tôi mang theo cuốn sách Pháp Luân Công là cuốn sách được Sư phụ Lý xuất bản lần đầu. Một học viên khác cũng đưa cho tôi một cuốn sách về một môn khí công khác và đề nghị tôi hãy mang theo để phòng trường hợp có thể giúp ích cho em trai.

Trải qua hai cuộc đại phẫu, cơ thể em trai tôi đã bị biến đổi. Thuốc bổ sung hormone đã khiến trọng lượng cơ thể em tăng gần một nửa. Do khối u chèn ép vào dây thần kinh nên một bên cơ thể em đã bị liệt. Thêm vào đó là em ấy không thể tự chăm sóc cho bản thân. Vì vậy, em gái, em dâu và tôi thay nhau chăm sóc cho em trai. Có lẽ vì quá mệt mỏi khi phải đối mặt với tất cả những vấn đề này nên bố tôi chỉ thỉnh thoảng mới đến thăm. Tôi đã cố gắng hết sức để chăm sóc cho em trai mình.

Hành xử dựa trên Pháp

Đối mặt với ma nạn này, tôi hiểu rằng mình nên hành xử dựa trên Pháp. Bất cứ khi nào có chút thời gian, tôi đều lấy sách Đại Pháp ra đọc, như thế sẽ giúp tôi biết được mình cần phải làm gì. Đại Pháp đã ban cho tôi vô lượng sức mạnh và dũng khí để vượt qua khổ nạn. Trạng thái của tôi lúc đó rất tốt, tôi có thể dùng tâm thái lạc quan và bình hòa để đối diện với những người thân đang phiền muộn mỗi ngày.

Tôi cũng muốn giảm bớt gánh nặng cho người thân bằng cách đảm nhận nhiều công việc hơn. Tôi cố gắng bài xích mọi ý niệm bất hảo xuất hiện trong đầu não gồm cả can nhiễu về tình thân, và cố gắng học Pháp nhiều hơn. Ngay cả trong khổ nạn, miễn là tâm trí của tôi được Đại Pháp lấp đầy thì tôi sẽ cảm thấy mình không còn là con người như trước đây nữa. Mặc dù tôi chỉ nặng hơn 45 kg một chút nhưng tôi không hề mệt mỏi mà cảm thấy rất sung sức. Điều này quả thực là bất khả tư nghị. Trước đây, đều là người khác chăm sóc cho tôi, nhưng giờ đây tôi đã có thể chăm sóc cho mọi người mà không thấy mệt mỏi.

Tinh thần lạc quan của tôi cũng ảnh hưởng nhiều đến những thành viên khác trong gia đình, khiến họ bớt phần căng thẳng. Đôi khi tôi có thể tranh thủ đả tọa một lúc, tôi cũng đỡ em trai ngồi dậy và dạy em luyện các bài công pháp. Tôi nói cho em nghe về sự mỹ hảo của Pháp Luân Công và những thay đổi lớn về sức khỏe mà tự thân tôi đã trải qua. Em trai tôi cũng cố gắng học nhưng do sức khỏe yếu nên chỉ tập được một chút lại phải nằm xuống nghỉ. Mặc dù em ấy không thể nói ra nhưng tôi biết em đang rất cố gắng.

Bất nhị pháp môn

Tôi chợt nhớ đến cuốn sách khí công mà tôi đã được tặng trước đây. Cầm cả hai cuốn sách trên tay, tôi nghĩ: “Đây chẳng phải lại là một khảo nghiệm sao? Một bên là sách Đại Pháp và một bên là sách khí công”. Tôi không còn băn khoăn về việc sẽ chọn cuốn sách nào, bởi tôi đã đọc sách của Sư phụ từ trước đến nay và tất cả những thay đổi và sức khỏe mà tôi có được là từ việc đọc sách Đại Pháp. Tôi sẽ không để vấn đề “bất nhị pháp môn” gây trở ngại cho tôi một lần nữa. Tôi cất lại cuốn sách khí công kia vào túi và dự định sẽ trả lại người tặng sau.

Tôi tự nhủ vì sao mình lại không đọc sách của Sư phụ cho em trai nghe nhỉ? Không có việc gì tốt hơn việc này, nên tôi bắt đầu đọc sách Đại Pháp cho em nghe mỗi ngày. Tôi đã đọc hết cuốn sách trong vài ngày. Rồi tôi hỏi em ấy có muốn tự đọc sách không và em đã gật đầu đồng ý. Tôi đỡ em ấy ngồi dậy và đặt cuốn sách trước mặt em rồi lật từng trang cho em đọc, em đọc rất chăm chú. Sau khi đọc hết cuốn sách, em ấy đã xin tôi một tờ giấy và một cây bút. Em dùng cánh tay mà mình có thể sử dụng được (dù vẫn còn run rẩy), rồi viết: “Chị có thể giải thích cho em biết tại sao em bị u não không? Tại sao căn bệnh này lại di truyền từ tổ tiên sang cho em?”

Ông tôi cũng mất vì căn bệnh ung thư. Lúc đó tôi không thể trả lời được câu hỏi của em, nhưng tôi biết phải có lý do đằng sau đó. Em trai tôi tuy đã đọc xong cuốn sách nhưng em ấy không thể quên được căn bệnh của mình, và em ấy đã viết ra câu hỏi mà em không thể lý giải.

Bị tình can nhiễu

Vì còn phải tiếp tục công việc giảng dạy nên tôi không thể ở lại bệnh viện quá lâu và đã trở về Trường Xuân. Sau khi tôi quay lại bệnh viện Cáp Nhĩ Tân để chăm sóc em trai thì sức khỏe của em đã trở nên xấu đi. Em gái và em dâu tôi thì kiệt sức sau nhiều ngày chăm sóc nên tôi đề nghị mọi người hãy về nhà và để mình tôi ở lại. Sau khi họ rời đi, tôi vô cùng bận rộn. Ban ngày tôi phải nấu thức ăn và cho em trai ăn, chăm sóc em ấy và theo dõi các dây truyền tĩnh mạch từ sáng đến tối. Tôi chỉ có thể được nghỉ ngơi một chút sau nửa đêm. Nhưng tôi vẫn ổn và khỏe mạnh hơn nhiều so với người thường.

Một ngày nọ, tôi đã rất cố gắng để giúp em trai ngồi được lên ghế. Tôi đặt tất cả các loại đồ vật xung quanh để giữ cho em không bị ngã. Nhưng khi tôi vừa quay đi để lấy đồ thì nghe thấy tiếng rầm một cái! Cả người em ngã nhào từ trên ghế xuống đất, do chân tay em không cử động được nên không có khả năng phòng vệ. Tôi nghe thấy em kêu lên một tiếng “Oái!” và vội vã chạy đến. Trán của em sưng một cục lớn, tôi đã cố gắng đỡ em dậy nhưng không thể làm được vì em quá nặng.

Nhìn vết sẹo trên đầu em trai sau cuộc phẫu thuật và nghĩ đến nỗi đau mà mình phải gánh chịu, tôi đã không kiềm chế được, ôm lấy em và khóc. Sau đó, tôi nhận ra có điều gì đó không đúng – làm sao tôi có thể bị động tâm và khóc lóc như vậy? Tôi lau nước mắt rồi đến một phòng bệnh khác để nhờ hai thanh niên giúp tôi đỡ em trai dậy. Chúng tôi cùng đưa em trai trở lại giường. Tôi biết mình đã không vượt qua tốt khảo nghiệm này vì tôi đã bị tình can nhiễu. Sau đó em gái và em dâu tôi trở lại bệnh viện để thay phiên tôi chăm sóc cho em trai.

Sư phụ thật gần gũi: Chiểu theo Pháp

Khi tôi từ Cáp Nhĩ Tân trở về nhà ở Bắc Kinh và nhìn thấy ảnh Pháp tượng của Sư phụ treo trên tường, tôi đã không thể cầm được nước mắt. Tôi nhìn lên thấy bức ảnh trở nên sống động và Sư phụ nhìn tôi hết sức từ bi. Tôi cảm thấy Sư phụ gần gũi hơn bất kỳ người thân nào, trong tâm tôi cũng có rất nhiều điều muốn nói với Sư phụ.

Hồi tưởng lại khoảng thời gian đó, tôi nhận ra bản thân đã quá chấp trước vào tình — đó là lý do tại sao tôi phải đối diện với quan này từ khi mới bước vào tu luyện, đặc biệt là tình cảm của tôi đối với các thành viên trong gia đình rất mạnh mẽ. Vì cái tình quá nặng đó mà tôi mất ăn, mất ngủ và lúc nào cũng lo lắng chuyện này, chuyện kia. Bất kể là tôi phải chịu đựng thống khổ lớn đến đâu, tôi cũng sẽ không để người khác phải chịu khổ, đặc biệt là đối với người thân trong gia đình. Sau khi bước vào tu luyện Đại Pháp, tôi nhận ra mình đã bị can nhiễu và hãm nhập trong cái tình mà không thể thoát ra được. Thông qua các bài giảng của Sư phụ, tôi ngộ được tình chính là ma; tình cũng chính là tự tư và nó có thể sinh ra đủ loại chấp trước. Trong khổ nạn này, tôi ý thức được rằng em trai đang giúp tôi tu bỏ tình để tôi đề cao lên. Nếu tâm tôi không cải biến thì em trai sẽ phải tiếp tục chịu đựng thống khổ. Từ trong tâm, tôi nói với Sư phụ: “Thưa Sư phụ, như vậy là đủ rồi, con không thể cứ ở mãi ở trong trạng thái này, con nhất định sẽ buông bỏ tình”.

Khi tôi quay lại bệnh viện lần thứ ba để chăm sóc em trai thì tình hình đã đổi khác. Tôi quyết định coi mình là một học viên chân chính và chiểu theo Pháp trong mọi tình huống. Tôi đã nghiêm khắc với bản thân và không buông lơi một chút nào. Trong khi em gái và em dâu đang làm tất cả những gì có thể để chăm sóc cho em trai thì chúng tôi nghe tin từ quê nhà ở thành phố Tuy Hóa thông báo rằng cha của chúng tôi đã phải nhập viện vì suy thận và tiểu ra máu. Do không có ai ở nhà chăm sóc cha nên ông chủ đã cho người đến chăm sóc cha của chúng tôi trong bệnh viện.

Vài ngày sau, tôi lại nhận được thông báo từ quê nhà ở thành phố Hạ Môn rằng cậu con trai út của chú tôi đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và đã được đưa đến bệnh viện ở Thượng Hải. Do vợ chồng người chú mất từ khi còn trẻ nên cha tôi đang phải chăm sóc cho năm đứa con của họ, một số đã đi làm và một số đã lập gia đình. Thêm nữa, dì của tôi ở thành phố Cáp Nhĩ Tân lại bị thương ở chân trong một vụ tai nạn xe hơi.

Tôi biết tất cả những bất hạnh này đang “khảo nghiệm” xem liệu tôi có bị động tâm hay không. Lần này, tôi đã có thể bảo trì tốt tâm tính của mình: tôi đã có thể buông bỏ các chấp trước và giữ được bình tĩnh.

Kể từ khi bắt đầu chăm sóc em trai, tôi đã đi tàu hỏa qua lại giữa Cáp Nhĩ Tân, Trường Xuân và Bắc Kinh, và dành phần lớn thời gian cho thử thách khốc liệt này. Vài ngày sau khi kết thúc đợt chăm sóc thứ ba và trở về Bắc Kinh thì tôi nhận được điện thoại thông báo em trai đã qua đời. Gia đình tôi yêu cầu tôi phải quay về càng sớm càng tốt để dự đám tang. Trong tâm tôi vẫn rất bình tĩnh và nghĩ: Đến lúc phải đi thì đi thôi! Đó cũng là điều bình thường.

Những khổ nạn liên quan đến em trai đã giúp tôi nhận ra một điều rằng người thân trong gia đình cuối cùng đều sẽ rời bỏ tôi. Tôi đã cố gắng níu giữ họ lại nhưng không có kết quả, nó nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Nếu tôi không phải là một học viên thì tôi cũng sẽ phải đối mặt với cái chết vào một ngày nào đó. Và con trai tôi sẽ lại đứng bên giường và cố gắng giữ tôi ở lại, cháu sẽ đối mặt với tình huống tương tự, không có gì ngoài nỗi thống khổ vô tận. Là một người tu luyện, tôi đã minh bạch một trong các lý do tại sao con người phải chịu đựng đau khổ, tôi cũng nhận ra rằng mình không thể giống như một người thường và chịu đựng nỗi đau như thế. Điều đó có nghĩa là tôi tất yếu phải tu bỏ chấp trước căn bản của người thường – đó chính là chấp trước vào tình.

Gặp lại Sư phụ

Thời gian trôi qua thật nhanh, đến giữa tháng 8 năm 1994, tôi lại từ Bắc Kinh trở về Trường Xuân để giảng dạy. Trước buổi lên lớp, tôi đã đến thăm lão Từ, lão Từ nói với tôi rằng Sư phụ Lý sẽ trở về Trường Xuân trong vài ngày tới và chúng tôi sẽ đi đón Sư phụ. Nghe vậy tôi rất vui mừng, tôi đã phải đi đi lại lại ở bên ngoài trong một thời gian dài và trải qua nhiều khổ nạn, đã lâu rồi tôi không được gặp Sư phụ.

Vào ngày chúng tôi đến đón Sư Phụ ở sân bay, tôi đã mặc một chiếc váy màu hồng có trang trí đăng-ten hoa văn. Từ xa, chúng tôi nhìn thấy Sư phụ đang đi về phía chúng tôi, tôi thấy rất vui và phấn khích. Tôi có thể thấy Sư phụ cũng vui mừng, Sư phụ bước đến gần bắt tay tôi và hỏi: “Con về khi nào?” Tôi nói với Sự phụ rằng mình đã quay lại đây được một tuần. Sau đó Sư phụ và chúng tôi cùng nhau chụp một bức ảnh tập thể tại sân bay. Sư phụ đã ở lại Trường Xuân trong một thời gian ngắn trước khi đến Diên Cát để giảng Pháp.

Trước khi Sư phụ rời đi, tôi đã dành một đêm để viết một bài tâm đắc thể hội rất dài. Tôi đã viết kín hết 12 trang giấy để kể với Sư phụ về cuộc sống khó khăn của mình, cách tôi vượt qua khổ nạn và những câu hỏi liên quan đến các khổ nạn mà tôi gặp phải. Tôi hỏi Sư phụ: “Tại sao cuộc sống của con lại đau khổ như vậy?”. Đến cuối bài, tôi viết: “Sư phụ của tôi chỉ có một, đó là Ngài Lý Hồng Chí. Trong tâm tôi chỉ có Pháp Luân Công” để thể hiện quyết tâm tu luyện Đại Pháp của mình.

Chúng tôi đã đến sân bay tiễn Sư phụ đi Diên Cát để giảng Pháp. Trong lúc ở phòng chờ của sân bay, Sư phụ đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện về chiếc thoi nạp đạn (đây là một bộ phận của báng súng nạp đạn nhiều lần). Lúc đó, tôi không nhận ra rằng Sư phụ đã dùng câu chuyện này để điểm hóa cho chúng tôi. Mãi đến nhiều năm sau, tôi mới hiểu được Sư phụ muốn nói với chúng tôi rằng không có gì là ngẫu nhiên trên con đường tu luyện, ngay cả khi nó chỉ là một điều nhỏ nhặt. Trước khi Sư phụ lên máy bay, tôi đã đưa cho Ngài một phong bì đựng bài viết về trải nghiệm tu luyện của mình và thầm nghĩ: “Sư phụ sẽ đọc lá thư trên máy bay”.

(Còn tiếp)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/19/421626.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/1/196402.html

Đăng ngày 09-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share